Trang chủVị thuốc Đông yHình ảnh và tác dụng chữa bệnh của Cá ngựa

Hình ảnh và tác dụng chữa bệnh của Cá ngựa

CÁ NGỰA

Tên khác:             Hải mã, thủy mã, hải long

Tên khoa học: Hippocampus spp.

Họ Cá chìa vôi (Syngnathidae)

MÔ TẢ

Có nhiều loài cá ngựa ở Việt Nam:

Cá ngựa trắng hay bạch hải mã (Hippocampus kellogi Jordan et Snyder), cá ngựa vàng hay đại hải mã (Hippocampus kuda Bleeker), cá ngựa gai hay thích hải mã (Hippo- campus histrix Kaup), cá ngựa chấm hay cá ngựa ba khoang, tam ban hải mã (.Hippocampus trimaculatus Leach), cá ngựa Nhật (Hippocampus japonicus Kaup), cá ngựa thường (Hippocampus guttuừiticus), cá ngựa mõm ngắn (Hippocampus brevirostris), cá ngựa Úc (Hippocampus phylloperexeques).

Các loài đều có những đặc điểm chung về hình thái như sau: Hình thù trông rất lạ mắt. Thân dẹt bên, cấu tạo bởi các đốt xương vòng từ cổ đến chót đuôi. Đầu tựa như đầu ngựa, cụp xuống hoặc vuông góc với thân, có chùm gai ở đỉnh. Mõm thuôn dài, mắt to, lưng hơi võng có vây to đính ở giáp ranh giữa lưng và đuôi, bụng phình không có vây. Cá ngựa đực có túi ở bụng để hứng trứng do con cái đẻ vào. Đuôi dài hình xoắn ốc làm nhiệm vụ bám vào rong rêu hay san hô. Suốt dọc đầu, lưng và sống đuôi có gai hoặc mấu. Toàn thân có màu sắc khác nhau, vàng, trắng, nâu, có khi pha đỏ và xanh đen tùy từng loài, vùng cư trú và trạng thái sinh sống.

Mỗi loài lại có đặc điểm riêng như cá ngựa gai có gai dài và nhọn ở đầu, lưng và sống đuôi; ở cá ngựa vàng là những mấu nhỏ; ở cá ngựa trắng và cá ngựa chấm là những mấu ngắn và tù; còn ở cá ngựa Nhật lại là những mấu to nhỏ không đều, xếp xen kẽ nhau. Cá ngựa Nhật có kích thước nhỏ nhất trong các loài.

Hải mã (cá ngựa)
Hải mã (cá ngựa)

PHÂN BỐ, NƠI SỐNG

Cá ngựa sống ở biển, các vịnh, vùng nước lợ, ở các cửa sông khi thủy triều lên cao. Trên thế giới, nhiều nơi có cá ngựa như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, đảo Hawai…

Ở Việt Nam, cá ngựa thường gặp ở dọc bờ biển các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An cho đến Kiên Giang, nhiều nhất ở các vịnh thuộc Hạ Long, Bình Thuận, Khánh Hòa. Cá di chuyển bằng cách bơi thẳng đứng và khi dùng thì dùng đuôi bám vào thực vật hoặc san hô. Thức ăn của cá ngựa là động vật nhỏ và thực vật thủy sinh. Mùa cá đẻ vào tháng 3 – 7. Cơ thể của cá thay đổi màu sắc với môi trường xung quanh để tự bảo vệ.

Cá ngựa đã được nghiên cứu nuôi và cho đẻ để phát triển với kết quả rất tốt.

Do bị săn bắt nhiều để xuất khẩu, nên cá ngựa đã được ghi vào Sách Đỏ quốc gia để bảo vệ.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HOẠCH, CHẾ BIÊN

Cả con cá ngựa được khai thác vào tháng 8 – 9 (kết hợp khi đánh bắt các loại hải sản khác). Đem về, rửa sạch hoặc dùng bàn chải đánh sạch lớp màng da bên ngoài, rồi mổ bụng, bỏ ruột, uốn đuôi cho tròn lại, phơi hay sấy khô. Trước khi phơi, sấy, có người còn ngâm cá vào rượu hồi một thời gian cho thơm, hết mùi tanh. Bảo quản chống mốc mọt. Cá ngựa thương phẩm thường là một đôi gồm một to (tượng trưng cho con đực) và một nhỏ (là con cái) buộc vào nhau bằng sợi chỉ đỏ, phải đủ cả đầu và đuôi.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Cá ngựa, tên thuốc trong y học cổ truyền là hải mã, được dùng với tác dụng kích thích tình dục, gây hưng phấn, giảm đau, bổ dưỡng, chữa thần kinh suy nhược, yếu mệt, đau lưng, đau bụng, liệt dương, đinh nhọt, hen suyễn.

Liều dùng hàng ngày: 4 – 12g dưới dạng thuốc bột hoặc làm viên uống. Có thể dùng dạng rượu ngâm, phối hợp với các vị thuốc khác như kỷ tử, dâm dương hoắc…

Dùng ngoài, bột cá ngựa rắc chữa lở loét.

BÀI THUỐC

  • Chữa hen suyễn: Cá ngựa đã chế biến, phơi khô, đốt cháy thành than, tán bột, mỗi lần 1 – 2g hòa với nước ấm mà uống. Dùng thời gian dài.
  • Chữa khó thở, thở khò khè: Cá ngựa (5g), đương quy (10g). Hai vị tán nhỏ, sắc với 200 ml nước còn 50 ml, uống làm một lần trong ngày.

(Tài liệu nước ngoài).

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây