Sâu răng gần như là một bệnh mắc phải do điều kiện môi trường, vì vậy các yếu tố tại chỗ là nguyên nhân cơ bản và chủ yếu của bệnh sâu răng còn nguyên nhân tổng quát chỉ là những yếu tố nguy cơ.
Nguyên nhân sâu răng
-
Nguyên nhân tại chỗ
Cần tối thiểu 4 yếu tố chính đồng thời tương tác với nhau để tạo nên sang thương sâu. Đó là: răng nhạy cảm, vi khuẩn (mảng bám), chất đường và thời gian (Keyes, 1969).
-
Tính nhạy cảm của răng
Điều hiển nhiên là phải có sự hiện diện của răng trong môi trường miệng, sau đó một số yếu tố làm tăng tính nhạy cảm của răng đối với sự khởi phát sâu răng ở mỗi cá thể như:
-
Vị trí của răng trên cung hàm
+ Răng mọc lệch lạc, xoay dễ bị sâu hơn răng mọc thẳng hàng.
+ Nhóm răng hàm bị sâu nhiều hơn nhóm răng cửa.
-
Đặc điểm hình thái học
+ Mặt nhai bị sâu nhiều nhất vì có nhiều rãnh lõm.
+ Mặt bên cũng dễ bị sâu vì men răng ở vùng cổ mỏng, giắt thức ăn.
+ Mặt trong, ngoài ít bị sâu hơn vì trơn láng.
-
Thành phần cấu tạo của răng
Răng bị khiếm khuyết trong cấu tạo như thiểu sản men, ngà rất dễ bị sâu.
-
Mòn răng
Răng bị mòn phần men cũng dễ bị sâu hơn (mòn răng có thể do chải răng sai phương pháp, móc răng giả, nghiến răng, ăn nhai lâu ngày…).
-
Tuổi răng
Răng mới mọc kém cứng, dễ bị tác dụng của acid, với thời gian men răng được tái khoáng hoá làm chúng đề kháng hơn với acid.
-
Vi khuẩn
Đây là nguyên nhân cần thiết để khởi đầu cho bệnh sâu răng, tuy không có loại vi khuẩn đặc biệt gây sâu răng, nhưng không phải tất cả vi khuẩn trong miệng đều gây ra sâu răng. Vi khuẩn bao gồm lượng mảng bám, các chất biến dưỡng và độc tố của nó.
Tùy theo vai trò gây sâu răng, các vi khuẩn được chia làm hai nhóm:
-
Vi khuẩn tạo acid
Các loại vi khuẩn này lên men carbohydrate tạo ra acid, làm pH giảm xuống < 5, sự giảm pH liên tục có thể đưa đến sự khử khoáng trên bề mặt răng, làm mất vôi ở các mô cứng của răng, quá trình sâu răng bắt đầu xảy ra, nhóm này gồm:
+ Lactobacillus acidophillus: hiện diện với số lượng ít, nhưng lại tạo ra acid có pH thấp rất nhanh trong môi trường.
+ Streptococcus mutans: đây là tác nhân chủ yếu gây ra sự thành lập mảng bám, dính trên bề mặt răng và nếu có sự hiện diện cùng lúc hai yếu tố chất đường, thời gian thì sẽ có đủ điều kiện thuận lợi để khởi phát sang thương sâu; sau đó L. acidophillus làm sang thương tiến triển xuống bên dưới bề mặt.
+ Actinomyces: cũng có thể gây sâu răng.
-
Vi khuẩn giải protein
Làm tiêu hủy chất căn bản hữu cơ sau khi mất vôi.
-
Thực phẩm
Là những thức ăn cần thiết mà cơ thể hấp thu vào để sống và hoạt động. Tuy nhiên, thực phẩm cũng là một yếu tố liên quan đến bệnh sâu răng, vì đó cũng là chất dinh dưỡng của vi khuẩn. Tùy theo loại thực phẩm, tính chất của thực phẩm và chế độ sử dụng nó, mà có thể sâu răng hoặc không.
-
Carbohydrat
Các chất bột, đường là loại thực phẩm gây sâu răng nhiều nhất. Trong đó đường là loại thực phẩm chủ yếu gây sâu răng và làm gia tăng sâu răng, đặc biệt là loại đường sucrose, đây là chất ưa thích của vi khuẩn gây sâu răng, nó chuyển hoá thành acid và chính sự sinh acid này làm mất khoáng men. Điều quan trọng là khả năng gây sâu răng không phải do số lượng đường, mà do số lần sử dụng và thời gian đường bám dính trên răng. Đường trong trái cây, rau (xilitol, sorbitol) ít gây sâu răng hơn đường trong bánh kẹo. Tinh bột không phải là nguyên nhân đáng kể, vì trong nước bọt có enzyme amylase biến tinh bột thành đường rất chậm.
-
Protid
Các loại Protid nguyên thủy ít gây sâu răng, ngược lại những loại protid được chế biến làm tăng sâu răng do tính chất bám dính của nó.
-
Lipid
Các chất béo không gây sâu răng.
Những thực phẩm có tính chất xơ ít gây sâu răng, trong lúc những thực phẩm mềm dẻo, dính vào răng thì dễ gây sâu răng hơn.
Chế độ ăn đầy đủ, đúng bữa, không ăn vặt sẽ giảm được sâu răng.
-
Thời gian
Vi khuẩn gây sâu răng sau khi nhiễm vào môi trường miệng, tự nó sẽ không gây sâu răng được mà cần phải có chất đường giúp cho sự chuyển hoá của vi khuẩn, tuy nhiên sâu răng không phụ thuộc vào số lượng, số lần sử dụng đường mà phụ thuộc vào thời gian đường và mảng bám vi khuẩn tồn tại trên bề mặt răng, thời gian tồn tại càng lâu thì vi khuẩn chuyển hoá đường thành acid càng nhiều và acid tấn công gần như thường xuyên trên bề mặt răng làm mất khoáng men.
Tuy nhiên, quá trình mất khoáng có thể phục hồi hoặc giảm mức độ nhờ các thành phần khác nhau trong nước bọt, tốc độ tiết.
-
Nước bọt
Là môi trường hoạt động của các vi khuẩn trong miệng, nước bọt tiết càng nhiều càng giảm sâu răng (trung bình một ngày nước bọt tiết ra 1.500cc, khi ngủ lượng nước bọt tiết ra giảm đồng thời việc chải rửa vi khuẩn và chất carbohydrat ở mức tối thiểu, vì vậy sâu răng tăng trong giờ nghỉ).
Ngoài ra tính chất nước bọt lỏng hay quánh cũng ảnh hưởng đến bệnh sâu răng, nước bọt càng quánh thì sâu răng càng cao.
Nước bọt giữ vai trò:
- Trung hòa acid: trên bề mặt men răng luôn luôn xảy ra hai hiện tượng trái ngược nhau: sự tạo acid bởi vi khuẩn và sự trung hòa acid bởi nước bọt.
- Sát khuẩn: ngăn cản sự phát triển của vi sinh vật nhờ các chất lysozyme, lactoperosidase, lactofferrin chứa trong nước bọt.
- Chải rửa: làm sạch răng thường xuyên, với sự phối hợp cử động của môi, má và lưỡi v…, làm chậm quá trình hình thành mảng bám.
- Tái khoáng hóa: nhờ thành phần calci, phosphate trong nước bọt có thể tích tụ ở men trong giai
đoạn sớm của sang thương sâu răng, khả năng này sẽ tăng lên nếu có sự hiện diện của fluor.
-
Nguyên nhân tổng quát
Đây là những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sâu răng
-
Nòi giống (chủng tộc, dân tộc)
Theo quan niệm ngày xưa cho rằng có một vài chủng tộc có sức đề kháng tốt với sâu răng, nhưng ngày nay quan niệm đó không còn giá trị mà sâu răng tuỳ thuộc nhiều vào môi trường sống và vùng địa lý hơn là chủng tộc. Một số người thuộc chủng tộc ít sâu răng trở nên nhạy cảm với sâu răng khi di trú đến nơi có nền kinh tế phát triển, thói quen dinh dưỡng và nền văn hoá khác nơi họ sống trước đó. Thí dụ dân sống ở Bắc cực ít bị sâu răng hơn dân sống ở ôn đới, nhiệt đới (châu Âu, châu Á) vì để chống lạnh họ thường dùng thức ăn loại lipid hơn, nhưng khi di trú đến châu Âu, tình trạng sâu răng của họ cũng thay đổi theo nơi đó.
-
Di truyền
Hiện nay vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, người ta nhận thấy trẻ em ít bị sâu răng thường cha mẹ có răng tốt hoặc ngược lại và người ta cho rằng sâu răng có ảnh hưởng rất rõ với môi trường gia đình, do thói quen của trẻ được hình thành rất sớm và ảnh hưởng chủ yếu từ gia đình. Đặc biệt trong vấn đề giáo dục, dinh dưỡng và chăm sóc con của người mẹ.
-
Phái tính
Thông thường nam ít sâu răng hơn nữ, có thể do nữ ăn vặt nhiều hơn, mặt khác nữ còn chức năng thai nghén, cho con bú, rối loạn nội tiết…và nữ mọc răng sớm hơn nam.
-
Tuổi
Người ta nhận thấy bệnh sâu răng không phát triển đều đặn trong suốt đời, thường lứa tuổi từ 4-8 bị sâu nhiều, ở giai đoạn này những răng sữa bị phá hủy rất nhanh và nhiều. Từ 11 – 19 tuối, các răng vĩnh viễn bắt đầu bị sâu nhiều.
Video minh họa tiến triển của sâu răng
-
Nghề nghiệp
Tuy chưa được chứng minh rõ ràng chỉ nhận thấy công nhân làm việc ở các nhà máy
đường, xí nghiệp bánh kẹo dễ bị sâu răng.
-
Yếu tố nội tiết
Khi tuyến yên, tuyến cận giáp hoạt động kém sẽ ảnh hưởng đến sự thành lập men, ngà gây nên tình trạng răng bị thiểu sản men, men ngà bất toàn hoặc rối loạn nội tiết ở tuổi dậy thì, thai nghén…
-
Bệnh toàn thân
Những bệnh thời gian kéo dài như sởi, thương hàn… dẫn đến vệ sinh răng miệng kém đưa đến sâu răng, hoặc ở bệnh nhân bị chứng khô miệng (xerostomia), xạ trị tuyến nước bọt, tiểu đường…, tỉ lệ sâu răng tăng.
-
Kinh tế – văn hoá – xã hội
Ảnh hưởng gián tiếp qua đời sống, sinh hoạt và nhận thức của con người, văn hoá càng cao thì nhận thức của con người được nâng cao về mọi mặt. Kinh tế phát triển mọi nhu cầu cũng gia tăng, đặc biệt là gia tăng mức tiêu thụ đường sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ bệnh sâu răng. Xã hội càng phát triển, các dịch vụ chăm sóc y tế, các chương trình phòng bệnh được quan tâm nhiều hơn…
Cách phòng ngừa bệnh sâu răng
Để phòng tránh bệnh sâu răng trước hết phải vệ sinh răng miệng sau khi ăn, trước khi đi ngủ. Hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều đường hoặc chải răng đúng cách ngay sau khi ăn Trẻ em trong thời kỳ mọc răng, thay răng càng phải đặc biệt quan tâm đến hàm răng, như cho trẻ ăn đủ chất tạo răng, đánh răng và dạy trẻ biết đánh răng cho mình. Dùng kem đánh răng có chứa flourine, có thể dùng thêm nước súc miệng diệt khuẩn sau bữa ăn. Những phụ nữ mang thai cần bổ sung calcium để trẻ sinh ra không bị thiếu chất tạo răng. Mọi người cũng cần khám răng định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện những biến đổi của răng, có các biện pháp điều trị phù hợp.