Hình ảnh cây Kim tiền thảo – Cách dùng, tác dụng

Vị thuốc Đông y

KIM TIỀN THẢO

Tên khác: vảy rồng, mắt trâu, đồng tiền lông, dây sâm lông, bươm bướm. Tên khoa học: Desmodium styracifolium (Osb.) Merr.

Họ Đậu               (Fabaceae)

MÔ TẢ

Cây thảo mọc bò, sau đứng thẳng, có ngọn non hơi dẹt, phủ đầy lông trắng. Lá mọc so le chỉ có 1 lá chét (2 lá chét bên đã tiêu giảm), mép nguyên, mặt trên màu lục xám, mặt dưới phủ đầy lông màu trắng bạc; cuống lá dài.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn thành chùm ngắn hơn lá, hoa màu hồng; đài nhỏ có răng đều; tràng có cánh cờ hình bầu dục, cánh thìa có tai và các cánh bên thuôn; nhị 2 bó, bầu có ít lông.

Quả đậu nhỏ, hơi cong; hạt có lông.

Mùa hoa quả: tháng 3 – 5.

Kim Tiền Thảo
Kim Tiền Thảo

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, kim tiền thảo phân bố ở Lào, phía Nam Trung Quốc.

Ở Việt Nam, cây mọc hoang nhiều ở các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh… Thường gặp thành từng đám ở ven rừng, nương rẫy bỏ hoang. Cây ưa sáng, ưa ẩm và có thể chịu được khô hạn.

BỘ PHẬN DÙNG, THƯ HÁI, CHẾ BIẾN

Cả cây, trừ rễ, thu hái vào mùa hè thu, phơi hoặc sấy khô.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Cả cây kim tiền thảo chứa polysaccharid, saponin triterpenic (soyasaponin I), flavonoid (isovitexin, vicenin), P-sitosterol, lupeol, lupenon, desmodimin…

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Chất soyasaponin I có tác dụng ức chế sự hình thành sỏi Ca oxalat ở thận, đồng thời làm tăng lượng bài tiết nước tiểu.

Flavonoid của kim tiền thảo có tác dụng hạ huyết áp và đẩy sỏi.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Kim tiền thảo là một vị chủ lực trong các thang thuốc chữa các bệnh về thận như viêm thận, phù thũng, đặc biệt là sỏi đường tiết niệu, sỏi mật. Ngoài ra, nó còn có tác dụng trị viêm gan vàng da.

Liều dùng hàng ngày: 20 – 40g dưới dạng thuốc sắc.

Có thể dùng độc vị kim tiền thảo (100 – 200g) nấu với 1 lít nước cho đặc, uống làm nhiều lần trong ngày.

Hoặc kim tiền thảo (40g) phối hợp với hoạt thạch (8g) sắc uống ngày một thang.

BÀI THUỐC

  • Chữa sỏi thận, sỏi bàng quang: Kim tiền thảo (40g), mã đề (20g), tỳ giải (20g), trạch tả (12g), ngưu tất (12g), uất kim (12g), kê nội kim (8g).

Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. (Nếu đái ra máu, thêm cỏ nhọ nồi (16g)).

Hoặc kim tiền thảo (12g), mã đề (12g), rễ giền gai (12g, sao vàng), rễ cỏ tranh (12g), rễ thiên lý (12g), vỏ quả bí đao (12g), đậu đen (12g, sao thơm).

Sắc uống trong ngày.

  • Chữa sỏi túi mật: Kim tiền thảo (20g), rau má (20g, để tươi), cỏ xước (20g), hoạt thạch (12g), vảy tê tê (12g), củ gấu (12g), nghệ vàng (8g), hải tảo (8g), màng mề gà (6g). Tất cả sắc uống làm hai lần trong ngày.
  • Chữa sỏi niệu thể nhẹ: Kim tiền thảo (40g), thạch vĩ (20 – 40g), hoạt thạch (20 – 40g), hạt mã đề (12 – 40g), hải kim sa (12 – 40g), đông quỳ tử (12 – 40g), ngưu tất (12g), chỉ xác (12g), hậu phác (12g), vương bất lưu hành (12g). Sắc uống.

Thuốc có tác dụng đẩy sỏi có đường kính 0,5 – 0,9cm. (Tài liệu nước ngoài).

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận