Trang chủBệnh truyền nhiễmBệnh Nấm Candida (bệnh nấm monilia, bệnh tưa lưỡi, bệnh lưỡi trắng)

Bệnh Nấm Candida (bệnh nấm monilia, bệnh tưa lưỡi, bệnh lưỡi trắng)

Tên khác: bệnh nấm monilia, bệnh tưa lưỡi, bệnh lưỡi trắng, bệnh viêm miệng có lớp phủ như kem

Định nghĩa

Bệnh nấm thường có tính chất khu trú do bị nhiễm những loài nấm Candida khác nhau, bệnh có đặc tính là có những điểm hoặc mảng màu trắng nhạt xuất hiện ở da hoặc ở niêm mạc, thường hay xuất hiện ở miệng, đôi khi ở âm đạo. Những thể màng não hoặc thể toàn thân cũng đã thấy, đặc biệt ở những đối tượng suy giảm miễn dịch.

Căn nguyên

Những giống nấm Candida thường hay gặp nhất là loài Candida albicans (75% trường hợp) các loài khác hiếm gặp hơn. Nấm Candida là những thực vật hoại sinh thông thường của da và các niêm mạc, và cơ thể người là nguồn dự trữ chính. Nấm này trở thành gây bệnh khi khả năng bảo vệ tại chỗ (da hoặc niêm mạc bị tổn thương) hoặc toàn thân của người bị suy yếu (nhiễm nấm cơ hội): ví dụ ở bệnh nhân mắc các bệnh về dinh dưỡng hoặc chuyển hoá, đặc biệt là bệnh đái tháo đường, các bệnh máu ác tính, giảm bạch cầu hạt trung tính, sử dụng một số thuốc kháng sinh, corticoid, estrogen- progesteron, hoặc các thuốc ức chế miễn dịch hoặc bị bệnh AIDS. Những thể toàn thân (nấm lan tràn theo đường máu) có thể xuất phát từ những tổn thương ở niêm mạc, từ dụng cụ tiêm không vô khuẩn (những người nghiện ma tuý), từ những ống thông (sonde) bị nhiễm nấm (ống truyền dịch vào tĩnh mạch, hoặc ống thông nước tiểu).

Triệu chứng

THỂ NIÊM MẠC

Viêm miệng (tưa lưỡi), cảm giác rát bỏng trong miệng, nuốt khó. Niêm mạc miệng khô, màu đỏ sẫm, có lớp phủ ngoài màu trắng nhạt, như kem, có vẻ như giả mạc (vết dát màu trắng nhạt) hoặc mụn nước và giả mạc.

Bệnh nấm Candỉda sinh dục. tần suất mắc bệnh nấm Candida sinh dục có chiều hướng ngày càng tăng. Ở phụ nữ, bệnh biểu hiện bởi viêm âm hộ, âm đạo, với khí hư kéo dài, khó chữa, các hoàn cảnh thuận lợi cho bệnh phát triển là uống thuốc tránh thai, bệnh đái tháo đường, có thai và điều trị bằng thuốc corticoid. Ở nam giới, nhiễm nấm thường không có biểu hiện triệu chứng, hoặc chỉ gây ra kích thích ở quy đầu, bao quy đầu và đôi khi xuất hiện những vết trợt. Thể này lây theo đường tình dục, và cả hai bạn tình đều phải được điều trị.

THỂ DA: nấm gây ra hăm kẽ thường thấy ở những vùng nách, dưới vú, nếp mông, những nếp của hậu môn, và những khoảng ở giữa các ngón tay và ngón chân. Tổn thương là những mảng ban đỏ rỉ dịch viêm, rộng hẹp khác nhau, trên đó có thể có rải rác những mụn nước hoặc mụn mủ. Đôi khi móng tay, móng chân cũng bị ảnh hưởng của nấm (viêm móng và viêm quanh móng).

THỂ TIÊU HOÁ: nấm Candida có thể gây ra:

Viêm thực quản, viêm dạ dày. với các triệu chứng: rát bỏng ở sau xương ức, buồn nôn, nuốt khó, Ợ nóng trong họng.

Viêm tiểu đại tràng: với các triệu chứng ỉa chảy dai dẳng, đau bụng. Bệnh nấm đường ruột có thể là biến chứng của việc điều trị kháng sinh phổ rộng làm biến đổi quần thể vi sinh ở trong ruột (xem: viêm đại tràng sau khi dùng thuốc kháng sinh).

Viêm trực tràng, viêm hậu môn: hay xảy ra sau điều trị bằng thuốc kháng sinh. Ngứa ở hậu môn.

THỂ hÔ HẤP: Candida có thể gây ra viêm phế quản với ho dai dẳng, những cơn hen phế quản mà bệnh nhân khạc đờm “như bột sắn” trong có rất nhiều nấm men. Chụp X quang lồng ngực thấy hình ảnh các giải phế quản-mạch máu rất đậm, đôi khi có nốt mờ. Có thể xuất hiện các ổ viêm phế quản-phổi. Đôi khi có viêm phổi cơ hội.

THỂ MÀNG NÃO: hiếm thấy, nhưng nếu xảy ra thì sẽ có mầm bệnh ở trong dịch não tuỷ. Thể não là ngoại lệ với triệu chứng giống u não.

THỂ TIM: (viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cấp và bán cấp): mầm bệnh mọc trên bề mặt của các van tim, đặc biệt là sau thủ thuật thông tim, thay van tim nhân tạo, hoặc ở người nghiện ma tuý.

THỂ TOÀN THÂN: mầm bệnh lan tràn khắp cơ thể, xảy ra trong trường hợp suy giảm miễn dịch, và có thể biểu hiện bởi hội chứng nhiễm khuẩn huyết và khu trú ở thận (viêm bể thận-thận).

Xét nghiệm cận lâm sàng: chẩn đoán dựa trên xét nghiệm tìm thấy mầm bệnh trong các bệnh phẩm lấy từ các tổn thương (các vảy ở da, móng, giả mạc, dòm, cặn nước tiểu, dịch tiết âm đạo, mủ ở apxe).

Xét nghiệm phiến đồ bệnh phẩm với acid acetic loãng: thấy nấm men hình tròn hoặc hơi bầu dục, mọc chồi, các sợi nấm nhuộm bởi thuốc nhuộm Giemsa rất thâm màu. Nếu hạt và sợi nấm như thế có trong nước tiểu, trong mủ, trong dịch não tuỷ, dù với lượng rất nhỏ cũng rất có ý nghĩa chẩn đoán. Ngược lại, chỉ khi nào thấy lượng nấm đậm đặc một cách bất thường trong đờm và trong dịch tiết âm đạo thì mối có ý nghĩa, vì bình thường Candida vốn đã là thực vật hoại sinh trong đường hô hấp và trong âm đạo.

Xét nghiệm mô học các bệnh phẩm sinh thiết: có thể cho thấy những tổn thương đặc hiệu.

Cấy bệnh phẩm lấy từ tổn thương, nếu kết quả dương tính thì cũng không nhất thiết là mầm bệnh được phát hiện gây ra bệnh đang mắc. Những khuẩn lạc nấm thường mọc 8 ngày sau khi cấy trong môi trường Sabouraud. Trong trường hợp nhiễm khuẩn huyết thì cấy máu.

Làm phản ứng huyết thanh: có ích trong chẩn đoán bệnh Candida ở sâu, không thể lấy được bệnh phẩm để cấy. Người ta hay dùng các test: kết tủa miễn dịch, ngưng kết hồng cầu (> 1/160) hoặc miễn dịch huỳnh quang gián tiếp (> 1/100). Test với latex nhanh cũng có thể sử dụng được.

Phản ứng bì: không có giá trị thực tiễn.

Tiên lượng

Tốt đối với những thể da, niêm mạc và ruột, nhưng hay bị tái phát. Thể toàn thân có tiên lượng rất dè dặt.

Điều trị

Phát hiện bệnh đái tháo đường và điều trị cho bệnh nhân. Tuỳ theo tình hình, ngừng cho thuốc kháng sinh, corticoid, hoặc thuốc ức chế miễn dịch nếu bệnh nhân đang được điều trị bằng các thuốc này.

Điều trị viêm miệng: súc miệng hoặc rửa bằng dung dịch kiềm (bicarbonat) hoặc tím gentian

Điều trị nấm Candida miệng hoặc thực quản: cho nystatin, fluconazol (100 đến 200 mg mỗi ngày) hoặc itraconazol (200 mg mỗi ngày), uống trong 1-3 tuần.

Điều trị viêm âm đạo: nystatin uống và đặt viên nang trong âm đạo. Ketoconazol uống đối với những trường hợp nặng.

Điều trị viêm quy đầu-bao quy đầu: rửa bằng nước và xà phòng, bôi mỡ nystatin.

Điều trị thể da: rửa bằng ung dịch tím Gentian.

Điều trị thể toàn thân: amphotericin B (0,2-0,5 mg/kg cân nặng cơ thể mỗi ngày) truyền tĩnh mạch, tuỳ tình hình, có thể phối hợp với flucytosin (100-150 mg/kg cân nặng cơ thể mỗi ngày). Những thuốc khác cũng có thể sử dụng được là fluconazol và itraconazol. Những thể do nhiễm Candida crusei thường kháng thuốc.

Phòng bệnh: trong trường hợp suy giảm miễn dịch nên uống phòng fluoconazol 400 mg mỗi ngày.

 

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây