Cải cúc-Cải đất núi-Cải đồng-Cải giả

Cây thuốc Nam

Cải cúc

Rau Cải cúc chứa 1,85% protid 2,57% glucid, 0,43% lipid và còn có nhiều vitamin B, C và một số vitamin A. Người ta còn tìm thấy các chất khác như adenin, chlonin. Lá chứa 7- glucosid của quercetin, quercetagetin và luteolin.

Cải cúc, Cúc tần ô, Rau cúc, Rau tần ô – Chrysanthemum coronarium L., thuộc họ Cúc – Asteraceae.

Mô tả: Cây thảo sống hằng năm, có thể cao tới 1,2m. Lá ôm vào thân, xẻ lông chim hai lần với những thuỳ hình trứng hay hình thìa không đều. Cụm hoa ở nách lá, các hoa ở mép màu vàng sẫm, các hoa ở giữa đầu màu vàng lục, thơm. Các lá bắc của bao chung không đều, khô xác ở mép. Mùa hoa vào tháng 1-3.

Bộ phận dùng: Cành lá: – Ramulus Chrysanthemi Coronarii.

Nơi sống và thu hái: Loài cây của vùng Cận đông, được nhập trồng ở nhiều nơi khắp nước ta làm rau ăn. Có nhiều giống trồng khác nhau; ta thường trồng giống cây lùn không cao quá 70cm.

Thành phần hóa học : Rau Cải cúc chứa 1,85% protid 2,57% glucid, 0,43% lipid và còn có nhiều vitamin B, C và một số vitamin A. Người ta còn tìm thấy các chất khác như adenin, chlonin. Lá chứa 7- glucosid của quercetin, quercetagetin và luteolin.

Tính vị, tác dụng: Cải cúc có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, tính mát, được xem như một loại rau giúp khai vị làm ăn ngon, giúp tiêu hoá, trừ đờm, tán phong nhiệt.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Cải cúc có thể dùng ăn sống như xà lách, chế dầu giấm, ăn với lẩu, nấu canh… Còn dùng làm thuốc chữa ho lâu ngày và chữa đau mắt. Ở Ấn Độ, người ta dùng cây phối hợp với hồ tiêu để trị bệnh lậu; hoa được dùng thay thế Dương cam cúc như là một chất thơm đắng và lợi tiêu hoá.

Đơn thuốc:

  1. Chữa ho trẻ em: Dùng lá Cải cúc thái nhỏ 6g, thêm ít mật ong, hấp vào nồi cho tiết nước ra, chia nhiều lần uống trong ngày.
  2. Những người ăn uống kém tiêu, viêm lỵ, hay đau mắt: Dùng Cải cúc ăn sống hoặc nấu canh ăn, đều có tác dụng trị bệnh tốt.

Cải đất núi

Cải đất núi, Hân thái -Rorippa dubia (Pers.) Hara (Sisymbrium dubium Pers.), thuộc họ Cải – Brassicaceae.

Mô tả: Cây thảo mọc hằng năm, cao 10-50cm toàn cây không lông. Lá ở gốc thân to, phiến dài 10-15cm, có thuỳ ở gốc, sâu hay cạn; các lá trên không thuỳ, gốc từ từ hẹp thành cuống rộng ôm thân, mỏng, mép có răng thưa. Chùm hoa kép ở ngọn, các chùm đơn ở nách lá; hoa mọc so le, cuống hoa dài 3- 4mm; lá đài 4, hình bầu dục; cánh hoa 4, màu vàng nhạt, dài 2mm, nhị 6. Quả cải dài 2-3cm, rộng 1- 1,5mm, mở thành 2 mảnh; hạt xếp 2 dãy, nhỏ, hình trứng, màu nâu. Ra hoa tháng 5-9.

Bộ phận dùng: Toàn cây và hạt – Herba et Semen Rorippae Dubiae.

Nơi sống và thu hái: Loài của Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Việt Nam, Inđônêxia và Philippin. Ở nước ta, thường gặp trên rẫy, ruộng. Thu hái cây vào lúc có hoa phơi khô hay dùng tươi.

Thành phần hóa học: Hạt chứa dầu.

Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ khái, kiện vị, lợi niệu, tiêu thũng.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được dùng trị cảm mạo phát sốt, sưng đau hầu họng, phổi nóng sinh ho, viêm khí quản mạn tính, phong thấp đau nhức khớp cấp tính, viêm gan hoàng đản, tiểu tiện khó khăn. Liều dùng 12-20g, sắc uống. Dùng ngoài, tuỳ lượng giã đắp trị lở sơn, bỏng lửa, rắn cắn.

Ở Trung Quốc, hạt cũng được dùng như hạt cây Đình lịch – Draba nemorasa L. làm thuốc thanh nhiệt khư đàm, định suyễn, lợi niệu.

Cải đồng

Cải đồng, Cúc dại, Rau cóc – Grangea maderaspatana (L.) Poir., thuộc họ Cúc – Asteraceae.

Mô tả: Cây thảo sống hằng năm, phân cành từ gốc. Cành có rãnh. Lá mọc so le, gần hình bầu dục, chóp lá tù, gốc thuôn, có 2-5 đôi thuỳ lông chim, hai mặt lá đều có lông dài, trắng. Cụm hoa là những đầu ở ngọn hoặc ở nách lá, đối diện với lá, thường đơn độc, màu vàng. Lá bắc 2-3 hàng, có lông. Trong đầu hoa, có hoa cái và hoa lưỡng tính. Quả bế hơi dẹt, có 3 cạnh mờ. Ra hoa tháng 12-4, có quả tháng 4-5.

Bộ phận dùng: Cành lá – Ramulus Grangeae Maderaspa tanae.

Nơi sống và thu hái: Loài cỏ nhiệt đới, mọc hoang ở các ruộng khô hoặc ẩm, các bãi cát ở khắp nước ta. Cây ưa sáng, mọc nhiều vào mùa khô. Có thể thu hái cành lá quanh năm, thường dùng tươi.

Tính vị, tác dụng: Cải đồng có vị đắng, tính mát, có tác dụng làm dịu và sát trùng; còn có tác dụng làm dễ tiêu hoá, khai thông ách tắc.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Cải đồng là loại rau dùng ăn sống hay nấu canh ăn. Cũng dùng làm thuốc lợi tiêu hoá, trị ho sau khi sinh đẻ và làm điều kinh trở lại đối với sản phụ, nhất là khi sự trễ kinh kèm theo chứng đau bụng và đau thân. Dân gian còn dùng chữa các chứng trĩ (Cà Mau, tỉnh Minh Hải). Dùng ngoài hơ nóng để chườm làm thuốc sát trùng và dịu đau. Ở Ấn Độ, người ta dùng lá sắc hoặc làm thuốc tễ trong trường hợp kinh nguyệt bế tắc và bệnh vàng da.

Cải giả

Cải giả, Bầu đất bóng – Gynura nitida DC., thuộc họ Cúc – Asteraceae.

Mô tả: Cây thảo. Lá có phiến thon, dài 10-13cm, rộng 2-2,5cm, chóp nhọn, mép có răng thấp nhọn, gân phụ 6 cặp; cuống dài 1cm. Cụm hoa đầu vàng, cao 1,5cm; lá bắc có mào lông trắng, mịn, dài 1,5cm. Ra hoa tháng 7.

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Gynurae Nitidae.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc trong rừng thưa, dọc bờ nước, nhiều nơi ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Lai Châu cho tới Gia Lai, Komtum, Đắc Lắc, Lâm Đồng.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ngọn non dùng nấu canh ăn. Ở Quảng Ninh người ta sử dụng cây làm thuốc mát, chữa ho.

Cây thuốc Nam
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận