Bổ trung ích khí thang
Thành phần:
Hoàng kỳ 12g Cam thảo 6g
Đẳng sâm 12g Trần bì 4g
Đương quy 4g Sài hồ 6g
Bạch truật 8g Thăng ma 6g
Cách dùng: Sắc uống.
Công dụng: Bổ trung ích khí, thăng dương cử hãm.
Chủ trị:
Tỳ vị khí hư: Người mỏi mệt, tự hãn, đoản hơi, đoản khí, chân tay yếu, sắc mặt trắng bệch, đại tiện lỏng, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch hư,.
Khí hư hạ hãm gây sa dạ dày, sa tử cung, sa trực tràng…, tiêu chảy lâu ngày, kiết lỵ lâu ngày, sốt rét lâu ngày, chứng thanh dương hạ hãm
Phân tích phương thuốc: Trong phương Hoàng kỳ ích khí, làm quân. Nhân sâm, Bạch truật, Cam thảo kiện tỳ ích khí, làm thần. Phối ngũ có Trần bì lý khí, Đương quy bổ huyết, đều là tá dược. Thăng ma, Sài hồ thăng cử thanh dương, hãm ở dưới, là sứ. Toàn phương vừa bổ khí kiện tỳ để trị gốc của khí hư, lại thăng đề dương khí bị hãm ở dưới khiến cái đục giáng xuống, cái thanh thăng lên. Do đó điều hoà được tỳ vị, tinh khí của thuỷ cốc sinh hoá có nguồn, các chứng khí hư của tỳ vị sẽ hết. Trung khí không hư, mọi thứ thoát xuống đều trở về đúng vị trí.
Gia giảm:
Nếu khí hư, chóng mặt, buồn nôn gia Thiên ma, Bán hạ, Đởm nam tinh.
Nếu ra nhiều mồ hôi gia Mẫu lệ, Phù tiểu mạch.
Nếu khí hư tiết tả gia thêm Sơn dược, Thạch lựu bì.
Nếu khí hư đái dầm gia thêm Sơn dược, ích trí nhân.
Nếu đới hạ nhiều, loãng gia Phục linh, Thương truật.
Nếu có rong kinh, băng huyết bỏ Đương quy, gia Xích thạch chi, Bổ cốt chi.
Ứng dụng lâm sàng:
Ngày nay thường dùng Bổ trung ích khí thang để trị sa dạ dày, sa tử cung, nhược cơ nặng, viêm gan mạn tính, thoát vị bẹn, đái đục, trẻ em tiêu chảy, chứng giảm bạch cầu, ỉa chảy mạn tính, rong kinh, đới hạ, rối loạn tiền đình.
Cách nhớ bài thuốc Bổ trung ích khí thang
Sâm kỳ quy truật thảo trần sài thăng
Hoặc
Sâm kỳ quy truật thăng sài trần cam
Tham khảo >>
BỔ TRUNG ÍCH KHÍ THANG
(Phụ: Điều trung ích khí thang)
« Tỳ vị luận »
- Hoàng kỳ 2-4 gam
- Nhân sâm (hoặc Đảng sâm) l gam
- Bạch truật 1 gam
- Đương quy 1 gam
- Thăng ma 1 gam
- Chích cam thảo 2 gam
- Trần bì 1 gam
- Sài hồ 1 gam
Cách dùng: Liều lượng nói trên theo bài thuốc cũ của sách, đem thuốc cắt vụn đun sắc ngày uống 3 lần.
Hiện nay chuyển thành thuốc phiến, ngày 1 thang, đun sắc chia 2 lần uống. Nếu dùng thuốc hoàn (hiệu thuốc có bán) ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 4-8 gam.
Công dụng: Ích khí thăng dương, điều bổ tỳ vị.
Chữa chứng bệnh: Tỳ vị khí hư, tinh thần mệt mỏi, sợ lạnh, tự ra mồ hôi hoặc phát sốt mạch hư không có sức, trung khí hạ hãm, nội tạng bị sa (kể cả lòi dom sa tử cung) thậm chí tiểu tiện không hãm được, phụ nữ băng lậu thuộc chứng khí bất nhiếp huyết.
Giải bài thuốc: Bài này là phương thuốc tiêu biểu về thăng dương (thăng đề) ích khí. Hoàng kỳ, Nhân sâm là vị thuốc chủ yếu dùng để cam ôn ích khí. Trong đó Hoàng kỳ là thuốc chủ có công thăng bổ phối hợp với Thăng ma, Sài hồ để thăng đề dương khí. Vừa dùng thuốc thăng đề vừa dùng thuốc bổ khí là đặc điểm cơ bản trong việc ghép các vị thuốc ở bài này, chuyên trị các bệnh do trung khí hạ hãm gây nên. Còn Bạch truật, Trần bì, Đương quy, Cam thảo dùng để kiện tỳ lý khí, dưỡng huyết hòa trung là thuốc phù trợ của bài thuốc này.
Bài này do Hoàng kỳ ích khí cổ biểu, Thăng ma thăng dương giáng hỏa, Sài hồ giải cơ thanh nhiệt nên người dương khí hư suy mà lại bị ngoại cảm tà phát sốt cũng có thể dùng, cách chữa này gọi là “cam ôn trừ nhiệt”.
Phụ phương:
Bài này bỏ Bạch truật, Đương quy, gia Thương truật, Mộc hương tức là Điều trung ích khí thang hợp với bệnh khí hư hạ hãm mà thấp đọng ở tỳ vị, đại tiện lỏng thỏng nên dùng Thương truật thay Bạch truật để tăng thêm tác dụng táo thấp, bỏ Đương quy vì dược tính nhuận không thích hợp với đại tiện lỏng, gia Mộc hương là lấy tác dụng tân lương hành khí.