Trang chủBệnh truyền nhiễmLây nhiễm Bệnh Tularemia và biện pháp phòng chống

Lây nhiễm Bệnh Tularemia và biện pháp phòng chống

Tularemia là một bệnh nhiễm khuẩn máu cấp tính, truyền từ súc vật sang người. Một vài thể lâm sàng của bệnh này có những nét giống dịch hạch thể sưng bạch hạch.

TÁC NHÂN GÂY BỆNH VÀ CHẨN ĐOÁN

  1. Tác nhân gây bệnh là Pasteurella tularemia:

Chúng có hình trực khuẩn hoặc cầu khuẩn hoặc cầu khuẩn bắt màu anilin, không bắt màu Gram. Chúng phát triển tốt trên môi trường lòng đỏ trứng và trên thạch máu có cystin, sau 2-4 ngày.

ở ngoài cơ thể, vi khuẩn Pasteurella tularemia có khả năng sống tương đối lâu. Chúng sống 95 ngày trong nước không tiệt khuẩn, 163 ngày trong nước đã tiệt khuẩn ở 4° và 45 ngày trong nước đã tiện khuẩn ở 37°.

Trong đất, tuỳ theo điều kiện, vi khuẩn sông từ 10 ngày đến 2,5 tháng.

Trong các cơ quan và trong xác động vật ở nhiệt độ trong phòng, chúng sống 40 ngày, trong xác ướp lạnh, chúng sống 3 tháng.

Vi khuẩn Pasteurella rất nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ và khô hanh

Yếu tố môi trường bên ngoài Thời hạn bị giết chết
Ánh sáng mặt trời trực tiếp 30 phút
Ánh sáng khuếch tán 3 ngày
Nhiệt độ 60° 20-60 phút
Nhiệt độ thấp 93 ngày ; trong thịt 104 ngày ; trong sữa
Sấy khô 40 ngày ; trong bộ lông súc vật 72 ngày ; trên vải

Các chất tẩy uế giết chết nhanh chóng vi khuẩn này. Người ta thường dùng dung dịch phenol 3-5% dung dịch lysol 3%, focmalin và các chất có clo.

+ Bệnh sinh và biểu hiện lâm sàng: bệnh truyền từ súc vật ốm sang người, theo nhiều đường khác nhau. Tuỳ theo đường truyền nhiễm biểu hiện lâm sàng sẽ khác nhau

  • Nếu người bị lây qua da, thì sẽ mắc thể sưng hạch với những khu trú khác nhau. Thí dụ: nếu bị lây qua da bị tổn thương ở bàn tay, cẳng tay, thì tác nhân gây bệnh sẽ theo đường bạch huyết, xâm nhập vào các hạch địa phương ở khuỷu tay và ở dưới cơ, ở đó sẽ phát sinh một quá trình viêm tấy đặc trưng.
  • Nếu bị lây qua vết đốt của tiết túc hút máu, thì sẽ mắc thể loét-sưng bạch hạch có khu trú tương ứng với nơi có vết đốt. ở chỗ bị tiết túc đốt sẽ xuất hiện một vết loét đặc trưng và sẽ có sưng hạch ở hạch địa phương tương ứng.
  • Nếu bị lây qua đường tiêu hoá, thì sẽ mắc thể ruột, ở đây quá trình viêm tấy sẽ lan toả ra các hạch bạch huyết ở màng treo ruột.

Nếu bị lây qua đường hô hấp thì sẽ mắc thể phổi.

  1. Chẩn đoán bệnh tularemia dựa vào các biểu hiện lâm sàng và kết quả thử dị ứng trên da vứi tularin cũng như dựa vào điều tra dịch tễ học.

QUÁ TRÌNH TRUYỀN NHIỄM

  1. Nguồn truyền nhiễm:

Tác nhân gây bệnh là Pasteurella tularensis dự trữ ở các loài gậm nhấm hoang dại. Có đến 70 loại gậm nhấm và những loài động vật khác tiếp thụ bệnh này, nhưng vai trờ của chúng lại khác nhau. Có ý nghĩa dịch tễ học lớn nhất là chuột nước và cả chuột đồng, chuột nhắt.

Cũng đã có những trường hợp bị lây bệnh từ thỏ ốm (thỏ rừng và thỏ nhà) Trong các động vật nông nghiệp, có cừu, bò, ngựa, lạc đà là hay bị lây bệnh tu­laremia nhất.

Truyền nhiễm giữa các động vật xảy ra qua các tiết túc hút máu và qua đường tiêu hoá. Chuột nước sống nhiều ở những địa phương có những hồ ao, bãi cỏ chăn nuôi ngập nước và cánh đồng. Dịch tularemia từ chuột nước có thể lây lan sang các động vật khác mà đàn động vật đó thường sông tiếp giáp hoặc xen kẽ với

chuột nước, như chuột xám sống nhiều ở đồng cỏ hay cánh đồng, chuột hung đỏ và chuột rừng sống ở ven rừng, thỏ rừng.

Đặc biệt nguy hiểm đối với người là những dịch súc vật xảy ra trong những năm chuột đồng, chuột nhắt sinh sản nhiều.

  1. Đường truyền nhiễm:

Bệnh tularemia từ động vật ốm truyền sang người theo những đường khác nhau.

  • Tiếp xúc trực tiếp xảy ra khi lột da súc vật mắc bệnh và cả khi nhặt xác súc vật để xét nghiệm. Trong phương thức này, tác nhân gây bệnh sẽ xâm nhập qua da tổn thương, qua niêm mạc miệng và kết mạc mắt, rồi vào hệ bạch huyết.
  • Nhiều loài tiết túc hút máu cũng truyền bệnh tularemia cho người, nhưng có ý nghĩa dịch tễ học lớn nhất là ve, muỗi, ruồi trâu.
  • Đôi khi nhiễm khuẩn cũng truyền qua nước hoặc thức ăn bị nhiễm khuẩn. Tác nhân gây bệnh vào cơ thể qua niêm mạc đường tiêu hoá.
  • Bệnh tularemia có thể truyền bằng đường hô hấp, khi người hít phải bụi bị nhiễm khuẩn.

ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ

Những đợt dịch bột phát có đặc trưng là: một trong những đường truyền nhiễm kể trên sẽ chiếm ưu thế, và do dó sẽ nổi bật lên một hình thức lâm sàng của bệnh. Điều này tuỳ thuộc vào tính chất của ổ dịch thiên nhiên ; vào điều kiện lao động và sinh hoạt. Cho nên, khi nghiên cứu đợt dịch, hợp lý hơn cả là phải phân loại chúng tương ứng với tính chất của cơ chế truyền nhiễm.

  • Loại 1: các dịch lây qua da tổn thương và niêm mạc (do dịch tiết túc). Những người làm nghề bắt chuột nước (để lấy bộ lông), săn thỏ rừng, pha thịt cừu và thịt thỏ nhà, cắt cỏ, bắt các loài gậm nhấm (để xét nghiệm) hay mắc dịch loại này. Người tiếp xúc trực tiếp với thịt hoặc xác súc vật bị bệnh cũng dễ bị lây. Chiếm ưu thế là thể sưng bạch hạch, thường khu trú ở 2 chi trên.

Bệnh thường xảy ra vào mùa xuân trong thời kỳ ngập nước vì đa số chuột lên ẩn náu ở những nơi chưa bị ngập nước. Lúc này dễ bắt chuột nước nhất. Những người di cắt cỏ ở những bãi cỏ ngập nước thường bị lây do tác nhân gây bệnh xâm nhập qua da chân, chiếm ưu thế là thể sưng hạch khu trú ở bẹn (87,2%).

  • Loại 2: các dịch lan truyền bằng tiết túc hút máu. Dịch này thường xảy ra ở những người sống ở những nơi ngập nước và hồ ao, ở những nơi có rừng và nhiều bụi. ở những nơi này, có nhiều tiết túc hút máu mang mầm bệnh (ve, muỗi, ruồi trâu). Chiếm ưu thế là thể loét sưng bạch hạch, vết loét khu trú ở trên những phần da hở của người. Một khu trú như vậy, cộng với những yếu tố khác cho phép kết luận là vật truyền bệnh là muỗi.

Dịch thường xảy ra vàomùa hè (tháng 7-9) trong thời kỳ có tiết túc truyền

Dưới đây là tỷ lệ khu trú của các vết loét trên người bằng cách lan truyền này.
Nơi khu trú vết loét: Tỷ lệ %
– Cẳng chân 80,3%
– Đùi và mông 2,0%
– Cẳng tay 5,3%
– Bàn tay 2,0%
– Cổ, mặt và đầu 8,9%
– Các nơi khác 1,5%

Dịch thường xảy ra vào mùa hè (tháng 7-9) trong thời kỳ có tiết túc truyền bệnh hoạt động nhất.

  • Loại 3: dịch do ngập nước dịch xảy ra là do người dùng nước bị nhiễm khuẩn bởi những chất bài xuất của các loài gậm nhấm bị ốm và xác của chúng. Đặc trưng là trong một thời gian ngắn, nhiều người dùng chung một nguồn nước đều bị ốm. ở những dịch do nước, chiếm ưu thế là thể viêm họng, sưng bạch hạch.

Các dịch do thức ăn xảy ra là do ăn phải những sản phẩm bị nhiễm các chất bài xuất của những loài gậm nhấm bị bệnh. Khi bị lây bệnh do thức ăn thì thể ruột chiếm ưu thế, nhưng cũng thấy thế viêm họng sưng bạch hạch. Khác với dịch do nước, cường độ của các dịch do thức ăn không cao.

  • Loại 4: loại dịch này xảy ra tại những ổ thiên nhiên như một hậu quả của dịch chuột.

Nếu thu hoạch lúa mà tốt, trên cánh đồng đường sót lại những bông lúa rụng và những hạt rơi vãi. Đó là thức ăn tốt cho loài chuột và chúng sinh sản rất nhanh. Một phần lúa được xếp thành đống. Mùa rét đến chuột chui vào trong đống lúa, đống rơm. Lúc đó, trong loài chuột sẽ phát sinh ra dịch. Hầu như tất cả những người đập lúa đều bị lây bệnh do hít phải bụi nhiễm khuẩn. Một số trường hợp cũng thấy ở người đổ lúa và những người ngủ trên rơm rạ đã bị nhiễm khuẩn bởi các loài chuột.

Ở những dịch loại này, chiếm ưu thế là thể phổi.

PHÒNG VÀ CHỐNG BỆNH

  1. Phòng bệnh chung:

Ở các Ổ dịch thiên nhiên, trạm vệ sinh phòng dịch cần phải thường xuyên nghiên cứu số lượng các loài gậm nhấm, nghiên cứu các vật tiết túc hút máu, tiến hành xét nghiệm xem các loài gậm nhấm có bị bệnh tularemia không ? Trên cơ sở những số liệu thu được, phải xác định nguy cơ phát sinh ra dịch súc vật và dịch ở người để đề ra những biện pháp diệt chuột.

Những biện pháp diệt chuột là nguồn truyền nhiễm chỉ có hiệu lực trong một thời gian, cho nên muốn giải quyết nhanh chóng dịch, thì phải dùng những biện pháp cắt đứt đường truyền nhiễm. Muốn vậy phải phát hiện ra đường truyền nhiễm.

  • Nếu phát hiện ra bệnh ở những người săn chuột nước hoặc thỏ rừng, hoặc cá ở nhũng người cắt cỏ -tại những bãi cỏ ngập nước, thì phải đình chỉ việc săn bắt hoặc cắt cỏ trong một thời hạn cần thiết để tiêm chủng và tạo thành miễn dịch (6-10 ngày). Các biện pháp phòng bệnh cá nhân cũng có ý nghĩa bổ trợ.
  • Nếu truyền bệnh lan truyền do côn trùng tiết túc hút máu thì phải dùng các thuốc diệt muỗi (như dimetyl phtalat), dùng màn cá nhân. Tiêm chủng phòng bệnh cho dân chúng ở trong ổ dịch thiên nhiên.
  • Nếu bệnh lan truyền theo nước hoặc thức ăn, thì chủ yếu là dùng các biện pháp khử khuẩn nước hoặc bảo vệ thực phẩm không để chuột làm nhiễm khuẩn.
  • Nếu bệnh có thể lây bằng bụi, thì trong thời gian đập lúa hoặc chở rơm, phải deo khẩu trang dể bảo vệ cơ quan hô hấp. Khi đó, bắt buộc phải tiêm chủng.
  1. Phòng bệnh đặc hiệu:

Hiện nay người ta dùng một vacxin sống, khô, tiêm chủng trên da như chủng đậu. Sau khi chủng vacxin trong cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch chắc chắn trong 5 năm.

Trong vùng mà trước kia có phát hiện thấy bệnh tularemia, tiêm chủng toàn dân, kể từ trẻ em 4 tuổi trở lên. Tiêm chủng cả cho những người từ xa đến, dù là đến làm việc nhất thời. Tại những vùng trước kia không có bệnh ở người, cũng cần phải tiêm chủng nếu thấy phát sinh ra dịch tularemia ở chuột và nếu chuột sinh sản nhiều.

Những người trước kia đã bị bệnh tularemia thì không cần tiêm chủng vì số người này thường phản ứng mạnh với vacxin.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây