Chóng quên (kiện vong) Đông y và pháp, phương thuốc điều trị

Bệnh chứng Đông y

“Chóng quên là bỗng chốc liền quên, việc làm vừa xong là quên, lời mới nói ra đã quên” (Nam dược thần hiệu – chóng quên). Như vậy chóng quên cũng là trí nhớ kém, dễ quên việc và khó nhớ ra, vì vậy làm việc thường không đến đầu đến cuối.

Về nguyên nhân gây bệnh và phép điều trị, Nam dược thần hiệu (chóng quên) ghi: “Lo nghĩ thái quá thương tổn đến tâm, tâm đã thương tổn thì huyết hao kiệt, tâm thần không vững, lại hại đến tỳ, làm vị khí suy yếu, cho nên bệnh này phát ra đều bởi hai tạng tâm và tỳ, phép chữa nên an thần dưỡng huyết, bớt tư lự trừ hư phiền, có vậy mới bảo đảm được khỏi bệnh”.

Lâm Nghĩa Đồng viết: “Thần của người thác ở tâm, tinh của tâm dựa vào thận, còn não là phủ của nguyên thần, là bể của tinh tủy, thực tế là sự nhố là bằng vào nó” (nhân chi thần thác vu tâm, tâm chi tinh ỷ vu thận, nhi não vi nguyên thần chi phủ, tinh tủy chi hải, thực ký tinh sở bằng dã). Chu Đàn Khê viết: “Chứng này do suy tư quá độ, làm tổn thương tâm bào, làm cho chỗ ở của thần không trong sạch, gặp sự việc hay quên, và suy tư quá độ thì gây bệnh tâm tỳ” (thử chứng giai do vu ưu tư quá độ, tổn kỳ tâm bào, dĩ chí thần sá bất thanh, quá sự đa vong, nãi tư lự quá độ, bệnh tại tâm tỳ). Uông Ngang viết: “Tinh và chí của người ta tàng ở thận, thận tinh không đủ thì chí khí suy, thận khí không thông lên tâm được cho nên mê muội chóng quên” (nhân chi tinh dữ chí giai tàng vu thận, thận tinh bất túc tắc chí khí suy, bất năng thượng thông vu tâm, cố mê hoặc thiện vong dã). Như vậy ngoài tâm tỳ hư, thận tinh tủy suy không nuôi dưỡng được não tốt làm cho chóng quên.

Chóng quên do thận âm hư không thăng tâm hỏa không giáng để giao tâm thận.

Triệu chứng: Phòng sự vô độ chóng quên hoảng hốt thần chí không yên, ngủ ít, tâm phiền, tai ù, mồm miệng khô, lưng mỏi, di mộng tinh, mạch tế.

Phép điều trị: bổ ích tâm thận.

Phương thuốc: Lục vị địa hoàng gia Ngũ vị Viễn chí.

Can địa hoàng 8 đồng cân Hoài sơn 4 đồng cân
Sơn thù 4 đồng cân Trạch tả 3 đồng cân
Phục linh 3 đồng cân Đơn bì 3 đồng cân

Ý nghĩa: Địa hoàng để bổ thận âm, Sơn thù để tư thận ích can, Hoài sơn để tư thận bổ tỳ. Đơn bì để tả can hỏa, Trạch tả để tư thận giáng trọc. Phục linh để kiện tỳ thẩm thấp. Thêm Ngũ vị tử để liễm nạp khí, Viễn chí để an thần.

sơn thù du
sơn thù du

Phương thuốc (Trích từ Nam dược thần hiệu)

Thạch xương bồ (Tẩm nước vo gạo phơi khô) tán mịn, mỗi lần 1  đồng cân hòa với rượu nóng, làm cho tinh than thêm sáng suốt.

Chóng quên do tâm khí không đủ.

Triệu chứng: chóng quên, tim đập hồi hộp, đạo hãn.

Phép điều trị: an thần củng cốkhí.

Phương thuốc: Thiên vương bổ tâm đan (Nhiếp sinh bí phẫu).

Sinh địa 4 lạng Nhân sâm 5 đồng cân
Đan sâm 5 đồng cân Huyền sầm 5 đồng cân
Thiên môn 2 lạng Mạch môn 2 lạng
Bá tử nhân 2 lạng Toan táo nhân 2 lạng
Quy thân 2 lạng Bạch linh 5 đồng cân
Ngũ vị tử 5 đồng cân Viễn chí 5 đồng cân
Cát cánh 5 đồng cân Chu sa 2-5 đồng cân

Ý nghĩa: Sinh địa, Mạch môn, Thiên môn, Huyền sâm để tư âm thanh hư nhiệt để ích khí ninh tâm. Táo nhân Ngũ vị để liễm tâm khí, an tâm thần. Bá tử nhân, Viễn chí, Chu sa để dưỡng tâm an thần.

Phương thuốc: Cành đào hướng đông, cắt độ 2-3 tấc vào ngày 5 tháng âm lịch để gội đầu (Nam dược thần hiệu – chóng quên).

Chóng quên do tâm tỳ hư.

Triệu chứng: Chóng quên, tim đập hồi hộp, mất ngủ, mộng nhiều ăn kém, bụng trướng ỉa lỏng, mệt mỏi, lưỡi nhợt, mạch tế hư.

Phép điều trị: Bổ tâm ích khí.

Phương thuốc: (Trích từ Nam dược thần hiệu – chóng quên)

Hạt sen (liên tử) tán nhỏ, nấu cháo hoa, lấy nước cháo 1 bát nấu với 2 đồng cân bột sen, sôi hai dạo rồi ăn, ăn càng lâu càng tốt, để tăng tâm chí sáng tai mắt.

Phương thuốc: Quy tì thang (Tế sinh phương)

Nhân sâm 5g Hoàng kỳ 10g
Bạch truật 10g Cam thảo 2.5g
Phục thần 10g Long nhãn 10g
Toan táo nhân 10g Viễn chí 1g
Mộc hương 5g Đương quy 1g

Ý nghĩa: Sâm Kỳ, Truật, Thảo, Khương Táo để bổ tỳ ích khí. Đương quy dưỡng huyết. Táo nhân, Long nhãn, Viễn chí để dưỡng tâm an thần. Mộc hương để lý khí tỉnh tỳ.

Chóng quên do đờm trọc, đờm ẩm tràn lên.

Triệu chứng: chóng quên, người nặng nề bụng trướng đờm nhiều dễ nhổ.

Phép điều trị: Hóa đờm ninh thần.

Phương thuốc: Phục linh thang (Trích từ Loại chứng trị tài)

Nhân sâm 1 đồng cân Trần bì 1 đồng cân
Bán hạ 1 đồng cân Phục linh 1 đồng cân
Cam thảo 1 đồng cân Hương phụ 1 đồng cân
ích trí nhân 1 đồng cân Ô mai 1 đồng cân
Trúc lịch 2 thìa Gừng nước cốt 2 thìa

Ý nghĩa: Sâm để bổ khí, ích trí nhâh để an tâm dưỡng thận, Ô mai, Trúc lịch, Trần bì, Bán hạ, Phục linh, Cam thảo để lý khí hóa đờm.

Bệnh chứng Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận