Trang chủBệnh da liễuUng thư tế bào gai (Carcinome tế bào gai)

Ung thư tế bào gai (Carcinome tế bào gai)

Tên thường gọi: Carcinome tế bào gai, Carcinome spinocellulaire, Squamous cell carci­noma.

Ngày nay thuật ngữ Epitheliome không còn dùng nữa mà được thay bằng Carcinome để chỉ các u ác tính có nguồn gốc biểu mô.

NGUYÊN NHÂN

Các nguyên nhân bao gồm: tia cực tím, các tia ion hóa, các bệnh da di truyền, nhiễm HPV, các tác nhân hóa học (arsenic, hydrocarbure, vòng thơm), suy giảm miễn dịch, các bệnh da bị loét hoặc bị sẹo lâu năm mạn tính.

Carcinome tế bào gai xảy ra ở da và cả ở niêm mạc. Đa số xuất hiện ở vùng phơi bày ra ánh sáng, đặc biệt là trên thương tổn dày sừng do ánh sáng (kératose sénile), và vị trí thường gặp là ở sẹo vết phỏng và vết loét lâu năm. Tỷ lệ di căn của carcinome tế bào gai là 2-3%. Nếu Carcinome tế bào gai trên nền thương tổn dày sừng do ánh sáng thì tỷ lệ di căn sẽ thâp hơn so với Carcinome xuất hiện trên nền loét, sẹo mạn tính. Vị trí di căn cao là qui đầu, âm hộ, niêm mạc miệng và môi.

LÂM SÀNG

Carcinome tế bào gai thường được hình thành trên thương tổn da dày sừng do ánh sáng hay bệnh Bowen. Có khi Carcinome tế bào gai xảy ra đột ngột trên vùng da gần như bình thường. Các dâu hiệu sau đây là nghi ngờ cho sự biến dạng của thương tổn dày sừng: thương tổn phát triển nhanh, mảng phồng lên, bề mặt nhô lên, sự thâm nhiễm sâu tạo thành một mảng cứng, loét dễ chảy máu, dấu hiệu viêm rất rõ.

Trong bệnh viêm da do tia xạ, loét có thể bắt nguồn từ dinh dưỡng nhưng cũng có thể là đấu hiệu của sự thoái hóa ác tính. Khi xuất hiện các nốt hay vết loét trên bệnh Bowen cũng là bằng chứng cho sự chuyển dạng thành Carcinome xâm lấn.

Dạng điển hình nhất là loét sùi: u nhô lên, lớn, thâm nhiễm ăn vào trong mô bì với bề mặt không đều, chồi sùi và loét. Bờ dày cứng bị phá hủy và hình thành một vỏ chứa khối u và trong khối u có loét. Sự tăng sinh và loét nằm trên nền thâm nhiễm u. Trong vài ca u có dạng nốt hình bán cầu đều với loét trung tâm.

Dạng chồi sùi: Không có loét, là một sự tăng sinh u chủ yếu tạo thành 2 dạng: hoặc là nốt đỏ hay thâm nhiễm và có các vảy sừng nhỏ hơi bị đen rất dính với bề mặt hoặc là một khối thịt như condylome.

Dạng nông: Rất hiếm, có thể có loét hay không loét, có thể nhầm lẫn với Carcinome tế bào đáy hay bệnh Bowen.

CÁC DẠNG LÂM SÀNG KHÁC

Carcinome verruqueux

Loại này có độ ác tính thấp. Vị trí chủ yếu ở miệng, thanh quản, mũi, sinh dục và gan bàn chân.

Carcinome bìu

Loại này ngày nay rất hiếm gặp. u được hình thành dưới dạng sùi, sau đó lan rộng và loét. Vị trí thường gặp là phần trước dưới của bìu. Tiên lượng thường xấu với tỷ lệ sống 5 năm là 40-50% vì thường cho di căn hạch sớm.

Carcinome quanh móng

Vị trí này được chú ý nghiên cứu mới đây, cho thấy vai trò sinh ung của HPV rất quan trọng. Kết quả này gợi ý khả năng lây truyền qua đường tình dục của HPV-16 trong vùng quanh móng và đưa ra giả thiết vai trò của virus này trong sự tiến triển hướng đến carcinome.

Carcinome ở niêm mạc

Carcinome ở môi

Vị trí thường là môi dưới vì là chỗ bị chiếu nắng. Các yếu tố nguy cơ là người hút thuốc lá, tình trạng vệ sinh răng miệng kém và các cơn kịch phát của Herpes tái phát trên thương tổn viêm môi do tia sáng. Thương tổn đầu tiên là loét dần sau đó sùi và thâm nhiễm.

Carcinome sinh dục

Vai trò sinh ung của HPV đặc biệt là HPV-16 dường như là quan trọng trong vị trí âm hộ và cả trong dương vật và quanh hậu môn.

Carcinome âm hộ: Loại này ít thường gặp, thường ở phụ nữ 60-70 tuổi và đa số xảy ra trên thương tổn Lichen sléreux. Hình ảnh lâm sàng là nốt hay vết loét trên nền hồng sản hoặc bạch sản. Tỷ lệ sống là 5 năm ở 75% trường hợp trong tất cả các giai đoạn.

Carcinome dương vật: Có độ ác tính cao. Vị trí chọn lọc là qui đầu, rãnh qui đầu hay mặt trong bao qui đầu. Thường hiện diện ở người hẹp bao qui đầu, thiếu vệ sinh và viêm qui đầu kinh niên. Dạng lâm sàng thường dưới dạng mảng cứng hay loét sùi. Thông thường xuất hiện cùng lúc với viêm mạn tính như là Lichen sléreux, bạch sản hay Hồng sản Queyrat. Tỷ lệ tử vong cao, tỷ lệ sống 5 năm ở tất cả các giai đoạn nói chung là 70- 80%.

MÔ HỌC

Hình ảnh mô học là hình ảnh của sự tăng sinh không đồng đều và không theo thứ tự của các tế bào Malpighi kèm theo các mức độ biệt hóa khác nhau, u hình thành các thùy hay dãy với các lớp tế bào giới hạn không rõ, ít hay nhiều đồng tâm, đôi khi được sắp xếp bao quanh các khối keratin nhỏ thường gọi là cầu sừng, các tế bào nhiều phân bào và nhân dị dạng, u xâm lấn xuống bì sâu cũng như hạ bì ở trung tâm mô đệm viêm có khi xơ hóa.

TIÊN LƯỢNG

Phụ thuộc vào kích thước, độ sâu của u, sự biệt hóa về mô học, sự phát triển của u, căn nguyên, vị trí, cơ thể học, hướng thần kinh, sự tái phát sau khi điều trị và đối với người suy giảm miễn dịch.

vết u > 2cm có nguy cơ tái phát tại chỗ gấp 2 lần và di căn gấp 3 lần so với kích thước < 2cm.

Độ sâu của u nếu qua khỏi bì lưới thì có nguy cơ tái phát hay di căn. Có sự liên quan chặt chẽ giữa độ biệt hóa mô học thấp và nguy cơ tái phát tại chỗ hay di căn.

Các u tái phát thường tiên lượng rất xấu (25-45% di căn) vì kích thước càng lớn thì càng xâm lấn. Ớ người suy giảm miễn dịch thì Carcinome tế bào gai phát triển mạnh hơn và di căn cao hơn.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

1 BÌNH LUẬN

  1. Thưa bác sĩ! E đi khám ở bệnh viện ung bướu do e có cục u trên đầu. Kích thước u tầm > 4cm. Có hơi tấy đỏ, bác sĩ khám bảo là bọc bả da đầu lành tính và chỉ định tiểu phẫu và không có cho siêu âm hay sinh khiết khối u. Sau khi tiểu phẫu xong thì đem khối u đi xét nghiệm, hẹn 1 tuần sau đến cắt chỉ và lấy kết quả xét nghiệm u. Đến hẹn e lên bệnh viện thì được trả lời là chưa tìm ra bệnh và chờ hội chẩn. Hẹn em tuần sau lên nhận kết quả rồi cắt chỉ luôn. Tới ngày hẹn em lên bệnh viện thì được báo là e bị bệnh carcinom grad1. Chỉ định nhập viện làm các xét nghiệm và phẫu thuật lần 2 để cắt chân tế bào ung thư. E được bác sĩ tư vấn rằng sau phẫu thuật lần 2 sẽ biết rằng có cần điều trị xạ trị hay không. Vậy cho em hỏi bác sĩ ở bệnh viện ung bướu tphcm chỉ định e tiểu phẫu khi chưa xét nghiệm hoặc siêu âm là đúng hay sai. Và bệnh của e khả năng chữa trị dứt điểm được hay không ạ? Và bệnh đã ở mức độ như thế nào? Em xin cám ơn ạ!!!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây