Bệnh Ghẻ cóc (bệnh Plan, Jaws) – biểu hiện và điều trị

Bệnh da liễu

Bệnh Ghẻ cóc hay còn gọi là bệnh Plan, Jaws, và khá nhiều tên gọi khác như Framboesia, Framboesia tropica, Buba, Bouba, Paru, Parangi, Endemic treponematoses, Verrugas…

Là bệnh nhiễm khuẩn diễn tiến theo 3 giai đoạn, do xoắn khuẩn Treponemapertenue gây ra. Xoắn khuẩn này có thể bị lầm với xoắn khuẩn gây bệnh Giang mai. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em (75%) và khá phổ biến ở vùng nhiệt đới. Bệnh hay lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua da bị trầy sướt.

DỊCH TỄ

Bệnh thường xuất hiện ở nông thôn vùng nhiệt đới, khí hậu nóng (không dưới 27°C), mưa nhiều, độ ẩm cao. Do điều kiện sống được cải thiện, bệnh đã được loại trừ ở nhiều nơi.

Tuy nhiên, ổ bệnh vẫn còn ở vài vùng nhiệt đới như miền Tây và Trung Châu Phi (Ghana, Togo, Benin, Cộng Hòa Trung Phi), Nam Mỹ (Colombia, Peru, Ecuador, Brazil), Châu Đại Dương (Haiti, Dominica, New Guinea), Châu Á (Ân Độ, Indonesia, Thái Lan, Cam- puchia, Việt Nam).

ở Việt Nam, bệnh thường gặp ở các tỉnh miền Trung hơn ở miền Nam, từ Nghệ An đến vùng ranh giới Lào; từ Quảng Ngãi đến vùng ven biển Khánh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết…

Hay xảy ra ở tuổi thiếu niên. Thường gặp nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi (75%). Người lớn rất ít khi mắc bệnh. Trên 30 tuổi chỉ có 3%.

Nam nhiều hơn nữ.

Bệnh lây truyền qua da bị trầy sướt: Xoắn khuẩn không qua được da lành.

Hiếm khi lây truyền bởi vật nuôi hay đồ dùng trong nhà.

Ghẻ cóc không phải bệnh bẩm sinh, không lây truyền qua đường tình dục.

Không gây tổn thương hệ thần kinh, tim mạch.

CĂN NGUYÊN SINH BỆNH

Tác nhân gây bệnh là xoắn khuẩn Treponema pertenue do Castellani tìm ra năm 1905 tại Srilanca. Trên kính hiển vi, xoắn khuẩn không di động, dài 7p-10p gồm từ 6-12 vòng, bắt màu giống xoắn khuẩn Giang mai khi nhuộm theo phương pháp Fontana-Tribondeau, có thể tiêm truyền vào tinh hoàn khỉ và thỏ. Noguchi đã nuôi cấy được trong môi trường có huyết thanh ngựa. Có thể tìm thấy xoắn khuẩn trong thanh dịch thương tổn thời kỳ 1, trong hạch, máu, phủ tạng bệnh nhân trừ não ở thời kỳ 2.

LÂM SÀNG

Triệu chứng bệnh hầu như chỉ xảy ra ở da và khớp.

Thương tổn đa dạng. Diễn tiến theo 3 thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất với thương tổn duy nhất ở da. Thời kỳ thứ hai thương tổn tràn lan khắp người và thời kỳ thứ ba có những gôm và thương tổn ở xương.

Hình ảnh bệnh ghẻ cóc
Hình ảnh bệnh ghẻ cóc

Thời kỳ ủ bệnh: 9-90 ngày (trung bình 3 tuần).

Có các triệu chứng toàn thân như sốt, rét run, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, đau khớp xương. Cũng có khi không có triệu chứng gì rõ rệt.

Thời kỳ thứ nhất

Xuất hiện sau thời kỳ ủ bệnh khoảng 3-5 tuần ở vị trí nơi tiêm nhiễm. Thường nhất là chi dưới (85%), mặt, cổ, mông. Có hai loại thương tổn căn bản chính:

Loại u Ghẻ cóc tiên phát (Pianome primitif = Mother yaws): sẩn nhỏ màu hồng thâm nhiễm, kích thước nhỏ từ 1-5 cm, không đau, đôi khi ngứa. Bề mặt sùi, u nhú và đóng vảy. Thương tổn lớn dần ra ngoại vi. Thương tổn nguyên phát thường đơn độc, nhưng đôi khi có những sẩn vệ tinh và hợp lại thành mảng. Lành tự nhiên sau vài tuần, vài tháng.

Loét u nhú (Săng ghẻ cóc = Chancre of yaws): vết loét có kích thước lớn, đáy giống quả mâm xồi (Frambesiomas), nền không cứng, phủ vảy màu vàng, có khuynh hướng sùi và diễn tiến lâu dài.

  • Thường có hạch vùng sưng.
  • Thương tổn nguyên phát sẽ tự lành trong vòng 2-6 tháng, để lại sẹo teo và giảm sắc tố ở trung tâm.
  • Thường không có triệu chứng toàn thân.

Thời kỳ thứ hai

Sau 1-4 tháng bệnh sẽ tiến triển sang thời kỳ tiềm ẩn kéo dài vài tuần tới vài tháng. Sau thời kỳ này là đợt bộc phát bệnh với những thương tổn da lan tỏa, hạch toàn thân. Trong lúc đó thương tổn đầu tiên không biến mất mà vẫn tiếp tục diễn tiến.

Bệnh ghẻ cóc

Triệu chứng toàn thân: sốt, khó chịu, chán ăn, đau khớp dai dẳng, nổi nhiều hạch.

Đào ban (Pian maculo-erythemateux): Xuất hiện khoảng 20 ngày sau khi có săng. Có khi thoáng qua không nhận biết được ở người da vàng, da đen.

U Ghẻ cóc (pianomas = daughter yaws): Hình ảnh u nhú điển hình của ghẻ cóc là những sẩn hay mảng mềm, có gai nhú, sùi, vảy, giới hạn rõ, màu đỏ vàng. Khi thương tổn lớn sẽ trở nên mòn, ri dịch và chảy máu, trên phủ mài mật ong hay mài màu đen, không ngứa. Kích thước nhỏ hơn thương tổn nguyên phát (2cm) nhưng nhiều hơn.

Vị trí đối xứng cả thân mình. Hầu như không có thương tổn ở da đầu. ở nếp và quanh lỗ tự nhiên, u Ghẻ cóc hợp thành mảng sùi.

Ban Ghẻ cóc (Pianides): Những mảng hay dát sẩn hồng ban có vảy, khô giống thương tổn Giang mai thời kỳ 2, xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. ớ nếp, giống sẩn ướt (condy- lomata lata), ở niêm mạc giống mảng niêm mạc phì đại.

+ Những mảng tăng sừng dày ở lòng bàn tay, lòng bàn chân có rãnh và loét, đau, làm bệnh nhân đi đứng khó nên gọi là Ghẻ cóc cua (crab yaws).

+ Thương tổn có hình vòng hay đa cung là Ghẻ cóc dạng nấm (tinea yaws).

+ Thương tổn ở mặt có dạng tiết bã hay dạng vảy nến.

+ Ban ghẻ cóc có thể có mủ, ẩm ướt và biến thành u ghẻ cóc. Thường thoáng qua và biến mất tự nhiên.

  • Những dạng lâm sàng khác

Ghẻ cóc niêm mạc: Rất hiếm. Đây là khác biệt quan trọng với Giang mai.

Hạch: Hiếm.

Thương tổn xương khớp sớm: Thường ở dạng viêm màng xương ở phần gần các đốt ngón cho hình ảnh sưng phù mô mềm giống hình thoi hay củ cải. Thương tổn xương sớm nhưng hồi phục. Các xương bị ảnh hưởng là xương chày, xương đốt ngón tay, ngón chân.

Đau khớp, viêm xương, khớp có nước, viêm gân cơ có thể gặp.

  • Những thể không điển hình

Thương tổn loét sâu và lan rộng thành loét sâu quảng. Gặp ở trẻ em và khu trú ở bộ phận sinh dục hoặc ở mặt.

Thương tổn không sùi mà giống sẩn vảy như trong bệnh Giang mai.

Dày sừng bàn tay bàn chân, nứt đau. Tại kẽ da nứt có những mụn cóc nhỏ.

Dạng ít lây của Ghẻ cóc với một hay vài mảng da xám, khô, tạm thời. Vị trí ở nách, quanh hậu môn.

Thời kỳ này tiến triển thất thường, có khi liên tục nhiều đợt kế tiếp nhau, thương tổn này chưa khỏi đã xuất hiện thương tổn khác. Nếu không điều trị, sau vài tháng bệnh có thể lui dần, vảy tự khô, bong ra và tạm khỏi, không để sẹo. Tái phát thường xảy ra trong 5 năm đầu nhiễm khuẩn. Khi tái phát, thương tổn có khuynh hướng giới hạn ở quanh miệng, quanh hậu môn và quanh vùng nách. Sau một thời gian bệnh tiến triển sang thời kỳ thứ ba.

Thời kỳ thứ ba

Khoảng 10% bệnh nhân tiến triển sang thời kỳ thứ ba: Ghẻ cóc muộn. Thời kỳ này có thể xuất hiện sớm, đồng thời với thương tổn thời kỳ thứ hai hay có thể rất muộn, 5-10 năm sau mới xuất hiện. Thương tổn ở da, xương, mắt, thần kinh.

Gôm: Giống Gôm lao, hoại tử trung tâm và loét. Khi loét bờ nham nhở không đều, hình hàm ếch, đáy gồ ghề, khỏi để lại sẹo trắng nhăn nhúm. Gôm thường khu trú ở phần mềm của da, đôi khi lan đến niêm mạc hoặc ăn vào xương, gây di chứng mất mũi, miệng, teo cơ, cứng khớp.

Loét lâu ngày gây tổn thương sâu, sắp xếp thành đường hay vòng cung.

Tăng sừng lòng bàn tay, lòng bàn chân.

Thương tổn rối loạn sắc tố.

Thương tổn xương khớp muộn giống giai đoạn sớm nhưng mạn tính: Viêm màng xương phì đại, tràn dịch khớp, viêm tủy xương. Các khớp xương đầu gối, khuỷu tay có thể viêm thể khô hay thể mủ, sau gây cứng khớp. Có khi chỉ có cảm giác đau khớp. X-quang có hiện tượng tiêu xương. Phì đại xương do viêm xương mạn tính có thể gây cong xương chày.

  • Những thương tổn đặc biệt:

Gondou: Viêm xương phì đại hai bên của nhánh lên xương hàm trên với phì đại sống mũi. Tiến triển chậm từ 5-20 năm.

Gangosa: Viêm mũi họng loét gây biến dạng, tàn phá của Leys. Bệnh làm tổn thương mũi, hàm, môi trên, giữa mặt, có khi gây thủng mũi và vòm khẩu cái. xảy ra ở khoảng 1% bệnh nhân không điều trị.

Những nốt cạnh khớp ở khuỷu, gối. Màng ngoài xương bị viêm nhiễm lan tỏa làm ngón tay sưng to, bàn chân phì đại, xương sườn, xương ức nổi cục rải rác.

Ghẻ cóc muộn không gây tổn thương nội tạng.

DIỄN TIẾN

Không điều trị bệnh có những thời kỳ tiềm tàng nhiều năm với những đợt tái phát về lâm

sàng và có thể biến chứng thoái hóa thành Ung thư tế bào gai.

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán xác định dựa vào

Vùng bệnh lưu hành.

Hình ảnh lâm sàng đặc biệt.

Xét nghiệm cận lâm sàng tìm xoắn khuẩn.

Phản ứng huyết thanh Giang mai dương tính thường ở giai đoạn trễ và tiềm tàng của bệnh.

Chẩn đoán phân biệt với

Những bệnh da khác ở vùng nhiệt đới cũng có hồng ban tróc vảy và sùi như: Nấm da Blas- tomycose, Histoplasmose, Loét chân nhiệt đới (loét sâu quảng), u hạt loét của Donovan, bệnh Phong.

Quan trọng nhất là phân biệt với Giang mai:

+ Không có Ghẻ cóc bẩm sinh.

+ Thời kỳ 1 Ghẻ cóc hay gặp ở trẻ em, thương tổn ở ngoài bộ phận sinh dục. ít gặp thương tổn niêm mạc.

+ Thời kỳ 2 thương tổn da có tính đặc biệt khác, ngứa rõ rệt, không rụng tóc.

+ Thời kỳ 3 không có thương tổn nội tạng; thương tổn xương lan tràn hơn.

CẬN LÂM SÀNG

VDRL dương tính.

Giải phẫu bệnh: Dày sừng, quá sản lớp gai, các gai phình to. Trung bì có hiện tượng dãn mao mạch và viêm quanh vách thành mạch.

Hình ảnh của bệnh ghẻ cóc
Hình ảnh của bệnh ghẻ cóc

ĐIỀU TRỊ

Người lớn, trẻ em trên 10 tuổi:

+ Benzathin Penicillin 1,2 triệu đơn vị, tiêm bắp liều duy nhất.

+ Dị ứng với Penicillin: Tétracycline 500mg X 4 lần/ngày X 15 ngày.

Hoặc Doxycycline100mg X 2 lần/ngày X 15 ngày.

Hoặc Erythromycine 500mg X 4 lần/ngày X 15 ngày.

Trẻ dưới 10 tuổi:

+ Benzathin Penicillin 0,6 triệu đơn vị, tiêm bắp liều duy nhất.

+ Dị ứng với Penicillin:           Tetracycline 250mg X 4 lần/ngày X 15 ngày.

Hoặc Erythromycine 8mg /kg X 4 lần/ngày X 15 ngày.

PHÒNG NGỪA

Tại những vùng Ghẻ cóc lưu hành cần phòng tránh lây lan ở trẻ em. Tốt nhất là khám thường kỳ để cách ly, tiêu diệt sớm ổ bệnh, quản lý điều trị.

 

Bệnh da liễu
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận