Chẩn đoán và điều trị suy thận mạn tính ở trẻ em

Bệnh nhi khoa

Suy thận mạn là hậu quả của bệnh mạn tính tại thận gây giảm số lượng các nephron (đơn vị thận) chức năng làm giảm dần mức lọc của cầu thận, khi mức lọc cầu thận giảm xuống dưới 50% so với mức bình thường thì được coi là suy thận mạn (Mức lọc cầu thận được tính theo tuổi, trên 2 tuổi là khoảng 100ml/1phút/1,73m2 da). Thận không còn đủ khả năng duy trì tốt sự cân bằng của nội môi sẽ dẫn đến hàng loạt những biến loạn về sinh hoá và lâm sàng của các cơ quan trong cơ thể.

CHẨN ĐOÁN

Lâm sàng

  • Chú ý tiền sử bệnh nhân có bệnh thận – tiết niệu trước đó.
  • Phù: suy thận mạn do bệnh cầu thận thường có phù, suy thận mạn do viêm thận – bể thận thường không phù.
  • Cơ thể gầy đét, còi cọc, da xanh xạm, khô.
  • Thiếu máu: nặng, nhẹ tuỳ giai đoạn.

Thiếu máu đa số nhược sắc hoặc bình sắc, hình thể kích thước hồng cầu bình thường, có khi có hồng cầu to, nhỏ không đều. Nhiều bệnh nhân khi được khám vì thiếu máu mới được phát hiện suy thận mạn.

  • Tăng huyết áp: thường gặp ở 80% bệnh nhi.
  • Suy tim: khi xuất hiện thì đã muộn.
  • Viêm ngoại tâm mạc: tiếng cọ màng tim là một dấu hiệu xấu của suy thận mạn.
  • Nôn, ỉa chảy: có khi có xuất huyết tiêu hoá có loét hoặc không.
  • Xuất huyết: chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu dưới da là thường gặp.
  • Ngứa là một biểu hiện ngoài da thường gặp.
  • Chuột rút.
  • Viêm thần kinh ngoại vi: do dẫn truyền thần kinh giảm.
  • Hôn mê: do urê máu cao là biểu hiện lâm sàng cuối cùng của suy thận mạn.

Xét nghiệm

  • Mức lọc cầu thận giảm.
  • Nitơ phi protein tăng cao.
  • Creatinin tăng cao.
  • Natri máu thường giảm.
  • pH máu giảm.
  • Calci máu giảm, phospho máu tăng, phosphatase kiềm tăng.
  • Protein niệu: có, nhưng tăng ít trong viêm bể thận mạn.
  • Hồng cầu niệu ít.
  • Bạch cầu niệu và vi khuẩn niệu.
  • Zimniski đồng tỷ trọng, thấp.

Chẩn đoán tiến triển của suy thận mạn

Dưới đây là các giai đoạn suy thận mạn được quy ước như sau: (cho trẻ em)

Giai đoạn suy thận mạn Mức lọc Creatinin máu
cầu thận (ml/1phút/ 1,73m[1] da) pmol/l mg/dl Lâm sàng
Bình thường 80 -100 70-106 0,7-1,1 – Bình thường
I: Giai đoạn tiềm tàng 60-45 < 120 < 1,4
II: Giai đoạn tăng urê 45-25 120-280 1,4-3,2 – Gần bình thường, thiếu máu nhẹ.
llla: Giai đoạn suy thận 25-15 280 – 449 3,2 -<5,5 – Chán ăn , thiếu máu vừa.
lllb: Mất bù 15-8 450-810 5,5 – <9 – Chán ăn, thiếu máu nặng, bắt đầu chỉ định lọc máu.
IV: Suy thận giai đoạn cuối <8 > 850 >9 – Hội chứng urê máu cao, rối loạn nghiêm trọng và chỉ có thể kéo dài cuộc sống nhờ các phương pháp lọc máu là bắt buộc hoặc ghép thận.

Cho trẻ > 2 tuổi

ĐIỀU TRỊ

Tuỳ theo giai đoạn suy thận để có chế độ điều trị thích hợp, bao gồm:

  • Điều trị bảo tồn.
  • Lọc máu ngoài thận chu kỳ: Lọc màng bụng.

Lọc thận nhân tạo.

  • Ghép thận

Điều trị bảo tồn

  • Chống các yếu tố gây bệnh nặng:

+ Cao huyết áp.

+ Nhiễm khuẩn. Chú ý không dùng các kháng sinh độc với thận.

+ Điều chỉnh nước và điện giải, thăng bằng toan kiềm.

+ Không dùng thuốc độc cho thận.

  • Tránh các sai sót thường mắc phải:

+ Dùng lợi tiểu không đúng.

+ Dùng thuốc độc cho thận.

+ Dùng thuốc quá liều so với chức năng thận.

Dựa vào giai đoạn suy thận để điều chỉnh các rối loạn về sinh hoá và lâm sàng

  • Suy thận giai đoạn I và n mức lọc cầu thận còn > 20 mL/1phút/1,73m2 Điều trị như sau là đủ:

+ Ăn ít đạm hơn bình thường (1-2g/kg/ngày), bảo đảm năng lượng, vitamin.

+ Điều chỉnh cao huyết áp: bằng aldomet, nifedipin…

  • Suy thận giai đoạn III, mức lọc cầu thận < 20 ml/1phút/1,73 m2

+ Chế độ ăn: bảo đảm năng lượng, muối khoáng, vitamin nhóm B.

+ Protid: 0,5-1g/kg/24 giờ.

Cuối giai đoạn III chỉ nên cho 1 bệnh nhân nặng 30kg: 20g protid bằng trứng, sữa. Năng lượng 1800-2000kcal.

+ Đảm bảo acid amin cần thiết bằng viên amin hoặc trứng sữa.

+ Muối: ăn nhạt khi có phù và cao huyết áp, chú ý kiểm tra natri máu.

+ Nước: chỉ uống bằng lượng đái.

+ Kali: tăng ở những giai đoạn nhất định.

+ Calci: chú ý bù liều nhỏ thường xuyên và vitamin D2 + Kiềm: bù khi có toan.

+ Thuốc chống cao huyết áp.

+ Trợ tim: khi cần, không có chống chỉ định với coragoxin.

+ Thuốc chống thiếu máu. Nếu có điều kiện dùng erythropoietin (khi Hb < 10g%, Hct < 30%), liều khởi đầu 40-50UI/kg X 2 lần/tuần, sau liều duy trì 20-25UI/kg X 2 lần/tuần, tiêm dưới da.

  • Suy thận giai đoạn cuối (gđ IV), MLCT < 5ml/1phút/ 1,73m2

Lọc máu ngoài cơ thể chu kỳ là bắt buộc, có điều kiện thì ghép thận nếu không bệnh nhi sẽ tử vong sau vài tháng (1,2,3,6 tháng).

Hướng dẫn khi xuất viện

Suy thận mạn là một hội chứng diễn biến qua nhiều giai đoạn và nhiều năm, do đó. cần:

  • Cần nghỉ ngơi, chế độ ăn giảm đạm, muối nhưng phải đảm bảo năng lượng và vitamin, tránh mắc các bệnh nhiễm trùng.
  • Được theo dõi và khám lại thường xuyên theo định kỳ.
  • Về nhà phải tuân theo chỉ định ngặt nghèo của thầy thuốc để tránh các diễn biến nặng đột xuất khó lường trước (cơn cao huyết áp, viêm màng ngoài tim, suy tim cấp, hôn mê). Gia đình cùng với bệnh viện chia sẻ và tạo điều kiện lọc máu chu kỳ hoặc ghép thận cho các cháu suy thận mạn giai đoạn cuối.
  • Phòng bệnh ở đây là phòng các đợt cấp hoặc tiến triển nhanh đến các giai đoạn sau.

Bệnh nhi khoa
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận