Nhiễm Pseudomonas
Pseudomonas aeruginosa là một vi khuẩn Gram âm, còn gọi là trực khuẩn gây mủ xanh, bình thường có trên da, nhất là ở vùng nách và vùng hậu môn-sinh dục. Là nguyên nhân gây ra 10% số nhiễm khuẩn bệnh viện. Các loài khác được gặp trong nhiễm trùng cơ hội, nhất là p. cepacia, p. maltophila, p. fluorescens. Vi khuẩn gây mủ xanh có thể gây bệnh nặng ở bệnh nhân nằm viện bị suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, tiêm chích ma tuý theo đường tĩnh mạch, bị vết thương hay khi vi khuẩn chí đường ruột đã bị rối loạn do các kháng sinh phổ rộng. Có thể nhiễm vi khuẩn nội sinh (từ vi khuẩn chí) hay ngoại sinh (nước hay dung dịch diệt khuẩn có vi khuẩn). Các bệnh hay gặp:
Hô hấp: viêm phổi (nhất là ở bệnh nhân mắc bệnh nhầy nhớt).
Tim: viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
Niệu: trong các bệnh thận gây tắc nghẽn và sau khi đặt ống thông đường niệu.
Mắt: viêm kết mạc mủ, viêm giác mạc ở người đeo kính tiếp xúc.
Viêm tai ngoài và tai giữa (“tai người bơi”), viêm xoang.
Xương-khớp: viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm tuỷ xương.
Ruột: sốt Thượng Hải có ỉa chảy và đau cơ, gặp ở các xứ nhiệt đối.
Nhiễm khuẩn huyết: ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hay được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng.
Tổn thương da: chủ yếu gặp ở người bị suy giảm miễn dịch, trên da có các vùng màu tím, đường kính khoảng 1 cm, có tâm bị loét, xung quanh là ban đỏ (ecthyma gangrenosum).
Xét nghiệm cận lâm sàng: cấy nước tiểu, mủ, phân, dòm, cấy máu.
Điều trị: cephalosporin thế hệ 3 (ví dụ ceftazidim, cefoperazon) hay carbenicillin hoặc piperacillin hoặc imipenem hoặc aztreonam hay một fluoroquinolon + aminosid.
Nhiễm Proteus
Căn nguyên: có 4 loài Proteus gây bệnh: p. mirabilis (gây 75-90% số trường hợp), p. rettgeri, p. morganỉi và p. vulgaris (có 1 kháng nguyên chung với các rickettsia). Đây là các vi khuẩn Gram âm, có trong đất, nước và phân.
Thể lâm sàng: nhiễm khuẩn đường niệu cấp tính, nhất là viêm bàng quang, ở người bị suy giảm miễn dịch hay được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng có thể thấy nhiễm khuẩn cơ hội, nhiễm khuẩn vết thương hay vết bỏng, viêm tai giữa, viêm xương chũm, nhiễm khuẩn mắt (loét sau chấn thương), viêm phúc mạc, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết.
Điều trị: trong trường hợp bị nhiễm khuẩn cơ hội, dùng ampicillin (tiêm tĩnh mạch 2-3 g/ 6 giờ một lần) và gentamicin (3-5 mg/kg theo đường tĩnh mạch, 8 giờ một lần).