Phản ứng huyết thanh Giang mai là một phương pháp cần thiết để:
Chẩn đoán bệnh.
Theo dõi sau điều trị.
Tầm soát trong cộng đồng.
Có 2 loại phản ứng huyết thanh Giang mai:
Các phản ứng reagin (dùng kháng nguyên không đặc hiệu).
Các phản ứng đặc hiệu.
CÁC PHẢN ỨNG DÙNG KHÁNG NGUYÊN KHÔNG ĐẶC HIỆU
Các phản ứng này dựa vào một chất có tính kháng thể ở trong huyết thanh của người bệnh gọi là REAGIN. Chất này có thể kết hợp với chất LIPOID lấy từ mô động vật thành những đám có thể nhìn thấy được gọi là hiện tượng “lên bông” (flocculation).
Phản ứng cố định bổ thể (Complement Fixation Test)
Phản ứng WASSERMANN thường gọi là phản ứng BW là phản ứng huyết thanh Giang mai đầu tiên được sử dụng. Kháng nguyên được sử dụng thường là tim bò trong có chứa chất cardiolipin. Cardiolipin thường kết hợp với lecithin và Cholesterol để làm kháng nguyên phát hiện reagin. Huyết thanh người có chứa bổ thể, chất này bị bất hoạt bằng cách đun nóng 56° trong 30 phút.
Trường hợp 1
Nếu huyết thanh bệnh nhân không có reagin, phản ứng 1 sẽ không xảy ra, bổ thể được tự do. Phản ứng 2 sẽ sử dụng bổ thể tự do này và làm tan hồng cầu cừu: PHẢN ỨNG TAN HUYÊT —» phản ứng huyết thanh âm tính.
Trường hợp 2
Huyết thanh bệnh nhân có reagin —> phản ứng 1 hoạt động —> bổ thể bị sử dụng —> hiện tượng tan huyết không xảy ra —> phản ứng huyết thanh Giang mai dương tính.
Trường hợp 3
Nếu reagin có ít, huyết thanh tan huyết một phần: Phản ứng nghi ngờ hay phản ứng yếu.
Phản ứng lên bông (Flocculation Test)
Phản ứng VDRL (Venereal Disease Research Laboratory)
Phản ứng này cũng dùng kháng nguyên cardiolipin trên phiến kính hay trong ống nghiệm, reagin trong huyết thanh, nếu có, sẽ có thể tụ tập các phân tử lipoid thành một đám có thể nhìn thấy được giúp ta có thể định tính và định lượng
Trong phản ứng này, kháng nguyên cardiolipin phối hợp với huyết thanh bất hoạt trong các vòng tròn trên phiến kính và được lắc tròn để tạo sự kết hợp kháng nguyên và kháng thể. Các phiến kính này được đọc dưới kính hiển vi để phát hiện các kết cụm kháng nguyên báo hiệu phản ứng dương tính.
Phản ứng RPR (Rapid Plasma Reagin)
Phản ứng sử dụng kháng nguyên VDRL trong choline với các phân tử carbon rất nhỏ để chỉ thị. Phản ứng được thực hiện trên các miếng bìa, kết quả dương tính khi có kết cụm các phân tử carbon thấy được bằng mắt thường.
CÁC PHẢN ỨNG HUYẾT THANH ĐẶC HIỆU CỦA BỆNH GIANG MAI
TPI (Treponema Pallidum Immobilization-Phản ứng bất động xoắn khuẩn Giang mai)
Kháng nguyên: Xoắn khuẩn lấy từ thương tổn thực nghiệm trên thỏ, để trong môi trường sống, còn hoạt động.
Kháng thể: Huyết thanh bệnh nhân.
Bổ thể: Từ huyết thanh của bọ.
+ Nếu xoắn khuẩn bất động ở mức độ 50% hay hơn: Dương tính.
+ Nếu 20% hay ít hơn: Âm tính.
+ Nếu giữa 20%-50%: kết quả nghi ngờ.
Kháng thể huỳnh quang của xoắn khuẩn Giang mai
Phản ứng FTA (Fluorescent Treponema Antibody – Phản ứng kháng thể huỳnh quang Giang mai)
Là phương pháp gián tiếp.
Kháng nguyên là xoắn khuẩn, chủng Nichol đã chết cố định trên tiêu bản. Nếu trong huyết thanh có kháng thể, xoắn khuẩn sẽ được bọc một lớp kháng thể globulin. Sau đó kháng thể này sẽ được phát hiện bằng kháng thể kháng globulin miễn dịch của người có phát huỳnh quang (chất Fluorescein Isothiocyanate).
Xem dưới kính hiển vi nền đen bằng tia tử ngoại, nếu có phát huỳnh quang thì là phản ứng dương tính. Nếu không có —> phản ứng âm tính.
Phản ứng FTA-Abs (Fluorescent Treponema Antibody-Absorption) (Phản ứng kháng thể huỳnh quang Giang mai có triệt hút)
Tương tự phản ứng FTA nhưng trong phản ứng này, các kháng thể không đặc hiệu đã bị loại bỏ chỉ còn kháng thể đặc hiệu tự do kết hợp với kháng nguyên là xoắn khuẩn Giang mai.
FTA-Abs dùng phát hiện các loại kháng thể globulin miễn dịch khác nhau. FTA-Abs có thể dùng để phát hiện IgM trong trẻ sơ sinh. Vì IgM không qua được nhau thai nên nếu IgM dương tính và nhất là dương tính với hiệu giá kháng thể cao, ta có thể kết luận đứa trẻ mắc bệnh Giang mai bẩm sinh. Sau khi điều trị, IgM thường biến mất trong khi IgG còn tồn tại lâu.
Phản ứng TPHA (Treponema Pallidum Hemagglutination – Phản ứng ngưng kết hồng cầu)
Phản ứng này dùng hồng cầu cừu đã mẫn cảm với xoắn khuẩn còn độc tính. Kết quả dương tính khi có sự kết cụm của các tế bào đã mẫn cảm. Phản ứng này dễ thực hiện, có độ đặc hiệu cao, có thể định lượng, còn độ nhạy cảm thì ở giữa TPI và FTA-Abs.
Ý NGHĨA CÁC LOẠI PHẢN ỨNG HUYẾT THANH GIANG MAI
Phản ứng dương tính giả trong khi thực hiện với reagin
Do kỹ thuật.
Do những sự thay đổi ở người bình thường. Trong trường hợp này phải làm thêm các phản ứng đặc hiệu.
Các bệnh liên quan đến xoắn khuẩn không phải Giang mai như ghẻ cóc…
Phản ứng dương tính giả sinh học:
+ Phản ứng cấp tính: Nhiễm khuẩn hay virút, viêm phổi, sốt rét.
+ Phản ứng mạn tính: Bệnh Phong thể L, Lupus đỏ lan tỏa, Thiếu máu tan huyết, Viêm tuyến giáp trạng.
Giai đoạn tiền huyết thanh của Giang mai 1: Các phản ứng với reagin đều âm tính
Kháng thể “tồn lưu”
Mặc dù đã được điều trị đầy đủ, các triệu chứng lâm sàng đã hết nhưng phản ứng huyết thanh vẫn còn dương tính nhẹ dai dẳng. Ta gọi đó là trường hợp “kháng thể tồn lưu” hay “sẹo huyết thanh”.
Trong Giang mai sớm, reagin thường xuất hiện trong máu sớm hơn kháng thể bất động, do đó các phản ứng không đặc hiệu thường dương tính trước phản ứng đặc hiệu.
Phản ứng FTA có thể dương tính trước phản ứng không đặc hiệu nên thường được dùng để chẩn đoán Giang mai 1 khi không tìm được xoắn khuẩn Giang mai.
Sau khi điều trị đúng cách, reagin sẽ mất đi từ 3 đến 6 tháng đôi với mọi trường hợp, thường Giang mai 1 nhanh hơn Giang mai 2. Riêng phản ứng TPI và FTA-Abs có thể tồn tại lâu hơn.
DIỄN TIẾN CỦA HAI PHẢN ỨNG VDRL VÀ TPHA
Trong chẩn đoán và điều trị bệnh Giang mai, Bác sĩ thường căn cứ vào 2 loại phản ứng phổ biến là VDRL và TPHA.
TPHA dương tính khoảng ngày thứ 8 sau khi xuất hiện săng Giang mai. TPHA tăng nhanh đến +++ và nêu không điều trị, TPHA vẫn luôn dương tính ở mức độ cao +++ cho đến suốt đời. Như vậy, TPHA sẽ +++ trong Giang mai 2, Giang mai huyết thanh và cả Giang mai 3. Sau khi được điều trị đúng cách, TPHA không tự trở về âm tính và dương tính sẽ kéo dài.
VDRL dương tính kể từ ngày thứ 8 sau khi xuất hiện săng. Hiệu giá kháng thể tăng nhanh trong giai đoạn Giang mai 2 và đạt đỉnh cao (1/256…). Sau đó, hiệu giá kháng thể dần dần hạ xuông trong nhiều năm sau, nhất là trong giai đoạn Giang mai huyết thanh. 10 tới 15 năm sau Giang mai 1 (và nếu không điều trị) bệnh sẽ diễn tiến sang Giang mai 3. Khi đó, VDRL sẽ dương tính yếu hoặc có khi nghi ngờ dương tính.
Có thể tóm tắt lại diễn tiến của huyết thanh Giang mai vào những giai đoạn khác nhau của bệnh như sau:
Ở giai đoạn Giang mai thời kỳ thứ nhất
TPHA và VDRL đều âm tính trong 8 ngày đầu kể từ khi xuất hiện săng. Sau thời điểm này, TPHA dương tính rất nhanh đến +++ trong khi VDRL từ từ tăng dần đến 64U (1/64), 128U (1/128) hay 256U (1/256) ở giai đoạn cuối của Giang mai 1.
Ở giai đoạn Giang mai thời kỳ thứ hai
TPHA luôn luôn dương tính đến +++ và VDRL cũng dương tính cực điểm: 256U (1/256), 512U (1/512).
Ở giai đoạn Giang mai huyết thanh
TPHA luôn luôn dương tính cao +++ VDRL cũng dương tính nhưng với hiệu giá kháng thể khá thấp, ví dụ 16U (1/16) hay 32U (1/32).
Ở giai đoạn Giang mai thời kỳ thứ ba
TPHA luôn luôn dương tính ở mức độ +++ nhưng VDRL thì dương tính rất yếu: IU (1/1) đến 4U (1/4) hay có khi nghi ngờ dương tính (dương tính yếu: WR).
GIẢI THÍCH NHANH HAI PHẢN ỨNG VDRL VÀ TPHA
Việc đầu tiên là phải dựa vào phản ứng TPHA.
TPHA âm tính
TPHA âm tính: Không có bệnh Giang mai.
TPHA âm tính + VDRL dương tính: Hội chứng kháng thể kháng phospholipids.
TPHA âm tính + VDRL âm tính: Không có bệnh Giang mai.
Nếu 2 xét nghiệm được thực hiện vào giai đoạn tiền huyết thanh (8 ngày kể từ khi có săng) thì cần phải dựa vào lâm sàng.
TPHA dương tính +++
TPHA dương tính +++: Có hay đã có mắc bệnh Giang mai.
TPHA +++ với VDRL dương tính mạnh: Giang mai đang thời kỳ hoạt tính mạnh.
TPHA +++ với VDRL dương tính yếu hay nghi ngờ: Săng Giang mai đã không được trị liệu đúng cách thời gian trước (thật xa) hoặc đã được điều trị từ lâu và VDRL giảm dần hiệu giá kháng thể.
Nếu ở ngày thứ 7 và thứ 8 kể từ lúc săng Giang mai xuất hiện, TPHA đã dương tính rõ trong khi VDRL hãy còn chưa rõ ràng, lúc đó phải dựa vào lâm sàng.
VAI TRÒ CỦA CÁC PHẢN ỨNG HUYẾT THANH GIANG MAI KHÁC
Thường trong đa số các trường hợp, chỉ cần xét nghiệm TPHA và VDRL (định tính và định lượng) là đủ giải quyết vấn đề chẩn đoán cũng như theo dõi diễn tiến bệnh Giang mai. Chỉ khi nào ở giai đoạn tiền huyết thanh, khoảng 8 ngày kể từ khi xuất hiện săng Giang mai, lúc đó VDRL và TPHA đều âm tính, thì xét nghiệm FTA-Abs mới có vai trò vì xét nghiệm này có thể phát hiện kháng thể ở một lượng rất thấp. FTA-Abs có thể dương tính ở ngày thứ 5 kể từ khi xuất hiện săng. Tuy nhiên, chỉ định xét nghiệm FTA-Abs rất hạn chế. Các phản ứng khác không đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi bệnh Giang mai.