Vảy nến

Bệnh da liễu

Vảy nến là một bệnh mạn tính, chiếm khoảng 1-2% dân số thế giới, xảy ra ở mọi giống người, nam nữ đều bị bệnh, trẻ con ít hơn. Thương tổn là mảng màu hồng không thâm nhiễm, giới hạn rõ, phủ nhiều lớp vảy. Bệnh diễn tiến từng đợt, nguyên nhân vẫn chưa rõ, mặc dù có nhiều nghiên cứu, hội nghị quốc tế. Điều trị còn gặp nhiều khó khăn, không dễ dàng làm dứt bệnh luôn.

LÂM SÀNG

Thương tổn căn bản của bệnh vảy nến là mảng màu hồng có vảy.

Vảy

Màu trắng như xà cừ hay lấp lánh như mica. Vảy gồm có nhiều lớp gồ cao trên da dễ bong khi cạo, vụn ra như bột trắng hoặc như nến vụn. Lớp vảy tái tạo rất nhanh, bong hết lớp này thì lớp khác lại đùn lên.

Mảng màu hồng

Hơi nhô trên da, giới hạn rõ, đè mất. Vị trí thường hay gặp ở vùng tỳ ép như cùi nhỏ, đầu gối, xương cùng, có khuynh hướng đối xứng.

Triệu chứng cơ năng

Ngứa ít hoặc nhiều.

Đau khớp khi bệnh xảy ra ở khớp.

Nghiệm pháp Brocq (+)

Để góp phần chẩn đoán vảy nến, trước kia người ta làm nghiệm pháp Brocq. Dùng curette hoặc dao nhỏ cạo nhiều lần trên bề mặt thương tổn, sẽ lần lượt phát hiện những dấu hiệu sau đây:

Vết nến: Ngay những lần cạo đầu tiên các lớp vảy bong ra màu trắng như nến vụn.

Vỏ hành: Tiếp tục cạo thì sẽ thấy bóc ra một miếng dày cứng dính vào thương tổn như là bóc một vỏ hành.

Giọt sương máu: Khi bóc hết lớp vỏ hành, sẽ bộc lộ một nền da đỏ, nhẩn, rướm máu lấm tấm như những hạt sương nhỏ.

Hiện nay, khi chẩn đoán bệnh vảy nến bằng mắt thường rõ ràng rồi thì ít khi dùng đên nghiệm pháp này.

Hiện tượng Koebner

Đó là thương tổn vảy nến mọc ngay trên vết sẹo, vết sướt da, vết mổ, vết tiêm chủng hoặc trên một bệnh ngoài da đã có từ trước đó.

Hình ảnh bệnh vảy nến
Hình ảnh bệnh vảy nến

CÁC THỂ LÂM SÀNG

Thương tổn căn bản của bệnh vảy nến tương đối đơn dạng nhưng hình ảnh lâm sàng có thể biến đổi theo vị trí, mức độ, giai đoạn, hình thể.

Vảy nến giọt

Thường theo sau một nhiễm khuẩn cấp tính như nhiễm Liên cầu khuẩn, virus đường hô hấp trên, khoảng 1-2 tuần.

Thương tổn là những sẩn đỏ hình hạt đậu, ít vảy, số lượng nhiều, rải rác khắp nơi, thường chừa mặt, da đầu.

Vảy nến vòng

Mảng màu hồng có giới hạn là vòng rìa đỏ đậm, phía trong là viền vảy, trên mặt phủ vảy.

Vảy nến mủ

Gồm có nhiều mụn mủ vô khuẩn nằm trong những mảng màu, màu hồng có vảy. Có hai dạng lâm sàng:

Vảy nến mủ toàn thân (thể ZUMBUSCH)

Khởi đầu sốt cao mệt mỏi.

Thương tổn da: Gồm những mảng màu hồng, mụn mủ, giới hạn rõ, tiến triển từng đợt mụn mủ, khỏi để lại vảy gắn chặt.

Vảy nến mủ khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân (thể BARBER)

Lòng bàn tay, bàn chân hay khởi đầu từ một ngón có nhiều mụn mủ nằm trong mảng màu hồng có vảy.

Thể khu trú có thể tiến triển thành toàn thân.

Vảy nến da đầu

Chiếm khoảng 50% trường hợp kèm với da. Da đầu đóng nhiều lớp vảy trên mảng màu hồng, khi lan rộng đến trán thì mảng màu hồng rõ hơn.

Vảy nến ở mặt: Vảy mỏng hơn, giới hạn ít rõ.

Vảy nến ở niêm mạc

Niêm mạc qui đầu, miệng thường có màu đỏ, ít hoặc không có vảy.

Vảy nến ở nếp gấp

Chẩn đoán khó nếu không kèm thương tổn ở vùng da khác. Mảng da đỏ, ranh giới rõ, ít có vảy.

Vảy nến móng

Thường xảy ra trên bệnh vảy nến ở da đã lâu hoặc chỉ là triệu chứng đầu tiên, nhiều móng cùng bị tổn thương đồng thời. Hai vị trí của móng bị tổn thương là:

Bờ tự do của móng bị dội lên, phần dưới móng bị dày.

Phần móng mọc ra bị hư lõm ngang, dọc khi phần da dưới móng bị ảnh hưởng.

Vảy nến toàn thân

Sau vài cơn tái phát hay bệnh Vảy nến mạn đang điều trị corticoids toàn thân mà ngừng đột ngột, hiếm khi xuất hiện thình lình.

Toàn thân da đỏ, còn ít vùng da lành, đóng nhiều vảy. Nghiệm pháp Brocq (+). Tổng trạng bình thường.

Vảy nến khớp

Đa số trường hợp có thương tổn da từ trước khi có thương tổn ở khớp. Thường gặp ở các đốt ngón xa, cổ tay, đầu gối, đốt sống. Lâu ngày thành co cứng, biến dạng như trong Viêm đa khớp mạn tính tiến triển (PCE) gây tàn tật, X-quang cho thấy hình ảnh hủy hoại xương hoặc biến mất khe khớp.

Viêm khớp Vảy nến
Viêm khớp Vảy nến

Vảy nến ở trẻ em

Có thể gặp Vảy nến hình đồng xu, Vảy nến giọt, Vảy nến da đầu, lòng bàn tay, bàn chân, đầu ngón, móng, kẽ, nang lông.

NGUYÊN NHÂN SINH BỆNH

Cho đến nay nguyên nhân sinh bệnh vẫn còn chưa rõ. ở người bị bệnh Vảy nên, sự sinh sản từ lớp tế bào đáy lên lớp sừng chỉ là 3-4 ngày, trong khi người bình thường là 3 tuần. Dưới đây là một số yếu tố liên quan đến bệnh:

Yếu tố di truyền

Khí hậu: Trời lạnh, phơi nắng lâu, nóng ẩm.

Kích thích da: Xà phòng, bột giặt, kem bôi.

Thai nghén.

Chân thương.

Nhiễm khuẩn: Ở đường hô hấp trên.

Rối loạn chuyển hóa, tiêu hóa.

Yếu tố tâm lý thần kinh: Lo âu, xúc động mạnh.

Nội tiết: Có kinh, mãn kinh.

Thuốc: ức chế Beta, Lithium, Corticosteroid, chổng sốt rét.

GIẢI PHẪU BỆNH LÝ

Thương tổn ở thượng bì

Á sừng: Lớp sừng dày, tế bào còn nhân.

Tăng gai, chồi thượng bì và nhú bì kéo dài, có hình chùy.

Vi áp-xe Munro: Do tập trung đám bạch cầu đa nhân ở giữa lớp Malpighi hoặc giữa lớp sừng đối diện với đỉnh nhú bì.

Thương tổn ở trung bì

Các mao mạch ở đầu các nhú bì dãn nở.

Nhú bì có xâm nhiễm Lympho bào, bạch cầu đa nhân.

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán xác định: Dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng

Chẩn đoán phân biệt

Sẩn Giang mai 2.

Chàm.

Á sừng da đầu.

Dị ứng thuốc gây đỏ da.

Lupus đỏ mạn.

Nấm da.

DIỄN TIẾN

Vảy nến là bệnh diễn tiến từng cơn, có lúc có cơn bộc phát, có lúc thuyên giảm, khi hết thương tổn có thể để lại dát màu trắng hay màu sẫm. Nói chung, đây là bệnh mạn tính, lành tính, ngoại trừ biến chứng Đỏ da toàn thân hoặc tổn hại khớp xương gây tàn tật.

ĐIỀU TRỊ

Nguyên tắc

Chú ý tham vấn giúp bệnh nhân an tâm, tránh lo lắng, bi quan.

Tránh dùng những chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, gia vị.

Giải quyết các ổ nhiễm khuẩn nếu có.

Điều trị tại chỗ

Làm bong vảy: Mỡ salicylic 5-10%.

Hắc ín (Tar): Nồng độ 1-10%, có thể kết hợp với chiếu tia cực tím UVB.

Dithranol (Anthralin): Giúp chống phân bào, làm da phát triển trở lại bình thường, được pha chế với tỷ lệ 0,1-2 %. Bôi và rửa sạch trong vòng 30 phút.

Corticoids (kem, mỡ, dung dịch): Có tác dụng chống viêm giúp làm giảm bệnh nhanh chóng nhưng khi ngừng thuốc thì bệnh dễ tái phát nhiều hơn. Sử dụng lâu dài dễ bị tác dụng phụ của thuốc.

Calcipotriol (dẫn xuất của Vitamin D): Dùng dưới dạng kem, mỡ, dung dịch. Calcipotriol giúp ức chế sự tăng sinh của tế bào thượng bì. Thuốc không tạo ra mùi hoặc màu khó chịu. Bôi 2 lần/ngày, không quálOOg/tuần. Khác với Calcipotriol không được bôi ở mặt, gần đây có Tacalcitol được bôi trên mặt. Ngoài ra, còn có thể dùng xà phòng tắm, dung dịch tắm thích hợp để phụ trợ thêm cho việc điều trị.

Điều trị toàn thân

Chỉ nên áp dụng thuốc toàn thân khi bệnh nhân không còn đáp ứng với thuốc bôi hoặc bị thương tổn quá nhiều.

Methotrexate: Đây là thuốc làm ức chế sự phân chia nhanh của tế bào thượng bì, có tác dụng chống viêm. Có nhiều cách sử dụng như:

Liều dùng: 7,5-15mg, một lần duy nhất trong tuần, cần kiểm tra chức năng gan, thận, tủy xương trước, trong và sau khi dùng Methotrexate.

Retinoids: Đây là dẫn xuất củaVitamin A, gồm có Etretinate và Acitretin. Retinoids có thể kết hợp với UVB hoặc PUVA để tăng cường tác dụng.

Liều dùng: 25-50mg/ngày, chia 2 lần.

Cyclosporin A: uống 3mg/kg/ngày trong 2 tháng.

Điều trị đặc biệt

Da đầu

Gội đầu với Coal tar, Acid salicylic, Sélénium, Kétoconazole, Zinc pyrithione pha trong dầu gội đầu.

Bôi Calcipotriol (lotion), Coal tar, Acid salicylic, Steroid được bào chế dưới dạng mỡ, gel, dung dịch.

Vảy nến mủ: uống Vitamin D2: 1 ống 15mg X 3 lần/tuần.

Vảy nến khớp

Dùng thuốc kháng viêm không Steroid, Methotrexate.

Chỉ dùng corticoids khi đau nhiều và thuốc không steroid không mang lại hiệu quả. Nên dùng liều thấp và cần lưu ý khả năng bệnh tái phát nhiều hơn.

PHÒNG NGỪA TÁI PHÁT

Tránh các chấn thương thể xác và tình cảm.

Tránh các thuốc làm khởi phát hoặc làm tăng thương tổn vảy nến.

Điều trị đúng phương pháp, bệnh nhân cần được thực hiện đúng y lệnh.

Không tự ý dùng thuốc. Tránh sử dụng thuốc uống hoặc thuốc chích có chất corticoid để tránh cơn bộc phát nặng của bệnh vảy nến hoặc gây Đỏ da toàn thân.

Bệnh da liễu
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

One Comment

Hỏi đáp - bình luận