Ghi điện não là ghi lại các hoạt động điện của não nhò một dao động ký cực nhạy. Các điện cực được đặt cố định lên da đầu và ghi được nhiều đường ghi cùng một lúc. Trong lúc mổ, người ta có thể ghi được điện vỏ não bằng cách đặt điện cực trực tiếp lên vỏ não. Đường ghi ghi lại sự thay đổi điện thế ở một vùng nhỏ trên vỏ não, ngay dưới điện cực
Hoạt động của các vùng não nằm dưới sâu ít có ảnh hưởng lên đường ghi. Hoạt động ở mặt đáy của nền não, ở giữa hai bán cầu não và các vùng dưới vỏ không thể ghi được bằng điện não hoặc chỉ được thể hiện qua các rối loạn được gây ra từ xa.
Điện não đồ bình thường
- Nhịp alpha: ở người bình thường, thức và thư giãn, hai mắt nhắm thì đường ghi có chủ yếu là các sóng alpha chậm (tần số 8-13 Hz), biên độ 20-80 microvolt, đạo trình chẩm-bên là có biên độ cao nhất. Nhịp alpha giảm ngay khi đối tượng chú ý. Đối tượng mở mắt và nhìn chăm chú là các sóng alpha biến mất ngay. Người bình thường có thể có nhịp alpha không hoàn toàn hoặc không có nhịp
- Nhịp beta: nhanh (18-32 Hz), thấp hơn (15-20 microvolt), rõ hơn ở vùng cạnh bên và vùng trán. Nhịp beta xuất hiện chủ yếu khi đối tượng cố gắng tập trung chú ý.
- Các sóng chậm: có thể rõ ít hoặc nhiều, nhất là dạng sóng theta (tần số 4-7 Hz) và sóng delta (1-4 Hz).
Điện não đồ trẻ em: trẻ sơ sinh hoạt động không có chu kỳ. Trẻ lớn dần và trong giấc ngủ có các sóng chậm (1-4 Hz). Tần số các sóng tăng dần và đến năm 15-20 tuổi, điện não đồ giống điện não đồ của người trưởng thành.
Điện não đồ trong giấc ngủ: đường ghi thay đổi hoàn toàn. Nhịp alpha dần dần biến mất. Trong giấc ngủ nông có các sóng chậm, lúc đầu là đơn độc, sau thành chùm; có hình ảnh “thoi ngủ” (tần số 12-15Hz). Trong giấc ngủ sâu không có thoi ngủ.
Thay đổi sinh lý khác: sợ hãi, đau, lo lắng làm mất nhịp alpha. Thở nhanh làm xuất hiện các sóng chậm, nhất là ở trẻ. Sóng lambda là sóng nhọn ở vùng chẩm, liên quan đến các cử động giật của mắt. ở người già, nhịp càng ngày càng chậm.
Điện thế kích thích: sau kích thích bằng ánh sáng, âm thanh hoặc cảm giác nông, trên vỏ não xuất hiện điện thế vỏ. Thời gian tiềm tàng, thời gian tồn tại và biên độ của các điện thế kích thích này cung cấp thông tin về sự toàn vẹn của các đường cảm giác kích thích. Ví dụ điện thế kích thích với ánh sáng có thể cho phép phát hiện tổn thương dây thị giác trong bệnh xơ cứng rải rác.
Điện não đồ bệnh lý
BIẾN ĐỔI TOÀN THỂ, KHÔNG ĐẶC HIỆU: có các sóng chậm và cao trên tất cả mọi đường ghi trong các bệnh não lan toả (do mạch, do viêm, chấn thương và ngộ độc) và trong các tổn thương khu trú ở thân não (viêm màng não ở nền não, xuất huyết dưới màng nhện, khối tân tạo, tổn thương mạch). Trong tổn thương thân não, người ta thường thấy có nhịp theta toàn thể và nhịp delta ở trán.
Ổ DELTA: các sóng delta chậm (tần số 1-4 Hz), rất khu trú cho thấy có ổ bệnh lý (xuất huyết, tắc mạch, đụng giập nông, ápxe, khối u).
GIẢM ĐIỆN THẾ KHU TRÚ: khi điện thế bị giảm rõ rệt ở một nơi, mất nhịp đều đặn so với vùng đối xứng thì có thể kết luận là có tổn thương khu trú, nhất vỏ não bị huỷ hoại hay bị chèn ép (ápxe, máu tụ, khối u, v.v…).
Ổ ĐỘNG KINH: điểm vỏ não bị kích thích gây ra hiện tượng tăng đồng bộ (có các chùm sóng nhọn). Trong cơn động kinh cục bộ, có thể theo dõi sự lan toả của hoạt tính tăng đồng bộ này: thoạt tiên, các sóng nhanh có biên độ thấp xuất hiện, sau đó là các sóng chậm có biên độ cao.
ĐIỆN THẾ ĐỘNG KINH TOÀN THE: trên các đạo trình đều có các phức hợp sóng- đỉnh. Trên đường ghi có các sóng tròn và nhọn nối tiếp nhau. Trong động kinh vô căn cơn co giật toàn thân hay cơn nhẹ (vắng ý thức), phức hợp sóng – đỉnh bắt đầu và kết thúc đồng bộ ở hai bên, tối đa ở vùng cạnh giữa và vùng trán (tần số 3-4 Hz) và các thành phần nhanh và chậm đi thành từng cặp đều đặn.
Đường ghi cơn động kinh có máy cơ có các phức hợp sóng-đỉnh chậm (tần số 2 Hz). Một điện não đồ bình thường không loại trừ được có động kinh. Ngược lại, nếu có nhiều điện não đồ bình thường trong bổi cảnh có động kinh thì phải nghĩ đến động kinh thứ phát.
Chỉ định làm điện não đồ
Đôi khi người ta nghĩ rằng các kỹ thuật chẩn đoán mới bằng hình ảnh đã làm cho điện não trở thành lỗi thời. Thực ra, phương pháp này vẫn là phương pháp không gây sang chấn, ít tốn kém và vẫn rất có ích trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh của hệ thống thần kinh trung ương, với điều kiện là phải kết hợp phân tích điện não với thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng.
ĐỘNG KINH: là chỉ định chính của điện não.
- Trong cơn động kinh: ghi điện não trong cơn động kinh khẳng định chẩn đoán động kinh. Nếu bị ngất hoặc bị thỉu nhưng nghi là bị động kinh có điện não đồ bình thường thì có thể dùng biện pháp kích thích, trong đó phương pháp hay được dùng nhất là để bệnh nhân ít ngủ đêm hôm trước rồi ghi điện não trong giấc ngủ ngày hôm sau.
- Trạng thái động kinh: có thể không có co giật. Trong trường hợp này, ghi điện não cho phép chẩn đoán căn nguyên hôn mê.
- Phân loại kiểu động kinh: có cách phân loại quốc tê động kinh dựa trên điện não và lâm sàng. Điện não cho phép nhận biết nhiều kiểu động kinh; ví dụ, cơn động kinh có co giật, cơn động kinh nhẹ, động kinh có đỉnh Rolando, động kinh ở trẻ nhỏ như hội chứng West và hội chứng Lennox-Gastaut.
- Chỉ dẫn cho điều trị động kinh: cùng với việc định lượng thuốc chống động kinh trong máu, điện não là yếu tố không thể thiếu được trong điều trị động kinh. Phải nghĩ đến trạng thái động kinh nếu trên điện não đồ có đường ghi bệnh lý sau khi ngừng thuốc.
CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO: đường ghi có rối loạn, có dấu hiệu khu trú cho thấy bị chấn thương nặng và cần phải theo dõi bệnh nhân cẩn thận. Điện não còn có thể có giá trị pháp y. Điện não đồ bình thường trong hội chứng chủ quan sau chấn thương.
RÔI LOẠN MẠCH MÁU: các rối loạn về điện não đồ trong thiếu máu não là không đặc hiệu và không nói lên mức độ nặng nhẹ của tai biến.
Xuất huyết trong não cho hình ảnh như một tổn thương lan toả.
BỆNH LÝ LAN TOẢ TRONG NÃO: điện não không còn là xét nghiệm hàng đầu để chẩn đoán u não. Tuy nhiên, ghi điện não có thể chỉ dẫn về cách tiếp tục làm các thăm khám khác.
BỆNH NHIỄM KHUẨN: đường ghi điện não có thể bị rối loạn nghiêm trọng nhưng lại không đặc hiệu, trừ trong bệnh viêm não leuco của Van Bogaen (hoạt động có chu kỳ kéo dài, đa dạng, có biên độ cao); đôi khi trong viêm não do herpes (hoạt động có chu kỳ ngắn, xuất hiện vài ngày sau khi khởi bệnh). Điện não đồ không cho thông tin bổ ích nào đối với viêm màng não.
TRẠNG THÁI CUỒNG SẢNG: điện não đồ thường bình thường trong bệnh Pick, rối loạn trong bệnh Alzheimer, và bị rối loạn nặng trong bệnh Creutzfeldt-Jacob.
Rối LOẠN GIẤC NGỦ: ghi điện não trong giấc ngủ tại các phòng thí nghiệm chuyên khoa có ích cho việc thăm khám bệnh nhân bị mất ngủ kịch phát và bệnh nhân bị ngừng thở trong giấc ngủ.
HÔN MÊ: với bệnh não do gan, điện não có những biến đổi đặc trưng. Điện não đồ trong hôn mê do ngộ độc thuốc cho thấy có tổn thương lan toả, có nhịp nhanh nếu bị ngấm benzodiazepin.
CHẾT NÃO: đường ghi điện não phẳng, hoàn toàn không có sóng. Đây là một yếu tố để chẩn đoán chết não đối với bệnh nhân thở máy. Để có giá trị, phải ghi đúng kỹ thuật và nằm trong thăm khám lâm sàng cụ thể (xem hôn mê).