GIỚI THIỆU
Sự ra đời của Đa Hóa Trị Liệu đã đem lại hiệu quả tuyệt vời trong lĩnh vực điều trị bệnh Phong. Tuy nhiên, việc loại trừ bệnh Phong để không còn là một vấn đề y tế công cộng vào năm 2000 sẽ không có ý nghĩa thực tế nếu như những tàn tật do bệnh Phong vân ngày càng gia tăng. Phòng chống tàn tật trong bệnh Phong luôn có thể thực hiện được và mang lại hiệu quả cao. Phòng chống tàn tật không đòi hỏi phải có những thiết bị hiện đại hay kỹ thuật cao, mà nó đòi hỏi một sự hợp tác chặt chẽ, thân thiện giữa bệnh nhân đã được cung cấp đầy đủ kiến thức và đội ngũ nhân viên y tế đã được huấn luyện tốt.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA TÀN TẬT
Tàn tật là mối quan tâm lớn trong bệnh Phong vì nó mang đến cho bệnh nhân Phong và gia đình của họ những tổn thất về cơ thể, tâm lý cũng như về kinh tế-xã hội.
Đối với bệnh nhân Phong, tàn tật ảnh hưởng tới cuộc sống của họ, ví dụ:
+ Không làm việc được.
+ Mất việc làm.
+ Kinh tế bị giảm sút hoặc không có thu nhập.
+ Không nuôi sống được bản thân và gia đình.
+ Không thể tự chăm sóc mà lại cần người khác giúp đỡ.
Đối với xã hội:
+ Tàn tật là nguyên nhân của mọi thành kiến với bệnh Phong.
+ Tàn tật là gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.
+ Tàn tật làm cho bệnh nhân bị khổ sở về tinh thần và thể xác.
Những vấn đề này có thể được giảm thiểu thông qua những biện pháp rất đơn giản có thể thực hiện được tại cộng đồng, đó là phòng ngừa tàn tật.
MỤC ĐÍCH CỦA PHÒNG NGỪA TÀN TẬT
Mục đích của phòng ngừa tàn tật là giúp cho bệnh nhân không bị thêm các tàn tật ngoài các khiếm khuyết và thiểu năng không hồi phục được do bệnh Phong gây ra. Hoạt động này giúp ngăn ngừa hoặc hạn chế những tàn tật trong bệnh nhân đang điều trị, đã điều trị nhưng có tàn tật rồi hay ngăn ngừa mất chức năng thần kinh thêm.
TÀN TẬT VÀ NGUYÊN NHÂN
Hầu hết tàn tật trong bệnh Phong là hậu quả trực tiếp do bản thân bệnh Phong gây ra (tàn tật tiên phát) hay gián tiếp của sự mất chức năng thần kinh ngoại biên ở mắt, tay và chân (tàn tật thứ phát). Yí dụ, thương tổn ở mắt có thể xảy ra do hậu quả trực tiếp của tiến trình bệnh. Mắt nhắm không kín và viêm trong mắt có thể dẫn đến mù. Mất chức năng thần kinh dẫn đến mất cảm giác, mất tiết mồ hôi và mất lực cơ để rồi đưa đến những vết nứt da, vết thương hay cứng khớp.
Tiến trình tàn tật
|
Qua bảng phân tích tiến trình tàn tật chúng ta thấy rằng, tàn tật trong bệnh Phong có thể phân làm hai loại: tàn tật nguyên phát và tàn tật thứ phát.
- Tàn tật tiên phát: Là các thương tổn gây ra do vi khuẩn hoặc do viêm thần kinh trong phản ứng Phong. Đó là mất cảm giác, mất tiết mồ hôi và mất lực cơ. Để ngăn ngừa những tàn tật tiên phát bệnh nhân phải được phát hiện bệnh sớm, điều trị bệnh kịp thời, cũng như họ phải biết phát hiện sớm những dấu hiệu của phản ứng Phong và được xử trí kịp thời và đúng.
- Tàn tật thứ phát: Là các thương tổn gây ra do sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức, thiếu quan tâm của bệnh nhân đối với những tàn tật tiên phát. Từ mất cảm giác, mất tiết mồ hôi họ dễ bị phỏng, bị cắt đứt, trầy sướt, nứt da… và nếu thiếu sự chăm sóc, các vết thương đó trở thành viêm xương và cuối cùng là đoạn chi. Tương tự, từ chỗ mất lực cơ, liệt vận động, bệnh nhân không biết cách tập luyện nên bị co rút gân và cuối cùng là cứng các khớp ở tay và chân. Đối với các tàn tật thứ phát, PCTT can thiệp thông qua công tác giáo dục sức khoẻ (GDSK). Bệnh nhân được hướng dẫn cách tự chăm sóc để những tàn tật tiên phát không trở thành thứ phát, và họ tự chăm sóc để các thương tổn như bỏng, nứt da, cò mềm… không trở thành tàn tật thật sự như cụt, cứng khớp…
PHÂN ĐỘ TÀN TẬT
Để có thể áp dụng một cách dễ dàng trên thực địa, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã đưa ra cách phân loại tàn tật đơn giản, dựa trên các tổn thương ở bàn tay, bàn chân và ở mắt.
Độ | Bàn tay, Bàn chân | Mắt |
0 | Không mất cảm giác, không có thương tích hoặc biến dạng nhìn thấy được. | Không có vấn đề ở mắt do bệnh Phong, Không giảm thị lực. |
1 | Mất cảm giác, nhưng không có thương tích hoặc biến dạng nhìn thấy được. | Có vấn đề ở mắt do bệnh Phong nhưng thị lực bình thường (thị lực 6/60 hay hơn), có thể đếm ngón tay ở cách 6m. |
2 | Có thương tích hoặc biến dạng nhìn thấy được. | Thị lực giảm nặng (dưới 6/60, không đếm được ngón tay ở cách 6m), mắt thỏ, viêm mống mắt-thể mi, đục giác mạc. |
PHÒNG NGỪA TÀN TẬT
Để có thể vạch ra chương trình GDSK – PCTT thích hợp cho từng bệnh nhân ta phải nắm được tình hình tổn thương, tàn tật của từng người. Bảng Thử Sức Cơ & Cảm Giác sẽ giúp chúng ta thực hiện được điều này.