Sinh khương ( 生姜 )
Tên và nguồn gốc
+ Tên thuốc: Sinh khương (Xuất xứ: Bản thảo kinh tập chú)
+ Tên Trung văn: 生姜 SHENGJIANG
+ Tên Anh văn: Fresh Ginger, Common Ginger, Gingerrace,Ginger juice+ Tên La tinh: Zingiber officinale Rosc.
+ Nguồn gốc:Là thân rễ tươi của gừng thực vật họ Gừng (Zingiberaceae).
Thu hái
Thu hái: Mùa hè đào lấy, bỏ đi lá cọng và rễ râu, rửa sạch đất.
Gừng Zingiber officinale Rosc.
Dược liệu Sinh Khương
Bào chế
– Sinh khương: bỏ đi tạp chất, rửa sạch đất, lúc dùng cắt lát.
– Ổi khương: Lấy sinh khương sạch, dùng giấy 6, 7 lớp gói lại, ngâm thấm trong nước, để trong tro lửa nướng đến khi sắc giấy cháy vàng xém, bỏ giấy dùng.
Tính vị
– Trung dược học: Cay, ấm.
– Biêt lục: Vị cay, hơi ấm.
– Thiên kim thực trị: Không độc.
– Y học khải nguyên: Tính ấm, vị ngọt cay.
– Y lâm tỏan yếu: Ổi khương, cay đắng, đại nhiệt.
– Bản thảo tái tân: Ổi khương, vị cay, tính ấm bình, không độc.
Qui kinh
– Trung dược học: Vào kinh Phế, Tỳ, Vị.
– Lôi Công bào chế dược tính giải: Vào 4 kinh Phế, Tâm, Tỳ, Vị.
– Bản thảo hối ngôn: Vào các kinh Tỳ, Phế, Trường, Vị.
– Bản thảo kinh giải: Vào kinh Đởm, Can, Phế.
Công dụng và chủ trị
Phát biểu, tán hàn, cầm nôn, khai đàm.
Trị cảm mạo phong hàn, nôn mửa, đàm ẩm, suyễn ho, trướng đầy, tiêu chảy; giải độc Bán hạ, Nam tinh và cua cá, thịt chim thú.
– Bản kinh: Khử mùi hôi, thông thần minh.
– Biêt lục: Chủ thương hàn đau đầu nghẹt mũi, ho nghịch thượng khí.
– Đào Hoằng Cảnh: Qui ngũ tạng, trừ đàm hạ khí, ngừng nôn mửa, trừ phong thấp hàn nhiệt.
– Dược tính luận: Chủ đàm thủy khí đầy, hạ khí; sống và khô đều trị ho, trị thời bệnh, cầm nôn ăn không xuống. Sinh khương với Bán hạ chủ dưới tâm cấp đau, nếu bên trong nhiệt không thể ăn, giã nước hòa mật uống vậy. Lại dùng nước của nó với Hạnh nhân làm thang sắc , hạ tất cả kết khí thực, ôm ngăn tâm ngực, khí nóng lạnh.
– Thiên kim thực trị: Thông mồ hôi, trừ khí hôi ở trên mạng ngực.
– Thực liệu bản thảo: Trừ tráng nhiệt, trị chuyển gân, tâm đầy. Ngừng nghịch, tan phiền muộn, khai vị khí.
– Bản thảo thập di: Nước giải độc dược, phá huyết điều trung, hết lạnh trừ đàm, khai vị.
– Trân châu nang: Ích Tỳ Vị, tán phong hàn.
– Y học khải nguyên: Ôn trung khứ thấp. Chế độc Bán hạ, Hậu phác.
– Nhật dụng bản thảo: Trị thương hàn, thương phong, đau đầu, chín khiếu không lợi. Nhập Phế khai vị, trừ hàn khí trong bụng, gỉai hôi uế. Giải độc các nấm.
– Cương mục: Dùng sống phát tán, dùng chín hòa trung, giải trúng độc ăn lòai chim hoang thành hầu tý; ngâm nước điểm mắt đỏ, giã nước nấu với Hòang minh giao, dán đau phong thấp.
– Bản thảo tòng tân: Nước gừng khai đàm, trị ế cách phản vị, cứu bạo tốt (đột nhiên chết), trị hôi nách, xoa tai đông. Ổi khương, hòa trung cầm ói.
– Hội ước y kính: Ổi khương, trị Vị lạnh, tiêu chảy, nuốt chua.
– Hiện đại thực dụng Trung dược: Trị trường sán thống có hiệu quả.
Cách dùng và liều dùng
Sắc uống, 3 ~ 9g, hoặc giã nước uống.
Kiêng kỵ
– Trung dược học: Bổn phẩm trợ hỏa thương âm, cho nên người nhiệt thịnh và âm hư nội nhiệt kỵ uống.
– Cương mục: Ăn gừng lâu, tích nhiệt mắt bệnh. Phàm người bệnh trĩ ăn nhiều kiêm rượu, lập tức phát bệnh nhanh. Người ung nhọt ăn nhiều thì sinh ác nhục.
– Bản thảo kinh sơ: Uống lâu tổn âm thương mắt, âm hư nội nhiệt, âm hư ho thổ huyết, biểu hư có nhiệt ra mồ hôi, tự ra mồ hôi, đổ mồ hôi trộm, tạng độc hạ huyết, do nhiệt nôn lợm, đau bụng hỏa nhiệt, theo phép đều kiêng vậy.
– Tùy tức cư ẩm thực phổ: Nội nhiệt âm hư, mắt đỏ bệnh hầu, đau nhọt chứng huyết, ói ỉa có hỏa, thử nhiệt thời chứng, nhiệt hao (hen) đại suyễn , thai sản sa trướng và sau thời bệnh, sau sa đậu đều kị vậy.
Nghiên cứu hiện đại
- Thành phần hóa học:Bổn phẩm hàm chứa dầu bay hơi, trong dầu chủ yếu là zingiberol, α-zingiberene, β-phellandrene, citral, aromatic alcohol, methyl heptenone, nonanal, α-camphol v.v…, còn hàm chứa thành phần piquancy gingerol (Trung dược học).
- Tác dụng dược lý: Sinh khương có thể xúc tiến phân tiết dịch tiêu hóa, bảo hộ niêm mạc bao tử, có tác dụng chống lóet, bảo hộ gan, lợi mật, chống viêm, giải nhiệt, chống khuẩn, giảm đau, chống ói. Chất chiết cồn của nó có thể hưng phấn trung khu vận động mạch máu, trung khu hô hấp, tim. Người bình thường nhai Sinh khương, có thể tăng cao huyết áp. Dịch ngâm nước Sinh khương có tác dụng sát trùng bất đồng trình độ đối với trực khuẩn thương hàn, vi khuẩn phẩy hoắc lọan, khuẩn nấm T.violaceum, trùng roi âm đạo, và có tác dụng ngăn ngừa trùng hút máu nở trứng và têu diệt trùng hút máu (Trung dược học).
Bài thuốc cổ kim tham khảo
+ Phương thuốc 1:
Trị cảm mạo phong hàn: Sinh khương 5 lát, Tử tô diệp 1 lượng. Sắc nước uống.
(Bản thảo hối ngôn)
+ Phương thuốc 2:
Trị ho đàm lạnh: Sanh khương 2 lượng, Dương đường (đường kẹo mạch nha) 1 lượng. Nước 3 chén, sắc còn nửa chén, ấm và thong thả uống.
(Bản thảo hối ngôn)
+ Phương thuốc 3:
Trị hoắc lọan tâm bụng trướng đau, phiền đầy ngắn hơi, chưa được thổ hạ: Sinh khương 1 cân. Cắt, dùng nước 7 thăng, nấu lấy 2 thăng, phân làm 3 lần uống.
(Trửu hậu phương)
+ Phương thuốc 4:
Trị trúng khí hôn quyết, cũng có đàm bế: Sanh khương 5 chỉ, Trần bì, Bán hạ, Mộc hương đều 1, 5 chỉ, Cam thảo 8 phân. Sắc nước uống, lúc uống thêm đồng tiện (nước tiểu bé trai) 1 chén.
(Bản thảo hối ngôn)
+ Phương thuốc 5:
Trị rét lạnh thời hành: Sanh khương 4 lượng, Bạch truật 2 lượng, Thảo quả nhân 1 lượng. Nước 5 chén to, sắc đến 2 chén, lúc chưa phát uống sớm.
(Bản thảo hối ngôn)
+ Phương thuốc 6:
Trị đầu hói: Sanh khương giã nát, làm nóng, đắp lên đầu, độ 2, 3 lần.
(Quý Châu Trung y nghiệm phương)
+ Phương thuốc 7:
Trị trăm lọai trùng vào tai: Nước gừng chút ít nhỏ vậy.
(Dị giản phương)
+ Phương thuốc 8:Gừng tươi 30g, Bào phụ tử 6g, Bổ cốt chi 12g, đắp rốn, điều trị 25 ca trẻ con đái dầm, đều thu hiệu quả tốt.
(Tạp chí Trung y Triết Giang, 1984,(2):Phong Tam)
+ Phương thuốc 9:
Lát Gừng tươi dáng ngòai huyệt Nội quan, có thể phòng ngừa say xe.
(Y học đại chúng, 1980,(9):7)
+ Phương thuốc 10:Lấy Gừng tươi ép nước dùng ngòai, điều trị vết thương bỏng lửa nước, bất luận mụt nước đã vỡ, chưa vỡ đều có hiệu quả.
(Tân Trung y, 1984,(2):22)
+ Phương thuốc 11:Gừng tươi mới bỏ vỏ, cắt thành miếng mỏng 1 ~ 2 mm, đắp ngòai trực tiếp vào chổ kết cứng (xơ cứng), mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 ~ 2 giờ đồng hồ, phối hợp điều trị vật lý, điều trị 30 ca kết cứng sau khi tiêm vào mông, thu được hiệu quả điều trị khá tốt.
(Phép điều trị dân gian Trung Quốc, 2001, 9(2):63)
Theo “Dược phẩm vựng yếu”
Khí vị:
Vị cay, khí ôn, rất nhiệt, không độc, bẫm thụ khí dương, tính phù mà đưa lên, Tân tiêu làm sứ, ghét Hoàng cầm, Hoàng liên, khử độc của Bán hạ, Lương khương, Hậu phác.
Chủ dụng:
Tính xông bốc mà không thu liễm, tán phong hàn thấp tê, đờm tắc, mũi tịt, đầu nhức, ngoại cảm khí kết ở khoảng bì phu, thông suốt thần minh, trừ ác khí, hoắc loạn, trướng đầy, và hết thảy mọi chứng trúng độc, sốt rét, điều hòa vinh vệ, vận hành tân dịch của Tỳ vào Phế kinh. Phàm mọi bệnh của Tỳ và Vị đều trọng dụng nó, là thuốc thánh để chữa nôn mửa, sau khi sinh dùng nó thì phá được huyết ứ. Người ta chỉ biết nó là thuốc của Vị mà không biết nó thông Tâm Phế, khí của Tâm thông được thì khí toàn thân đều chính mà tà khí không có chỗ ở. Sinh Khương để cả vỏ thì chạy ra ngoài biểu mà trừ nhiệt, bỏ vỏ đi thì nhiệt vẫn giữ lại ở trong.
Hợp dụng:
Cho vào thuốc phát tán thì dùng sinh Khương, cho vào thuốc tân lương thì dùng Khương bì, vào thuốc ôn trung, làm ấm Trung tiêu thì dùng bào Khương, cho vào thuốc bổ huyết, chỉ huyết và thuốc dẫn hỏa đi xuống thì dùng hắc Khương, cho vào thuốc Tỳ Vị để chỉ tả thì dùng ổi khương.
Cấm ky: Phàm chứng âm hư hỏa thịnh, khí huyết của Tâm hao tán, đau bụng thuộc hỏa nhiệt thì nhất thiết cấm dùng. Hơn nữa ăn nhiều thì tổn thương Tâm trí, yếu gân, giảm thọ, nếu đêm nào cũng ăn thì khí sẽ bế lại.
Nhận xét:
Sinh Khương cay, ấm mà bảo nó trừ được nhiệt dữ là sao?. Vì nguồn gốc của nhiệt dữ không phải do cảm phong tà ở ngoài thì do bị thương vì ăn uống ở trong, mà sinh Khương đã phát tán được, tiêu đạo cũng được. Lý Đông Viên nói: sinh Khương là thuốc thánh để chữa chứng nôn mửa, tính nhuần mà không táo, vì nôn mửa là do khí nghịch không tan cho nên dùng vị cay để làm cho tan ra. Ban đêm không nên ăn Gừng vì đêm chủ về thu liễm, trái lại ăn Gừng sinh phát tán là trái với lẽ thường. Mùa Thu không nên ăn Gừng cùng một lẽ ấy, tuy nhiên có bệnh thì không kể. Vị cay thì vào Phế, Phế vượng thì nguyên khí của Trung tiêu đầy đủ thì tà khí không thể nào ở được. Phàm hết thảy các bệnh thốt nhiên trúng phong, trúng thử, trúng khí, trúng độc, đờm quyết, thực quyết, lạnh quyết, hoắc loạn, hôn vâng, dùng nó thì cứu được ngay. Sáng sớm ra đi ngậm Gừng thì không phạm đến khí sương móc, và tà khí bất chính của sơn lam. Thật là thuốc quý báu trong các vị thuốc vậy.
PHỤ:
A-Ổi Khương (Gừng lùi) chuyên trị các chứng tiết tả, thủy tả, có khả năng làm ấm Trung tiêu.
B-Can Khương (Gừng già đồ chín, phơi khô), phá huyết, tiêu đờm, trị đau bụng nôn mửa, làm ấm Trung tiêu, đưa khí xuống, trừ trưng hà, tích tụ, khai Vị, tiêu thức ăn ngừng trệ. Để sống thì phát hãn nhanh chóng, sao đen thì chỉ huyết rất mau.
Cách chế:
Vào thời kỳ cuối Đông đầu Xuân, lấy Gừng già đem ngâm nước chảy 7 ngày, vớt lên rửa sạch, đồ chín, phơi khô dùng.
GIỚI THIỆU THAM KHẢO
“Phổ tế phương”
Bài Sinh khương ẩm
Nước sinh khương, nước Sinh địa cùng uống ấm. Trị bệnh hậu sản, ác huyết ứ lên Tim, hôn mê như trông thấy ma, quỷ.
“Thương hàn luận”
Bài Sinh khương tả tâm thang
Sinh Khương 16g, Hoàng cầm 12g, Nhân sâm 12g, Bán hạ 5g, Can khương 4g, Hoàng liên 4g, Cam thảo 12g, Đại táo 2 quả. Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.
Chữa thương hàn sau khi ra được mồ hôi, trong Vị không hòa, dưới Tâm bĩ rắn, ợ khan, dưới sườn có thủy khí, sôi bụng, ỉa chảy.
“Tố vấn bệnh cơ khí nghi bảo mệnh tập”
Bài Vạn thọ địa chi hoàn
Sinh Khương sấy 4 lạng, Thiên môn đông 4 lạng, Chỉ xác sao, Cúc hoa, mỗi vị 2 lạng.
Cùng tán mạt, thêm Mật làm hoàn bằng hạt ngô, uống với nước chè hoặc Rượu 100 viên.
Chữa bệnh mắt cận thị không trông xa được.
“Thương hàn luận”
– Bài Lý trung hoàn (còn gọi Nhãn sâm thang)
Can Khương, Nhân sâm, Bạch truật, chích Thảo, lượng bằng nhau. Cùng tán nhỏ, thêm Mật hoàn, mỗi lần uống 8-16g, ngày uống 3 lần.
Có tác dụng ôn trung, khử hàn, bổ ích Tỳ Vị.
Trị Tỳ Vị hư hàn, có những triệu chứng bụng đau, tiêu lỏng, nôn mửa hoặc bụng đầy, lười nhơt, rêu trắng, mạch trầm tế hoăc trì hoãn.
“Kim quỹ yếu lược”
Bài Can khương linh truật thang
Can khương 8g, Bạch linh 8g, Bach truật 4g, Cam thảo 2g. Sắc, chia uống 2 lần trong ngày.
Trị Thận hư, nặng nề toàn thân, lạnh vùng lưng như ngồi trong nước, nhưng không khát, ăn uống bình thường, tiểu tiện tự lợi hoặc tiểu tiện không thông.