Trang chủBệnh thận - tiết niệuThăm khám lâm sàng bộ máy thận - tiết niệu

Thăm khám lâm sàng bộ máy thận – tiết niệu

Đau có nguồn gốc niệu-dục

THẬN: giãn bao thận do viêm bể thận cấp, viêm cầu thận cấp, bệnh thận tắc nghẽn gây đau ở vùng thận, là khoảng giữa xương sườn cuối cùng và mào chậu; đôi khi có đau vùng thượng vị kèm theo buồn nôn và nôn (cơn đau quặn thận).

HỆ THỐNG BỂ THẬN VÀ ĐÀI THẬN: hệ thống này bị giãn cấp tính gây đau dữ dội ở sườn, lan xuống hố chậu, các cơ quan sinh dục ngoài và mặt trong đùi. Hội chứng này được gọi là cơn đau quặn thận.

BÀNG QUANG: bàng quang giãn đột ngột (bí đái cấp) gây rất đau ở vùng dưới rốn hay trên mu, thường có kèm theo vật vã. Giãn bàng quang mạn tính do rối loạn thần kinh thường không gây đau.

ĐƯỜNG TIẾT NIỆU ĐOẠN THẤP: tổn thương niệu đạo sau và tuyến tiền liệt gây đau xuyên tới vùng quanh hậu môn và trực tràng.

TINH HOÀN: bị chấn thương hoặc nhiễm khuẩn gây đau dữ dội và khu trú.

Nhìn

VÙNG THẮT LƯNG: bệnh nhân ngồi, chân lơ lửng. Vùng giữa xương sườn và cột sống có da đỏ, phù, phồng lên có thể là dấu hiệu bị viêm quanh thận.

KHÁM CƠ QUAN SINH DỤC NGOÀI

  • Dương vật: săng (giang mai, săng mềm, loét u hạt lympho hoa liễu), mụn nước đỏ thành đám (herpes sinh dục), sùi mào gà da liễu, viêm quanh lỗ niệu đạo hay có chẩy mủ (viêm niệu đạo), dương vật cương đau (tắc tĩnh mạch, ung thư, leucemi, thiếu máu hồng cầu liềm), thiểu sản hoặc quá sản (thiểu năng hoặc ưu năng tuyến nội tiết sinh dục).
  • Bìu: phù (suy tim, xơ gan, hội chứng thận hư, bệnh chân voi do tắc hệ bạch huyết chậu), viêm (viêm túi tinh cấp, tinh hoàn bị xoắn vặn), tụ máu (chấn thương).

Sờ

VÙNG THẬN: bệnh nhân nằm ngửa. Người khám luồn một tay dưới lưng ở vùng góc sườn-cột sống. Cong các ngón tay để nắn ép vùng này. Nếu thận có bệnh thì bệnh nhân có cảm giác đau sâu. Để nắn thận, người khám để bàn tay kia lên vùng hạ sườn cùng bên. Khi bệnh nhân hít vào sâu thì nắn vào vùng thận. Bình thường, không bao giờ sờ thấy thận trái đôi khi có thể sờ thấy cực dưới của thận phải ở người gầy. Cũng có thể sờ thấy thận phải bị sa. Thận to (khối u, ứ nước thận, thận đa nang) di động theo chiều trước-sau.

CƠ QUAN SINH DỤC NGOÀI

  • Thoát vị bẹn: khi thấy bìu sưng thì trước hết phải loại bỏ khả năng bị thoát vị bẹn. Thoát vị bẹn bao giờ cũng xuống trước ống dẫn tinh và nói chung có thể đẩy lên được qua lỗ ống bẹn đã bị mở rộng. Nếu đặt ống nghe lên chỗ thoát vị thì có thể nghe thấy tiếng nhu động ruột.
  • Dương vật: cứng ở một bên hay ở lưng dương vật (bệnh La Peyronie), cứng một chỗ (sạn urat trong bệnh gút, u xơ, u sụn, ung thư).
  • Tinh hoàn lạc chỗ hay bị teo (di chứng quai bị hay chấn thương, thiểu năng tuyến sinh dục).
  • Tinh hoàn to và đau: quai bị cấp tính, tinh hoàn bị xoắn vặn.
  • Tinh hoàn to, không đau: tràn dịch tinh mạc (ánh sáng qua được khi rọi), tràn máu tinh mạc (ánh sáng khó qua khi rọi), lao, giang mai, ung thư.
  • Mào tinh to: u tinh dịch (ánh sáng qua được khi rọi), viêm túi tinh (đau), giang mai, lao, ung thư.
  • Thừng tinh: giãn tĩnh mạch tinh (giãn mạch của đám rối hình chùm, thường ở bên trái), ứ nước tinh mạc hay tụ máu ở thừng tinh, u giang mai hay u ác tính ít gặp hơn.

SƯNG HẠCH VÙNG BẸN: phần lớn người bình thường có một ít hạch nhỏ, rắn và không đau nổi lên ở hai bên bẹn.

  • Sưng hạch ở một bên: nhiễm khuẩn chi dưới, nhuyễn hạ cam (hạch sưng đau), u hạt lympho bẹn, ung thư các cơ quan sinh dục ngoài.
  • Sưng hạch hai bên: giang mai (hạch sưng vừa phải, không đau, di động). Lậu (hạch sưng vừa phải, hơi đau).

KHÁM PHỤ KHOA: có thể phát hiện các bệnh của đường tiết niệu; ví dụ: nhiễm khuẩn âm đạo, sa bàng quang dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu mạn tính, khối u phụ khoa chèn ép vào đường tiết niệu.

BÌU BỊ SƯNG TO (u bìu)

  • Viêm tinh hoàn – mào tinh (xem bệnh này): có,thể làm tinh hoàn sưng to và rất đau, có sốt.
  • Viêm tinh hoàn do quai bị xem bệnh quai bị.
  • Viêm mào tinh do vi khuẩn thông thường hay do lao: khối u dính vào tinh hoàn nhưng có rãnh ngăn cách.
  • U tinh dịch: nang của mào tinh, trong có chứa một chất dịch như sữa (tinh trùng chết). Khối u tách rời với tinh hoàn, ở phía trên và sau tinh hoàn, cho ánh sáng đi qua khi rọi.
  • Túi máu: máu tràn vào bao tinh mạc do chấn thương.
  • Bao tinh mạc bị dầy sau xuất huyết: hiện tượng sưng xẩy ra sau chấn thương.
  • Tràn dịch tinh mạc (xem bệnh này): to toàn bộ bìu, không thể phân biệt được tinh hoàn và mào tinh, không đau, đàn hồi và cho ánh sáng đi qua khi rọi.
  • Tinh hoàn bị xoắn vặn: gây ra hội chứng đau nhưng không sốt, vài giờ sau tinh hoàn sưng to và rất đau.
  • U tinh hoàn (xem bệnh này): u liền với tinh hoàn, không cho ánh sáng đi qua khi rọi.
  • Bao tinh mạc bị dầy sau xuất huyết: hiện tượng sưng to là do chầy máu và xuất hiện sau chấn thương.
  • Thoát vị bẹn xuống bìu: khối u mềm, có thể làm cho nhỏ lại được.
  • Giãn tĩnh mạch bìu (xem bệnh này): giãn các tĩnh mạch của thừng tinh.
  • Phù bạch huyết ở bìu: có thể là do mạch bạch huyết hay tĩnh mạch ở bụng bị chèn ép, do giun chỉ, do bệnh Milroy.

Thăm dò trực tràng

Rất quan trọng ở nam giới để khám tuyến tiền liệt. Bệnh nhân nằm ngửa, ở tư thế sản khoa; hoặc nằm sấp hay nằm nghiêng sang trái, đùi phải gấp nhiều hơn đùi trái. Mặt sau tuyến tiền liệt lồi vào trực tràng, có dạng và kích thước bằng quả hạt dẻ, nhẵn, đồng nhất, đàn hồi, có rãnh ở giữa, có bờ rõ. Các túi tinh nằm ố phía trên tuyến tiền liệt, ở hai bên đường giữa và bình thường không sờ thấy được. Có thể sờ thấy phần dưới các túi tinh trong trường hợp bị viêm hay rắn lại.

  • Tuyến tiền liệt to đối xứng, không đau, đồng nhất, rãnh giữa bị mất, bờ rõ: u xơ tuyến tiền liệt.
  • Tuyến tiền liệt to đối xứng, đau: viêm tuyến tiền liệt cấp tính.
  • Có một vùng nhũn ở tuyến tiền liệt: áp xe tuyến tiền liệt.
  • Có những nhân rắn ở tuyến tiền liệt: ung thư tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt mạn tính, lao, tuyến tiền liệt. Trong ung thư, bờ của tuyến có thể không rõ. Thâm nhiễm cứng có thể lan tới trực tràng và các túi tinh.
  • Sờ thấy túi tinh: viêm túi tinh.

Khám toàn thân

Bệnh thận mạn tính ảnh hưởng lên toàn thân và có thể làm rối loạn mọi hệ thống khác (xem bài suy thận mạn tính). Các triệu chứng quan trọng nhất là:

  • Các triệu chứng do suy thận và do urê huyết cao: da nhợt nhạt, da có mầu “cà phê sữa”, có nhiều vết gãi (vì ngứa do urê huyết cao), chấm xuất huyết, hơi thở có mùi đặc biệt, gầy sút, rung cơ cục bộ (do hạ calci huyết).
  • Các triệu chứng do huyết áp cao: huyết áp cao là biến chứng hay gặp của các bệnh thận. Có nhức đầu, rối loạn thị giác, có những đợt thiếu máu não tạm thời, suy tim, rối loạn tuần hoàn động mạch chi dưới.
  • Các triệu chứng do giảm protein huyết: albumin niệu cao và nhất là hội chứng thận hư, có phù ở các phần thấp.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây