Trang chủBệnh nhi khoaChẩn đoán và điều trị phục hồi chức năng cho trẻ bị...

Chẩn đoán và điều trị phục hồi chức năng cho trẻ bị xơ hóa cơ ức đòn chũm

Xơ hoá Cơ ức đòn chũm là tình trạng xơ hoá một phần cơ ức đòn chũm do tư thế bào thai hoặc tai biến khi sinh dẫn đến hạn chế tầm vận động của cột sống cổ.

CHẨN ĐOÁN

Lâm sàng

  • Dấu hiệu sớm: 0-3 tháng tuổi
  • Có khối u vùng cơ ức đòn chũm với các tính chất sau:

+ Phát hiện ngay sau sinh, cảm giác to nhanh trong những tháng đầu.

+ Không nóng, đỏ, đau, mật độ chắc.

+ Không di động được hoặc di động nhẹ theo cơ ức đòn chũm.

  • Hạn chế tầm vận động tại cổ: thường phát hiện muộn khi trẻ 2 đến 3 tháng tuổi.

+ Đầu trẻ nghiêng sang bên có khối xơ, do cơ ức đòn chũm bị xơ cứng nên không thể kéo dài ra như bên lành được.

+ Hạn chế nghiêng sang bên lành và xoay hai bên.

  • Dấu hiệu muộn: > 3 tháng tuổi
  • Có khối u như trên nhưng mật độ chắc hơn nhiều.
  • Hạn chế tầm vận động cột sống cổ rất nhiều, khối xơ khó kéo giãn.
  • Vẹo cột sống cổ, vẹo cột sống lưng, biến dạng lồng ngực.
  • Lác mắt.

Xét nghiệm

  • Chọc dò khối u thấy trên tiêu bản có hình ảnh:

Hồng cầu: giai đoạn đầu (xuất huyết).

Tế bào xơ: giai đoạn sau (xơ hoá).

Không thấy bạch cầu đa nhân hoặc tế bào ác tính.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm hạch: sốt, sưng, nóng, đỏ đau. Chọc hạch có bạch cầu đa nhân.

Khối u vùng cổ: chọc dò khối u thấy trên tiêu bản có tế bào lành hoặc ác tính.

Vẹo cổ do còi xương, tổn thương đốt sống cổ: không có khối u, liệt dây thần kinh số

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SỚM

Nguyên tắc

Can thiệp ngay sau khi phát hiện khối xơ.

Hướng dẫn cho mẹ bệnh nhân tập tại nhà trong 3 tháng đầu.

Khám thường quy sau 1,2,3 tháng cho đến khi khỏi.

Điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng sau 3 tháng tuổi nếu kết quả kém.

Mục tiêu

Làm mềm khối xơ.

Duy trì tầm vận động của cột sống cổ.

Ngăn ngừa biến dạng thứ phát xảy ra ở sọ mặt và cột sống cổ.

Kỹ thuật phục hồi chức năng

Vận động trị liệu

Bài tập 1: Xoa bóp cơ ức đòn chũm

  • Tư thế bệnh nhân:

+ Đặt nằm nghiêng sang bên không có khối xơ để bộc lộ bên có khối xơ (trên đùi KTV, hoặc trên gối), đầu bệnh nhân thấp hơn vai.

+ Đầu, vai, hông thẳng hàng theo một trục ngang.

  • Kỹ thuật:

+ Một tay KTV cố định khốp vai, hông.

+ Tay kia (bên đầu trẻ) dùng 1 hoặc 2 ngón tay xoa bóp theo chiều kim đồng hồ.

+ Thời gian: 5-10 phút/lần X 6-8 lần trong ngày.

Bài tập 2: kéo giãn cơ ức đòn chũm

  • Tư thế bệnh nhân:

+ Đặt nằm nghiêng sang bên không có khối xơ để bộc lộ bên có khối xơ (trên đùi KTV hoặc trên gối), đầu bệnh nhân thấp hơn vai.

+ Đầu, vai, hông thẳng hàng theo một trục ngang.

  • Kỹ thuật:

+ Một tay KTV cố định khớp vai, hông, kéo nhẹ khớp vai về phía hông.

+ Tay kia (bên đầu trẻ) ngón cái tỳ vào góc hàm, các ngón khác đặt vào phần xương chũm, phần dưới bàn tay tỳ nhẹ vào đầu trẻ và kéo xuống từ từ, nhẹ nhàng. Giữ khoảng 30 giây sau đó thả ra và làm lại như trên.

Chú ý: Nếu trẻ khóc, chống đối, tím tái thì dừng lại ngay.

Thời gian: 5-10 phút/lần X 6-8 lần/ngày

Có thể xen kẽ bài tập 1 và 2.

Bài tập 3: Đặt nằm nghiêng hai bên.

  • Đặt nằm nghiêng hai bên bằng cách dùng gối dài kê ở phía sau lưng (qua vai và hông) để đảm bảo trẻ nằm nghiêng hoàn toàn (tránh nằm ngửa, nghiêng đầu).
  • Thay đổi tư thế nằm nghiêng sang từng bên sau mỗi bữa ăn (hoặc 2-4 giờ/lần).

Những điểm cần lưu ý:

  • Ba bài tập trên được thực hiện cho đến khi trẻ. khỏi hoàn toàn.
  • Thực hiện khi khối u không có nóng, đỏ, đau.
  • Kéo giãn nhẹ nhàng, không kéo giãn tối đa ngay tức khắc mà kéo giãn từ từ.
  • Không tập khi trẻ khóc, chống đối.
  • Tập trước khi cho ăn.
  • Theo dõi dấu hiệu khó thở, tím tái thì ngừng tập.

Bài tập 4. Tập lẫy (khi trẻ 3 tháng tuổi)

  • Tư thế bệnh nhân: trẻ nằm ngửa trên đệm.
  • Kỹ thuật:

+ Chân phía dưới duỗi.

+ Gập khớp gối và khớp háng chân phía trên.

+ Xoay khớp háng chân bên trên ở tư thế gập gối, háng và nhẹ nhàng đưa chéo qua người trẻ.

Điện trị liệu

Dòng điện thấp tần một chiều không đổi Gavanic (Tần số 100-1000 Hz, điện thế 220V, cường độ 0,1-0,5 mA/1cm2 điện cực).

  • Chỉ định: trẻ trên 3 tháng, đã thực hiện các bài tập vận động không có kết quả.
  • Phương pháp:

+ Gavanic dẫn CaCl2 cổ: cực tác dụng: (+) CaCl2 đặt giữa C4 đến c7. Cực đệm: (-) đặt ở thắt lưng.

+ Gavanic dẫn KI vào khối xơ: cực tác dụng (-) đặt ở khối xơ.

Cực đệm (+) đặt giữa C4 – c7.

Phẫu thuật chỉnh hình

Chỉ định: trẻ trên 2 tuổi, vẹo cổ nặng. Không quay được cổ sang bên có khối xơ.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây