Mục lục bài viết
Căn nguyên
Ở nam giới: viêm bàng quang thường là hậu quả của nhiễm khuẩn ngược dòng từ niệu đạo hay từ viêm tuyến tiền liệt, đôi khi do thông hay do dụng cụ.
ở nữ giới: do các vi khuẩn từ âm đạo qua niệu đạo tới bàng quang. Hay gặp viêm bàng quang sau giao hợp.
Hơn 80% số trường hợp là do Escherichia coli. Các vi khuẩn khác là các loại Proteus, Klebsiella và Staphylococcus saprophyticus (hay gặp ở nữ).
Triệu chứng
Khởi phát đột ngột, đau và cảm giác nóng bỏng khi tiểu tiện, đái rắt, tiểu nhiều về ban đêm, mót tiểu nhưng không có nước tiểu, đau ở vùng mu.
Nước tiểu đục và đôi khi có máu.
Nếu có sốt cao và đau vùng thắt lưng thì phải nghĩ đến có viêm bể thận.
Viêm bàng quang thường không có triệu chứng ở người già hoặc người bị rối loạn thần kinh bàng quang, người được đặt thông dài ngày.
Xét nghiệm cận lâm sàng
Trong nước tiểu có bạch cầu, thường có máu vào cuối bãi và nước tiểu có vi khuẩn. Không có hoặc có rất ít protein trong nước tiểu. Nếu có tiền sử đã được thăm khám đường tiết niệu bằng dụng cụ, bị sỏi, đã được điều trị bằng kháng sinh thì phải xét nghiệm tế bào và vi khuẩn học trước khi điều trị bằng kháng sinh (xem xét nghiệm tế bào-vi khuẩn học nước tiểu).
Điều trị
Ngay sau khi đã lấy mẫu nước tiểu, nếu bệnh nhân không bị biến chứng thì điều trị bằng một trong các cách sau (chi tiết xem các thuốc kháng khuẩn đường tiết niệu):
- Cotrimoxazol: dùng liều duy nhất (chống chỉ định cho phụ nữ có thai); điều trị 3 ngày có hiệu quả hơn.
- Fluoroquinolon một liều duy nhất.
- Amoxicillin (có thể +acid clavulanic) trong ít nhất là 3 ngày.
- Cephalosporin (ví dụ, ceftriaxon)
Nếu viêm bàng quang trở thành mạn tính, cần thay đổi cách điều trị theo kết quả xét nghiệm vi khuẩn trong nước tiểu. Uống nhiều nước và đặt thuốc giảm đau dạng viên đạn vào trực tràng nếu bị đau quá. về lâu dài, biện pháp quan trọng nhất là nhận biết và lấy đi vật gây tắc.
GHI CHÚ- nói chung, viêm bàng quang tái phát là từ các nhiễm khuẩn khu trú ở phần cao. ở phụ nữ, có thể bị nhiễm khuẩn âm đạo- niệu đạo-bàng quang do lỗ dò bàng quang-âm đạo hay sa bàng quang (cần khám phụ khoa toàn diện); ở nam giới là do viêm tuyến tiền liệt cấp tính hay mạn tính. Có bọt khí trong nước tiểu có thể là do lỗ dò ruột-bàng quang.
Đau bàng quang có nước tiểu trong, có bỏng rát khi tiểu tiện và đái rắt mà không có tổn thương thực thể nào ở phụ nữ. Thường có rối loạn tâm lý hay rối loạn sinh dục đi kèm.