Tắc nghẽn không hoàn toàn
Chèn ép từ bên ngoài: bướu cổ, u cạnh khí quản, viêm trung thất.
Tắc nghẽn do bệnh ở bên trong đường hô hấp trên:
+ Tắc nghẽn cấp tính: ở trẻ em: viêm sụn thanh thiệt, áp xe khoang sau họng (sau hầu), viêm thanh quản giả bạch hầu, áp xe quanh amiđan, phù thanh quản (bị ong vò vẽ đốt).
+ Tắc nghẽn mạn tính: ung thư thanh quản, nhuyễn thanh quản, hẹp khí quản, liệt dây thanh âm cả hai bên. Thông thường không chẩn đoán được nguyên nhân tắc nghẽn không hoàn toàn đường hô hấp trên, và thường cho là bệnh nhân bị hen hoặc viêm phế quản mạn tính. Có thể nghe thấy tiếng rít ở thì thở vào (tiếng rít âm sắc cao nghe thấy trong thì thở vào) và hiện tượng co kéo (các khoang gian sườn bị kéo lõm sâu xuống trong thì thở vào). Đôi khi thấy dấu hiệu giảm oxy- huyết và tăng khí carbonic- huyết, đường biểu diễn tỷ lệ lưu lượng/thể tích bị thay đổi không bình thường. Điều trị triệu chứng.
Tắc nghẽn hoàn toàn
Do hít phải dị vật, nhất là những thức ăn không nhai (mảnh bánh mì, miếng thịt). Mặc dù bệnh nhân đã gắng sức, nhưng không khí hoàn toàn không qua được thanh quản và lồng ngực không chuyển động. Có thể điều trị tai biến cấp cứu này bằng thủ thuật Heimlich (xem thủ thuật này) và/hoặc đập vào vùng gian xương bả vai của bệnh nhân (vùng lưng nằm giữa bờ trong của hai xương bả vai), trong tư thế để bệnh nhân nằm sấp và đầu dốc. Sau đó phải cố gắng lấy dị vật ra khỏi họng bệnh nhân. Tránh không làm hô hấp miệng-miệng (thổi vào miệng bệnh nhân) để khỏi làm tăng áp lực đẩy dị vật tiến sâu thêm và mắc kẹt vào trong phế quản.