Trang chủBệnh thần kinhChẩn đoán và điều trị hội chứng chèn ép tủy

Chẩn đoán và điều trị hội chứng chèn ép tủy

 

ĐẠI CƯƠNG

Tủy sống có hai chức năng chính là chức năng khoanh đoạn và chức năng dẫn truyền, khi tủy bị tổn thương hai chức năng này của khoanh đoạn tương ứng sẽ bị rối loạn.

Triệu chứng lâm sàng

Hội chứng trong khoanh hay hội chứng khoanh đoạn

  • Đây là hội chứng tổn thương ngoại vi của bản thân khoanh đoạn tủy bị chèn ép. Các triệu chứng thường gặp là:

Đau kiểu đánh đai: bệnh nhân đau theo các dải da, đau kiểu rễ. Đau thường khu trú ở một bên cơ thể (xung quanh nửa ngực, lưng hoặc thắt lưng), vùng da bị đau khiến bệnh nhân có cảm giác như có đai thắt. Khi có triệu chứng đau kiểu này cần phải tìm nguyên nhân ở xung quanh khoanh tủy tương ứng và nên tìm từ ngoài (xương và phần mềm) vào trong (tới bản thân tủy sống), về ý nghĩa định khu, đây là triệu chứng biểu hiện tổn thương kích thích của rễ thần kinh do bị chèn ép.

Mất phản xạ khoanh đoạn (của rễ thần kinh tương ứng).

Liệt kiểu ngoại vi các cơ do rễ thần kinh bị tổn thương phân bố.

Rối loạn chức năng thực vật, dinh dưỡng của rễ thần kinh bị tổn thương.

Hội chứng giải phóng

  • Là hội chứng tổn thương trung ương của các khoanh đoạn tủy nằm dưới vị trí bị chèn ép. Tổn thương chèn ép làm cản trở hoặc thậm chí gián đoạn quá trình dẫn truyền thần kinh hướng tâm cũng như ly tâm qua vị trí tổn thương, làm ảnh hưởng khả năng kiểm soát (ức chế) của não đối với các khoanh đoạn tủy dưới mức tổn thương, do đó các khoanh tủy đó được giải phóng.

Mất cảm giác dưới vị trí tổn thương: cảm giác nông dưới vị trí tổn thương thường bị giảm, trường hợp nặng có thể bị mất, cảm giác sâu ít khi bị tổn thương hơn. Giới hạn trên của rối loạn cảm giác nông biểu hiện tương đối rõ và cần phải khám thật kỹ, xác định bằng được vì nó có ý nghĩa trong chẩn đoán định khu (nó là vùng tương ứng với giới hạn trên của tổn thương chèn ép tủy). Trong trường hợp quá trình chèn ép xảy ra ở một bên tủy trên lâm sàng sẽ thấy hội chứng Brown – Séquard. Tuy nhiên trên thực tế hiếm khi gặp trường hợp có hội chứng Brown – Séquard điển hình.

Tăng phản xạ gân xương, có thể kèm theo rung giật bàn chân và rung giật bánh chè.

Có phản xạ bệnh lý bó tháp.

Có phản xạ tự động tủy (phản xạ ba co) nguyên tắc chung là giới hạn trên của vùng gây phản xạ tự động tủy tương ứng với giới hạn dưới của tổn thương chèn ép.

Có rối loạn cơ vòng kiểu trung ương.

Kết quả chọc sống thắt lưng

Giảm lưu thông dịch não tủy (nghiệm pháp Queckenstedt – stockey không thấy tảng hoặc tăng lưu thông dịch não tuỷ không đáng kể).

Có biểu hiện phân ly albumin – tế bào.

Dịch não tuỷ có màu vàng do nồng độ đạm cao, có thể có hội chứng Froin (hiện tượng hoá thạch dịch não tủy trong ống nghiệm sau khi chọc sống thắt lưng).

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán định khu

  • Chẩn đoán lâm sàng: khi người thầy thuốc đã xác định bệnh nhân có hội chứng chèn ép tuỷ thì đồng thời cũng phải chỉ ra bằng được khoanh tủy nào bị tổn thương. Muốn vậy phải khám kỹ, xác định rễ thần kinh bị tổn thương thông qua các rối loạn chức năng vận động, cảm giác, thực vật và dinh dưỡng của chúng. Đây cũng chính là rễ của khoanh đoạn tủy bị tổn thương.
  • Chẩn đoán hình ảnh: khi có các kết quả chẩn đoán hình ảnh như chụp tủy cản quang, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính, chụp mạch tủy… thì căn cứ vào vị trí tương đối của tổn thương với đốt sống kề cận ta có thể suy ra khoanh tuỷ bị tổn thương thông qua định luật Chipault như sau:

+ Ở cổ: thứ tự khoanh tuỷ = thứ tự đốt sống + 1 (ví dụ ngang mức đốt sống cổ 1 là khoanh tuỷ C2).

+ Ở lưng trên (từ D1 đến D5): thứ tự khoanh tuỷ = thứ tự đốt sống + 2 + ở lưng dưới (từ D6 đến D11): thứ tự khoanh tuỷ = thứ tự đốt sống + 3 + D12 tương ứng với các khoanh tủy L3, L4, L5.

+ L1 tương ứng với chóp cùng.

Các thể lâm sàng và nguyên nhân

  • Hội chứng chèn ép tủy cấp: thường do chấn thương có thể gây liệt hai chi hoặc tứ chi do choáng tủy, thoát vị đĩa đệm thể giả u, chảy máu tủy sống…
  • Hội chứng chèn ép tủy bán cấp: thường do u ngoại tủy, áp-xe hoặc ổ máu tụ ngoài màng cứng.

Biểu hiện bằng đau thắt lưng, có thể có hoặc không có hội chứng rễ, có phản xạ bệnh lý bó tháp, tăng phản xạ gân xương, liệt hai chân (thường ở gốc chi), mất cảm giác và rối loạn cơ vòng. Giai đoạn đau thắt lưng hoặc yếu nhẹ có thể kéo dài hàng giờ, hàng ngày, nhưng chuyển sang mất hoàn toàn chức năng phần dưới mức tổn thương có thể chỉ vài phút.

  • Hội chứng chèn ép tùy mạn tính: thường là hậu quả của lồi xương hoặc sụn vào ống sống, hoặc sự phát triển xuống dưới của u ngoại tuỷ. Nó đi saụ một giai đoạn chèn ép bán cấp. Trừ khi có đau nặng nề và dữ dội, còn rối loạn cảm giác và rối loạn vận động có thể xuất hiện cùng thời gian, có co cứng hai chi dưới.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị phẫu thuật giải phóng chèn ép.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây