Cải cúc chứa năng lượng protein, các vitamin quan trọng. Ngoài ra, cải cúc còn là loại rau tốt cho phòng chữa bệnh do giá lạnh từ trong và ngoài cơ thể.
Cải cúc làm thuốc có thể dùng lá tươi, hoặc đã làm khô trong mát (âm can) không phơi nắng (làm mất tinh dầu thơm).
Cải cúc, Cúc tần ô, Rau cúc, Rau tần ô – Chrysanthemum coronarium L., thuộc họ Cúc – Asteraceae.
Mô tả:
Cây thảo sống hằng năm, có thể cao tới 1,2m. Lá ôm vào thân, xẻ lông chim hai lần với những thuỳ hình trứng hay hình thìa không đều. Cụm hoa ở nách lá, các hoa ở mép màu vàng sẫm, các hoa ở giữa đầu màu vàng lục, thơm. Các lá bắc của bao chung không đều, khô xác ở mép. Mùa hoa vào tháng 1-3.
Bộ phận dùng:
Cành lá: – Ramulus Chrysanthemi Coronarii.
Nơi sống và thu hái:
Loài cây của vùng Cận đông, được nhập trồng ở nhiều nơi khắp nước ta làm rau ăn. Có nhiều giống trồng khác nhau; ta thường trồng giống cây lùn không cao quá 70cm.
Thành phần hóa học:
Rau Cải cúc chứa 1,85% protid 2,57% glucid, 0,43% lipid và còn có nhiều vitamin B, C và một số vitamin A. Người ta còn tìm thấy các chất khác như adenin, chlonin. Lá chứa 7- glucosid của quercetin, quercetagetin và luteolin.
Tính vị, tác dụng:
Cải cúc có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, tính mát, được xem như một loại rau giúp khai vị làm ăn ngon, giúp tiêu hoá, trừ đờm, tán phong nhiệt.
Công dụng, chỉ định và phối hợp:
Cải cúc có thể dùng ăn sống như xà lách, chế dầu giấm, ăn với lẩu, nấu canh… Còn dùng làm thuốc chữa ho lâu ngày và chữa đau mắt. Ở Ấn Độ, người ta dùng cây phối hợp với hồ tiêu để trị bệnh lậu; hoa được dùng thay thế Dương cam cúc như là một chất thơm đắng và lợi tiêu hoá.
Một số bài thuốc đơn giản và hiệu nghiệm.
- Ho ở trẻ em: Lá cải cúc 6g thái nhỏ, thêm ít mật ong hấp cách thủy cho ra nước để uống trong ngày.
- Chứng ho dai dẳng: Rau cải cúc 100-150g, phổi heo 200g. Nấu canh đủ 1 bát to để ăn với cơm, ăn liền 3-4 ngày một liệu trình.
- Đau mắt: Rau cải cúc 1 nắm thái nhỏ nấu với một con cá diếc to khoảng 3 ngón tay người lớn để ăn. Bên ngoài dùng lá rau cải cúc rửa sạch, hơ nóng chườm lên mắt (hoặc cho vào vải mỏng chườm) – rất kiến hiệu (thực liệu kỳ phương).
- Chứng nhức đầu kinh niên: Mỗi ngày uống 10-15g nước sắc rau cải cúc. Bên ngoài dùng lá cải cúc hơ nóng chườm đắp lên đỉnh đầu và hai bên thái dương vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc mỗi khi thấy nhức đầu.
- Cháo giải cảm cúm (đau họng, ho, sốt): rau cải cúc tươi, lượng vừa đủ cho vào bát to, đổ cháo đang sôi lên trên để 5-10 phút cho đỡ nóng thì trộn rau lên ăn.
- Thể huyết: cải cúc rửa sạch, cắt đoạn ngắn giã nhuyễn, thêm ít nước đun sôi để nguội, chắt lấy nước cốt uống ngay.
- Tỳ vị hàn: Dạ dày ruột trong tình trạng lạnh, nếu ăn các loại rau cải nói riêng và rau thuộc loại hàn thì sẽ không thích hợp vì hàn sẽ ngộ hàn. Ở trường hợp đó nên chọn rau cải cúc để ăn.
- Làm tỉnh táo đầu óc chống mỏi mệt, biếng ăn: Theo Đông y, sở dĩ cải cúc có tác dụng như vậy là do thành phần dầu thơm, ở trường hợp này nên ăn cải cúc tươi sống, ăn tái nóng và nếu ăn canh hoặc xào thì phải cho cải cúc vào khi nước đã sôi, khi canh sôi lại nhắc ra ngay.
Một số món canh dùng trong những ngày lạnh sẽ rất tốt.
- Canh cải cúc đầu cá mè: Đầu cá mè to 1 cái, cải cúc 500g, gừng tươi 3 lát, rượu một ít, gia vị.
- Rán đầu cá cho vàng thơm, cho gừng vào đảo đều, rồi tưới rượu lên và lượng nước vừa đủ hầm chín.
- Cho cải cúc vào đun lại cho sôi, nêm gia vị vừa đủ.
- Món này có công dụng tiên ôn trung, tán hàn, chữa ho đờm, nhức đầu, chóng mặt buồn nôn do tiêu hóa kém, suy nhược, hay lạnh… Dùng món canh của những ngày lạnh rất tốt.
- Canh cải cúc cá diếc: Cá diếc 500g, cải cúc 150g, một ít rượu, dầu vừng, tiêu, muối, bột ngọt vừa đủ.
Rán vàng 2 mặt, cho rượu đảo sơ, cho gừng, nước đun lửa nhỏ cho chín cá, cho cải cúc vào cho sôi lại nêm gia vị.
- Món ăn này còn có tác dụng bổ tỳ, khai vị, trừ đàm thấp, hòa trung kiện vị, lợi tiểu, khỏi ho đờm, gan nóng, hoa mắt chóng mặt. Thích hợp với người già, trẻ em không tiêu, tiểu không lợi, yếu mệt.