Trang chủBệnh xương khớpBệnh sụn khớp nhiễm calci (bệnh sụn khớp nhiễm vôi, bệnh giả...

Bệnh sụn khớp nhiễm calci (bệnh sụn khớp nhiễm vôi, bệnh giả gút)

Tên khác: bệnh sụn khớp nhiễm vôi, bệnh giả gút, viêm khớp vi tinh thể, viêm khớp tinh thể cực nhỏ.

Định nghĩa

Bệnh xảy ra do trong sụn khớp và màng hoạt dịch lắng đọng những tinh thể cực nhỏ (vi tinh thể) pyrophosphat dihydrat calci, và biểu hiện lâm sàng là những cơn viêm khớp cấp tính hoặc bởi viêm đa khớp mạn tính.

Căn nguyên

Lắng đọng tinh thể pyrophosphat dihydrat calci trong sụn khớp (gọi là bệnh sụn khớp nhiễm calci hoặc nhiễm vôi) thường không có biểu hiện triệu chứng ở những đối tượng trên 50 tuổi. Những thể bệnh sụn nhiễm calci có biểu hiện triệu chứng thường do những nguyên nhân sau đây:

Di truyền (thiếu hụt enzym phosphatase hoặc pyrophosphatase): bệnh có biểu hiện từ 20 đến 40 tuổi.

Vô căn: do quá trình lão hoá, do đó biểu hiện ở người già.

Thủ phát: sau chấn thương, do tăng năng tuyến cận giáp trạng, trong bệnh nhiễm sắc tố sắt nguyên phát, trong bệnh nhược năng tuyến giáp, bệnh gút, giảm magiê huyết, giảm enzym phosphatase, trong bệnh

Triệu chứng

Những thể không có biểu hiện triệu chứng thường chỉ được phát hiện nhân khám X quang vì lý do khác. Người ta phân biệt:

  • Cơn viêm khớp cấp tính đơn khớp (xảy ra chỉ ở một khớp) hoặc ít khớp (xảy ra ở hai, ba khớp), giống với những cơn bệnh gút cấp tính (nên gọi là giả gút), nhưng những khớp bị viêm là những khớp lớn, nhất là khớp gối, làm cho khớp sưng, đỏ, nóng và đau. Cơn giả gút thường xuất hiện dữ dội và kéo dài trung bình một tuần, có thể kèm theo sốt, những biểu hiện của cơn giả gút khá giống với viêm khớp nhiễm khuẩn.
  • Viêm đa khớp bán cấp tính, xuất hiện đối xứng hoặc không đối xứng, đặc biệt hay ở khớp gối, khớp cổ chân, khớp vai, và khớp cổ tay, giống với trường hợp viêm đa khớp dạng thấp.
  • Sụn khớp nhiễm calci mạn tính, biểu hiện theo kiểu hư khớp, thường xảy ra ở những khớp lớn. Trên nền của bệnh cảnh viêm khớp mạn tính có thể xuất hiện thêm các cơn giả gút cấp tính.

Xét nghiệm cận lâm sàng: hoạt dịch (dịch khớp) thuộc loại không viêm và chứa những tinh thể pyrophosphat calci dihydrat; các tinh thể này khi soi kính hiển vi phân cực thấy chúng có tính lưỡng chiết quang dương tính nhẹ (còn trong bệnh gút, thì những tinh thể urat natri lại thể hiện tính lưỡng chiết quang âm tính mạnh).

Ngoài ra, tinh thể urat natri bị enzym uricase làm tan ở độ pH cao, còn tinh thể pyrophosphat thì bị làm tan bởi EDTA (Ethylen-Diamin- Tetra-Acetic: một chất tạo phức), hoặc hoà tan ở độ pH dưới 5. Cũng có thể xác định pyrophosphat calci dihydrat bằng phương pháp chụp X quang tinh thể.

Xét nghiệm X quang: hình ảnh sụn khớp bị lắng calci trên diện rộng hoặc hẹp, thể hiện dưới dạng những đường thẳng mờ đục, đều đặn hoặc đứt quãng, nằm song song với các diện khớp. Hình ảnh calci hoá sụn này hay thấy nhất là ở khớp gối (ở sụn chêm), và ở khớp cổ tay (trong dây chằng tam giác cổ tay). Giữa những biến đổi quan trọng của hình ảnh X quang với mức độ nặng của các triệu chứng không có mối tương quan thường xuyên. Có thể xét nghiệm hoạt dịch (dịch khớp) cho thấy những tinh thể pyrophosphat calci, nhưng trên phim X quang lại không thấy hình ảnh calci hoá sụn.

Tiên lượng: tốt (khớp không bị biến dạng).

Điều trị

Điều trị triệu chứng: trong thời gian có cơn cấp tính, cho các thuốc giảm đau ngoại vi (aspirin: thuốc giảm đau tác động trên thần kinh ngoại vi), hoặc các thuốc chống viêm không steroid. Tuỳ tình hình, có thể phong bế trong khớp bằng corticoid. Colchicin không có hiệu quả như trong những cơn bệnh gút, nhưng cũng có thể có ích để phòng ngừa những cơn viêm khớp. Ngoài những cơn cấp tính thì điều trị bằng lý liệu pháp. Nếu tràn dịch khớp nhiều quá thì phải chọc hút.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây