Trang chủBệnh thận - tiết niệuBệnh thận do bị ngộ độc

Bệnh thận do bị ngộ độc

Các chất độc với thận thường gặp

Kháng sinh

  • Nhóm aminosid: amikacin, gentamicin, kanamycin, neomycin, sisomicin, streptomycin, tobramycin.
  • Các thuốc khác: cephalosporin (cefaloridin), vancomycin, tetracyclin, amphotericin B, rifampicin, bacitracin, colistin, sulfamid + trimethoprim.
  • Phản ứng dị ứng -> xem viêm thận kẽ cấp không nhiễm khuẩn.

Thuốc giảm dau. Tất cả các thuốc chống viêm không phải steroid, salicylat, phenacetin, paracetamol. Chi tiết -> xem bệnh thận do thuốc giảm đau.

Thuốc chống ung thư Cisplatin, ciclosporin, methotrexat (liều cao), mù tạt, daunorubicin, doxorubicin, streptozocin, vincristin. Hiếm có tai biến.

Chất cản quang có iod. Tất cả các chất, nhất là khi dùng theo đường động mạch. Các yếu tố thuận lợi: tuổi > 60, suy thận từ trước.

Thuốc gây mê. Methoxyíluran.

Kim loại nặng. Thuỷ ngân, chì, asen, cađimi, bismuth, liti, beryl, uranium, đồng, thallium, selen.

Chất hoá học. Tetraclorua carbon, tetracloroetylen, glycol, DDT.

Tác nhân vật lý. Bức xạ ion hoá, điện giật, say nóng.

Bệnh thận do thuốc giảm đau

Định nghĩa: viêm thận kẽ mạn tính do lạm dụng thuốc giảm đau.

Căn nguyên: dùng quá nhiều phenacetin hay dẫn xuất là paracetamol, dùng một mình hay kết hợp với aspirin. Triệu chứng tổn thương thận đầu tiên xuất hiện sau khi dùng 5 -10 viên mỗi ngày trong hơn 3 năm (tổng lượng dùng là 2-3 kg). Bệnh thận do thuốc giảm đau tương đối hay gặp ở ôxtralia.

Giải phẫu bệnh: tổn thương các động mạch ở các tháp, hoại tử gai, thâm nhiễm ở mô kẽ lan dần về phía vỏ. Tổn thương thứ phát ở các ống thận.

Triệu chứng: bệnh hay gặp ở phụ nữ trung niên hơn là ở nam giới, ở người có tâm lý không ổn định, hoang tưởng mắc bệnh hay rối loạn tâm lý. Tình trạng nghiện thường bị che dấu. Bệnh nhân thường viện lý do là hay bị nhức đầu hoặc đau vùng thắt lưng. Các triệu chứng kín đáo và không điển hình: mệt mỏi, nhức đầu, huyết áp cao, đa niệu (không có khả năng cô đặc nước tiểu và giữ muối), có các đợt bị nhiễm khuẩn niệu, đôi khi bị hoại tử gai thận và có đái ra máu. Hay gặp xuất huyết đường tiêu hoá (loét dạ dày-tá tràng, viêm sói mòn dạ dày).

Xét nghiệm cận lâm sàng

– Nước tiểu: protein niệu vừa phải, hồng cầu niệu, bạch cầu niệu, cấy nước tiểu dương tính trong một nửa số trường hợp.

– Máu: nitơ máu cao, đôi khi bị nhiễm acid chuyển hoá và giảm natri huyết. Thường thiếu máu có hồng cầu bình thường, ít khi thiếu máu hồng cầu nhỏ và thiếu sắt.

X quang: chụp đường niệu qua đường tĩnh mạch thấy thận nhỏ, đài thận bị biến dạng và đôi khi thấy dấu hiệu hoại tử gai thận.

Chẩn đoán: dựa vào tiền sử (khó), lạm dụng thuốc giảm đau, có suy thận và thiếu máu.

Tiên lượng: ngừng dùng thuốc giảm đau làm bệnh tiến triển chậm hoặc làm bệnh ổn định. Thường hay bị tái phát và tiến triển tới suy thận mất bù trừ. Tại một vài nước, 10% số người chạy thận nhân tạo là vì bệnh thận do thuốc giảm đau. Hoại tử gai thận cấp có thể rất nặng, kèm theo cơn đau quặn thận, đái ra máu đại thể và gây ra những đợt vô niệu (do mô hoại tử làm tắc). Hay gặp ung thư đường tiết niệu, nhất là ung thư bể thận ở các bệnh nhân này.

Điều trị: điều trị triệu chứng (xem bài suy thận mạn tính).

Bệnh thận do các thuốc chống viêm không phải steroid

Căn nguyên: độc tính lên thận của các thuốc chống viêm không phải steroid (xem bài này) là do tác dụng ức chế sự tổng hợp prostaglandin của các thuốc này. Các prostaglandin được tổng hợp và chuyển hoá ở thận và có vai trò quan trọng trong việc điều hoà lưu lượng máu thận, lên lọc ở cầu thận, lên sự giải phóng renin và lên sự trao đổi ion ở ống thận. Khoảng 10% số bệnh nhân ngoại trú có dùng thuốc chống viêm không phải steroid bị rối loạn ở thận. Các yếu tố nguy cơ là tuổi (nguy cơ cao ở người trên 65 tuổi), tổn thương thận có từ trước và tình trạng có renin cao như bị suy tim và xơ gan.

Triệu chứng

GIỮ NƯỚC VÀ MUỐI: do tác dụng gây đào thải natri của prostaglandin bị ức chế, thể hiện bằng phù (rõ trong 10- 25% số trường hợp). Phenylbutazon và indometacin là các chất hay gây phù nhất. Đã thấy bệnh huyết áp cao nặng lên sau khi dùng indometacin.

KALI HUYẾT CAO: gặp trong trường hợp có bệnh thận từ trước.

SUY THẬN CẤP: chỉ xuất hiện trong trường hợp thể tích tuần hoàn thấp do mất máu, mất muối. Xơ gan, suy tim hay hội chứng thận hư có trước. Đã gặp thiểu niệu – vô niệu sau khi dùng Phenylbutazon.

HỘI CHỨNG THẬN HƯ: có hoặc không có viêm thận kẽ. Gặp sau khi dùng Indometacin, fenoprofen v.v…

SUY THẬN MẠN TÍNH: là hậu quả của viêm thận kẽ hay hoại tử gai thận sau khi dùng thuốc chống viêm không phải steroid.

 

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây