Trang chủBệnh da liễuKỹ thuật và chỉ định sinh thiết trong bệnh da

Kỹ thuật và chỉ định sinh thiết trong bệnh da

Xét nghiệm mô học là một trong những xét nghiệm quan trọng trong bệnh học da. Mục đích chủ yếu là chẩn đoán. Để đạt được kết quả tốt thì cần phải chọn đúng thương tổn, cắt đúng vị trí. Nếu cần thì phải cắt nhiều mẫu, nhiều vị trí để có thể có hướng chẩn đoán chính xác hơn.

CHỌN LỰA THƯƠNG TỔN

Không nên lấy thương tổn sớm quá hoặc bị thoái hóa đã lâu, hoặc thương tổn nguyên phát bị thay đổi thành thứ phát (do bội nhiễm) có thể làm cho hình ảnh mô học chưa rõ ràng. Đối với các thương tổn mụn cóc, bóng nước hay mụn mủ thì không cần các qui tắc này, chỉ cần sinh thiết trọn bóng mới hay mụn nước là đủ.

Nói chung thương tổn được chọn phải điển hình và đặc trưng. Nếu có nhiều loại thương tổn thì ngưới ta khuyên nên chọn vài thương tổn hơn là chọn một.

Nếu thương tổn là một đốm có màu đỏ thâm nhiễm thì phần đỏ thâm nhiễm này là nơi được chọn mà không cần phải lấy thêm phần da lành.

Nếu thương tổn là một dát bạc màu như trong bệnh Phong thể I, người ta khuyên là nên cắt ở trung tâm vì nơi đó hy vọng là nơi khởi phát ra bệnh.

Nếu bệnh gồm nhiều thương tổn rải rác và liệu rằng mình sẽ phải làm nhiều mẫu sinh thiết, thì lấy trọn một vùng da rộng thâm nhiễm để mẫu sinh thiết gồm đủ nhiều dạng.

Đối với thương tổn nghi là carcinoma da thì mẫu sinh thiết phải lấy vị trí u kèm theo một phần da lành.

Đối với lymphome da thì phải chọn thương tổn là nốt sẽ cho hình ảnh đặc hiệu hơn là dát (thường là viêm da mạn tính).

Đối với một số thương tổn nghi ngờ là Hồng ban nút, viêm mô mỡ (panniculite) hoặc là Lupus tumidus, thì mẫu sinh thiết phải cắt đến mô mỡ dưới da (hạ bì) thì mới có thể chẩn đoán được. Và đối với Hồng ban nút thì chọn thương tổn mới nhất, nếu sinh thiết thương tổn sau 24 giờ thì hình ảnh mô học không còn đặc hiệu.

Nói chung, ngoài chọn lựa vị trí thích hợp, mẫu sinh thiết còn phải chứa đủ 3 thành phần cơ bản: Thượng bì, Bì và Hạ bì.

GÂY TÊ

Vùng sinh thiết phải được gây tê ở hạ bì bằng dung dịch xylocain (lidocain) 1%, không nên gây tê ở trong bì. Giống như gây tê trong trường hợp mổ các kén bã đậu (gây tê trong bì, phần trên của kén) thì sẽ tạo ra hiện tượng hình ảnh giả tạo (artefacts) giữa bì và thượng bì.

Dung dịch gây tê nếu được bổ sung chất co mạch (adrenalin 1/200.000) thì sẽ làm giảm chảy máu và gia tăng thời gian tê lâu hơn, nhưng dung dịch này lại không được dùng ở các vùng phân bố nhiều mạch máu tận cùng như ngón tay, ngón chân, lỗ mũi và dương vật.

Để hạn chế đau khi tiêm thuốc, người ta có thể gây tê lớp thượng bì trước đó bằng Emla (loại gây tê thoa tại chỗ) rất được dùng cho trẻ em và những vị trí tương đối nhạy cảm như lòng bàn tay, lòng bàn chân hay niêm mạc sinh dục. Và loại này cũng được dùng để thực hiện sinh thiết nhanh đối với một vài bệnh nhân “nhát gan”.

CÁC KỸ THUẬT SINH THIẾT

Sinh thiết bằng punch

Có nhiều cỡ, thường có kích thước thay đổi từ 2-6mm đường kính. Nói chung mẫu kích thước thường cỡ 4mm và không cần phải khâu.

Các hạn chế khi sinh thiết bằng punch:

Nếu đường kính < 3mm thì không thể chẩn đoán mô học chính xác, nhất là các bệnh da do viêm.

Không áp dụng được khi thương tổn có da mỏng, yếu (teo da, bóng nước bị bong ra), và khi người ta yêu cầu các thông tin về mô mỡ (Hồng ban nút, viêm mô mỡ).

Sinh thiết bằng dao (bistouri)

Nó đáp ứng được tất cả vị trí và cho bất cứ thương tổn nào. Đường cắt theo hình bầu dục (ellipse) dài 12mm là đủ, trục của hình bầu dục phải theo các nếp nhăn của da để đảm bảo thẩm mỹ và vết thương phải được khâu lại.

CHỈ ĐỊNH TRONG SINH THIẾT

Chẩn đoán bệnh

Sinh thiết da để chẩn đoán bệnh bằng tế bào mô học, vì vậy người ta đòi hỏi một sinh thiết đủ rộng để chiếm đủ các cấu trúc bệnh lý mô học.

Đánh giá sự tiến bộ trong điều trị

Thương tổn được chọn là những thương tổn có vẻ hoạt tính nhất, nếu nghi ngờ là tái phát hoặc kháng thuốc thì chọn các thương tổn nghi ngờ còn hoạt tính (ví dụ như điều trị bệnh Phong, Lao da).

CỐ ĐỊNH MẪU SINH THIẾT

Dung dịch cố định mẫu sinh thiết thường là formol 10% có thể bảo quản mẫu bệnh phẩm lâu được. Sau khi sinh thiết và cố định mẫu bệnh phẩm xong thì thầy thuốc điều trị phải ghi rõ đầy đủ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, tóm tắt bệnh án lâm sàng của bệnh nhân, hướng chẩn đoán sơ bộ cũng như chẩn đoán phân biệt để cho bác sĩ giải phẫu bệnh có nhiều thông tin trong chẩn đoán mô học.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây