Trang chủBệnh hô hấpChẩn đoán và điều trị bệnh Áp xe phổi

Chẩn đoán và điều trị bệnh Áp xe phổi

Định nghĩa

Nung mủ (làm mủ) tích tụ trong một hốc rỗng ở trong nhu mô phổi.

Khi vùng nhu mô bị hoại tử rộng thì gọi là hoại thư phổi. Lao phổi thể hang không được xem là một “áp xe”.

Căn nguyên

  • Hít phải tác nhân gây nhiễm: sau một phẫu thuật ở vùng miệng họng (sau khi nhổ răng, cắt amiđan), hít phải những dịch tiết ở miệng họng hoặc chất chứa trong dạ dày (trong hoàn cảnh gây mê toàn thân, say rượu, hôn mê), dị vật rơi vào phế quản.
  • Tắc phế quản:do u lành hoặc ác tính, xẹp phổi, hẹp phế quản do viêm hoặc do sẹo.
  • Nhiễm khuẩn:viêm phổi nhiễm khuẩn điều trị không tốt, nhiễm khuẩn-huyết, nhồi máu phổi bội nhiễm, bệnh a míp ở gan lan tới phổi. Về phương diện vi khuẩn, trong các áp xe phổi, có thể phát hiện thấy những mầm bệnh thông thường ở mũi họng, đôi khi thấy các mầm bệnh kỵ khí, kết hợp giữa vi khuẩn hình thoi và xoắn khuẩn, thấy nấm và những vi khuẩn hoại sinh khác nhau.

Giải phẫu bệnh

Áp xe phổi thường chỉ có một ổ, thường hay ở phổi phải hơn là phổi trái. Phân thuỳ đỉnh của thuỳ dưới phổi phải là vị trí hay xẩy ra áp xe phổi hơn những nơi khác. Áp xe phổi thường vỡ thông vào một phế quản. Hiếm khi áp xe phổi vỡ vào khoang màng phổi, nhưng nếu vỡ vào đây thì gọi là tích mủ hoặc mủ màng phổi (hoặc viêm màng phổi mủ).

Triệu chứng

Áp xe phổi có thể có biểu hiện cấp tính hoặc âm ỉ như một trường hợp nhiễm khuẩn phế quản-phổi, bề ngoài không quan trọng với các triệu chứng sốt, ho, điểm đau ở ngực. Nhưng khi áp xe bị vô thì bệnh nhân đột ngột khạc ra một lượng lớn mủ (nôn ra mủ), đôi khi có mùi thối (mầm bệnh kỵ khí) và có vết máu. Tuy nhiên thường hay thấy nhất là bệnh nhân khạc nhiều đờm có lẫn mủ. Trong những thể mạn tính, tình trạng toàn thân của bệnh nhân bị suy sụp, có thể thấy triệu chứng ngón tay hình dùi trống. Những dấu hiệu nghe phổi thay đổi và đôi khi rất nghèo nàn nếu áp xe ở sâu. Nếu hốc (hang) áp xe ở nông hơn thì ở vùng gõ đục trên thành ngực, có thể nghe thấy ran hai thì và tiếng thổi hang. Những dấu hiệu này thay đổi tuỳ theo chất chứa trong ổ áp xe.

Xét nghiệm X quang: lúc đầu, thấy hình ảnh phổi đặc, rồi thấy xuất hiện hình ảnh mức nước (ngấn nước), bóng mờ hình tròn, theo trục đứng dọc thì có một phần mờ ở bên dưới ngấn nước và một phần sáng ở bên trên. Thường xung quanh áp xe còn có một vùng mờ do thâm nhiễm. Áp xe đôi khi hợp bởi nhiều ổ giống hình tổ ong, với nhiều mức nước, thể này thường do tụ cầu khuẩn gây ra.

Chụp X quang theo hướng ngang (chụp nghiêng) và chụp cắt lớp cho phép xác định chính xác hơn vị trí của áp xe.

Xét nghiệm cận lâm sàng

  • Tăng bạch cầu và tăng bạch cầu hạt, và tốc độ máu lắng thường tăng rõ rệt.
  • Quan trọng nhất là xét nghiệm vi khuẩn mủ của áp xe, lấy mủ bằng soi phế quản thì tốt hơn (hút phế quản). Cấy vi khuẩn với mủ đó (đôi khi cấy trên những môi trường đặc biệt và môi trường yếm khí) và làm kháng sinh đồ. Tìm trực khuẩn Koch một cách hệ thống.

Xét nghiệm bổ sung: Với mọi trường hợp áp xe phổi đều phải soi •phế quản và sinh thiết những tổn thương nghi ngờ (tìm dị vật, tìm chỗ hẹp phế quản lành tính hoặc ác tính).

Biến chứng:

Ho ra máu với lượng lớn, vỡ áp xe vào khoang phế mạc và gây tích mủ màng phổi. Nhiễm khuẩn lan tràn lên não (gây áp xe não), giãn phế quản. Thoái hoá dạng tinh bột trong những thể áp xe mạn tính kéo dài.

Chẩn đoán

Dựa trên hiện tượng nhiễm khuẩn phế quản-phổi với: sốt, tình trạng toàn thân suy sụp, nôn ra mủ và phim X quang lồng ngực có hình ảnh ngấn nước.

Điều quan trọng là không được bỏ qua những nguyên nhân có thể có như: ung thư phế quản-phổi, dị vật trong phế quản, bệnh nấm phổi.

Chẩn đoán phân biệt: phải phân biệt áp xe phổi với lao phổi thể hang, ung thư phế quản hốc-hoá (tế bào ung thư bị thoái hoá để lại hốc rỗng), giãn phế quản, tích mủ do lỗ rò phế quản-màng phổi và cả áp xe dưới cơ hoành.

Tiên lượng: tốt đối với những thể cấp tính được điều trị nhanh chóng bằng liệu pháp kháng sinh thích hợp.

Điều trị

  • Liệu pháp kháng sinh:benzyl- penicillin (10-12 triệu đơn vị mỗi ngày) hoặc clindamycin (600 mg, 8 giờ một lần) mới đầu tiêm tĩnh mạch sau đó cho uống; tiếp tục điều trị trong 6-8 tuần. Điều trị phải thích ứng với kết quả xét nghiệm vi khuẩn ở đờm và kháng sinh đồ.
  • Cắt bỏ bằng phẫu thuật:cắt thuỳ hoặc phân thùy phổi, cắt phổi (toàn bộ một bên) chỉ là trường hợp ngoại lệ. Cũng có thể dẫn lưu ổ áp xe ở ngoại vi (ở vùng nông của phổi), hoặc dẫn lưu viêm màng phổi mủ bằng một xông dẫn lưu qua thành ngực.

 

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây