Xử trí và biện pháp phòng ngừa côn trùng đốt ở trẻ em

Bệnh nhi khoa

Dị ứng do nọc côn trùng có thể gặp ở nhiều mức độ khác nhau, thủ phạm chính là các loại côn trùng thuộc họ có cánh như các loại ong và kiến lửa, đôi khi có thể là các loại rận rệp. Các loại côn trùng này có khả năng đốt và đưa nọc của mình vào cơ thể người và động vật. Nọc của chúng thường có chứa nhiều loại enzym và protein nên có nguy cơ cao gây ra các phản ứng dị ứng.

CÁC TRIỆU CHỨNG DO CÔN TRÙNG ĐÔT

Hầu hết các trường hợp bị côn trùng đốt chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ tại chỗ bị đốt như sưng nề đỏ, ngứa và đau, những biểu hiện này thường tự biến mất trong vòng một vài giờ mà không để lại di chứng. Khoảng 10% trường hợp có phản ứng lan tỏa xung quanh vùng bị đốt với một quầng đỏ lan rộng, ngứa nhiều và đau nhức. Quầng đỏ này thường phát triển tối đa sau 2 ngày và tồn tại trong 7-10 ngày. Các phản ứng tại chỗ này không xảy ra theo cơ chế dị ứng mà do sự phóng thích trực tiếp histamin dưới tác dụng của nọc côn trùng. Biểu hiện phù nề này thường không nguy hiểm nhưng nếu xảy ra ở vùng đầu mặt cổ thì có thể gây chèn ép đường thở và nguy hiểm đến tính mạng.

Bên cạnh các phản ứng tại chỗ, trong khoảng 1-3% các trường hợp, vết đốt của côn trùng có thể gây ra các phản ứng dị ứng mang tính chất toàn thể như nổi mày đay, phù nề môi, mắt, hầu họng, thanh quản, khó thở, thở rít, đau quặn bụng, đi ngoài phân lỏng, trường hợp nặng có tụt huyết áp, choáng ngất, da tái lạnh nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Các phản ứng dị ứng toàn thể do côn trùng đốt có thể xảy ra với một vết đốt duy nhất và thường từ lần đốt thứ hai trở đi, khi cơ thể đã có kháng thể đặc hiệu kháng lại nọc côn trùng.

Ong vò vẽ
Ong vò vẽ

XỬ TRÍ

Biểu hiện tại chỗ

Những phản ứng nhẹ tại chỗ thường tự biến mất sau vài giờ không cần điều trị. Trong trường hợp có phản ứng lan tỏa, vùng bị côn trùng đốt cần được rửa sạch và đảm bảo vệ sinh để tránh nguy cơ bội nhiễm, chườm lạnh để giảm phù nề. Nếu quanh vùng bị đốt có mang vòng hoặc nhẫn, cần tháo bỏ trước khi tình trạng sưng nề xuất hiện để tránh nguy cơ chèn ép. Nếu ngòi của côn trùng còn nằm trong da, cần nhẹ nhàng lấy ra bằng nhíp và tránh làm vỡ túi chứa nọc, điều này tốt nhất nên được tiến hành ngay sau khi bị đốt. Dùng các thuốc kháng histamin bôi tại chỗ (như kem phenergan) có thể giúp giảm nhanh triệu chứng ngứa.

Một số chế phẩm bôi ngoài da có chứa corticosteroid và kháng sinh như cortibion (chứa dexamethason và neomycin) cũng nên được sử dụng sớm do có tác dụng giảm viêm, giảm phù nề và ngăn ngừa bội nhiễm. Các thuốc kháng histamin (loratadin, cetirizin) và corticosteroid (prednisolon, methylprednisolon) đường uống hoặc tiêm có thể được sử dụng để giảm triệu chứng nếu điều trị tại chỗ không hiệu quả. Kháng sinh chỉ sử dụng trong một số ít trường hợp có bội nhiễm. Riêng trường hợp bị kiến lửa đốt, sau một ngày vết đốt thường tạo thành một mụn nhỏ do hoại tử tô chức, cần lưu ý không làm vỡ mụn mủ này để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Dị ứng do côn trùng đốt
Dị ứng do côn trùng đốt

Phản ứng toàn thể

Những phản ứng này bắt buộc phải được điều trị trong bệnh viện, trong đó adrenalin là thuốc không thể thiếu và nên được dùng sớm ngay khi có thể. Những biểu hiện nhẹ nhất như nổi mày đay, ban đỏ cũng cần được xử trí sớm bằng adrenalin để ngăn ngừa những diễn biến xấu sau đó. Sử dụng sốm các thuốc kháng histamin Hl như diphenhydramin, dimesrol và corticosteroid như methylprednisolon, hydrocortison đường uống hoặc tiêm truyền giúp giảm bớt triệu chứng và rút ngắn thời gian hồi phục. Có thể sử dụng các thuốc kháng histamin H2 như ranitidin, famotidin hoặc cimetidin để phối hợp điều trị. Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác như thở oxy, dùng thuốc giãn phế quản, truyền dịch là cần thiết trong các trường hợp sốc phản vệ. Thuốc kháng histamin và corticosteroid đường uống nên được tiếp tục sử dụng 3-5 ngày sau khi bệnh nhân xuất viện để tránh nguy cơ các phản ứng dị ứng tái lại.

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA CÔN TRÙNG ĐỐT

Những người có tiền sử dị ứng hoặc đã từng bị dị ứng với nọc côn trùng cần hết sức thận trọng tránh xa các tổ ong, kiến lửa để tránh bị đốt. Khi đi ra ngoài hoặc làm những công việc có nguy cơ tiếp xúc với côn trùng, tốt nhất nên đi giầy, mặc áo dài tay tối màu, tránh mang các vật dụng có màu sắc sặc sỡ, không dùng các mỹ phẩm hoặc bày các đồ ăn, thức uống có mùi thơm quyến rũ côn trùng. Giảm mẫn cảm đặc hiệu là một phương pháp rất có hiệu quả để dự phòng các phản ứng dị ứng với nọc côn trùng, nhưng hiện nay mới chỉ có thể thực hiện được với một số loại nọc ong và kiến lửa.

Bệnh nhi khoa
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận