Trang chủBệnh xương khớpBệnh hoại tử xương vô khuẩn ở người lớn

Bệnh hoại tử xương vô khuẩn ở người lớn

Tên khác: viêm xương sụn người lớn

Căn nguyên

Hoại tử xương vô khuẩn là do tắc nghẽn động mạch tận (động mạch không có nối tiếp với các động mạch khác) của đầu một xương gây ra. Bệnh có thể nguyên phát (hoặc vô căn), hoặc thứ phát sau khi dùng liệu pháp corticoid liều cao kéo dài, hoặc thứ phát từ những bệnh sau đây: bệnh thợ lặn (với tai biến nghẽn mạch do bọt khí), bệnh hồng cầu hình liềm (hoại tử do giảm oxy mô), bệnh loạn dưỡng lipid, nghiện rượu, viêm tuỵ (hoại tử lipid, hoặc hoại tử mỡ), lupus ban đỏ rải rác (các phức hợp kháng nguyên-kháng thể gây nghẽn mao mạch). Hoại tử xương có thể còn do những chấn thương nhẹ nhưng bị đi bị lại nhiều lần.

Phân loại

HOẠI TỬ KHỚP HÔNG (viêm khớp háng hoại tử): hoại tử chỏm xương đùi thường xảy ra nguyên phát. Các triệu chứng khởi phát vào lúc 40 tuổi, đôi khi vào tuổi còn đang đi học, một nửa số trường hợp bị bệnh cả hai bên. Khởi phát thường dữ dội bởi đau khu trú ở vùng nếp bẹn, đau lan xuống khớp gối, tăng lên khi bước đi và vào ban đêm. Khám thực thể thấy bệnh nhân đi khập khiễng, khớp bị co cứng ở tư thế khép và gấp, động tác xoay vào trong và dạng bị hạn chế còn động tác gấp thì vẫn duy trì được.

Khám X quang, thấy hình ảnh cấu trúc xương bị đặc ở chỏm xương đùi, đặc xương rõ rệt hơn ở phần trung tâm, so với ở vùng trên ngoài (“hình ảnh vỏ trứng”), phần xương bị hoại tử ăn sâu vào phía trung tâm của chỏm. Khe khớp và ổ cối vẫn nguyên vẹn. Không thấy hình ảnh gai xương. Chụp nhấp nháy xương thấy sớm tăng gắn chất phóng xạ.

  • HOẠI TỬ LỒI CẦU TRONG XƯƠNG ĐÙI: gặp ở người già, có nguy cơ hình thành mảnh xương mục và hư khớp thứ phát.
  • HOẠI TỬ XƯƠNG ở KHỚP GỐl: xảy ra ở diện khớp của lồi cầu trong xương đùi, lồi cầu ngoài hiếm khi bị bệnh hơn. Hoại tử xương ở khớp gối hay gặp nhất là ở đối tượng trên 60 tuổi, với các triệu chứng và dấu hiệu sau: đau tại chỗ, đi khập khiễng, hay có tràn dịch trong ổ khớp. Diễn biến có thể tới hư khớp hoặc các biến dạng gối lệch trong hoặc lệch ngoài (chân chữ bát hoặc vòng kiềng).
  • HOẠI TỬ XƯƠNG Ở VAI: hiếm khi chỏm xương cánh tay bị hoại tử, và nếu xảy ra thì cũng đau nhẹ. Gặp chủ yếu ở người trên 50 tuổi.
  • HOẠI TỬ XƯƠNG BÁN NGUYỆT (bệnh Kienböck): hoại tử xương bán nguyệt có thể là bệnh nguyên phát hoặc thứ phát sau chấn thương, hay gặp nhất là ở đối tượng trẻ tuổi, biểu hiện bởi đau và sưng ở vùng cổ tay, và giới hạn động tác của khớp cô tay. Chẩn đoán được xác định bởi chụp X quang cho thấy hình ảnh xương bán nguyệt bị dẹt lại, lốm đốm, có khuyết hoặc đậm đặc. Nguy cơ của hoại tử xương bán nguyệt là hư khớp quay cổ tay thứ phát.

Xét nghiệm bổ sung: chụp khớp, đo áp lực trong ống tuỷ và chụp tĩnh mạch trong xương. Chụp nhấp nháy cho thấy tích tụ chất phóng xạ ở trong vùng bị hoại tử (là dấu hiệu sớm hơn những bất thường về hình ảnh X quang).

Điều trị

Là nhiệm vụ của các chuyên gia. Điều trị bảo tồn bằng giảm tải trọng cho khớp trong nhiều tháng và lý liệu pháp có kết quả trong một phần tư số trường hợp bị hoại tử xương của khớp hông và khớp gối. Tuy nhiên, biện pháp trên chỉ nên chỉ định vào giai đoạn đầu của bệnh và trong những thể bệnh ít lan rộng. Trong những thể bệnh đã muộn hơn, thì có thể chỉ định phẫu thuật (tạo hình khớp, gây cứng khớp, nạo xương chết dưới sụn khớp, ghép xương xốp hoặc thay khớp toàn bộ).

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây