Định nghĩa
Là cơn đau vùng thắt lưng ở một bên do đường bài xuất nước tiểu ở phía trên bị tăng áp suất và giãn cấp tính ở phía trên chỗ tắc.
Căn nguyên
Sỏi thận (xem bệnh này) là nguyên nhân hay gặp nhất; các nguyên nhân khác là có cục máu đông trong trường hợp đái ra máu, hoại tử nhú thận cấp và chèn ép cấp niệu quản từ bên ngoài.
Triệu chứng
Đau kịch phát, dữ dội và đau sâu ở vùng thắt lưng, lan sang hố chậu, bộ phận sinh dục ngoài và mặt trước-trong đùi. Có thể bị đau vô cùng dữ dội. Đi tiểu khó và đái rắt. Có thể buồn nôn và nôn do phản xạ ruột. Bệnh nhân vật vã. Nếu có sốt thì có thể do bị sỏi thận có biến chứng nhiễm khuẩn.
Xét nghiệm cận lâm sàng
NƯỚC TIÊU: hay có đái ra máu, nếu bị nhiễm khuẩn thì trong cặn nước tiểu có bạch cầu (cấy nước tiểu).
Cần lọc nước tiểu để có thể lấy được sỏi (ít khi có sỏi lớn hơn 6 mm ra theo nước tiểu).
MÁU: nếu thận kia cũng bị hay chỉ có một thận độc nhất thì urê và creatinin máu có thể tăng cao.Định lượng calci, urat, phosphat nếu nghi ngờ có sỏi.
Xét nghiệm bổ sung
X QUANG: chụp bụng không chuẩn bị có thể phát hiện được sỏi cản quang. Chụp đường niệu qua tĩnh mạch có thể thấy bài tiết chậm ở bên thận bị bệnh có thể thấy nguyên nhân và vị trí tắc, bể thận và đài thận bị giãn.
CHỤP SIÊU ÂM: trong phần lớn các trường hợp, chụp siêu âm cũng đủ để thấy bể thận và đài thận một bên bị giãn.
Chẩn đoán phân biệt
Viêm cạnh thận, viêm bể thận cấp, nhồi máu thận.
Bệnh lý ở ổ bụng cấp: viêm ruột thừa cấp, viêm túi mật cấp, viêm túi thừa, viêm tuỵ.
Rối loạn phụ khoa: viêm phần phụ, chảy máu, u nang buồng trứng xoắn.
Chửa ngoài tử cung.
Nhồi máu lách.
Điều trị
- Hạn chế uống nước: trong cơn đau: 1 lít/ngày cho đến khi hết đau.
- Thuốc giảm đau tuỳ theo mức đau: thuốc chống viêm không steroid theo đường uống hoặc tiêm bắp thịt.
- Nếu có vô niệu, cơn đau kéo dài hoặc chỉ có một thận duy nhất thì phải vào bệnh viện ngay. Điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa nguyên nhân gây tắc (xem thận ứ nước).
- Sau cơn đau/đợt đau: uống trên 2 lít nước/ngày.