TAM THẤT
Tên khác: Kim bất hoán, sâm tam thất.
Tên khoa học: Panax pseudo-ginseng Wall.
Họ Nhân sâm (Araliaceae).
MÔ TẢ
Cây thảo, sống nhiều năm, cao 30 – 50cm, có rễ củ mập, hình con quay. Thân mảnh, màu tím tía. Lá kép chân vịt mọc vòng, gồm 5 – 7 lá chét đầu nhọn, mép có răng cưa, hai mặt có lông cứng ở các gân, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành tán đơn; hoa màu lục vàng nhạt có 5 lá đài ngắn, 5 cánh hoa rộng, 5 nhị và bầu 2 ô.
Quả mọng, hình cầu dẹt, màu đỏ khi chín; hạt màu trắng.
Mùa hoa quả: tháng 5 – 10.
PHÂN BỐ, NƠI MỌC
Trên thế giới, tam thất phân bố ở miền Nam Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên.
Ở Việt Nam, tam thất là cây nhập trồng có nhiều ở
Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu. Cây ưa bóng và ưa ẩm. Thường phải trồng trong lán có mái che.
BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN
Rễ củ tam thất được thu hái trước khi cây ra hoa ở cây đã trồng được 5 năm mới tốt. Rễ đào về, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, rồi phân loaị như sau: Loại 1, 100g có 10 – 12 củ; loại 2, 13 – 16 củ; loại 3, 16 – 20 củ.
Dược liệu tam thất có hình con quay, không phân nhánh, đầu củ sần sùi, vỏ ngoài màu xám (dạng sống) sau chuyển màu đen (dạng sơ chể), ruột màu vàng xám, chất chắc, vị ngọt nhạt, hơi đắng, mùi thơm nhẹ.
Cách sơ chế: cắt các rễ con ở rễ củ tam thất, rửa thật nhanh bằng nước vài lần không cho nước kịp ngấm vào ruột, phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ 50- 60° c. Để cho củ có màu đen, vò củ giữa hai lòng bàn tay nhiều lần. Khi dùng mới thái lát hoặc tán bột. Dùng đến đâu làm đến đó vì bảo quản nguyên củ dễ dàng hơn, có thể được 2 năm, còn thái lát hoặc tán bột chỉ được 6 – 12 tháng.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Tam thất chứa saponin, nhiều ginsenosid, flavonoid, phytosterol, polysaccharid. Ngoài ra, còn có tinh dầu ở rễ và ở hoa.
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ
Tam thất có tác dụng tăng lực, thích nghi với các yếu tố độc hại như nhân sâm. Nước sắc tam thất dùng uống có tác dụng cầm máu trong nhiều trường hợp chảy máu. Gần đây, tam thất được nghiên cứu ứng dụng chữa ung thư dưới dạng dược liệu riêng hoặc phối hợp với một vài dược liệu khác với kết quả khả quan.
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Tam thất có hai tác dụng chính là bổ máu và cầm máu.
Dùng sống, tam thất chữa băng huyết, thổ huyết, rong kinh, chảy máu cam, máu hôi sau khi đẻ, kiết lỵ ra máu dưới dạng bột hoặc mài với nước mà uống.
Liều dùng hàng ngày: 10 – 20g, chia làm 4 – 5 lần.
Bột tam thất rắc làm cầm máu vết thương.
Dùng chín, tam thất chữa thiếu máu, suy nhược, phụ nữ sau khi đẻ, người mới ốm dậy. Củ tam thất hấp cho mềm, thái mỏng hoặc sao khô, tán bột rồi hầm với thịt gà, thịt chim, ăn hàng ngày, liền trong vài tuần lễ. Cách tốt nhất là hãm tam thất với nước sôi như pha trà, uống làm nhiều lần, vừa đơn giản, tiện lợi, vừa giữ được hương vị, hoạt chất. Nước hãm tam thất pha với sữa dùng rất tốt cho trẻ em.
Liều dùng hàng ngày: Người lớn: 5 – 6g, chia làm 2 – 3 lần; trẻ em tùy tuổi, 1/2 – 1/3 liều người lớn. Uống sau khi ăn 5 – 10 phút.
Chú ý: Phụ nữ có thai không được dùng tam thất.
Lá và rễ con cắt từ củ tam thất, hoa tam thất cũng được dùng với tác dụng tương tự. Có thể nấu canh ăn, nấu cao hoặc hãm uống. Cao lá tam thất bôi ngoài cũng cầm máu nhanh các vết đứt, vết thương.
BÀI THUỐC
- Chữa suy nhược ở người cao tuổi và phụ nữ sau khi đẻ: Tam thất (12g); ích mẫu, sâm Bố Chính, kê huyết đằng (mỗi thứ 20g); hương phụ (10g). Tất cả tán nhỏ, uống 10 – 20g mỗi ngày. Có thể sắc uống.
- Chữa xuất huyết nội tạng: Tam thất (20g), bạch chỉ (20g). Tán bột, rây mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 – 4g.