Trang chủBệnh thận - tiết niệuBệnh Ung thư bàng quang

Bệnh Ung thư bàng quang

Các yếu tố thuận lợi: nam giới sau 50 tuổi. Nghiện hút thuốc lá, lạm dụng thuốc giảm đau, có dẫn xuất anilin trong nước tiểu, sán máng (Schistosoma haematobium) ở bàng quang, điều trị bằng cyclophosphamid.

Giải phẫu bệnh

Phần lớn các khối u bàng quang nằm ở vùng tam giác, u nhú đơn độc hay có nhiều là loại u dễ chuyển sang dạng ác tính ở phần đáy. Có tất cả các dạng trung gian giữa u nhú lành, ung thư biệt hoá và không biệt hoá rất ác tính.

ít gặp ung thư biểu mô tuyến, ung thư dạng biểu mô, u sarcom. Ung thư bàng quang có thể xâm lấn sang tuyến tiền liệt, âm đạo, trực tràng, gây các lỗ dò giữa bàng quang và các cơ quan này, di căn sang hệ bạch huyết quanh bàng quang, các hạch chậu, thắt lưng và bẹn. Hiếm gặp di căn theo đường máu tới gan, xương, phổi, não.

Triệu chứng

Đái ra máu đại thể vào cuối bãi, không đau hay đái ra máu vi thể. Khó tiểu tiện, đái dắt, tiểu tiện nhiều về đêm. Nhiễm khuẩn đường niệu tái phát.

Đến giai đoạn muộn: tình trạng toàn thân suy giảm, thăm dò trực tràng thấy có thâm nhiễm ở vùng chậu.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Soi tế bào trong nước tiểu, soi bàng quang và phát hiện kháng nguyên BTA trong nước tiểu giúp cho chẩn đoán.

Chẩn đoán bằng hình ảnh

Chụp bàng quang theo phương pháp chụp đường niệu qua tĩnh mạch hay chụp ngược dòng cho thấy có hình khuyết. Chụp cắt lớp cho biết kích thước khối u. Cần phải soi bàng quang đê đánh giá đại thể và vi thể (lấy sinh thiết); đây là yếu tố quyết định việc chẩn đoán và điều trị.

Tiên lượng

Tỷ lệ sống thêm 5 năm với u nhú lành tính là gần 100%, là 30-80% nếu có xâm nhiễm rất ít ở các lớp cơ nông; là 10-30% nếu có xâm nhiễm sâu vào lớp cơ hay vượt quá lớp cơ.

Chẩn đoán

Có đái ra máu đại thể hoặc vi thể, xác định khối u ác tính qua soi bàng quang và xét nghiệm tế bào học.

Chẩn đoán phân biệt: lao bàng quang, sán máng, viêm kẽ bàng quang có loét của Hunner. Khối u lan rộng hay quá trình viêm lân cận bên trong bàng quang (ung thư tuyến tiền liệt, trực tràng, đại tràng và bệnh Crohn).

Điều trị

Tuỳ theo giai đoạn phát triển của khối u, cắt bỏ bằng nội soi qua niệu đạo hay cắt bỏ một phần bàng quang (nhất là khi đã có xâm nhiễm vào lỗ niệu quản), cắt bỏ toàn phần bàng quang khi ung thư đã xâm lấn lớp cơ bàng quang hay ung thư có tế bào rất ác tính.

Niệu quản được đưa ra da bụng (phẫu thuật Bricker) hay vào trong trực tràng. Cũng có thể tạo bàng quang có áp suất thấp bằng ruột non (bàng quang của Studer). Có thể dùng hoá trị liệu kết hợp với xạ trị thay cho phẫu thuật nhưng kết quả còn khác nhau tuỳ theo từng tác giả.

GHI CHÚ VỀ CÁC KHỐI U KHÁC CỦA BÀNG QUANG: sarcom cơ (ác tính, có khi to, gặp ở người trẻ), u cơ trơn là u lành bàng quang hay gặp nhất, u vàng (xanthom), u mỡ, u mạch là các u lành, hiếm gặp.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây