Tế tân

Tế tân ( 细辛 )

Tên và nguồn gốc

– Tên thuốc: Tế tân (Xuất xứ: Bản kinh).

– Tên khác: Tiểu tân (小辛), Tế thảo (细草), Thiểu tân (少辛), Độc diệp thảo (独叶草), Kim bồn thảo (金盆草), Sơn nhân sâm (山人参).

– Tên Trung văn: 细辛 Xixin

– Tên Anh văn: Manchurian Wildginger, Herb of Manchurian Wildginger, Herb of Seoul Wildginger, Herb of Siebold Wildginger

– Tên La tinh:

1.Asarum heteroTCMLIBopoides Fr.Schmidtvar.mandshuricum(mAaxim.)Kitag.

2.Asarum sieboldii Miq.

3.Asarum sieboldii Miq.f.seoulense(Nakai)C.Y.Ching et C.S.Yang+ Nguồn gốc:

Bổn phẩm là toàn thảo khô ráo của Bắc tế tân Asarum heterotropoides Fr. Schmidt var.mandshur-icum(Maxim.) Kitag. , Hán Thành tế tân Asarum sieboldii Miq. var. seoulense Nakai hoặc Hoa Tế tân Asarum sieboldii Miq. thực vật họ Mã đâu linh (Aristolochiaceae). Hai loại trước quen gọi là Liêu tế tân.

Phân bố

Các vùng Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Triết Giang, An Huy, Giang Tây, Hồ Bắc, Tứ xuyên, Thiểm tây, Cam Túc v.v…(Trung Quốc).

Thu hoạch

Giữa tháng 5 ~7 đào móc lấy luôn rễ, rửa sạch đất, phơi âm can kịp thời.

(không nên phơi khô, chớ dùng nước rửa, nếu không khí thơm sẽ giáng thấp, lá biến vàng, rễ biến đen mà ảnh hưởng tới chất lượng) để nơi thông gió khô ráo, phòng ngừa mốc rữa.

Bào chế

Bỏ sạch tạp chất, dùng nước phun ướt, cắt đoạn kịp thời, hong khô.

Tính vị

– Trung dược đại từ điển: Cay, ấm.

– Trung dược học: Cay, ấm, có độc nhỏ.

– Bản kinh: Vị cay, ấm.

– Ngô phổ bản thảo: Thần Nông, Hoàng Đế, Lôi Công, Đồng Quân: Cay, tiểu ôn; Kì Bá: Không độc; Lý Thị: Tiểu hàn.

– Dược tính luận: Vị đắng cay.

– Dụng dược tâm pháp: Cay, nóng.

Qui kinh

– Trung dược đại từ điển: Vào kinh Phế, Thận.- Trung dược học: Vào kinh Phế, Thận, Tâm.

– Thang dịch bản thảo: Thuốc dẫn kinh Thủ thiếu âm.

– Lôi Công bào chế dược tính giải: Vào 4 kinh Tâm, Can, Đởm, Tỳ.

– Bản thảo kinh sơ: Vào Thủ thiếu âm,Thái dương.

– Bản thảo hối ngôn: Vào Túc quyết âm, huyết phần Thiếu âm.

Công dụng và chủ trị

Khu phong tán hàn, hành thủy, khai khiếu. Trị phong lạnh đau đầu, tỵ uyên, răng đau, đàm ẩm ho nghịch, phong thấp tý thống.

(1) Phát tán phong hàn: Dùng vào chứng đau đầu do cảm mạo phong hàn hoặc phong hàn gây ra, có thể phối hợp với Ma Hoàng, Cảo Bổn.

(2) Ôn kinh chỉ thống: Dùng vào chứng đau cơ thịt khớp xương do do hàn tà nhập lạc.

(3) Ôn hóa hàn đàm: Dùng vào chứng viêm phế quản mạn tính do đàm loãng ủng thịnh gây ra.

(4) Tuyên thông Phế khiếu: Dùng vào chứng viêm mũi, viêm xoang mũi.

– Bản kinh: Chủ ho nghịch, đau đầu não động, các khớp co rút, phong thấp tý thống, cơ chết, sáng mắt, lợi chín khiếu.

– Biệt lục: Ôn trung hạ khí, phá đàm, lợi thủy đạo, khai trong ngực, trừ hầu tý, ngạt mũi, phong giản điên tật, hạ nhũ kết. Mồ hôi không ra, huyết không hành, an ngũ tạng, ích Can Đởm, thông tinh khí.

– Đào Hoằng Cảnh: Người bị hôi miệng, ngậm vào rất công hiệu, giỏi trừ đàm sáng mắt.

– Dược tính luận: Trị ho nghịch thượng khí, ác phong, phong đầu, tay chân cong cấp, an ngũ tạng lục phủ, thêm đởm khí, trừ phong thấp ngứa da, năng ngừng chảy nước mắt nhãn phong, sáng mắt, khai trệ trong ngực, trừ đau răng, chủ huyết bế, đàn bà huyết lịch đau lưng.

– Nhật Hoa tử bản thảo: Trị ho, tiêu thịt nhọt cơ chết, trong ngực kết tụ.

– Bản thảo diễn nghĩa: Trị đầu mặt phong đa

– Trân châu nang: Trị Thiếu âm khổ đầu thống.

– Cương mục: Trị lưỡi miệng sinh nhọt, đại tiện táo kết, mọc lông my ngược trong mắt.

– Bản thảo thông huyền: Chủ phong hàn thấp đau đầu, đàm tiết ra khí nghẽn

– Bản thảo phùng nguyên: Chủ đàm kết thấp hỏa, mũi nghẹt không lợi.

Cách dùng và liều dùng

Sắc uống, 1 ~ 3g; thuốc tán mỗi lần uống 0,5 ~ 1g.

Kiêng kỵ

– Trung dược đại từ điển: Khí hư nhiều mồ hôi, huyết hư đau đầu, âm hư khái thấu, đều kỵ dùng.

– Trung dược học: Người đau đầu do âm hư dương cang, ho khan do Phế táo tổn thương âm kỵ dùng. Không nên dùng chung với Lê Lô.

– Bản thảo kinh tập chú: Tằng thanh, Táo căn làm sứ. Ghét Lang độc, Sơn thù du, Hoàng kì. Sợ Hoạt thạch, Tiêu thạch. Phản Lê lô.

– Dược tính luận: Kỵ Sinh thái (Rau xà lách; rau diếp)

– Bản thảo kinh sơ: Phàm bệnh nội nhiệt và hỏa sinh viêm bên trên, trên thịnh dưới hư, khí hư có mồ hôi, huyết hư đau đầu, âm hư ho, theo phép đều cấm dùng.

– Đắc phối bản thảo: Phong nhiệt âm hư cấm dùng.

Dùng thuốc phân biệt

Tế tân, Ma hoàng, Quế chi đều là thuốc thường dùng Tân ôn giải biểu, phát tán phong hàn, đều có thể dùng trị cảm mạo phong hàn. Tuy nhiên Ma hoàng tác dụng phát hãn khá mạnh, chủ trị chứng nặng cảm mạo phong hàn; Quế chi tác dụng phát hãn giải biểu khá hòa hoãn, phàm phong hàn cảm mạo, vô luận không mồ hôi biểu thực, có mồ hôi biểu hư đều có thể dùng vậy; Tế tân cay ấm mà chạy, đạt tới biểu vào lý, sức phát hãn không như Ma hoàng Tế tân, nhưng sức tán hàn mạnh hơn, thích hợp phối ngũ thường dùng trị ngoại cảm dương hư hàn phạm Thiếu âm.

Nghiên cứu hiện đại

  1. Thành phần hóa học:

Bổn phẩm hàm chứa Dầu bay hơi, thành phần chủ yếu của nó là nhiều loại thành phần Methyleugenol, Asarol, Safrole v.v…(Trung dược học).

  1. Tác dụng dược lý:

Dầu bay hơi Tế tân, chất chiết nước và cồn phân biệt có tác dụng giải nhiệt, kháng viêm, trấn tĩnh, chống kinh quyết, gây tê cục bộ; liều lớn dầu bay hơi có thể làm hưng phấn trước ức chế sau hệ thống thần kinh trung khu, hiển thị tác dụng phụ nhất định. Thí nghiệm ngoài cơ thể đối với sinh sản khuẩn liên cầu tan máu, trực khuẩn lỵ và flavacol, đều có tác dụng ức chế. Thuốc ngâm cồn Hoa Tế Tân có thể chống lại ức chế hô hấp do morphine gây ra (Trung dược học).3. Phản ứng không tốt: Tinh dầu Tế tân liều lớn có thể làm cho hệ thống thần kinh trung khu hưng phấn trước ức chế sau, làm giảm chậm vận động tùy ý và hô hấp, phản xạ tiêu mất, cuối cùng do hô hấp tê liệt mà tử vong. Ngoài ra, Tế tân có tác dụng ức chế trực tiếp đối với cơ tim, sử dụng quá liều có thể làm mất bình thường nhịp tim. Lúc trúng độc chủ yếu là đau đầu, nôn mửa, phiền táo, ra mồ hôi, cổ gáy cứng, miệng khát, nhiệt độ cơ thể và huyết áp tăng cao, đồng tử giãn độ nhẹ, sắc mặt ửng đỏ v.v… , nếu không kịp thời điều trị, nhanh chóng chuyển vào trạng thái co giật, hàm răng đóng chặt, uốn ván, ý thức không rõ, tay chân co rút, bí tiểu, cuối cùng chết bởi hô hấp tê liệt. Nguyên nhân chủ yếu trúng độc Tê tân: Một là liều lượng thuốc tán đơn phương uống trực tiếp quá lớn, hai là thời gan sắc nấu cho vào thuốc thang với liều lượng khá lớn quá ngắn. Vì vậy nên sử dụng nghiêm ngặt theo liều dùng cách dùng quy định, có thể bảo đảm dùng thuôc an toàn. Liệu pháp thông thường cứu trị trúng độc Tế tân là: Gây nôn ban đầu, rửa dạ dày; Lúc có triệu chứng có co giật, cuồng táo v.v…, có thể dùng diazepam (安定) hoặc barbital sodium (巴比妥钠);lúc bí tiểu thông niệu đạo hoặc uống Hydrodiuril (双氢克尿塞).

Bài thuốc cổ kim tham khảo

+ Phương thuốc 1:

Trị đau đầu phong lạnh, đau thì như vỡ, mạch vi huyền mà khẩn: Tế tân 1 lượng (sạch), Xuyên khung 1 lượng, Phụ tử (sao tồn tính) nửa lượng (sach), Ma hoàng 1 phân. Thuốc trên cắt nhỏ, cho vào Thông bạch luôn rễ, Gừng, Táo. Mỗi lần uống 5 chỉ, nước 1 chén rưỡi, sắc đến 1 chén, uống 3 lần

(Phổ tế phương – Tế tân tán)

+ Phương thuốc 2: Trị thiên đầu thống: Hùng hoàng (nghiên), Tế tân (bỏ mầm lá, nghiền nhỏ) lượng bằng nhau. Thuốc trên 2 vị, mỗi lần uống 1 chỉ, bên trái đau hít vào mũi phải, bên phải đau hít vào mũi trái.

(Thánh tể tổng lục – Chí linh tán)

+ Phương thuốc 3: Trị thương phong mũi nghẹt: Tế tân, Tử tô, Hạnh nhân, Cát cánh, Bạc hà, Tang bạch bì. Sắc nước uống.

(Phương mạch chính tông)

+ Phương thuốc 4:

Trị thương hàn biểu bất giải, dưới tâm có thủy khí, nôn khan phát sốt mà ho, hoặc khát, hoặc lợi, hoặc nghẹn, hoặc tiểu tiện không lợi; thiếu phúc thống, hoặc suyễn: Ma hoàng (bỏ đốt), Thược dược, Tế tân, Can khương, Cam thảo (chích), Quế chi (bỏ vỏ) đều 3 lượng, Ngũ vị tử nửa thăng, Bán hạ nửa thăng (rửa). 8 vị trên, dùng nước 1 đấu, nấu trước Ma hoàng, bớt 2 thăng, bỏ bọt nổi lên trên, nạp các thuốc vào, nấu lấy 3 thăng, bỏ bã. Uống ấm 1 thăng.

(Thương hàn luận – Tiều thanh long thang)

+ Phương thuốc 5:

Trị mũi nghẹt không thông, bột Tế tân chút ít, thổi vào trong mũi.

(Phổ tế phương)

+ Phương thuốc 6:

Trị nhức răng lâu ngày không khỏi: Tế tân (bỏ mầm lá), Tất bát. 2 vị trên lượng bằng nhau, giã thô sàng. Mỗi lần dùng thìa nửa chỉ, nước 1 chén, nấu sôi mười dạo, nóng súc lạnh nhổ.

(Thánh tể tổng lục)

+ Phương thuốc 7:

Trị đau nhức răng: Kinh giới, Tế tân, Lộ phong phòng đều lượng bằng nhau. Thuốc trên nghiền nhỏ, mỗi lần dùng 3 chỉ, nước 1 chén lớn, nấu đến 7 phân, bỏ bã, ấm ngậm lạnh nhổ.

(Ngự dược viện phòng)

+ Phương thuốc 8: Trị đau răng: Tế tân 1 chỉ, Hoàng bá 1 chỉ. Sắc nước súc miệng, không được nhấm xuống.

(Cát lâm Trung Thảo dược)

+ Phương thuốc 9:

Trị đàm ẩm, khí xung thì xuống thấp, mà ngược lại thì ho, ngực đầy: Phục linh 4 lượng, Cam thảo, Can khương, Tê tân đều 3 lượng, Ngũ vị tử nửa thăng. 5 vị trên dùng nước 8 thăng, nấu lấy 3 thăng, bỏ bã. Uống ấm nửa thăng, ngày 3 lần.

(Kim quỹ yếu lược – Linh Cam Ngũ Vị Khương Tân thang)

+ Phương thuốc 10:

Trị phong nhập vào bụng, đau phiền: Tế tân, Ngô thù du, Can khương đều nửa lượng; Đương qui, Phòng phong đều 1 lượng, Thược dược 2 lượng. Thuốc trên nghiền nhỏ, mỗi lần dùng nửa lượng, nước 2 thăng, nấu 1 thăng. Phân 3 lần uống ấm, uống liên tiếp vậy.

(Nguyên hòa kỉ dụng kinh – Tế tân thang)

+ Phương thuốc 11:

Trị trẻ con lở miệng: Tế tân bột, hòa dấm, dán lên rốn.

(Vệ sinh gia bảo phương)

+ Phương thuốc 12:Trị hôi miệng và náu răng sưng đau: Tế tân sắc lấy nước đặc, nóng ngậm lạnh nhổ.

(Thánh huệ phương)

+ Phương thuốc 13:

Trị tai điếc: Tế tân bột, trộn tan với sáp vàng lớn như cứt chuột, bông bọc 1 hoàn, nhét vậy. Nên kiêng tức giận.

(Cung thị kinh nghiệm phương – Thông nhỉ hoàn)

+ Phương thuốc 14:

Trị hư hàn nôn mửa, ăn uống không xuống: Tế tân (bỏ lá) nửa lượng, Đinh hương 2,5 chỉ, nghiền nhỏ. Mỗi lần uống 1 chỉ, Thị đế làm thang uống.

(Cương mục)

+ Phương thuốc 15:

Trị ám phong chợt ngã, bất tỉnh nhân sự: Tế tân bột, thổi vào trong mũi.

(Thế y đắc hiệu phương)

+ Phương thuốc 16:

Trị trẻ con khách ngỗ (Án: Triệu chứng bổn bệnh là: mặt xanh, đau giật mình, không nói được hoặc cổ gáy cứng, xuất hiện hiện tượng nguy; hoặc trong đêm đột nhiên giật mình khóc không ngừng). Dùng Tế tân, Quế tâm lượng bằng nhau nghiền nhỏ, mỗi lần dùng chút ít bỏ vào trong miệng trẻ.

(Trung dược đại từ điển)

+ Phương thuốc 17:

Trị miệng lưỡi sinh nhọt lở: Dùng Tế tân, Hoàng liên, lượng bằng nhau nghiền nhỏ, thoa vào chổ bệnh, súc đi nước dãi. Trị trẻ lở miệng, có thể dùng dấm điều với bột Tế tân dán đắp lên rốn.

(Trung dược đại từ điển)

+ Phương thuốc 18:

Tức nhục (Polip) trong mũi: Dùng bột Tế tân thuờng thổi vào.

(Trung dược đại từ điển)

Theo “Dược phẩm vựng yếu”

Khí vị:

Vị cay, tính ấm, không độc, nổi mà thăng lên, là thuốc âm trong dương, thuốc chữa phong vào kinh Thủ thiếu âm và Thủ thái dương, sợ Hoàng kỳ, ghét Hoạt thạch, phản Lê lô, dùng Độc hoạt làm sứ.

Chủ dụng:

Tăng phần khí cho Can và Đởm, rất ấm cho Thận, vị cay có thể tán biểu, cho nên có thể giải được dương tà ở phần trên, tính ấm có thể cứu lý, có thể tán được phục tà ở phần biểu, (tán giá rét lạnh ở phần trong), chủ về phong hàn tê thấp, có khả năng hạ khí phá đờm, lợi 9 khiếu, có thể khai phá sự trệ đọng trong ngực, thông suốt các khớp xương, trị chứng du phong ở đầu mặt, chữa khỏi chứng đau đầu thuộc Thiếu âm hợp bệnh, dẹp được phong tà truyền biến của 3 kinh dương, chứng nhãn phong chảy nước mắt, đau răng, nhọt trong mũi, tiêu thịt chết của các mụn nhọt và thông kinh xuống sữa.

Hợp dụng:

Dùng với Độc hoat thì chữa đau đầu của bản kinh hay như thần, dùng với Thạch quyết minh, mật cá Trắm, mật Dê đực thì chữa được chứng đau mắt phong chảy nước mắt, dùng với Xuyên khung, Đương quy, Bạch chỉ, Đơn bì, Cảo bản, Cam thảo thì chữa đàn bà huyết uất.

Kỵ dụng:

Chuyên bẩm thụ khí thăng dương, cay thơm, khai khiếu, uống độc vị lđ làm cho người hết sức bần thần, đủ biết tính táo liệt của nó, cho nên không được thường dùng, nếu nhức đầu do huyết hư thì càng nên kỵ.

Cách chế:

Rửa nước cho sạch đất, bỏ cuống, lá, đầu, mắt rồi mới dùng.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Phương pháp bào chế và sử dụng đông dược” – Viện y học cổ truyền nói: Dùng rễ hay toàn cây, thứ thơm, cay nồng, thứ không cay thơm, cây có một lá và một đốt thì không dùng.

Bài Ma hoàng phụ tử tế tân thang (Thương hàn luận)

Ma hoàng 6-8g, Phụ tử 4-8g, Tế tân 4-8g.

Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.

Có tác dụng trợ dương, giải biểu. Dùng cho những bệnh nhân vốn dương hư, mắc bệnh ngoại cảm phong hàn, sợ lạnh, hoi sốt, muốn ngủ, mạch trầm. Thường dùng chữa viêm Phế quản mạn tính, hoặc kết hợp với bài Nhị trần thang để chữa bệnh hen Phế quản thể hàn.

“Thương hàn lục thư”

Bài Tái tạo hoàn

Hoàng kỳ 8g, Nhân sâm 4g,Quế chi 4g, Bạch thược 4g, Cam thảo 2g, Thục phụ tử 4g, Te tân 4g, Khương hoạt 4g, Phòng phong 4g, Xuyên khung 4g, Gừng nướng 4g, Đại táo, 2 quả.

Sắc, chia uống 2 lần trong ngày.

Có tác dụng trợ dương, ích khí, giải biểu.

Trị dương hư, khí kém, ngoại cảm phong hàn, thường có các triệu chứng đau đầu, sốt, sợ lạnh, chân tay mát, không có mồ hôi, mệt mỏi, buồn ngủ, lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch trầm vô lực hoặc phù đại vô lực.

“Thiên gia diệu phương”

Bài Phòng phong bạch thược bạch chỉ thang

Tế tân 3g, Phòng phong 20-30g, Cúc hoa 15g, Mạn kinh tử 10g, Bạch thược 20-30g, Sinh Thạch cao 30g, Bạc hà 10g Hồng hoa 10g, Xuyên khung 15g, Bạch chỉ 15g, Liên kiều 15g. sắc, chia uống 3-4 lần trong ngày.

Trị đau đầu do mạch máu, lưỡi đỏ, mạch huyền tế.

“Thẩm thị giao hàm”

Bài Đọa huyết minh mục ẩm

Tế tân 4g, Ngũ vị 10 hạt, Nhân sâm 4g, Xuyên khung 3g, Xích thược 3g, Ngưu tất 3g, Thạch quyết minh 3g, Sinh địa 3g, Sơn dược 3g, Tri mẫu 3g, Bạch tật lê 3g, Đương quy vĩ 3g, Phòng phong 3g. sắc chia uống 2 lần trong ngày.

Có tác dụng bổ huyết, khu phong, tản huyết.

Chữa huyết ứa ra ở con ngươi.

“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”

Bài Tiểu thanh long thang

Ma hoàng, Bạch thược, Can Khương, Cam thảo, Quế chi, Tế tân đều 3-4g, Bán hạ 6-12g, Ngũ vị tử 3-6g.

Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.

Những người có thủy dịch, hàn khí thượng xung, ho ra đờm loãng, nhiều mũi, hen Phế quản, ho gà, màng ngực có đờm, hoặc bị phù Thận, cảm mạo, lên sởi, viêm kết mạc…dùng thuốc này để trừ thủy thấp, rất có kết quả.

Thuốc phần nhiều hành khí cho nên không dùng cho người khí lực yếu. Tóm lại bài này trị chứng biểu nhiệt, lý hư, khí thượng xung hại Phế.

“Thiên gia diệu phương”

Bài Tiểu thanh long gia thạch cao thang

Ma hoàng 10g, Quế chi 10g, Bạch thược 10g, Can Khương 10g, Đại táo 10g, Cam thảo 10g, Ngũ vị tử 20g, Tế tân 4-10g, Thạch cao 60g, Bán hạ 10g. Sắc, uống 3 lần trong ngày.

Có tác dụng ôn hóa thủy ẩm, khai uất, thanh giáng.

Chữa viêm Phế quản cấp.

Chú ý: Trong bài thuốc vị Tế tân dùng khá nhiều, nếu bệnh nhân cơ thể suy nhược, sốt nóng nhiều nên giảm bớt.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây