Chay-Chay Bắc bộ-Chay Cúc phương-Chay lá bóng

Cây thuốc Nam

Chay

Ở Ấn Độ, hạt dùng làm thuốc xổ; vỏ cây dùng tán bột đắp vết thương để rút mủ, hoặc pha thuốc đắp mụn nhọt và các vết nứt nẻ ở da. Ở Thái Lan gỗ, quả Chay sắc nước uống dùng trị giun như giun kim, giun đũa, sán xơ mít và dùng ngoài trị ghẻ.

Chay – Artocarpus lakoocha Roxb., thuộc họ Dâu tằm – Moraceae.

chay
chay

Mô tả: Cây gỗ cao 10m, thân to đến 40cm, cành non có lông nâu. Lá có phiến dài 20-40cm, rộng 17-20cm, nhám, đầu tròn, gốc tù, mép có răng nhỏ, gân phụ 9-15 cặp, rất lồi ở mặt dưới; cuống lá 1,5- 2,5cm, có lông nâu. Cụm hoa đực (Dái đực) to 1,5 x 1cm trên cuống ngắn. Quả vàng, to bằng quả trứng vịt, có u không đều; hột xoan, dài 1cm.

Bộ phận dùng: Vỏ và hạt – Cortex et Semen Artocarpi Lakoochae. Nơi sống và thu hái: Loài của Ấn Độ, Mianma, Thái Lan, Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang ở Lào Cai, Thanh Hoá. Cũng được trồng ở một số nơi; ở Thảo cầm viên TP Hồ Chí Minh có trồng.

Thành phần hoá học: Quả chứa các hợp chất polyhydric phenolic 2:4:3’:5’-tetrahydroxy-stilbeine. Vỏ thân chứa 2 triterpen kết tinh là lupeol và acetat -amyrin.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Ấn Độ, hạt dùng làm thuốc xổ; vỏ cây dùng tán bột đắp vết thương để rút mủ, hoặc pha thuốc đắp mụn nhọt và các vết nứt nẻ ở da. Ở Thái Lan gỗ, quả Chay sắc nước uống dùng trị giun như giun kim, giun đũa, sán xơ mít và dùng ngoài trị ghẻ.

Chay Bắc bộ

Chay Bắc bộ, Chay vỏ tía – Artocarpus tonkinensis A. Chev ex Gagnep, thuộc họ Dâu tằm – Moraceae.

Mô tả: Cây gỗ to, cao đến 15m, thân nhẵn, mọc thẳng, phân cành nhiều. Cành lá non có lông hung, sau nhẵn, vỏ màu xám. Lá mọc so le, xếp thành hai hàng, phiến có hình trái xoan hay bầu dục, dài 7-15cm, rộng 3-7cm, đầu nhọn, gốc tròn, gân nổi rõ, mặt dưới có lông ngắn màu hung. Hoa mọc đơn độc ở nách lá. Quả phức gần tròn, cuống ngắn màu vàng, thịt mềm màu hồng, vị chua. Hạt to, chứa nhiều nhựa dính. Mùa hoa tháng 3-4, mùa quả tháng 7-9.

Bộ phận dùng: Quả, rễ – Fructus et Radix Artocarpi Tonkinensis.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc tự nhiên ở rừng thứ sinh một số tỉnh miền Bắc (Hà Giang, Hà Bắc, Thanh Hoá, Nghệ An…) và cũng được trồng để lấy quả ăn và vỏ dùng ăn trầu. Quả và rễ cũng được dùng làm thuốc, có thể dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.

Thành phần hoá học: Vỏ rễ chứa nhiều tanin.

Tính vị, tác dụng: Quả chay có vị chua, tính bình, có tác dụng thu liễm, cầm máu và thanh nhiệt, khai vị giúp tiêu hoá, làm ăn ngon cơm. Rễ chay có vị chát, cũng có tác dụng làm se.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả chay chín có thể dùng ăn sống, nấu canh chua, có thể phơi khô cất dành để nấu canh. Người ta dùng quả chay để chữa phổi nóng, ho ra máu, thổ huyết, chảy máu mũi, đau họng, hoặc dạ dày thiếu toan, kém ăn, dùng quả chay ăn hoặc ép lấy nước uống. Nếu không có quả chay tươi thì dùng 30-60g quả chay khô hay rễ chay sắc uống. Rễ chay, chủ yếu là vỏ rễ dùng ăn với trầu cau. Thường được dùng chữa tê thấp, đau lưng, mỏi gối và chữa rong kinh, bạch đới; còn dùng làm chắc chân răng. Liều dùng 20-40g dạng thuốc sắc.

Đơn thuốc:

  1. Tê thấp đau lưng, mỏi gối, dùng lá và rễ Chay 20g, Thổ phục linh 15g, Thiên niên kiện 16g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.
  2. Rong kinh, bạch đới: Rễ Chay, rễ Cỏ tranh, mỗi vị 50-60g, sắc nước uống.

Ghi chú: Tuỳ theo địa phương, người ta còn dùng những loài khác để ăn trầu như Artocarpus gomezianusWall. (A. masticata Gagnep.) cũng gọi là Chay, có lá cũng dùng chữa đau lưng mỏi gối.

Chay Cúc phương

Chay Cúc phương, Chay Petelot. Mit Petelot – Artocarpus petelotii Gagnep., thuộc họ Dâu tằm – Moraceae.

Mô tả: Cây gỗ cao 10-25m, đường kính 10-30m, có lông hoe. Lá có phiến hình ngọn giáo, gốc tù, chóp có mũi nhọn, dài 10-25cm, rộng 4-9cm, mặt dưới có lông ngắn; gân phụ 7-8 cặp, cuống dài 2cm, có lông ngắn; lá kèm 5cm, có lông, sớm rụng. Bông đực xoan, dài 3cm, có lông mịn. Bông cái có ở nách lá, hình trứng ngược, to 3 x 1,5cm, có lông. Quả phức, lúc non màu xanh, khi già màu vàng cam to bằng quả trứng vịt. Thịt quả màu hồng, có nhiều hạt nhỏ. Hoa tháng 4-5, quả tháng 7-8.

Bộ phận dùng: Quả, rễ – Fructus et Radix Artocarpi Petelotii.

Nơi sống và thu hái: Cây đặc hữu của Bắc Việt Nam, mọc ở Lào Cai, Nam Hà, Ninh Bình, Thanh Hoá.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Gỗ màu vàng nhạt, thớ mịn thường sử dụng đống đồ. Quả ăn ngon và thơm. Rễ dùng ăn trầu như Chay Bắc bộ.

Chay lá bóng

Chay lá bóng, Mít rễ khoai, Vỏ khoai – Artocarpus nitidus Tréc. subsp. lingnanensis (Merr.) Jarr. (A. lingnanensis Merr.), thuộc họ Dâu tằm – Moraceae.

Mô tả: Cây gỗ thường xanh, cao tới 15m, thân to 20cm, cành có lông. Lá có phiến bầu dục dài 7- 15cm, rộng 3-7cm, gân phụ 7-8 cặp, không lông ở cả hai mặt, mặt trên bóng, hơi ửng đen, cuống 1-1,5cm, lá kèm nhỏ 2mm. Dái đực không cuống, bao hoa tam giác. Quả không gai, có chai thấp, màu hung hung, trên cuống 4-5cm, nạc vàng hay đỏ hồng, hạt to 15x 12mm. Hoa tháng 4-5.

Bộ phận dùng: Quả và rễ – Fructus et Radix Artocarpi Nitidi.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Ở nước ta, cây mọc hoang trong rừng và đất khai hoang ở Khánh Hoà, Đồng Nai, cũng được trồng ở Hà Nội, Hải Phòng. Thu hái rễ quanh năm; thu hái quả vào mùa thu. Rễ đào về rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô dùng.

Tính vị, tác dụng: Vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, khai vị, thu liễm, chỉ huyết.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả ăn được, dùng ngâm với đường và dùng làm gia vị. Vỏ thân và rễ dùng ăn với trầu thay cho cau.

Quả và rễ được sử dụng làm thuốc chữa: 1. Phổi nóng ho ra máu, thổ huyết, khạc ra máu, đau họng; 2. Thiếu nước chua trong dạ dày, không muốn ăn. Liều dùng 20-40g quả khô, 50-60g rễ khô, sắc nước uống.

Cây thuốc Nam
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận