Tên Khoa Học:
Semen euryales Ferox. Họ Khoa Học: Họ Súng (Nymphaeaceae).
Tên khác:
Kê đầu thực (Bản Kinh), Kê Đầu, Nhạn Đầu, Ô đầu (Phương Ngôn), Vỉ Tử (Bản Thảo Kinh Tập Chú), Thủy Lưu Hoàng (Đông Ba Tạp Kỷ), Thủy kê đầu (Kinh Nghiệm Phương), Cư Tắc Liên, Đại Khiếm Thực, Hộc Đầu, Hồng Đầu, Kê Đầu Bàn, Kê Đầu Lăng, Kê Đầu Liên, Kê Đầu Thái, Kê Túc, Kê Ung, Kê Vị Nhi, Khiếm Kê Ung, Khuê Khiếm Thực, Lăng Mao, Nam Khiếm Thực, Ngẫu Sao Thái, Ngô Kê, Nhạn Minh, Nhạn Thật, Nhạn Thiện, Nhạn Trác, Nhạn Trác Thực, Noãn Lăng, Phù Đầu, Thủy Trung Đan, Vỉ Quyết, (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển), Khiếm Thực Mễ, Đại Khiếm Thực, Kê Đầu (Đông Dược Học Thiết Yếu), Khiếm Thật (Việt Nam). Khiếm thực mễ, kê đầu mễ, thích liên ngẫu.
Mô Tả:
Hạt chắc, hình cầu, màu đen, thịt trắng ngà là tốt.
Địa Lý:
Chưa thấy trồng ở Việt Nam.
Thu Hái, Sơ Chế:
Tháng 9-10 hái quả chín về, xay cho vỡ ra, xẩy lấy hạt rồi lại xay bỏ vỏ hạt, lấy nhân phơi khô hoặc sấy khô.
Bộ Phận Dùng:
Quả (Semen Euryales). Khiếm thực Trung Quốc dùng quả. Khiếm thực Việt Nam dùng củ Súng thay thế.
Mô tả dược liệu:
Hình tròn, đường kính khoảng 0,6cm. Một đầu mầu trắng, chiếm khoảng 1/3, toàn thể hình tròn lõm xuống, đầu kia mầu đỏ nâu, chiếm 2/3 toàn thể. Ngoài mặt bằng trơn, có sâm hoa. Chất cứng, dòn. Cắt ra thì chỗ cắt không bằng phẳng, mầu trắng bạch, có chất bột.
Phân biệt tính chất, đặc điểm:
Vị thuốc có dạng hình cầu, thường là hạt bị nứt, hạt nào lành, đường kính 5 – 8mm, trên bề mặt có lớp vỏ trong màu đỏ nâu, một đầu mầu trắng vàng, chiếm khoảng 1/3 hạt, có ngấn mắt hạt lõm xuống, bóc lớp vỏ trong sẽ lộ ra nhân mầu trắng. Chất tương đối rắn, mặt cắt mầu trắng, có tinh bột, không mùi, vị nhạt.
Bào Chế:
+ Phơi thật khô, chưng cho chín, bỏ vỏ, lấy nhân, tán bột (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).
+ Bỏ tạp chất, mốc mọt và thứ thịt màu đen, sao vàng, tán nhỏ, để dành dùng (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).
+ Sao Khiếm thực: Lấy cám bỏ vào nồi (cứ 50kg Khiếm thực, dùng 5kg cám), rang nóng, đợi khi khói bay lên, cho Khiếm thực vào, sao cho mầu hơi vàng, lấy ra, sàng bỏ cám, để nguội là được (Dược Tài Học).
Bảo Quản:
Rất dễ bị mọt, nên phơi hoặc sấy cho thật khô, sao vàng, bỏ vào thùng đậy thật kín.
Thành phần hóa học:
+ Trong Khiếm thực có nhiều tinh bột và Catalaza (Trung Quốc Thực Vật Học Tạp Chí 1987, 51: 324).
+ Trong Khiếm thực có 4,4% Protid, 0,2% Lipid, 32% Hydrat Carbon, 0,009% Calcium, 0,11% Phosphor, 0,0004% Fe, 0,006% Vitamin C (Trung Quốc Trung Ương Vệ Sinh Sở 1957).
+ Trong Khiếm thực có Calcium, Phosphor, Thiamine, Nicotinic acid, Vitamin C, Carotene (Trung Dược Học).
Tác dụng Dược Lý:
Chưa thấy tài liệu nào nghiên cứu.
Tính vị:
+Vị ngọt, sáp, tính bình, không độc (Bản Kinh).
+Vị ngọt. Thuốc khô thì ấm, thuốc tươi thì mát (Dược Phẩm Hóa Nghĩa).
+Vị ngọt, tính sáp, khí bình, không độc (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).
+Vị ngọt, sáp, tính bình (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Quy Kinh:
+Vào kinh Can, tỳ, Vị (Dược Phẩm Hóa Nghĩa).
+Vào kinh Tâm, Thận, tỳ, Vị (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
+Vào kinh tỳ, Thận (Trung Dược Học).
+Vào kinh Tâm, Thận (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Tác dụng, Chủ Trị:
+Bổ trung, ích tinh khí, cường chí, làm sáng mắt, làm tai nghe rõ (Bản Kinh).
+Chỉ khát, ích Thận (Bản Thảo Cương Mục).
+Lợi thấp, cố Thận, bế khí (Bản Thảo Cầu Chân).
+Kiện tỳ, chỉ tả, ích Thận, bế khí, trừ thấp (Trung Dược Học).
+Bổ tỳ, Thận, bền tinh tủy. Trị đái hạ, di tinh, tiểu nhiều, lưng đau, gối mỏi (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Liều Dùng: 12-20g.
Kiêng Kỵ:
+ Ăn nhiều Khiếm thực không bổ cho Tỳ Vị mà làm tiêu hóa khó (Bản Thảo Diễn Nghĩa).
+Táo bón, tiểu không thông : không dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
* Những cấm kỵ trong khi dùng thuốc:
Khiếm thực thuộc loại thuốc bổ liễm sáp, người nào đại tiểu bất lợi không nên dùng.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị hoạt tinh (di tinh, tiết tinh…): Khiếm thực (chưng) 80g, Liên tu 80g, Liên tử 80g, Long cốt 40g, Mẫu lệ 40g, Sa uyển tật lê 80g, Liên tử tán bột để riêng, nấu làm hồ để trộn với thuốc bột của các vị kia, làm thành hoàn. Ngày uống 16 – 20g (Kim Tỏa Cố Tinh Hoàn – Y Phương Tập Giải).
+ Trị mộng tinh, hoạt tinh: Kê đầu nhục (Khiếm thực) 60g, Liên hoa nhụy 30g, Long cốt 60g, Ô mai nhục 60g. Tán bột. Lấy Sơn dược chưng chín, bỏ vỏ. Nghiền nát như cao, trộn thuốc bột làm viên to bằng hạt đậu nhỏ. Mỗi lần uống 30 viên với nước cơm, lúc đói (Ngọc Tỏa Đơn – Lỗ Phủ Cấm phương).
+Trị di tinh, bạch trọc: Khiếm thực, Kim anh tử. Trước hết lấy Khiếm thực gĩa nát, phơi khô, tán bột, trộn với cao Kim anh làm viên. Ngày uống 8-12g (Thủy Lục Nhị Tiên Đơn -Thông Hành).
+Trị đới hạ do thấp nhiệt: Khiếm thực, Hoàng bá, Xa tiền tử, sắc uống (Trung Dược Học).
+Trị đới hạ do Tỳ Thận hư: Khiếm thực, Sơn dược, sắc uống (Trung Dược Học).
+Trị tiêu chảy mạn tính do Tỳ hư: Khiếm thực, Bạch truật, Đảng sâm, Phục linh, sắc uống (Trung Dược Học).
Tham khảo:
+ “Ông Đông Viên nói rằng: Khiếm thực ích tinh, trị bạch trọc, kiêm cả bổ nguyên khí, người bị yếu nhược, hư lao, lưng đau, gối mỏi, mắt mờ, uống được nó nhiều thì mạnh trí khí, tai mắt, tinh thần, thân thể cường tráng, lâu gìa (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).
+ “Xét về phần tiêu hóa thì không ưa ẩm ướt quá, về các mạch nước thì không thể khô ráo quá, phần dùng thuốc chữa về tỳ, Thận, thường phản nhau. Chỉ có Khiếm thực lại hợp được cả 2: khí vị ngọt mát, thơm bùi, không ẩm ướt quá, chất dẻo, vị chát mà lại nhuận, không khô ráo quá, vì vậy vững được Thận mà bổ được tỳ. Tuy nhiên, cũng không nên uống Khiếm thực 1 mình, phải thêm những vị thuốc bổ khí thì mới dễ tiêu. Đừng nên ăn Khiếm thực 1 mình nhiều quá sẽ khó tiêu vì Khiếm thực nhiều chất mát, ăn nhiều quá sẽ đầy bụng khó tiêu, nhất là trẻ nhỏ, đừng nên ăn nhiều quá sẽ khó lớn lên được” (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).
“Hoàng Cung Tú nói: ‘Khiếm thực bổ Tỳ như thế nào? Là dựa vào vị ngọt của nó. Khiếm thực cố Thận như thế nào? Là dựa vào vị sáp của nó. Công hiệu tương tự như Sơn dược, nhưng vị ngọt của Sơn dược nhiều hơn Khiếm thực, còn vị sáp của Khiếm thực lại hay hơn Sơn dược. Vả lại Sơn dược kiêm bổ Phế âm còn Khiếm thực thì chỉ ở Tỳ Thận mà không đến được Phế. Tuy Khiếm thực có thể bình bổ Tỳ Thận nhưng chậm, vì vậy, phải dùng nhiều và uống lâu mới thấy công hiệu” (Đông Dược Học Thiết Yếu)
Những bài thuốc bổ dưỡng từ khiếm thực:
Khiếm thực trà (trà khiếm thực)
Khiếm thực vừa phải
Hạt sen vừa phải
Hạt ý dĩ vừa phải
Độc cước kim vừa phải
Đăng tâm thảo vừa phải
Cho nước sắc chung, lấy nước uống thay trà.
Dùng cho người can vượng tỳ hư, có biểu hiện của can nhiệt và tự ra mồ hôi.
Khiếm thực chúc (cháo khiếm thực)
Khiếm thực 100g – Gạo nếp 250g
Trước hết ninh khiếm thực cho nhừ, bỏ vỏ, cho gạo nêp vào nấu cháo, ăn tuỳ thích.
Dùng để chữa bệnh tỳ hư ỉa chảy, di tinh, đái dấm, thâp nhiệt, đới hạ v.v. ..
Khiếm thực đại táo chúc (cháo khiếm thực, táo tầu)
Khiếm thực 100g – Cùi hồ đào 20g
Táo tầu 20 quả – Đường trắng vừa phải
Khiếm thực đập nát, hồ đào nghiền nát cả vỏ, táo tầu
ngâm kỹ bỏ vỏ, bỏ hạt, bỏ lẩn với nhau nấu cháo như bình thường. Cho vừa đường, ăn ngày 2 lần, làm món điểm tâm.
Dùng để chữa bệnh viêm phế quản mạn tính, người già hư suyễn v.v…
Khiếm thực bạch quả chúc (cháo khiếm thực, ngân hạnh)
Khiếm thực 30g – Ngân hạnh 10 quả
Gạo nếp 30g
Nấu cháo ngày 1 lần, 10 ngày là 1 liệu trình: Uống từ 2 liệu trình, giữa các liệu trình cần ngừng nghỉ.
Dùng cho người thận hư di tinh, đái không tự chủ, khí hư ra mãi không thôi.
Khiếm thực kim anh chúc (cháo kim anh, khiếm thực)
Khiếm thực 20g – Hạt Kim anh 15g
Gạo lức 100g – Đường trắng 20g
Hạt Kim anh bỏ nhân, cùng khiếm thực sắc trong nồi đất, bỏ bã lấy nước, cho gạo vào nấu cháo, cháo chín pha vừa đường trắng vào ăn. 1 ngày 1 – 2 lần, mỗi lần 1 bát.
Dùng cho người thận hư di tinh, đái dầm, bạch đới quá nhiều, tỳ hư ỉa chảy v.v…
Khiếm thực phục linh chúc (cháo phục linh khiếm thực)
Khiếm thực 15g – Gạo tẻ vừa phải
Phục linh 10g
Khiếm thực, phục linh giã nát, cho nước vào sắc đến mềm nhũn, cho gạo vào nấu cháo. Chia bữa ra ăn hết trong ngày. Ản liền 1 số ngày.
Chữa thận hư khi nhược, tiểu tiện bất lợi, nước giải có kén đục…
Khiếm thực liên tử phạn (cơm khiếm thực hạt sen)
Gạo tẻ 500g – Khiếm thực 50g
Hạt sen 50g
Gạo vo sạch, hạt sen ngâm nước sôi cho nở, bỏ tâm, vỏ, khiếm thực ngâm nước sôi cho nở. Trộn lẫri bỏ nồi, cho nước vào nấu cơm ăn.
Chữa bệnh di tinh, ỉa chảy.
Khiếm thực liên tử an thần thang (thang khiếm thực, hạt sen an thần)
Khiếm thực 10g – Phục thần 20g
Hạt sen 40g – Đường trắng 1 thìa
Hạt sen ngâm nước sôi 1 giờ, bỏ tám; khiếm thực, phục thần rửa nhanh, ninh cùng hạt sen 1 giờ (nhỏ lửa); cho đường vào ninh tiếp 1 giờ nứa cho hạt sen khiêm thực nhừ toi. Làm món ăn điểm tâm. Chọn bỏ bã phục thần, khiếm thực và hạt sen nhai kỹ, nuốt từ từ cho hết.
Dùng để chữa bệnh đêm ngủ không ngon, mộng di nhiều v.v…
Khiếm thực hoàng kỳ báo đại tràng (khiếm thực, hoàng kỳ ninh lòng lợn)
Lòng già lợn 1 bộ – Hoàng Kỳ 30g
Khiếm thực 30g
Rửa sạch nấu chín làm món ăn, ăn lòng, húp thang.
Chữa bệnh ỉa chảy, lòi dom.
Khiếm thực trư vĩ (khiếm thực đuôi lợn)
Đuôi lợn 1 cái – Hạt sen 45g
Khiếm thực 45g – Táo Tầu 5 quả
Đuôi lợn rửa sạch, chặt miếng, hạt sen rửa sạch, bỏ vỏ, tâm, táo tầu rửa sạch, bỏ hạt. Cho cả vào nồi đổ 3 bát nước, đun sôi, hầm nhỏ lửa 2 giờ, cho mắm muối gia vị, ăn vã hoặc ăn với cơm.
Dùng để chữa các chứng: tỳ hư bất vận, ỉa chảy lâu không cầm, ăn ít thiếu lực, tiêu gầy v.v…