Hà thủ ô đỏ – Cách dùng và tác dụng chữa bệnh hà thủ ô đỏ

Vị thuốc Đông y

Hà thủ ô đỏ

Tên khác:  Dạ giao đằng, mằn năng ón (Tày),

khua lình (Thái), xạ ú sí (Dao) Tên khoa học: Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson

Họ Rau răm (Polygonaceae)

MÔ TẢ

Dây leo có thân mảnh, nhẵn. Rễ củ màu nâu đỏ, giống củ khoai lang. Lá mọc so le, có bẹ chìa mỏng, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới rất nhạt.

Cụm hoa là một chùm chùy phân nhánh mọc ở kẽ lá và đầu cành, hoa nhỏ nhiều, màu trắng.

Quả hình 3 cạnh, thuôn hẹp về phía cuống, nhẵn, bao bọc bởi 3 mảnh của bao hoa phát triển thành những cánh rộng.

Mùa hoa quả: tháng 9 – 2.

Hà Thủ Ô đỏ ( dạ giao đằng)
Hà Thủ Ô đỏ ( dạ giao đằng)

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Hà thủ ô đỏ phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Các nước ở châu Á có nhiều hà thủ ô đỏ như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, cây chỉ có ở các tỉnh vùng núi cao hơn 1000m phía Bắc. Thường gặp ở rừng núi đá vôi, trên đất ẩm, xốp, nhiều mùn thuộc các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang… Các tỉnh khác cũng có nhưng ít như Hòa Bình, Thanh Hóa, Yên Bái…

Hà thủ ô đỏ đã được ghi trong Sách Đỏ quốc gia để bảo vệ.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Rễ củ hà thủ ô đỏ, thu hái vào mùa thu, đào về, rửa sạch, cắt bỏ gốc thân và rễ con, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ đôi hay bổ tư, rồi phơi hoặc sấy khô. Nếu đồ chín rồi mới làm khô thì tốt hơn.

Rễ hà thủ ô đỏ phải được chế biến mới dùng. Cách làm như sau: Ngâm dược liệu đã sơ chế vào nước vo gạo trong một ngày, một đêm. Rửa sạch. Đổ nước đậu đen vào, (cứ 1 kg hà thủ ô cần 100g đậu đen, nấu với 2 lít nước đến khi đậu đen nhừ nát), đun đến khi rễ mềm và đen là được (năng đảo cho thuốc chín đều). Lấy ra, thái mỏng, phơi khô. Nếu còn nước đậu đen thì tẩm, phơi cho hết. Làm như vậy được 9 lần (cửu chưng, cửu sái) càng tốt. Mục đích chê biến để dược liệu tăng thêm tác dụng, làm cho tính thuốc êm dịu và cơ thể dễ hấp thu.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Rễ hà thủ ô đỏ chứa protid, tinh bột, lipid, các chất vô cơ, các antraglucosid gồm emodin, rhein, chrysophanol, tanin. Đặc biệt, tanin thay đổi trong quá trình chế biến: dược liệu để sống chứa 7,68% tanin; sau khi chế biến còn 3,82%.

Ngoài ra, rễ còn chứa lecithin với hàm lượng 3,7%.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Qua nghiên cứu, rễ hà thủ ô đỏ có những tác dụng như bổ thần kinh, bổ tim, giúp sinh huyết và cải thiện chuyển hóa (do chất lecithin), kích thích co bóp ruột, tăng cường tiêu hóa, cải thiện dinh dưỡng (do antraglucosid).

Ngoài ra, rễ dưới dạng cao cồn còn làm giảm choles- terol trong máu có tác dụng dự phòng xơ mỡ động mạch.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Rễ hà thủ ô đỏ được dùng chữa cơ thể và thần kinh suy nhược, suy thận, thiểu năng gan, thiếu máu, ăn ngủ kém, di mộng tinh, bạch đới, đại tiện ra máu, sốt rét, lưng và gối đau mỏi. Uống lâu làm đen râu tóc, làm tóc đỡ khô và rụng.

Liều dùng hàng ngày: 12 – 20g dưới dạng thuốc sắc, cao lỏng hoặc rượu ngâm.

Dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Khi uống hà thủ ô đỏ, không ăn hành, tỏi, cải củ. Người có huyết áp thấp và đường huyết thấp không dùng hà thủ ô đỏ. Hơn nữa, không dùng hà thủ ô đỏ uống hàng ngày thay nước chè vì dễ bị táo bón.

Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhân dân lại nấu hà thủ ô đỏ với lá câu kỷ và thịt chuột đồng làm một món ăn đặc sản với tác dụng bổ dưỡng, làm tăng tuổi thọ.

BÀI THUỐC

  • Thuốc bổ máu, kích thích ăn ngon, bớt đau mỏi: Hà thủ ô đỏ (5g), vỏ cây sữa (5g), mã tiền chế (0,2g). Tất cả nghiền nhỏ, ngâm với 500ml cồn, càng lâu càng tốt. Ngày uống hai lần, mỗi lần một chén nhỏ trước bữa ăn.
  • Thuốc bổ chung: Hà thủ ô đỏ (1000g), thỏ ty tử (1000g), huyết giác (1000g), đậu đen (1000g, sao cháy), hoài sơn (1000g), vừng đen (300g), ngải cứu (200g), gạo nếp (100g, rang vàng), muối rang (5g). Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, làm cốm hoặc rập viên. Ngày dùmg 10 – 20g. (Kinh nghiệm của Hợp tác xã thuốc dân tộc Hợp Châu).
  • Chữa suy nhược, ăn ngủ kém ở người cao tuổi, đàn ông di tinh, đàn bà bạch đới, trẻ em chậm biết đi, chậm mọc răng: Hà thủ ô đỏ (50g), sâm Bố Chính (30g), hạt sen (30g), cam thảo (10g), đại hồi (10g), thảo quả (10g). Hà thủ ô, sâm Bố Chính, hạt sen đồ chín; cam thảo nướng vàng; thảo quả bỏ vỏ, lấy nhân. Tất cả trộn đều, sấy khô, tán bột, rây mịn, luyện với mật ong làm viên bằng hạt đậu xanh.

Ngày uống hai lần, mỗi lần 20 viên đối với người lớn, 6-15 viên cho trẻ em tùy tuổi. (Kinh nghiệm của tổ y học dân tộc Quảng Bình – Thừa Thiên Huể).

  • Chữa xơ cứng mạch máu ở người cao tuổi, tăng huyết áp: Hà thủ ô đỏ (20g), tang ký sinh (16g), câu kỷ tử (16g), ngưu tất (16g). Thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận