Trang chủCây thuốc NamBìm bìm cảnh-Bìm bìm chân cọp-Bìm bìm dại

Bìm bìm cảnh-Bìm bìm chân cọp-Bìm bìm dại

Bìm bìm cảnh

Loài cổ nhiệt đới, mọc hoang và cũng được trồng làm hàng rào vì có hoa đẹp. Thu hái toàn cây quanh năm. Rửa sạch, cắt ngắn từng đoạn, dùng tươi hay phơi khô cất dành.

Bìm bìm cảnh – Ipomoea cairica (L.) Sweet, thuộc họ Khoai lang – Convolvuaceae.

Mô tả: Cây thảo lâu năm, có rễ củ, thân nhỏ, mọc leo dài 3-6m. Lá do 5 lá chét, khụng lụng, xẻ sâu đến tận cuống lá. Cụm hoa ít hoa; hoa to, màu tim tím; lá đài gần như nhau; tràng vặn; nhị đính trên ống tràng. Quả nang to 1cm, chứa 4 hạt cao 5-6mm.

Cây ra hoa từ tháng 5 tới tháng 12.

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Ipomoeae.

Nơi sống và thu hái: Loài cổ nhiệt đới, mọc hoang và cũng được trồng làm hàng rào vì có hoa đẹp. Thu hái toàn cây quanh năm. Rửa sạch, cắt ngắn từng đoạn, dùng tươi hay phơi khô cất dành.

Thành phần hoá học: Hạt chứa một hợp chất glucosid màu vàng nhạt là muricatin A có tính xổ, dầu béo 11,5%, một chất không xà phòng hoá chứa -sitosterol.

Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, tính hàn, hơi có độc, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu. Rễ củ và thân có vị đắng. Rễ và lá đều có tính sinh xanh tím.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Dân gian thường dùng lá đâm rịt trị bệnh đầu voi. Ở Hawai, người ta dùng rễ củ và thân để ăn. Ở Ấn Độ, người ta dùng lá giã ra xoa đắp trên cơ thể người bị ban; hạt được dùng làm thuốc xổ. Ở Trung Quốc, người ta dùng trị: 1. Ho do bệnh về phổi; 2. Giảm niệu, đái ra máu; 3. Phù thũng. Dùng liều 5-12g dạng thuốc sắc. Không dùng cho người bị yếu ốm. Dùng ngoài trị đinh nhọt, viêm mủ da, đòn ngã tổn thương, giã cây tươi đắp vào chỗ đau.

Bìm bìm chân cọp

Loài phân bố ở Ấn Độ, Inđônêxia, Thái Lan, Philippin, Việt Nam… Mọc khá phổ biến ở nước ta, dọc theo đường đi, đất hoang ráo vùng đồng bằng. Thường dùng tươi.

Bìm bìm chân cọp hay Cây chân chó – Ipomoea pes-tigridis L., thuộc họ Khoai lang – Convolvulaceae.

Mô tả: Cây thảo hàng năm, cứng quấn, mọc bò hay leo, dầy lông cứng. Lá hình chân vịt, dài 3- 5cm, rộng 5-6cm, có 7-9 thuỳ hình ngọn giáo, nhọn sắc ở đỉnh, thon lại và rất hẹp ở phía gốc, dài 25- 40mm, rộng ở khoảng giữa 15-25mm, với những lông trắng nằm ở cả hai mặt; cuống là dài 2-5cm, có lông cứng. Hoa hồng hay trắng, khoảng 10 cái, xếp thành đầu gần hình cầu có cuống dài ở nách lá, có lá bắc tạo thành bao chung, có lông mềm màu trắng. Quả nang xám, hình cầu đường kính 8mm, bao bởi đài hoa cùng lớn lên với quả, có 4 van. Hạt 4, màu hung nâu, có 3 góc và lún phún lông tơ.

Bộ phận dùng: Rễ, hạt và lá – Radix, Semen et Folium Ipomoeae.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Inđônêxia, Thái Lan, Philippin, Việt Nam… Mọc khá phổ biến ở nước ta, dọc theo đường đi, đất hoang ráo vùng đồng bằng. Thường dùng tươi.

Thành phần hoá học: Có nhựa.

Tính vị, tác dụng: Rễ xổ, trừ độc chó cắn.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Rễ thường dùng trị ho ra máu và hạt dùng trị thủy thũng. Rễ và lá cũng được dùng trị đinh nhọt và cụm nhọt. Cây dùng làm thức ăn gia súc.

Bìm bìm dại

Vị ngọt hơi cay, tính bình, có tác dụng lợi thuỷ tiêu thũng, cường cân hoạt lạc. Rễ có tính tẩy; nhựa cũng tẩy tương tự như jalap nhưng kém hoạt động hơn.

Bìm bìm dại, Bìm nấp, Dây chìa vôi – Operculina turpethum (L.) S.Manso, Thuộc họ Khoai lang -Convolvulaceae.

Mô tả: Cây thảo mọc bò và leo, khoẻ, có cành hình trụ có góc nhiều hay ít, có 4 cánh thấp. Lá xoan hay thuôn, thường hình tam giác, hình tim hay cụt ở gốc, nhọn hoặc tù, dài 5-12cm, rộng 2,5-7,5cm; cuống dài 1-7cm. Hoa lớn, màu trắng hay vàng nhạt, ở nách lá, có cuống 1-7cm. Quả nang đường kính 15-16mm, có 4 góc, mở ở đỉnh theo một lằn ngang thành một nắp tròn, bao bởi đài hoa cao 3cm. Hạt 3-4, hình lăng kính đen đen, đường kính 6-7mm.

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Operculinae. Cây có củ như bình vôi nên cũng gọi là Bình vôi. Thường có khi gọi nó là Chìa vôi, là Bạch phấn đằng. Ở Trung Quốc người ta gọi nó là Hạp quả đằng dựa theo cấu tạo đặc biệt của quả.

Nơi sống và thu hái: Thông thường ở vườn, các loại cỏ, lùm bụi vàng đồng bằng, trung du khắp nước ta, gặp nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Ở bán đảo Ấn Độ và Malaixia, người ta cũng trồng. Còn phân bố ở Trung Quốc, Philippin.

Thành phần hoá học: Trong cây có 6-10% một chất nhựa tan trong ete, 2% một glucosid là turpethin, tinh bột, một chất béo, một dầu bay hơi, một chất màu vàng. Rễ củ có turpethin, jalapin, turpethein, acid jalapic, ipomoea tampicolic và valerianic.

Tính vị, tác dụng: Vị ngọt hơi cay, tính bình, có tác dụng lợi thuỷ tiêu thũng, cường cân hoạt lạc. Rễ có tính tẩy; nhựa cũng tẩy tương tự như jalap nhưng kém hoạt động hơn.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Rễ thường dùng trị đau khớp, thống phong và tê thấp. Ở Trung Quốc, người ta dùng toàn cây chữa thuỳ thũng, đại tiện bí kết, sau khi gẫy xương để tăng sức. Ở Ấn Độ thường dùng rễ trị bò cạp và rắn cắn. Cũng dùng để xổ; người ta dùng liều 4-12g dạng thuốc sắc hoặc 1- 4g dạng thuốc bột. Ở Philippin rễ tán thành bột dưới dạng cồn thuốc dùng làm thuốc tẩy mạnh; turpethin thay thế cho Khiên ngưu rất tốt. Thân cây dùng trị đau bụng, cần cho phụ nữ mới sinh. Người ta dùng thân cây hơ vào lửa, áp vào bụng phụ nữ mới sinh nở để điều trị các cơn đau bụng và giúp sự co rút các cơ trở lại bình thường.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây