Mực
Tên khác: Cá mực, mực nang, mực mai, ô tặc ngư Tên khoa học: Sepia spp.
Họ Mực nang (Sepiidae)
Có nhiều loài đều được sử dụng làm thuốc như mực nang (Sepừi latimanus Quoy et Guimard), mực nang chấm (S. herculus), mực nang hoa (S. subaculeata Sasaki), mực nang vân (s. tigris Sasaki).
MÔ TẢ
Động vật không xương sống, có cơ thể chia làm hai phần: Phần đầu ngắn có 8 – 10 tay thuôn nhọn với nhiều hàng giác bám, đôi tay xúc giác mảnh dài hơn thân phình ra ở đầu xúc giác lớn. Miệng nằm phía dưới bụng. Phần thân mềm, hình bầu dục trên lưng có nhiều vân gỢn sóng, hai bên sườn có vây mỏng như viền áo.
Mai mực là lớp vỏ trong bằng đá vôi màu trắng, bên ngoài có một lớp sừng mỏng bao bọc.
Con đực nhỏ hơn con cái.
PHÂN BỐ, NƠI SỐNG
Trên thế giới, mực phân bố chủ yếu ở vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới như phía Nam Nhật Bản, miền Đông Trung Quốc, Biển Đỏ, phía Tây Bắc Australia.
Ở Việt Nam, mực sinh sống suốt dọc vùng biển từ Hải Phòng đến Vũng Tàu, thành từng đàn ở đáy tầng nước sâu và chỉ nổi lên tầng nước trên để kiếm mồi. Thức ăn của mực gồm cá nhỏ, giun…
Mực di chuyển bằng cách phụt nước qua một lỗ ở mặt bụng như kiểu phản lực. Đẻ vào tháng 4-9.
BỘ PHẬN DÙNG, THU HOẠCH, CHẾ BIẾN
Mai mực, thu hoạch vào tháng 6 – 8, sau khi đã mổ lấy thịt, ngâm vào nước rồi rửa sạch muối bám ở ngoài, phơi khô. Khi dùng, cạo sạch lóp vỏ cứng bên ngoài, cắt thành miếng nhỏ hoặc tán bột. Có thể nướng vàng.
Dược liệu tốt phải chắc, thật khô, màu trắng như phấn, không vỡ vụn.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Mai mực có nhiều muối calci dưới thể carbonat, phosphat, sulfat, chất keo và các chất hữu cơ.
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Theo tài liệu cổ, mai mực được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là ô tặc cốt hay hải phiêu tiêu. Dược liệu có vị mặn, chát, mùi hơi tanh, tính ấm, không độc, có tác dụng cầm máu, làm se.
Chữa đại tiện ra máu: Mai mực nướng vàng, tán bột, uống mỗi lần 4 – 8g với nước sắc cây mộc tặc. Ngày hai lần (Nam dược thần hiệu).
Chữa ho ra máu, băng huyết: Mai mực tán bột mịn, ngày uống 4 – 8g, có thể đến 12g. Dùng liền 7 – 10 ngày, nghỉ một tuần, sau lại tiếp tục nếu cần thiết.
Dùng ngoài, lấy bột mai mực rắc và ngoáy vào tai chữa viêm tai có mủ. Mai mực vót nhọn như bút chì, ngâm vào dung dịch rễ hoàng liên với tỷ lệ 1 – 5% đã được một số bệnh viện dùng đánh mắt chữa đau mắt hột. Để chữa bỏng, đốt mai mực thành than rây bột rồi trộn với dầu vừng thành một hỗn hợp sền sệt, bôi ngày hai lần.
BÀI THUỐC
- Chữa chảy máu cam: Mai mực và hoa hòe (liều lượng bằng nhau) trộn đều. Một nửa để sống, một nửa sao vàng, rồi tán bột. Khi dùng, thổi bột vào mũi. (Nam dược thần hiệu).
- Chữa viêm loét dạ dày, tá tràng: Mai mực (120g), cam thảo (200g), màng mề gà (20g), hương phụ (20g, chế với giấm và nước tiểu, sao vàng), lá cà độc dược khô (12g), hàn the (10g, phi), phèn chua (10g, phi), vỏ quýt (8g).
Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 2 – 3 lần vào giữa hai bữa ăn. Người lớn, mỗi lần 4g; chiêu với nước ấm. (Kinh nghiệm của Viện Quân y 103).
Phụ nữ và trẻ em nhỏ tuổi không nên dùng.
- Chữa loét mũi, loét miệng, viêm tai chảy nước: Mai mực (12g), thanh đại (12g), hoàng liên (12g), ngũ bội tử (12g), hồng đơn (12g), tế tân (12g), nhân trung bạch (12g), phèn phi (8g), mai hoa (4g).
Từng thứ sao riêng, trừ hồng đơn, mai hoa và thanh đại, rồi tán nhỏ mịn, trộn đều. Khi dùng, rắc vào vết thương, vết loét.