Trang chủCây thuốc NamCau cảnh vàng-Cau chuột Bà na-Cau chuột Ba vì-Cau chuột Nam Bộ-Cau...

Cau cảnh vàng-Cau chuột Bà na-Cau chuột Ba vì-Cau chuột Nam Bộ-Cau Lào-Cau rừng-Cau chuột núi

Cau cảnh vàng

Gốc ở Madagascar, các đảo Maurice và Reunion, được trồng làm cảnh. Tính vị, tác dụng: Cuống lá ngọn có vị đắng, tính mát, có tác dụng thu liễm chỉ huyết.

Cau cảnh vàng – Chrysalidocarpus lutescens Wendl, thuộc họ Cau – Arecaceae.

Mô tả: Cây mọc thành bụi. Thân cột ngắn. Lá cong hình cung, chia thuỳ, có đến 50 cặp thuỳ lông chim rộng khoảng 2-3 cm, gần như đối nhau, màu lục dịu, có gân giữa khoẻ; cuống lá mảnh và có bẹ, dài cỡ 60cm, màu vàng lục ở gốc và có những rạch nâu ở về phía nửa dưới. Quả màu tím sẫm. Hoa tháng 10-2.

Bộ phận dùng: Lá – Folium Chrysalidocarpi, chủ yếu là cuống lá ngọn (Diệp liêu).

Nơi sống và thu hái: Gốc ở Madagascar, các đảo Maurice và Reunion, được trồng làm cảnh. Tính vị, tác dụng: Cuống lá ngọn có vị đắng, tính mát, có tác dụng thu liễm chỉ huyết.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Người ta dùng lá nấu nước trị ghẻ (Viện Dược liệu). Ở Trung Quốc (Vân Nam), người ta dùng làm thuốc cầm máu.

Cau chuột Bà na

Cau chột Bà na – Pinanga banaensis Mag., thuộc họ Cau – Arecaceae.

Mô tả: Thân cột đơn, cao 2-6m, dày 2,5-3,5cm có vòng. Lá dài 0,80-1,3cm, cuống lá phình, ôm thân ở gốc, đoạn lá men theo cuống lá, nhọn, dài 40cm, rộng 2-2,5cm. Cụm hoa dài 10-13cm, có 6 nhánh nhỏ so le. Quả hình trụ, hơi thót lại ở đỉnh, dài 14mm. rộng 5mm, dạng đấu.

Bộ phận dùng: Lõi thân, quả – Medulla et Fructus Pinangae.

Nơi sống và thu hái: Loài đặc hữu trong rừng rậm trên núi ở miền Trung Việt Nam (Huế, Ba Na, Đà Lạt).

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lõi thân có bột dùng ăn được. Quả dùng ăn trầu.

Cau chuột Ba vì

Cau chuột Ba Vì, Cau chuột rừng, Cau dại – Pinanga baviensis O’. Becc, thuộc họ Cau – Arecaceae.

Mô tả: Cây mọc thành bụi thưa, cao 1-3m (-6m). Thân có nhiều vết sẹo của cuống lá đã rụng. Lá mọc tập trung ở ngọn. Hai lá chét ở đầu thường dính nhau như đuôi chim én. Cụm hoa buông thõng, hoa vàng nhạt. Quả thuôn đều, khi chín màu vàng. Mùa hoa quả tháng 8-11.

Bộ phận dùng: Hạt, vỏ quả – Semen et Pericarpium Pinangae.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc rải rác trong rừng thứ sinh ở chân núi đá vôi hay trong thung lũng ẩm, nơi đất sâu có nhiều cây gỗ lớn, mọc xen lẫn với các loài cây bụi, dương xỉ chịu bóng khác; gặp nhiều nhất là ở Thanh Hoá, Nghệ An. Người ta thường thu hái quả già, lột lấy vỏ, phơi khô.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Hạt cũng dùng trị giun sán. Vỏ quả lợi tiểu, dùng chữa lỵ và bệnh thần kinh. Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc.

Cau chuột Nam Bộ

Cau chuột Nam Bộ – Pinanga cochinchinensis Blume, thuộc họ Cau – Arecaceae.

Mô tả: Thân cột cao 4-5m, dày 3cm hay hơn. Lá dài, có nhiều đoạn hẹp, dài 50cm, rộng 1cm, phần lớn nhọn dài, các lá trên rộng hơn, tận cùng bởi những răng tròn. Cụm hoa dài 25-35cm, phân nhánh nhiều với 5-8 nhánh khá to. Quả dạng đấu, thuôn, hình trứng, dài 11-13cm, rộng 5mm ở 1/3 trên.

Bộ phận dùng: Quả – Fructus Pinangae Cochinchinensis.

Nơi sống và thu hái: Loài đặc hữu của Nam Việt Nam và Campuchia. Chỉ gặp trong rừng thường xanh ở vùng thấp ở Bảo chánh và Phú Quốc.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả được dùng để ăn với trầu và làm mồi câu cá.

Cau Lào

Cau Lào, Cau núi – Areca laosensis Becc., thuộc họ Cau – Arecaceae.

Mô tả: Cây thân cột cao 2-6m, to 2-3cm, lông dài 8-10cm. Lá có phiến dài 1m; lá chét không đều, mép hơi có răng, dài 20-40cm, rộng 3-5cm; cuống 10cm. Cụm hoa dẹt dài 20cm; hoa đực nhỏ, nhiều; hoa cái to hơn. Quả thuôn dạng trụ-thoi, có đấu 11mm, dài 3,5cm, dày 1cm, cụt và có mũi nhọn ở chóp, khi chín màu đỏ.

Bộ phận dùng: Hạt – Semen Arecae; thường gọi là Sơn binh lang.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang trong rừng thường xanh các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, cho tới Khánh Hoà, Lâm Đồng. .. Còn phân bố ở Lào.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả có thể dùng ăn với trầu. Hạt dùng làm thuốc, được xem như là tốt hơn hạt Cau nhà.

Cau rừng

Cau rừng – Areca triandra Roxb., thuộc họ Cau – Arecaceae.

Mô tả: Thân cột cao 2-8m, dày 3-5cm, có vòng, mọc đơn độc hoặc có tược. Lá dài 1-2m, có các đoạn dài 45-90cm. Quả dạng đấu, hình thoi rộng, thon hẹp ở gốc nhiều hơn ở ngọn, dài 35mm, dày 15mm ở trên đoạn giữa, màu hồng rồi đỏ, có khía nhỏ. Hoa, quả tháng 3-8.

Bộ phận dùng: Quả – Fructus Arecae Triandrae.

Nơi sống và thu hái: Loài của Ấn Độ, Mianma, Nam Lào, Campuchia và Nam Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc phổ biến ở trong rừng thường xanh từ Kontum, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, tới Kiên Giang. Cũng thường được trồng làm cảnh.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả cũng được dùng để ăn trầu.

Cau chuột núi

Cau chuột núi – Pinanga duperreana Pierre ex Becc, thuộc họ Cau – Arecaceae.

Mô tả: Thân mọc thành túm, cao 2-6m, dày 15-20mm. Lá dài tới 1m, có 26-28 đoạn nhọn, hình dải – ngọn giáo, dài 50cm, rộng 3cm, có mũi nhọn dài. Cụm hoa dài tới 20-30cm, có 5-8 nhánh hẹp, hoa đực họp dày đặc. Quả dạng đấu, hình trứng – thoi, thon hẹp từ 1/3 trên, tù, dài 15-17mm, rộng 7mm ở phía trên của gốc.

Bộ phận dùng: Lõi thân, quả – Medulla et Fructus Pinangae.

Nơi sống và thu hái: Loài đặc hữu của Trung Bộ Việt Nam, Lào và Campuchia. Ở nước ta, chỉ gặp ở Quảng Trị, Khánh Hoà và Lâm Đồng (Đơn Dương).

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Campuchia, phần ruột của thân được dùng ăn. Quả dùng ăn trầu.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây