Trong chuyên khoa Da, có nhiều loại thương tổn cần phải cắt đi hay phá hủy. Các phương pháp vật lý như dùng dòng điện, tia laser, liệu pháp lạnh… sẽ giúp thầy thuốc thực hiện điều đó. Ngoài ra, các phương pháp vật lý còn giúp điều trị một số bệnh như PUVA liệu pháp điều trị bệnh Vảy nến, tia cực tím điều trị bệnh Bạch biến…
PHẪU THUẬT ĐIỆN (Electro-surgery)
Phẫu thuật điện là phương pháp thường dùng của Bác sĩ chuyên khoa Da để phá hủy, cầm máu, cắt thương tổn đơn giản hoặc phức tạp. Hiệu quả nhiệt có được ở mô là do dòng điện, nên gây tê tại chỗ là cần thiết. Tùy theo cường độ, tần số, hiệu điện thế người ta có các phương pháp khác nhau dùng để phá hủy mô.
Phương pháp đốt điện (Electro-descication, Electro-fulguration)
Là phương pháp phổ biến nhất hiện nay. Dòng điện được truyền đi thông qua các đầu đốt mỏng bằng bạch kim (platinum). Mặc dù được sử dụng như cùng một ý nghĩa nhưng có sự khác nhau về kỹ thuật: với Electro-descication đầu đốt tiếp xúc với mô, còn Electro-fulguration đầu đốt cách mô l-2mm.
Nhiệt do máy đốt phát ra có thể kiểm soát được bằng cách điều chỉnh cường độ tia điện. Phòng đốt điện không được chứa ether hoặc các chất dễ nổ khác vì tia lửa điện của máy đốt có thể gây cháy hoặc phát nổ. Đốt bằng điện cầm máu rất tốt.
Người ta thường dùng phương pháp đốt bằng điện để phá hủy các thương tổn như Mụn cóc, u tuyến mồ hôi, Dày sừng tiết bã, Da thừa (Skin tags)… Ngoài ra đốt điện cũng được dùng để điều trị Ung thư tế bào đáy và Ung thư tế bào gai có kích thước nhỏ hơn 2cm. Trên thị trường hiện tại có nhiều loại máy đốt điện kích thước gọn, dễ sử dụng.
Triệt lông bằng điện (Electro-epilation)
Một trong những áp dụng đầu tiên của dòng điện trong phẫu thuật là dùng dòng điện trực tiếp (galvanic) để phá hủy nang lông. Khi dòng điện xuyên qua sợi lông sẽ có một phản ứng hóa học xảy ra, tạo ra chất kiềm tại thân sợi lông, chất kiềm sẽ hủy nang lông. Mặc dù kỹ thuật này an toàn, đau ít, ít tạo sẹo nhưng tốn nhiều thời gian để thực hiện.
PHẪU THUẬT BẰNG LASER
Laser là từ viết tắt của Light Amplification Stimulated Emission of Radiation, như vậy, Laser là thiết bị khuếch đại ánh sáng bằng bức xạ cưỡng bức.
Từ khi xuất hiện những thiết bị Laser đầu tiên, ứng dụng của nó trong y học đã trở thành một trong những ngành phát triển mạnh. Năm 1962, Goldman đã dùng Laser Ruby (Hồng ngọc) để điều trị một số bệnh da, tuy nhiên những thế hệ máy này có kích thước lớn, năng lượng phát ra thấp, ứng dụng bị hạn chế.
Dần dần, các thế hệ sau của Laser trên da ngày càng được cải tiến, chúng có tính chuyên biệt, năng lượng cao, ít chiếm chỗ và dễ sử dụng. Do đó, hiện nay việc trị liệu bằng Laser là phương pháp điều trị chọn lọc cho nhiều tình trạng bệnh lý ở da.
Laser có rât nhiều ứng dụng trong chuyên khoa da, tùy theo bước sóng của tia, Laser có thê được sử dụng để điều trị các bệnh lý sau:
- Phá hủy tổ chức nông, u lành da.
- Tái tạo thượng bì, tái tạo da.
- Điều trị các thương tổn sắc tố ở bì, và thượng bì.
- Điều trị các thương tổn mạch máu, u máu, dãn mạch.
- Xóa xăm màu đen, xanh dương, xanh lá, đỏ.
Tuy nhiên, cũng cần chú ý đến các tác dụng phụ của tia Laser. Những thế hệ máy Laser đầu tiên có năng lượng cao và liên tục (Laser C02, Laser Argon) thường gây hoại tử và để sẹo, còn các loại máy Laser mới, chọn lọc tần suất tác dụng phụ rất thấp.
Các tác dụng phụ thường gặp là:
- Thương tổn mắt: Thương tổn võng mạc, giác mạc.
- Thương tổn trên da: Phỏng da, sẹo da.
- Tiếng lộp độp ở mô (tissue splatter): Gặp ở Laser Q-switched. Tinh trạng này làm thoát những mảnh mô nhỏ chứa các tế bào còn sống hoặc virus gây nên những nguy hiểm sinh học.
- Khói Laser: Có thể gây viêm phế nang trên súc vật và những phân tử nhỏ của HPV thành hạt khí dung khi đốt bằng Laser C02 có thể gây nguy hiểm cho phẫu thuật viên. Do đó, cần phải hút khói và mang khẩu trang khi sử dụng Laser C02.
- Thay đổi sắc tố: Tăng sắc tố hoặc giảm sắc tố.
- Xuất huyết và chảy máu.
- Thay đổi tổ chức, sẹo phì đại và sẹo lồi.
- Nhiễm trùng.
- Viêm da tiếp xúc.
LIỆU PHÁP LẠNH (Cryotherapy)
Đây là liệu pháp đã có trên 60 năm, là phương pháp điều trị cổ điển trong chuyên khoa Da. Kỹ thuật dễ thực hiện, phản ứng lành da tương đối nhanh, chăm sóc vết thương đơn giản và biến chứng hiếm gặp. Liệu pháp lạnh được sử dụng rộng rãi, thường được áp dụng khi bệnh nhân sợ tiểu phẫu hay đốt điện.
Thật sự liệu pháp lạnh được thực hiện vào cuối thế kỷ 19 bởi Bác sĩ Chuyên khoa Da A. Campbell White. Ông sử dụng carbone dioxide hóa lỏng, tuy nhiên ứng dụng của nó không được mở rộng trong chuyên khoa Da cho đến khi một thiết bị mới được tạo ra bởi nhà phẫu thuật thần kinh Ivring Cooper vào năm 1962.
Mặc dù có nhiều chất làm lạnh như ethyl chloride, Carbone dioxide, nitrous oxide nhưng Nitơ lỏng với độ sôi là -195,6°c là chất được sử dụng rộng rãi nhất. Cơ chế làm chết tế bào do sự tạo tinh thể nhanh, sự tái lập lại tinh thể trong lúc tan đông, sự thiếu máu cục bộ do ngưng vận mạch. Tóm lại, quá trình đông lạnh nhanh kèm tan đông chậm làm tăng hiệu quả của liệu pháp.
Cũng cần biết rằng, các tế bào và mô khác nhau có mức nhạy cảm khác nhau với sự đông lạnh. Tế bào sắc tố nhạy cảm hơn tế bào sừng nên sẽ tốt khi dùng liệu pháp lạnh để điều trị Lentigo. Tế bào sợi ít nhạy cảm với liệu pháp lạnh nên sẽ không gặp sẹo khi tổn thương nông.
Điều quan trọng là hiểu được quan điểm tạo thành viên banh đá (ice-ball) ở mô trong quá trình làm liệu pháp lạnh, phải đạt đến một cỡ thích hợp trong cả kích thước theo chiều rộng và chiều dài của thương tổn thì mới đạt được hiệu quả điều trị. Có thể đánh giá được độ sâu của sự đông bằng kinh nghiệm của người kỹ thuật viên và dựa vào sự tạo thành đá ở bề mặt. Các chuyên gia khuyên tốt nhất là lặp lại điều trị hơn là lần đầu tiên làm tổn thương quá đông lại, sẽ làm tăng nguy cơ để sẹo và mất sắc tố.
Dung dịch Nitơ lỏng có thể áp trên da bằng nhiều cách. Cách đơn giản nhất là dùng que quân gòn. Kích thước que có thể thay đổi để thích hợp với thương tổn. Độ sâu của sự đông lạnh có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi áp lực áp lên thương tổn, độ sâu của viên banh đá sẽ tăng khi tăng áp lực, tiếp xúc lâu cũng làm tăng độ sâu của áp lạnh. Sau này, nhiều kiểu bình xịt Nitơ lỏng đã được làm ra, ta có thể làm thay đổi kích thước của dòng xịt bằng cách dùng các phễu có kích thước khác nhau.
Nhiều loại thương tổn lành hoặc ác tính có thể được điều trị hiệu quả bằng liệu pháp lạnh, có thê chỉ dùng liệu pháp lạnh hoặc phối hợp với cách điều trị khác, tuy nhiên khi điều trị các thương tổn ác tính cần theo dõi cẩn thận để đánh giá hiệu quả điều trị.
Tác dụng phụ của liệu pháp lạnh thường không nặng nhưng có thể làm một số bệnh nhân phiền muộn. Có thể gặp các tác dụng phụ như: đau, cảm giác rát bỏng, sưng phù, đôi khi tạo bóng nước có dịch máu, nhiễm khuẩn hiếm gặp nếu chăm sóc vết thương tốt.
Sẹo phì đại có thể gặp khi áp lạnh sâu. Khi tế bào sắc tố nhạy cảm hoàn toàn với áp lạnh, sự mất sắc tố tạm thời hoặc vĩnh viễn có thể xảy ra, nên bệnh nhân phải được thông báo về những may rủi của sự thay đổi sắc tố sau áp lạnh, đặc biệt tai biến này sẽ tăng ở bệnh nhân da đen. Tổn thương thần kinh là tai biến phụ xâu nhất, ở những vùng có nguy cơ cao (mặt bên của ngón tay) và thần kinh nằm nông (thần kinh Trụ ở khuỷu tay) sự cẩn thận cần đặt ra để tránh tai biến.
NẠO DA
Nạo da là kỹ thuật thường dùng trong chuyên khoa Da. Cây nạo có đầu hình tròn, giống dạng cái muỗng với kích thước từ 0,5-10mm cho phép lấy đi nhiều loại thương tổn. Do cây nạo không có hình dạng của lưỡi dao nên không cắt qua thượng bì, và không vào đến lớp bì, do đó tốt nhất là dùng cho những thương tổn mềm và nhỏ như Dày sừng tiết bã, Dày sừng ánh sáng, u mềm lây…
Chọn lựa cây nạo có kích thước thích hợp là điều quan trọng, cây nạo nhỏ có thể làm vỡ thương tổn, còn cây nạo lớn sẽ làm tổn thương mô lành.
Kỹ thuật sử dụng cây nạo đơn giản, dễ học. Có 2 kỹ thuật để cầm cây nạo phương pháp cây bút chì và phương pháp gọt khoai tây.
Khi nạo, do thương tổn nhỏ và nông nên không cần gây tê. Đôi khi thương tổn lớn có thể phối hợp nạo da và đốt điện.
TIA CỰC TÍM TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH DA
Parrish và cộng sự đã khởi xướng việc dùng tia cực tím bước sóng A (cồn gọi là PUVA liệu pháp – Psoralene Ultraviolet A) để điều trị bệnh vảy nến. Bệnh nhân được uống 8- Methoxypsoralene hai giờ sau cho chiếu tia cực tím bước sóng A, mỗi tuần chiếu 2-3 lần, có thể cần từ 20-25 lần điều trị. Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp này có thể làm tăng tần suất Ung thư da, làm tăng loạn sản hắc tố bào, gây tổn thương cho mắt.. Vì vậy khi dùng phải hết sức lưu ý liều lượng Psoralene uống và liều chiếu tia UVA.
PUVA liệu pháp còn được sử dụng điều trị bệnh Bạch biến. Bệnh nhân Bạch biến khu trú được bôi dung dịch 8-Methoxypsoralene nồng độ 0,05% đến 1% sau đó cho chiếu tia cực tím bước sóng A, sắc tố có thể tái lập lại. Đối với bệnh nhân bạch biến toàn thể có thể cho uống 8-Methoxypsoralene liều 0,5mg/kg, một giờ hoặc 1 giờ rưỡi sau cho tiếp xúc với tia cực tím bước sóng A liều l-25cm2. Mỗi tuần điều trị 2-3 lần, sắc tố sẽ tái lập sau 15-25 lần điều trị. Chống chỉ định điều trị với Psoralene khi bệnh nhân nhạy cảm ánh sáng, Porphyria, bệnh gan và Lupus đỏ hệ thống.
Ngoài ra, tia cực tím một mình nó cũng được dùng để điều trị Vảy nến, Mụn trứng cá, bệnh Pelade… Khi sử dụng phải thận trọng để tránh những tác dụng phụ như bong da, sạm da, đục thủy tinh thể…