Trang chủBệnh nhi khoaChẩn đoán và điều trị phục hồi chức năng cho trẻ bại...

Chẩn đoán và điều trị phục hồi chức năng cho trẻ bại liệt

Bại liệt là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tính chất lây lan, do virus bại liệt gây ra, lây theo đường tiêu hoá. Virus này có ái tính đặc biệt với tế bào thần kinh vận động của sừng trước tuỷ xám. Đặc điểm của bệnh này là liệt mềm ở một cơ hoặc một nhóm cơ.

CHẨN ĐOÁN

Dựa vào đặc điểm tiến triển lâm sàng.

Giai đoạn ủ bệnh

Trung bình từ 7-14 ngày, hoàn toàn yên lặng, nhưng là giai đoạn có khả năng lây lan bệnh cao.

Giai đoạn khởi phát

  • Trung bình 3-6 ngày, không có triệu chứng đặc hiệu; trẻ có thể có:

Hội chứng nhiễm khuẩn hô hấp: sốt 38-39°C, sổ mũi, đau họng.

Biểu hiện bệnh màng não nhẹ: đau đầu, nôn, ỉa chảy, cứng gáy.

Trẻ có thể bị đau ở các cơ sắp bị liệt trong vài ngày sau.

Giai đoạn liệt

  • Kéo dài khoảng 7-14 ngày.

Đặc điểm liệt do bại liệt: liệt xuất hiện đột ngột, liệt nhanh trong 1-3 ngày. Khu trú liệt thường gặp liệt cơ của các chi (gốc chi hay bị liệt nặng hợn ngọn chi). Trong các thể liệt nặng, liệt hướng lên cao có thể có các rối loạn chức năng hô hấp, tuần hoàn, liệt tứ chi và dẫn đến tử vong.

Tính chất liệt: liệt mềm; trương lực cơ giảm; cơ lực giảm; liệt không đồng đều; không có tính đối xứng; phản xạ gân xương giảm hoặc mất bên liệt; không có rối loạn cảm giác; teo cơ xuất hiện nhanh; có thể có rối loạn cơ tròn; tri thức hoàn toàn bình thường.

Các dấu hiệu khác: hạ sốt, đau cơ giảm dần, dấu hiệu rối loạn cơ tròn và màng não giảm dần trong 7 ngày sau liệt.

Giai đoạn phục hồi

Bắt đầu từ khi bị liệt khoảng 2 tuần đến 6 tháng. Thường thì cơ nào liệt trước thì sẽ phục hồi trước. Khả năng phục hồi tuỳ mức độ liệt:

Thể nhẹ (30%) có thể phục hồi hoàn toàn.

Thể vừa (30%) có thể phục hồi.

Thể nặng (30) để lại di chứng.

Thể rất nặng (10%) có thể dẫn đến tử vong.

Giai đoạn di chứng

Giai đoạn này được tính từ 6 tháng sau khi liệt: liệt vĩnh viễn, teo cơ, co rút cơ biến dạng khớp, lệch trục, dẫn đến giảm chức năng vận động.

XÉT NGHIỆM

Xét nghiệm virus có ý nghĩa giám sát dịch tễ bệnh bại liệt. Các bệnh phẩm cần thiết gồm: dịch hầu họng, phân, nước não tuỷ, dịch tổ chức trong các tuần đầu để cấy phân lập virus; huyết thanh trong giai đoạn cấp và giai đoạn phục hồi để chẩn đoán huyết thanh bại liệt.

Điện cơ đồ: trẻ nhỏ khó đánh giá. Trẻ lớn: mất hoặc giảm tốc độ dẫn truyền thần kinh của dây thần kinh bị thương tổn.

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

Nguyên tắc

Can thiệp sớm ngay sau khi phát hiện bệnh.

Phục hồi chức năng tuỳ thuộc vào giai đoạn của bệnh và toàn diện: nhiệt trị liệu, vận động trị liệu, điện trị liệu, dụng cụ chỉnh hình.

Mục tiêu

Giảm đau.

Ngăn ngừa teo cơ, co rút, biến dạng.

Tăng cường cơ lực và vận động chức năng.

Duy trì tầm hoạt động khớp.

Các kỹ thuật cơ bản

Giai đoạn khởi phát và giai đoạn liệt

Nhiệt ấm, xoa bóp nhẹ nhàng, thay đổi tư thế nằm, đặt tư thế tốt.

Giai đoạn phục hồi

Nhiệt trị liệu: chườm parafin, túi chườm nóng

Điện trị liệu: dòng điện Gavanic ngắt quãng kích thích cơ.

Vận động: xoa bóp cơ của chi liệt. Vận động tăng tiến từ vận động thụ động đến vận động có trợ giúp và chủ động. Kết hợp với kỹ thuật rung cơ ở tần số Bài tập kéo giãn nhẹ nhàng ở các cơ bị co rút. Đặt tư thế ngồi, nằm tốt.

Dụng cụ chỉnh hình: băng thun, dây treo tay, dụng cụ nâng bàn chân rủ, nẹp bàn tay, bàn chân.

Giai đoạn di chứng

Vận động trị liệu, điện trị liệu, hoạt động trị liệu, dụng cụ chỉnh hình,

a. Vận động trị liệu

Bài tập 1: Xoa bóp cơ

  • Tư thế:

Bệnh nhân nằm ngửa.

Bên liệt quay về phía kỹ thuật viên.

  • Kỹ thuật: các động tác được thực hiện từ ngọn chi đến gốc chi. Xoa vuốt cơ, miết cơ, bóp cơ, nhào cơ, rung cơ.
  • Bài tập 2: Vận động hết tầm các khớp
  • Tư thế: Bệnh nhân ngồi hoặc nằm.

Bên liệt quay về phía kỹ thuật viên.

  • Kỹ thuật:
  • Kỹ thuật vận động hết tầm tại khớp vai
  • Gấp và duỗi:

+ Một tay kỹ thuật viên cố định khớp vai, tay kia cầm ở cẳng tay.

+ Từ từ gập tay về phía đầu sau đó đưa trở lại vị trí ban đầu và ra sau.

  • Dạng và khép:

+ Một tay kỹ thuật viên cố định khớp vai, tay kia cầm ở cẳng tay.

+ Từ từ dạng tay ra sau đó đưa lại vị trí ban đầu và qua ngực sang phía bên đối diện.

  • Tập xoay khớp vai vào trong và ra ngoài:

+ Kỹ thuật viên dạng khớp vai người bệnh đến 90 độ và gấp khớp khuỷu 90°.

+ Vận động cẳng tay người bệnh về phía mặt giường với lòng bàn tay ở phía dưới tức là xoay khớp vai vào trong.

+ Tiếp tục vận động đưa cẳng tay lên phía đầu với lòng bàn tay ở phía trên, mu bàn tay ở phía dưới tức là vận động xoay khớp vai ra ngoài.

  • Kỹ thuật vận động hết tầm tại khớp khuỷu
  • Gấp và duỗi khớp khuỷu:

+ Tay người bệnh duỗi sát thân, lòng bàn tay ở phía trên.

+ Kỹ thuật viên dùng ngón trỏ và ngón giữa tay phải giữ ngón cái của người bệnh và đặt ngón tay cái của mình về mu bàn tay người bệnh còn các ngón khác ở trước cổ tay để giữ cổ tay ở tư thế duỗi thẳng. Sau đó gấp khớp khuỷu tay lại, đưa khớp cổ tay người bệnh về phía khớp vai rồi duỗi khớp khuỷu về vị trí ban đầu.

  • Xoay ngửa, xấp cẳng tay:

+ Tay người bệnh ở tư thế hơi gấp khớp khuỷu.

+ Kỹ thuật viên dùng tay phải nắm giữ bàn tay phải của người bệnh và duỗi thẳng ngón trỏ qua mặt trước khớp cổ tay để giữ khớp cổ tay thẳng sau đó xoay ngửa lòng bàn tay người bệnh lên, rồi quay sấp lòng bàn tay người bệnh tức là quay sấp cẳng tay.

  • Kỹ thuật vận động hết tầm tại khớp cổ tay.
  • Gấp duỗi khớp cổ tay:

+ Tay người bệnh ở tư thế gấp khuỷu 90°.

+ Kỹ thuật viên giữ ngón cái của người bệnh giữa ngón trỏ và ngón giữa tay phải mình, ngón tay cái đặt phía mu bàn tay người bệnh đồng thời dùng bàn tay trái nắm giữ bàn tay người bệnh. Sau đó kỹ thuật viên gấp khớp cổ tay người bệnh về phía lòng bàn tay. Rồi vận động duỗi khớp cổ tay theo hướng ngược lại tức là gấp khớp cổ tay về phía mu.

  • Nghiêng trụ và nghiêng quay khớp cổ tay:

+ Tay phải người bệnh ở tư thế gấp 90°.

+ Kỹ thuật viên (KTV) giữ ngón tay cái của người bệnh giữa ngón trỏ và ngón giữa bàn tay phải của mình và đặt ngón tay cái ở phía mu bàn tay người bệnh đồng thời dùng tay trái nắm giữ để đỡ cẳng tay người bệnh. Rồi giữ cổ tay bệnh nhân thẳng bàn tay trái, dùng tay phải nghiêng bàn tay bệnh nhân về phía ngón tay cái.

  • Kỹ thuật vận động hết tầm tại khớp bàn ngón
  • Gấp và duỗi đốt bàn ngón:

+ Tay bệnh nhân ở tư thế gấp khuỷu đến 90°, khuỷu tay chống trên mặt giường.

+ KTV úp bàn tay phải của mình lên phía mu bàn tay bệnh nhân, bàn tay trái giữ cẳng tay người bệnh. KTV dùng bàn tay mình gấp các ngón tay bệnh nhân, bắt đầu từ những đốt xa đến những đốt gần như là cuộn các ngón tay của bệnh nhân lại cho đến khi tất cả các ngón tay đã gấp, tạo thành một nắm đấm. Sau đó duỗi các ngón tay ra như ban đầu.

  • Dạng và khép các ngón:

+ Bàn tay bệnh nhân đặt úp sấp trên mặt giường, các ngón tay duỗi thẳng.

+ KTV dùng ngón tay cái và ngón trỏ nắm giữ 2 bên đầu một ngón tay của bệnh nhân và dùng tay trái nắm giữ vào các khớp cổ tay bệnh nhân. KTV giữ ngón tay bệnh nhân thẳng sau đó di chuyển dạng ra xa ngón tay cạnh. Tập như vậy với tất cả các ngón.

  • Kỹ thuật vận động hết tầm tại ngón cái
  • Gấp và duỗi các đốt ngón cái

+ Tay bệnh nhân ở tư thế gấp khuỷu, bàn tay xoay ngửa, các ngón duỗi thẳng.

+ Kỹ thuật viên dùng ngón cái và ngón trỏ tay trái kẹp giữ hai bên ngón tay cái của bệnh nhân rồi gấp ngón tay vào lòng bàn tay. Sau đó duỗi ngón tay cái ra. Tiếp tục lặp lại động tác như trên.

  • Đối chiếu ngón cái.

+ Tay bệnh nhân ở tư thế gấp khuỷu.

+ KTV giữ bàn tay bệnh nhân trong lòng bàn tay phải của mình, dùng ngón cái giữ các ngón tay bệnh nhân duỗi thẳng. Di chuyển ngón tay cái bệnh nhân từ phía lòng bàn tay ra ngoài rồi tiếp tục vận động về phía lòng bàn tay đến đối diện với các ngón khác cho tới ngón út.

  • Kỹ thuật vận động hết tầm tại khớp háng
  • Gấp và duỗi:

+ Bệnh nhân nằm sát mép giường. KTV đứng về phía bên phải bệnh nhân bàn tay trái đố dưới khoeo, bàn tay phải đỡ gót chân.

+ Nâng chân bệnh nhân lên gấp gối lại giữ không để chân bệnh nhân dạng hoặc xoay.

+ Di chuyển từ từ gối bệnh nhân về phía ngực, chuyển bàn tay từ khoeo lên gối và tiếp tục gấp chân cho tới mức tối đa rồi trở lại tư thế duỗi ban đầu.

Khi duỗi chân bệnh nhân ra KTV cần lưu ý chuyển tay trái đõ từ phía trước gối xuống khoeo như lúc ban đầu.

  • Dạng và khép:

+ Bệnh nhân nằm ngửa trên giường, KTV đứng về phía bên phải bệnh nhân, bàn tay trái đặt đõ dưới khoeo, tay phải nắm đỡ gót chân bệnh nhân.

+ Sau đó dạng chân ra, giữ chân ở mức ngang phẳng với mặt giường rồi khép chân trở về vị trí ban đầu.

  • Tập xoay khớp háng vào trong và ra ngoài:

Bệnh nhân nằm ngửa chân duỗi thẳng, KTV đứng ở phía bên phải bệnh nhân, tay trái đặt trên gối, tay phải đặt trên khớp cổ chân sau đó xoay chân bệnh nhân vào trong, rồi tiếp tục xoay chân bệnh nhân ra ngoài.

  • Kỹ thuật tập vận động hết tầm tại khớp gối
  • Bệnh nhân nằm ngửa sát mép giường bên phải, KTV đứng phía bên phải bệnh nhân, tay trái đặt dưới khoeo, tay phải nắm giữ gót chân bệnh nhân để gấp khớp háng và gấp khớp gối lại.
  • Sau đó KTV nâng chân bệnh nhân lên khỏi mặt giường rồi từ từ duỗi thẳng khớp gối ra. Sau đó đưa bàn chân trở lại mặt giường ở vị trí ban đầu rồi tiếp tục tập như đã miêu tả ở trên.
  • Kỹ thuật vận động hết tầm tại khớp cổ chân

Gập mặt lòng và gập mặt mu khớp cổ chân:

  • Bệnh nhân nằm ngửa, KTV đứng về phía bên phải, tay phải nắm giữ gót chân, cẳng tay đỡ bàn chân, tay trái đặt lên trên khớp gối để giữ cho chân bệnh nhân thẳng.
  • Sau đó gấp cổ chân lại bằng cách kéo gót chân bệnh nhân xuống và mũi bàn chân gấp về phía mu. Khi khớp cổ chân đã gấp đến mức tối đa KTV tiếp tục vận động duỗi khớp cổ chân rồi lại thực hiện động tác như đã nói ở trên.
  • Kỹ thuật vận động hết tầm tại ngón chân

Gập và duỗi đốt ngón chân:

  • Bệnh nhân nằm ngửa chân duỗi, KTV đặt ngón tay cái phải trên những ngón chân bệnh nhân ở phía mu và 3 ngón cuối cùng ở phía lòng trên khổp bàn ngón, còn bàn tay trái nắm giữ vùng cẳng chân sát khớp cổ chân để giữ cho bàn chân vững chắc.
  • Sau đó gấp các ngón chân bệnh nhân về phía lòng. Rồi KTV đặt các ngón tay ở dưới những ngón chân bệnh nhân và duỗi các ngón chân ra.
  • Bài tập 3: Vận động chủ động
  • Kỹ thuật vận động chủ động-đề kháng cơ Delta bó trước
  • Tư thế bệnh nhân: bệnh nhân ngồi trên ghế lưng thẳng, 2 tay xuôi theo thân.
  • Tư thế KTV: đứng sau bệnh nhân, một tay cố định tại bả vai, tay kia đặt tại 1/3 dưới mặt trước cánh tay.
  • Kỹ thuật viên làm mẫu gập vai và yêu cầu bệnh nhân làm theo. KTV chỉ cần cố định tại vai và bệnh nhân gập vai.
  • Nếu tập có đề kháng: KTV tạo sức đề kháng tại mặt trước cánh tay khi bệnh nhân gập vai:
  • Kỹ thuật vận động chủ động – đề kháng cơ Dellta bó giữa và cơ trên gai.
  • Tư thế bệnh nhân: bệnh nhân ngồi trên ghế lưng thẳng, 2 tay xuôi theo thân.
  • Tư thế kỹ thuật viên: đứng sau bệnh nhân một tay cố định tại bả vai, tay kia đặt tại 1/3 dưới mặt ngoài cánh tay.
  • KTV làm mẫu dạng vai và yêu cầu bệnh nhân, làm theo. KTV chỉ cần cố định tại vai và bệnh nhân dạng vai.
  • Nếu tập có đề kháng: KTV tạo sức đề kháng tại mặt ngoài cánh tay khi bệnh nhân dạng vai.
  • Kỹ thuật vận động chủ động – đề kháng cơ Dellta bó sau
  • Tư thế bệnh nhân: bệnh nhân ngồi trên ghế lưng thẳng, 2 tay xuôi theo thân.
  • Tư thế KTV: đứng bên cạnh bệnh nhân, một tay cố định bả vai tay kia đặt tại 1/3 dưới mặt sau cánh tay.
  • KTV làm mẫu duỗi vai và yêu cầu bệnh nhân làm theo, KTV chỉ cần cố định tại vai và bệnh nhân duỗi vai.
  • Nếu tập có đề kháng: KTV tạo sức đề kháng tại mặt sau cánh tay khi bệnh nhân duỗi vai.
  • Kỹ thuật vận động chủ động – đề kháng cơ chày trước
  • Tư thế bệnh nhân: bệnh nhân ngồi trên ghế lưng thẳng, 2 tay xuôi theo thân.
  • Tư thế KTV: ngồi bên cạnh bệnh nhân, một tay cố định tại khớp cô chân, tay kia đặt tại mu bàn chân.
  • KTV làm mẫu gập mặt mu bàn chân và yêu cầu bệnh nhân làm theo. KTV chỉ cần cố định tại cổ chân và bệnh nhân gập mặt mu bàn chân.
  • Nếu tập có đề kháng: KTV tạo sức đề kháng tại mu bàn chân khi bệnh nhân gập mặt mu bàn chân.
  • Kỹ thuật vận động chủ động – đề kháng cơ tứ đầu đùi
  • Tư thế bệnh nhân: bệnh nhân ngồi trên ghế lưng thẳng 2 tay xuôi theo thân.
  • Tư thế KTV: đứng bên cạnh bệnh nhân một tay cố định tại khớp gối, tay kia đặt tại 1/3 dưới mặt trước cẳng chân.
  • KTV làm mẫu duỗi gối và yêu cầu bệnh nhân làm theo, KTV chỉ cần cố định tại gối và bệnh nhân duỗi gối.
  • Nếu tập có đề kháng: KTV tạo sức đề kháng tại mặt trước cẳng chân khi bệnh nhân duỗi gối.
  • Kỹ thụât vận động chủ động – đề kháng cơ tam đầu đùi
  • Tư thế bệnh nhân: bệnh nhân nằm sấp trên giường lưng thẳng, 2 tay xuôi theo thân.
  • Tư thế KTV: ngồi đối diện bệnh nhân, một tay cố định tại khoeo chân, tay kia đặt tại 1/3 dưới mặt sau cẳng chân
  • KTV làm mẫu gập gối và yêu cầu bệnh nhân làm theo. KTV chỉ cần cố định tại khoeo chân và bệnh nhân gập gối.
  • Nếu tập có đề kháng: KTV tạo sức đề kháng tại mặt sau cẳng chân khi bệnh nhân gập gối.
  • Kỹ thuật vận động chủ động – đề kháng cơ thắt lưng đáy chậu
  • Tư thế bệnh nhân: bệnh nhân ngồi trên ghế lưng thẳng 2 tay xuôi theo thân.
  • Tư thế kỹ thuật viên: đứng bên cạnh bệnh nhân, một tay cố định tại mào chậu, tay kia đặt tại 1/3 dưới mặt trước đùi.
  • KTV làm mẫu gập háng và yêu cầu bệnh nhân làm theo, KTV chỉ cần cố định tại mào chậu và bệnh nhân gập háng.
  • Nếu tập có đề kháng thì KTV tạo sức đề kháng tại mặt trước đùi khi bệnh nhân gập háng.
  • Bài tập 4: Kéo giãn thụ động
  • Kỹ thuật kéo giãn khớp háng
  • Tư thế bệnh nhân: bệnh nhân nằm sấp trên giường lưng thẳng, 2 tay xuôi theo thân, khớp gối gập 90°.
  • Tư thế KTV: đứng bên cạnh bệnh nhân, một tay cố định tại mông và ấn xuống, tay kia đặt tại mặt trước khớp gối làm động tác duỗi và khép háng.
  • Kỹ thuật kéo giãn khớp gối
  • Tư thế bệnh nhân: bệnh nhân nằm ngửa lưng thẳng, 2 tay xuôi theo thân.
  • Tư thế KTV: đứng bên cạnh bệnh nhân một tay cố định tại 1/3 dưới mặt trước đùi và ấn xuống, tay kia đặt ở 1/3 trên mặt sau cẳng chân và nâng lên.
  • Kỹ thuật kéo giãn khớp cổ chân
  • Tư thế bệnh nhân: bệnh nhân nằm ngửa hoặc sấp lưng thẳng, 2 tay xuôi theo thân.
  • Tư thế KTV: đứng bên cạnh bệnh nhân, một tay cố định tại 1/3 dưới mặt trước cẳng chân và ấn xuống, tay kia ôm lấy xương gót, lòng bàn chân bệnh nhân tỳ lên cẳng tay của KTV và làm động tác gập mặt mu

b. Điện trị liệu

Dòng Gavanic ngắt quãng (xung tam giác) khu trú (T/R).

  • Mục đích: không phải kích thích lên cơ trực tiếp mà kích thích lên thần kinh bị ức chế. Phương pháp này còn gọi là thể dục trị liệu.
  • Dòng điện thấp tần không đổi một chiều Gavanic: Tần số 100- 1000Hz, điện thế 220V, thời gian xung/thời gian nghỉ = 1/2. Cường độ: khi thấy co cơ tối thiểu.
  • Kỹ thuật điện cực: cực tác dụng mang dấu (-) đặt vào điểm vận động của cơ định kích thích (cơ gập mu bàn tay, cơ chày trước, cơ tứ đùi đầu…); Cực đệm mang dấu (+) đặt ở vùng đầu gần của chi tương ứng (hoặc C4.6hoặc vùng thắt lưng).
  • Thời gian điều trị: 15-30 phút/lần hàng ngày trong 20-30 ngày.

c. Hoạt động trị liệu

Huấn luyện trẻ em các kỹ năng độc lập, mặc – cởi quần áo độc lập, tắm rửa đi vệ sinh độc lập.

d. Dụng cụ

  • Dụng cụ trợ giúp: dụng cụ nâng bàn chân, đai treo tay, ròng rọc tập tay, thanh song song, khung tập đi, nạng, gậy.
  • Dụng cụ chỉnh hình: nẹp bàn tay, nẹp dưới gối, nẹp trên gối, nẹp trên khớp háng, đo nẹp cột sống.

e. Phẫu thuật chỉnh hình

Chỉ định trong trường hợp co rút nặng, tiên lượng sau phẫu thuật trẻ sẽ tốt hơn (VD: ngắn chi bên liệt, bàn chân thuổng).

Lưu ý: Sau phẫu thuật bệnh nhân phải được tiếp tục vật lý trị liệu và đeo dụng cụ chỉnh hình.

Theo dõi bệnh nhân

Bệnh nhân được theo dõi định kỳ 3-6 tháng/1lần cho đến tuổi trưởng thành.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây