Trang chủBệnh xương khớpViêm khớp nhiễm khuẩn cấp tính (viêm khớp mủ, viêm khớp nung...

Viêm khớp nhiễm khuẩn cấp tính (viêm khớp mủ, viêm khớp nung mủ)

Tên khác: viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp mủ, viêm khớp nung mủ.

Định nghĩa

Viêm khớp nhiễm khuẩn do vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào trong ổ khớp, ở đây các mầm bệnh này sinh sản và làm cho khớp bị viêm.

Căn nguyên

Các mầm bệnh có thể xâm nhập vào ổ khớp theo đường máu, hoặc nhân một can thiệp ngoại khoa, chụp X quang khớp (sau khi tiêm chất cản quang vào ổ khớp), hoặc sau khi tiêm corticoid vào trong ổ khớp. Viêm khớp do lậu cầu là loại viêm khớp nhiễm khuẩn hay gặp nhất, sẽ được mô tả riêng ở bên dưới. Những tác nhân gây bệnh hay gặp khác bao gồm:

  • Ở những bệnh nhân bị bệnh mạn tính, điều trị nội trú, suy giảm miễn dịch: tụ cầu vàng, các trực khuẩn Gram âm.
  • Ở đối tượng nhiễm khuẩn tiết niệu: các trực khuẩn Gram âm.
  • Ở đối tượng nhiễm khuẩn da: tụ cầu vàng, hoặc Staphylococcus epidermidis, liên cầu khuẩn.
  • Ở đối tượng sử dụng chất ma tuý tiêm tĩnh mạch: tụ cầu vàng, vi khuẩn sinh mủ xanh.
  • Ở trẻ em dưới 5 tuổi: Haemophilus influenzae.
  • Ở đối tượng thay khớp giả: tụ cầu vàng, hoặc epidermidis.
  • Ở bệnh nhân viêm đa khớp dạng thấp: tụ cầu vàng.

Triệu chứng

Viêm khớp nhiễm khuẩn thường khởi phát cấp tính với tràn dịch trong khớp làm cho khớp bị sưng, nóng và đau, cùng với sưng hạch bạch huyết đi kèm, và những dấu hiệu nhiễm khuẩn, nhất là rét run và sốt. Tuy nhiên, bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid hoặc corticoid thì những triệu chứng thường không điển hình.

Xét nghiệm cận lâm sàng

  • Hoạt dịch (dịch hút từ trong ổ khớp): số lượng bạch cầu vượt quá 100.000/pl, với hơn 90% là bạch cầu hạt trung tính. Soi và cấy dịch khớp để tìm tác nhân gây bệnh. Nếu không có kết quả thì tìm tác nhân trong bệnh phẩm sinh thiết màng hoạt dịch trước khi cho kháng sinh. Hàm lượng glucose trong hoạt dịch giảm xuống thấp hơn 50% giá trị của đường huyết.
  • Xét nghiệm máu: tăng bạch cầu trong máu, tốc độ lắng máu tăng, đôi khi cấy máu cho kết quả dương tính.

Xét nghiệm bổ sung

  • Xét nghiệm X quang: các dấu hiệu X quang có chậm hơn so với triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng ở giai đoạn viêm khớp khỏi phát thì thường cho hình ảnh bình thường. Giai đoạn muộn hơn thì có thể thấy những hình ảnh phá huỷ khớp (khe khớp bị mờ hoặc hẹp) và/hoặc có hình ảnh một ổ viêm xương-tuỷ, xương ở bên dưới sụn khớp.

– Chụp nhấp nháy xương: được chỉ định trong chẩn đoán viêm các khớp ở sâu như khớp cùng chậu hoặc khớp gian đốt sống (xem viêm đốt sống-đĩa đậm).

Biến chứng

Nhiễm khuẩn huyết, apxe do vi khuẩn lan tràn ở nơi khác. Nếu không được điều trị sớm, sẽ diến biến nhanh chóng tới phá huỷ khớp, rò khớp (ổ khớp thông ra ngoài da) và cứng khớp.

Chẩn đoán phân biệt

Xét nghiệm dịch khớp (hoạt dịch) là chủ yếu để khẳng định chẩn đoán và để chọn thuốc kháng sinh thích hợp. Do đó bắt buộc phải chọc dò khớp trong mọi trường hợp nghi ngờ viêm khớp nhiễm khuẩn. Bệnh gút cấp tính phân biệt với viêm khớp nhiễm khuẩn vì tăng acid uric huyết và có những tinh thể urat ở trong dịch khớp. Bệnh thấp khớp cấp và viêm đa khớp dạng thấp khác với viêm khớp nhiễm khuẩn vì viêm nhiều khớp.

Điều trị

Thuốc kháng sinh được chọn lựa dựa vào xét nghiệm phiến đồ dịch khớp nhuộm màu và vào kháng sinh đồ. Thường phải sử dụng kháng sinh theo đường tiêm, ít nhất trong vòng 2-3 tuần đầu tiên. Thời gian điều trị kéo dài từ 4 đến 6 tuần hoặc lâu hơn nữa (nếu tác nhân gây bệnh là tụ cầu vàng hoặc vi khuẩn Gram âm). Không nên tiêm thuốc kháng sinh vào trong ổ khớp. Bất động khớp bị viêm trong một máng cứng ở giai đoạn viêm cấp tính, và dẫn lưu mủ bằng cách chọc hút nhiều lần.

Phải cần tới phẫu thuật để dẫn lưu trong những hoàn cảnh sau đây:

  • Viêm khớp nặng, nhất là ở trẻ em và nếu là viêm khớp hông,
  • Chọc dò khớp không thành công,
  • Sau khi điều trị bằng thuốc kháng sinh 2-3 ngày nhưng không có kết quả.

Khi hội chứng đau đã bớt để có thể thực hiện thì bắt đầu cho khớp vận động thụ động và chủ động ngay.

Những trường hợp viêm khớp khác

  • Viêm khớp do lậu cầu, do lao, và do virus.
  • Viêm khớp do brucella:xuất hiện trong quá trình bệnh do brucella đang thuyên giảm, và hay tác động nhất tới khớp hông, các khớp của cột sống, và khớp cùng chậu. Chẩn đoán bằng phản ứng huyết thanh và phát hiện mầm bệnh trong những bệnh phẩm sinh thiết hoặc dịch chọc hút từ khớp bị viêm. Điều trị : phải liên tục trong 2-3 tháng (xem: bệnh do brucella).
  • Viêm khớp do nấm(hiếm gặp): xảy ra ở những đối tượng suy giảm miễn dịch, và tác nhân gây bệnh chủ yếu là Candida albicans.Những bệnh nấm coccidioidomyces, plastomycescó thể gây biến chứng viêm một khớp (thường là khớp gối) ở những đối tượng khả năng miễn dịch bình thường. Chẩn đoán bằng, cấy bệnh phẩm dịch khớp trong môi trường thích hợp. Điều trị bằng thuốc chống nấm thích đáng trong ít nhất 10 tuần.
  • Viêm khớp trong bệnh Lyme: tác nhân gây bệnh là Borrelia
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây