Trang chủBệnh truyền nhiễmPhòng chống dịch Bệnh xoắn khuẩn Leptospira

Phòng chống dịch Bệnh xoắn khuẩn Leptospira

Bệnh xoắn khuẩn leptospira là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính truyền từ súc vật sang người, gây nên bỏi nhiều chủng xoắn khuẩn leptospira (leptos: mảnh khảnh, spiros: xoắn).

+ Leptospira là những xoắn khuẩn có mấu ở hai đầu ; còn có hình thái lọc qua được màng lọc. Xoắn khuẩn có thể nuôi cấy trên môi trường đặc biệt như huyết thanh thỏ pha loãng có lớp dầu ở trên để tránh bay hơi làm thay đổi pH của môi trường.

Tất cả các chủng xoắn khuẩn đều giống nhau về hình thái, chỉ khác biệt về cấu tạo kháng nguyên. Bằng phương pháp huyết thanh, đến nay người ta đã phát hiện được gần 40 typ huyết thanh leptospira gây bệnh (như L. icterohaemor- rhagiae, L.grippo-typhosa, L.canicola L.sejroe, L.pomona, L. hebdomadis, L.au- tumnalis, L.australis, L.bataviae, L.poi).

Có liên quan giữa các chủng xoắn khuẩn với biểu hiện lâm sàng không ? Người ta cho răng L.ictero-haemorrhagiae hay gây thể bệnh vàng da, và L. grippo-typhosa hay gây thể bệnh không vàng da. Tuy nhiên một chủng xoắn khuẩn có thể gây vàng da hạy không là còn tuỳ thuộc một phần vào sức đề kháng của bệnh nhân, vì những người yếu gan mà bị nhiễm một chủng xoắn khuẩn thường không gây vàng da (như L.grippo-typhosa, L.canicola, L. hebdomađis) vẫn bị vàng da

+ Nguồn truyền nhiễm: chủ yếu là súc vật gậm nhấm (như chuột cống, chuột đồng, súc vật gậm nhấm õ rừng) bị nhiễm khuẩn không có triệu chứng và trở thành súc vật lành mang xoắn khuẩn. Nguồn truyền nhiễm còn là gia súc chỉ mang xoắn khuẩn sau một thời kỳ mắc bệnh thực sự và là súc vật khoẻ mang xoắn khuẩn như chó, mèo, lợn (viêm ruột, sảy thai), bò (sảy thai, đái ra huyết sắc tố), ngựa (vàng da).

Sau đây là số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ học Hà Nội:

Súc vật Phản ứng huyết thanh dương tính, với:
L.mitis
Trâu L.australis, L.bataviae, L.grippo-typhosa
ngựa L.australis A
Lợn L.mitis, L.pomona, L.autumnalis, L.australis, L.grippo-typhosa
Chó L.canicola, L.bataviae, L.autumnalls
Chuột L.bataviae, L.poi, L.ictero-haemorrhagiae

Ớ người thường gặp nhất là các typ huyết thanh sau đây:

L.australis 21,2%

L.bataviael7,8%

L.hebdomadis 17,0%

L.grippo-typhosa 13,6%

Căn cứ vào chủng xoắn khuẩn gây bệnh và vùng khu trú của bệnh, người ta chia bệnh xoắn khuẩn thành: bệnh xoắn khuẩn không vàng da và bệnh xoắn khuẩn có vàng da (hay bệnh Weil).

Bệnh xoắn khuẩn không vàng da

Các tác giả Đức lần đầu tiên quan sát dịch “Sốt cỏ nước” ở Silésie, sau một trận lũ lụt, đã gọi bệnh này là sốt do phù sa hoặc sốt do lụt lội (1891).

TÁC NHÂN GÂY BỆNH VÀ CHẨN ĐOÁN BẰNG XÉT NGHIỆM

  1. Tác nhân gây bệnh:

Người ta đã phân lập được từ máu người bệnh nhiều chủng Leptospira trên môi trường nuôi cấy, chỉ phân biệt được bằng phản ứng huyết thanh.

Những chủng thường gặp nhất là L.grippo-typhosa, chết nhanh chóng nếu gặp khô hanh. Chúng rất nhậy cảm với phản ứng của môi trường, acid clohydric pha loãng 1:10.000 giết chúng nhanh chóng. Trong nước tiểu pH acid leptospira chết nhanh chóng ; trong nước tiểu pH trung tính, chúng sống được 24 giờ. ở các điều kiện thực nghiệm, trong nước cất, leptospira sống đến 8 tháng ; trong

nước không tiệt trùng, chúng sống 5 ngày. Trên bề mặt thực phẩm, chúng sống 20 giờ. Khác với L.ictéro-haemorrhagiae, chúng không thể gây bệnh thực nghiệm trên súc vật.

+ Sinh bệnh học: Người bị lây bệnh từ súc vật ốm thường qua niêm mạc miệng, hầu họng và đường tiêu hoá khi dùng phải nước uống hoặc thức ăn bị nhiễm khuẩn bởi các chất bài tiết của loài gậm nhấm. Người cũng có thể lây bệnh qua da bị tổn thương khi làm việc ngoài dồng như gặt hái, cắt cỏ ở các vùng đồng lầy bị nhiễm xoắn khuẩn.

Giai đoạn ủ bệnh là 8-10 ngày, dôi khi ngắn hơn. Trong những ngày đầu của bệnh có nhiễm khuẩn huyết, trong thời gian này có thể nuôi cấy xoắn khuẩn từ máu. Sau ngày thứ sáu của bệnh, không thể phân lập leptospira từ máu, nhưng trong huyết thanh có những kháng thể đặc hiệu. Người bệnh và người đang khỏi bệnh giải phóng leptospira trong nước tiểu. Tổn thương ở gan ít hơn, nên không có vàng da.

  1. Chẩn đoán bằng xét nghiệm:

Việc phát hiện bệnh rất khó khăn. Trong tuần lễ đầu (kể từ ngày thứ ba) có thể lấy máu để soi và nuôi cấy.

Soi máu ở kính hiển vi nền đen hoặc nhuộm bằng muối bạc; ít khi tìm thấy, vì xoắn khuẩn rất hiếm ở trong máu. Cấy máu trên môi trường huyết thanh thỏ pha loãng và kiểm tra kết quả bằng soi kính hiển vi nền đen. Chỉ có thể cấy máu nếu chưa dùng thuốc kháng sinh, ngoài ra kết quả nuôi cấy thường chậm.

Từ ngày thứ 10-15 có thể lấy nước tiểu soi kính để tìm xoắn khuẩn.

Cùng trong tuần lễ thứ hai có thể lấy máu để làm phản ứng ngưng kết với các chủng leptospira sống. Đọc kết quả trên phiến kính với kính hiển vi nền đen. Hiệu giá ngưng kết từ 1:400 ; 1:800 trở lên được coi là có giá trị. Nếu huyết thanh ngưng kết nhiều chủng (3-6) xoắn khuẩn, thì chủng gây bệnh là chủng có hiệu giá ngưng kết cao nhất.

QUÁ TRÌNH DỊCH

  1. Nguồn truyền nhiễm:

Ổ chứa xoắn khuẩn trong thiên nhiên là các loại chuột đồng (như Microtus arvalis, M.oeconomus, Arvicola terrestris) và một vài loại súc vật nhỏ ăn sâu bọ. Những loài gậm nhấm bị nhiễm khuẩn không có triệu chứng, nhưng chúng có khả năng giải phóng Leptospira cùng với nước tiểu và phân trong vòng 2-4 tháng.

Nguồn truyền nhiễm quan trọng khác là gia súc (như trâu bò, dê, cừu, lợn) bị mắc bệnh có triệu chứng và khi khỏi trở thành súc vật khỏi mang xoắn khuẩn giải phóng trong 3-6 tháng cùng với nước tiểu một lượng lớn Leptospira làm ô

nhiễm nặng bãi cỏ chăn nuôi và nước hồ ao. Súc vật bị lây bệnh khi ăn uống phải thức ăn và nước bị nhiễm khuẩn.

  1. Yếu tố truyền nhiễm:

Nước, giữ vai trò chủ yếu trong việc làm lan truyền bệnh. Người bị nhiễm khuẩn khi cắt cỏ ở những bãi cỏ ngập nước, hoặc khi tắm ở những hồ ao bị nhiễm khuẩn.

ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ

Bệnh xoắn khuẩn không vàng da hay gặp ở nông thôn. Thường xảy ra những vụ dịch bùng nổ làm mắc bệnh hàng chục, hàng trăm người trong một thời gian ngắn khi nông dân làm việc ở ngoài đồng như gặt hái, cắt cỏ. Các trường hợp tổn phát (thường đi đôi với việc chăn nuôi gia súc) có thể xảy ra suốt năm.

Mức độ mắc bệnh có đặc điểm rõ rệt theo mùa. Đa số các trường hợp xảy ra vào các tháng hè và thu, 50,5% các trường hợp bệnh xảy ra vào tháng 7 ; 41,3% vào tháng 8 và 8,2% vào tháng 9.

Mức độ mắc bệnh cũng mang tính chất nghề nghiệp. Thường hay mắc nhất là những nông dân sau khi gặt hái và cắt cỏ ở ruộng ngập nước.

Cuối cùng bệnh có tính chất địa phương, nghĩa là chỉ giới hạn ở những ổ bệnh thiên nhiên, ỏ các vùng nhiệt đới như nước ta, đa số các vụ dịch xoắn khuẩn không vàng da xảy ra ở các vùng trồng lúa.

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG VÀ CHỐNG DỊCH

  1. Các biện pháp phòng và chống dịch:

Để kịp thời phát hiện ra người bệnh, thì điểm quan trọng là cán bộ y tế phải biết lâm sàng và dịch tễ học của bệnh này và trong trường hợp cần thiết phải sử dụng các phương pháp chẩn đoán bằng xét nghiệm. Phương pháp thường dùng là phản ứng huyết thanh Martin Pettit.

Phải báo cáo cho trạm vệ sinh phòng dịch những trường hợp bệnh xoắn khuẩn không vàng da.

Tiêu diệt xoắn khuẩn ở người bệnh bằng thuốc kháng sinh (penixillin): Cách ly người ốm ở bệnh viện cho đến khi không còn thấy xoắn khuẩn trong nước tiểu.

Cần tẩy uế nước tiểu trong suốt thời kỳ bệnh ; về sau tẩy uế không cần thiết vì xoắn khuẩn đã yếu.

Không cần áp dụng biện pháp riêng đối với người tiếp xúc ; vì người bệnh ít nguy hiểm cho những người xung quanh.

  1. Biện pháp phòng bệnh:

Ớ những vùng có bệnh xoắn khuẩn tiềm tàng, cần phải diệt loài gậm nhấm là những kho dự trữ leptospira trong thiên nhiên và là nguồn truyền nhiễm chủ yếu. Diệt chuột và súc vật gậm nhấm rất khó khăn, nhưng trong các ổ thiên nhiên, vẫn

phải tiến hành một cách có hệ thống những biện pháp diệt chuột, trước hết ở những nơi có người ở, trong thời kỳ làm việc đồng áng và những nơi thả gia súc nông nghiệp. Những biện pháp làm khô ráo những bãi cỏ ngập nước rất tốt.

Khi làm việc ở đồng lầy phải đi ủng và uống nước đun sôi. Các công nhân phải tiếp xúc với nước cống cần tôn trọng các điều lệ vệ sinh cá nhân như di ủng đeo găng tay.

Người không được tắm ở những khúc sông mà gia súc đến uống nước và ở hồ có nước cống đổ vào. Khi có dịch gia súc địa phương, thì cần phải bảo vệ các sông hồ, không để nước tiểu nhiễm vào, bằng cách tổ chức cho gia súc uống nước cách xa sông hồ được dùng để lấy nước ăn uống. Điều quan trọng là bản thân những người làm việc ở những nơi có nguy cơ lây bệnh, phải nhận thức được các dường truyền nhiễm và hiểu các biện pháp phòng bệnh cá nhân.

  1. Biện pháp phòng bệnh đặc hiệu:

Ớ những nơi có bệnh xoắn khuẩn tiềm tàng, nên tiêm vaxin chết cho những công nhân chăn nuôi, công nhân mổ, công nhân cống, nông dân. Vaxin này có hiệu lực đã phổ biến trong thú y và đang được kiểm tra ở người qua các thí nghiệm dịch tễ học.

Bệnh xoắn khuẩn có vàng da (bệnh Weil)

TÁC NHÂN GÂY BỆNH VÀ CHẨN ĐOÁN BẰNG XÉT NGHIỆM

  1. Tác nhân gây bệnh:

Các nhà bác học Nhật Bản Inado và Ido năm 1915 đã tách ra được tác nhân gây bệnh của bệnh này và đặt tên là Leptospira ictérohaemorrhagiae.

Xoắn khuẩn này có thể tiêm truyền cho chuột lang và gây bệnh thực nghiệm. Loại này chịu dựng khô hanh kém và chết vài phút dưới tác dụng của các chất sát khuẩn ở đậm độ quy định. Xoắn khuẩn có thể sống hàng tuần đến hàng tháng ở trong nước, nếu có nhiều chất hữu cơ và pH thích hợp ; đến 3 tháng trong đất ẩm ; một vài ngày trên bề mặt thức ăn và bát đũa.

Bệnh sinh: Xoắn khuẩn vào cơ thể theo nước (ít khi theo thực phẩm) qua niêm mạc họng, mũi, mắt, và da bị xây xước.

Sau khi vào máu, chúng sinh sản trong các phủ tạng, đặc biệt là gan, thận và dược giải phóng ra ngoài theo nước tiểu.

  1. Chẩn đoán bằng xét nghiệm:

Phương pháp chẩn đoán chắc chắn nhất là phát hiện Leptospira trong máu người bệnh -bằng cách soi huyết thanh trong trường tối hoặc soi tiêu bản máu đã nhuộm bằng muối bạc.

Ngoài ra, phải cấy máu trên môi trường đặc biệt (huyết thanh thỏ pha loãng) và kiểm tra kết quả bằng soi kính hiển vi nền đen. Gây bệnh thực nghiệm bằng cách tiêm 2-5ml máu vào màng ruột chuột lang. Trong những trường hợp dương

tính, súc vật sẽ chết ở ngày thứ 8-10 với những triệu chứng điển hình (sốt và vàng da). Nhưng chỉ trong những ngày đầu của bệnh (đến ngày thứ 3-5) mới phát hiện được Leptospira trong máu.

Từ tuần thứ hai của bệnh có thể xét nghiệm máu bằng phản ứng ngưng tụ với các chủng xoắn khuẩn sống. Đọc kết quả trên phiến kính, với kính hiển vi nền đen, hiệu giá ngưng tụ từ 1:400 đến 1:800 trở lên được coi là có giá trị. Nếu huyết thanh ngưng tụ nhiều chủng (3-6) xoắn khuẩn thì cần làm lại phản ứng một tuần sau, chủng Leptospira có hiệu giá ngưng kết cao nhất lần thứ hai là chủng gây bệnh. Phương pháp thường dùng để phát hiện bệnh là phản ứng huyết thanh (Martin Pettit).

Sau ngày thứ mười của bệnh, có thể tìm Leptospira trong nước tiểu. Xét nghiệm cặn nước tiểu, sau khi đã ly tâm, cũng tiến hành những phương pháp như xét nghiệm máu.

QUÁ TRÌNH DỊCH

  1. Nguồn truyền nhiễm:

Là chuột cống (Rattus rattus, R,norvegicus, R,alexandrinus).

Chuột thường bị nhiễm khuẩn không có triệu chứng, giải phóng xoắn khuẩn theo nước tiểu trong 2-3 tháng. Bệnh xoắn khuẩn vàng da có liên quan với chuột cống nên thấy ổ các thành phố, đặc biệt là các hải cảng.

Ớ Nhật, nguồn truyền nhiễm là chuột đồng Microtus montebelloi, nên bệnh xoắn khuẩn vàng da hay gặp ở các vùng trồng lúa. Ngoài ra, chó và lợn có thể chứa L.ictéro haemorrhagiae, nhưng ít khi truyền bệnh cho người.

Mức độ chuột bị nhiễm khuẩn không đồng đều và tuỳ thuộc chủ yếu vào số lượng loài gậm nhấm. Thí dụ chuột bị nhiễm khuẩn ở Lêningrát như sau:

Năm 1936 1944 1946
Mức độ chuột bị nhiễm khuẩn 6% 13% 20%

Mức độ chuột bị nhiễm khuẩn tăng lên vì số lượng chuột tăng, do không tiến hành diệt chuột trong thời gian chiến tranh.

Tình trạng mang leptospira thường thấy ở các chuột lớn nhiều hơn ở các chuột non, điều này chứng minh là có tình trạng mang xoắn khuẩn lâu dài ở những chuột đã bị nhiễm khuẩn. Tác nhân gây bệnh được giải phóng ra khỏi cơ thể chuột cùng với nước tiểu. Đất, nước và thực phẩm bị nhiễm khuẩn bằng cách này. Ớ chuột, nhiễm khuẩn lan truyền theo kiểu các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột; nhiễm khuẩn xảy ra khi chuột ăn phải thức ăn hoặc uống phải nước bị ô nhiễm.

  1. Yếu tố truyền nhiễm:

Đường truyền nhiễm có thể trực tiếp như tiếp xúc với chuột (người bắt chuột, công nhân móc cống), nhưng chủ yếu là gián tiếp vì xoắn khuẩn có thể sống lâu

trong bùn giầu chất hữu cơ và kiềm tính. Nước có thể chứa xoắn khuẩn và có thể truyền bệnh cho những người tắm sông.

Thông thường, người bị lây qua nước, ít khi qua thực phẩm. Thực phẩm bị nhiễm xoắn khuẩn ít khi gây bệnh vì xoắn khuẩn bị tiêu diệt bởi dịch vị của dạ dày.

ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ

Bệnh xoắn khuẩn có vàng da thấy ở khắp nơi. Bệnh thường xuất hiện tản phát và thực ra không phải là một bệnh lưu hành.

Đặc điểm của nguồn truyền nhiễm và cơ chế truyền nhiễm quy định những đặc điểm dịch tễ học của bệnh này. Bệnh leptospira có vàng da ở châu Âu là bệnh của thành phố, vì chuột ở các nước châu Âu sống ở thành phố.

Ở những vùng nhiệt đới của châu Á, chuột sống ở trong nhà lẫn ngoài trời, thì ngoài thành phố hầm mỏ, bệnh còn gặp ở những người làm việc trên đồng lúa và làm nghề cá.

Dịch tễ học của bệnh leptospira có vàng da chủ yếu gắn liền với đường truyền nhiễm do nước. Những chất bài tiết của chuột bị nhiễm khuẩn làm ô nhiễm nước giếng, nước sông hồ, nước ruộng lúa và người bị lây bệnh do lao động ngâm chân lâu dưới nước, tắm sông, và có khi do uống nước lã.

Những trường hợp đơn phát xảy ra do bị lây qua thức ăn. Thức ăn có thể bị ô nhiễm bởi những chất bài tiết của chuột bị nhiễm khuẩn ở các kho của hợp tác xã nông nghiệp, và ở các kho trên đường sắt hoặc bến cảng.

Ở thành phố hay bị mắc nhất là những công nhân móc cống, lò sát sinh, kho lương thực và thực phẩm vì những nơi này có rất nhiều chuột.

Mức độ mắc bệnh cao nhất vào các tháng của mùa thu tháng 9,10,11 vì vào mùa này chuột tập trung nhiều do sinh sản tự nhiên. Việc tăng số lượng chuột làm cho dịch súc vật dễ lan truyền. Dịch súc vật sẽ tạo điều kiện thuận lợi để làm lây bệnh sang người.

BIỆN PHÁP PHÒNG VÀ CHỐNG DỊCH

  1. Biện pháp phòng bệnh:

Rất khó phát hiện sớm người bệnh, đặc biệt là các trường hợp đơn phát, thường sau khi đã xuất hiện vàng da mới chẩn đoán được, nghĩa là chẩn đoán muộn.

  • Phải dưa người bệnh vào bệnh viện
  • Do Leptospira được giải phóng ra theo nước tiểu, nên phải tẩy uế nước tiểu của người bệnh.
  1. Biện pháp phòng bệnh:

Khi có bệnh xuất hiện, nhất thiết phải khám xét các chuột đã bẫy được, để xem chúng có bị nhiễm Leptospira không. Cần phải xét nghiệm nước uống. Các biện pháp phòng bệnh khác cũng như đối với các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột khác.

Biện pháp phòng bệnh có hiệu quả nhất là diệt chuột, vì chúng là nguồn dự trữ tác nhân gây bệnh trong thiên nhiên. Thứ nhất, tất cả các công trình, kể cả cống rãnh dưới mặt đất và nền móng của các ngôi nhà, phải làm thế nào cho chuột không xâm nhập vào được. Thứ hai, tiến hành các biện pháp diệt chuột một cách có hệ thống. Người ta thường dùng các phương pháp cơ học (bẫy chuột bằng nhiều loại bẫy khác nhau) và cả những phương pháp hoá học (diệt chuột bằng bả).

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây