Quế chi

Vị thuốc Đông y
Quế chi
Quế chi

Quế chi ( 桂枝 )

Tên và nguồn gốc

+ Tên thuốc: Quế chi.

+ Tên khác: Liễu quế (柳桂)

+ Tên Trung văn: 桂枝 GUIZHI

+ Tên Anh Văn: CassiaTwig

+ Tên La tinh: 1.Cinnamomum cassia Presl[Laurus cinnamomum Andr.;L.cassia C.G.et Th.Nees]2.Cinnamomum cassia Presl var.macrophyllum Chu

+ Nguồn gốc: Là cành non của Nhục quế thực vật họ Chương (Lauraceae).

– Thu hoạch –

Giữa tháng 7~ 8 cắt lấy cành non, cắt thành đọan nhỏ dài độ 15 hoặc 30 ~ 100mm, phơi khô.

Bào chế

– Quế chi: Dùng nước ngâm qua, vớt ra, đậy kín cho ngấm ướt, cắt lát, hong khô, sàng bỏ vảy vụn.

– Quế chi mộc: Lấy Quế chi bỏ vỏ, ngâm qua, ngấm ướt, cắt lát, hong khô.

– Quế chi tiêm: Lấy cành ngọn nhỏ của Quế chi, ngâm qua, đậy kín cho ngấm ướt, cắt lát, hong khô.

– Quế chi sao: Lấy Quế chi phiến bỏ vào trong nồi, dùng lửa nhò sao đến sắc vàng hơi có vết cháy xém là độ.

Tính vị

– Trung dược học: Cay, ngọt, ấm.

– Y học khải nguyên: Khí nhiệt, vị cay ngọt.

– Bản thảo phùng nguyên: Cay, ngọt, hơi ấm, không độc.

Qui kinh

– Trung dược học: Vào kinh Tâm, Phế, Bàng quang.

– Thang dịch bản thảo: Vào kinh Túc thái dương.

– Lôi Công bào chế dược tính giải: Vào kinh Phế.

– Dược phẩm hóa nghĩa: Vào 3 kinh Can, Thận, Bàng quang.

– Bản thảo cầu chân: Vào cơ biểu, kiêm vào Tâm, Can.

Công dụng và chủ trị

Phát hãn giải cơ, ôn kinh thông mạch. Trị phong hàn biểu chứng, vai lưng khớp chân tay đau nhức, hung tý đàm ẩm, kinh bế trưng hà.

– Thành vô kỷ: Trị bôn đồn, hòa cơ biểu, tán hạ tiêu súc huyết. Lợi Phế khí.

– Y học khải nguyên: “Chủ trị bí quyết”: Trừ thương phong đau đầu, khai tấu lý, giải biểu, trừ phong thấp da.

– Bản thảo kinh sơ: Thực biểu trừ tà. Chủ lợi Can Phế khí, đau đầu, phong tý khớp xương co đau.

– Dược phẩm hóa nghĩa: Chuyên chạy lên phần trên vai cánh tay trên, có thể dẫn thuốc đến chổ đau, dùng trừ đàm ngưng huyết trệ ở khớp xương tay chân.

– Bản thảo bị yếu: Ôn kinh thông mạch, phát hãn giải cơ.

– Bản thảo tái tân: Ôn trung hành huyết, kiện Tỳ táo vị, tiêu thũng lợi thấp. Trị chứng tay chân phát lãnh làm tê, gân rút đau nhức, và ngọai cảm hàn lương v.v…

Kiêng kỵ

– Trung dược học: Bổn phẩm cay, ấm, trợ nhiệt, dễ tổn âm động huyết, phàm chứng ngọai cảm bệnh nhiệt, âm hư hỏa vượng, huyết nhiệt vọng hành v.v…đều nên kỵ dùng. Phụ nữ có thai và kinh nguyệt quá nhiều dùng thận trọng.

– Bản thảo tòng tân: Người âm hư, tất cả huyết chứng, không thể nhầm dùng.

– Đắc phối bản thảo: Âm hư huyết thiếu, vốn có huyết chứng, bên ngòai không có hàn tà, dương khí bên trong thịnh, 4 trường hợp đó đều cấm dùng.

Nghiên cứu hiện đại

  1. Thành phần hóa học: Bổn phẩm hàm chứa dầu bay hơi, thành phần chủ yếu của nó là cinnamyl aldehyde v.v…Ngòai ra còn hàm chứa phenols, organic acid, amylase, glycoside, coumarin và tannin v.v… (Trung dược học).
  2. Tác dụng dược lý:

Thuốc sắc nước Quế chi và aldehyde vỏ quế (cinnamyl aldehyde) có tác dụng hạ nhiệt độ, giải nhiệt. Thuốc sắc Quế chi và cồn etylic đối với cầu chùm sắc vàng kim, khuẩn cầu chùm sắc trắng, trực khuẩn thương hàn, chân khuẩn thường gây bệnh ngòai da, trực khuẩn lỵ, vi trùng Salmon viêm ruột, vi khuẩn phẩy (vibrio) hoắc lọan, vi rút cúm v.v…đều có tác dụng ức chế. Dầu vỏ Quế, aldehyde vỏ Quế (cinnamyl aldehyde) đồi với trực khuẩn lao có tác dụng ức chế, dầu vỏ Quế có tác dụng kiện vị, hõan giải co rút đường ruột bao tử và lợi niệu, cường tim v.v… Aldehyde vỏ Quế (cinnamyl aldehyde) có tác dụng giảm đau, trấn tĩnh, chống kinh quyết. Dầu bay hơi có tác dụng cầm ho trừ đờm (Trung dược học).

Bài thuốc cổ kim tham khảo

+ Phương thuốc 1: Quế chi thang.

– Công hiệu: Cay ấm giải biểu, điều hòa dinh vệ.

– Chủ trị: Cảm mạo phong hàn biểu hư chứng, chứng thấy phát sốt đau đầu, mồ hôi ra sợ gió, mũi chảy nước trong hoặc hắt hơi nôn khan, miệng không khát, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù hõan.

– Thành phần: Quế chi 3 chỉ, Bạch thược 3 chỉ, Chích cam thảo 1,5 chỉ; Sinh khương 3 chỉ, Táo 4 trái.

– Cách dùng: Sắc nước uống. Sau khi uống có thể uống nước sôi hoặc chút ít cháo lõang, mùa đông nên đắp chăn giữ ấm, để trợ sức thuốc, làm cho người bệnh ra chút ít mồ hôi, nhưng không được ra mồ hôi nhiều dầm dề.

– Lâm sàng vận dụng:

  1. Bổn phương được ứng dụng rộng rãi, không những dùng trị cảm mạo phong hàn biểu hư chứng, mà còn dùng trị tạp bệnh thông thường biểu hư tự ra mồ hôi, hoặc phụ nữ có thai lợm lòng, do khí huyết không hòa, Tỳ Vị hư nhược gây ra, cũng có thể dùng bổn phương điều trị.
  2. Phong thấp đau nhức khớp xương , có thể dùng bổn phương gia Uy linh tiên, Tục đọan, Thạch nam đằng v.v…
  3. Bổn phương gia Cát căn, tên là Quế chi gia Cát căn thang, dùng trị chứng Quế chi thang kiêm có lưng cổ cứng.
  4. Bổn phương gia Hậu phác, Bắc hạnh nhân, có thể dùng trị chứng Quế chi thang kiêm ho suyễn.

– Chú ý sử dụng:

  1. Chứng biểu thực cảm mạo phong hàn, phát nhiệt sợ lạnh, không mồ hôi, mạch phù khẩn kỵ dùng.
  2. Người không sợ lạnh, chỉ phát sốt, có mồ hôi mà phiền khát, rêu lưỡi vàng khô, mạch họat sác cấm dùng.

(Trung y phương dược học)

+ Phương thuốc 2:

Dùng Quế chi, Hạnh nhân đều 15g; Bạch thược 30g; Sinh khương, Đại táo, Hậu phác đều 12g; Chích Cam thảo 10g làm phương cơ bản, gia giảm theo chứng, điều trị bệnh Tâm Phế hiệu quả rõ rệt.

(Tạp chí Trung y dược thực dụng, 2000, 5: 17)

+ Phương thuốc 3:

Điều trị huyết áp thấp nguyên phát, dùng Quế chi 20g, Chích cam thảo 10g làm phương cơ bản, khí hư gia Hùynh kỳ, huyết hư gia Đương qui, Âm hư gia Ngũ vị tử, Mạch đông,

(Tạp chí Trung y dược thực dụng, 2001, 6: 20)

+ Phương thuốc 4:

Dùng Quế chi, Hạnh nhân, Xuyên khung, Bạch thược đều 9g, Chích cam thảo, Chích hậu phác đều 6g, Táo 12 trái làm phương cơ bản, gia giảm theo chứng, điều trị trẻ con viêm phế quản có hiệu quả.

(Trung y Tứ xuyên 1998, 9: 42)

+ Phương thuốc 5:

Dùng Sài hồ 15g, Quế chi 10g, Can khương 8g, Hòang cầm 6g, Thiên hoa phấn 12g, Sinh mẫu lệ 15g, Chích cam thảo 6g làm phương cơ bản, điều trị viêm gan B mạn tính có hiệu quả (Học báo đại học y khoa Hà Bắc, 1999, 5: 310).

+ Phương thuốc 6:

Dùng Quế chi Phục linh hòan (Quế chi 10g, Phục linh 30g, Xích thược 15g, Đào nhân 15g, Đơn bì 15g) làm phương cơ bản, gia giảm theo chứng điều trị Xơ gan, hiệu quả tốt.

(Tạp chí Tỳ Vị Trung Tây y kết hợp Trung Quốc, 1998, 3: 190)

+ Phương thuốc 7:

Điều trị bệnh cột sống cổ, dùng Quế chi 12g, Bạch thược 15g, Cam thảo 10g, Sinh khương 10g, Đại táo 15g, Cát căn 20g làm phương cơ bản, gia giảm theo thể rễ thần kinh, thể giao cảm, động mạch cột sống, thể tủy sống, cùng phối hợp để dẫn.

(Trung y dược Phước kiến 2001, 1: 13).

+ Phương thuốc 8: Bổ Cốt Đương Tân thang

-Công năng chủ trị: Công năng ôn kinh thông lạc, ôn thận khu hàn. Chủ trị u xương sụn

-Thành phần phương thuốc:

Bổ cốt chỉ 15g, Đổ trọng 15g, Hạch đào nhân 25g, Uy linh tiên 50g, Tần giao 15g, Tế tân 5g, Xuyên ô 5g, Quế chi 10g, Đương qui 15g, Mộc hương 8g. Sắc uống.

-Biện chứng gia giảm: không

-Hiệu quả lâm sàng: Phương này trị 1 ca u xương sụn, bệnh khỏi, công tác khôi phục 8 năm.

-Nguồn gốc phương thuốc: Cốc Minh Tam.

-Ghi chú: Phương này do Thiệu Hữu Lâm chỉnh lý phát biểu. Trung y cho rằng thận khí khuy tổn, hàn ngưng huyết ứ tụ bên trong xương, là nguyên nhân sản sinh ra u xương. Trong phương dùng Bổ cốt chi, Đổ trọng, Hạch đào nhân ôn bổ Can Thận, cường tráng gân xương trị gốc của nó; Xuyên ô, Quế chi, Tế tân vào xương trục phong, ôn kinh tán hàn trị ngọn của nó; Đương qui dưỡng huyết khu phong, hoà doanh giảm đau; Mộc hương lý khí có công hiệu giúp hoạt huyết thông lạc. Tên phương này do người biên soạn đặt. (Từ Chấn Diệp).

+ Phương thuốc 8: Quế linh hoàn

-Thành phần: Quế chi, Phục linh, Đào nhân, Đơn bì, Xích thược, Miết giáp, Quyển bá, Ngãi diệp, Thanh bì, Xuyên đoạn, Hoàng kỳ đều 10g; Sinh mẫu lệ 30g, Hoàng bá 6g.

-Cách dùng: Tất cả nghiền thành bột, chế mật làm hoàn, mỗi hoàn nặng 10g, mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 hoàn, liên tục uống 1 liệu trình, mỗi liệu trình là 1,5 ~3 tháng.Lúc kinh nguyệt tới thì ngừng uống thuốc. Sau mỗi 1 liệu trình tiến hành kiểm tra, nếu bình thường thì có thể ngừng thuốc, chưa bình thường thì tiếp tục uống liệu trình điều trị thứ 2.

– Chứng thích ứng: U cơ tử cung.

– Hiệu quả điều trị: Điều trị 60 ca, quan sát 1 ~3 liệu trình, chữa khỏi 43 ca, hiệu quả rõ 11 ca, hữu hiệu 4 ca, vô hiệu 2 ca.

+ Phương thuốc 9:

– Thành phần: Đảng sâm 20g, Hoàng kỳ 30g; Xuyên khung, Câu kỉ tử, Chế Hà Thủ ô, Mẫu đơn bì mỗi vị 15g; Đan sâm 25g, Sao Bạch truật, Phục linh, Dâm dương hoắc, Quế chi mỗi vị 10g; Toàn đương qui 20g, Chich cam thảo 8g.

– Cách dùng: Đem thuốc trên sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang, phân 1 ~2 lần uống, 20 ngày là 1 liệu trình.

– Hiệu quả điều trị: Dùng phương này điều trị 85 ca bệnh tim mạch vành, sau khi dùng thuốc 1 ~2 liệu trình, hiệu quả rõ 53 ca, hữu hiệu 32 ca.

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận