Cỏ mực hay còn gọi cỏ nhọ nồi, hạn liên thảo có tên khoa học là Eclipta alba Hassk thuộc họ cúc Asteraceae. Cỏ mực mọc thẳng đứng có thể cao tới 80cm, thân có lông cứng. Lá mọc đối có lông 2 mặt, dài 2 – 8cm, rộng 5 – 15mm. Cụm hoa hình đầu màu trắng ở kẽ lá hoặc đầu cành, lá bắc thon dài 5 – 6mm, cũng có lông. Quả bế 3 cạnh, hoặc dẹt, có cánh, dài 3mm, rộng 1,5mm, đầu cụt, mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Gọi là cỏ mực vì khi vò nát có nước chảy ra như mực đen.
Thành phần hóa học: có ít tinh dầu, tannin, chất đắng, caroten và chất ancaloit gọi là ecliptin. Có tài liệu nói trong cỏ mực có chứa chất wedelolacton là một chất curmarin lacton và tách được chất demetylwedelacton và một flavonozit.
Cỏ mực cũng giống như vitamin K có tác dụng chống lại tác dụng của discumarin, chống chảy máu tử cung trên động vật thí nghiệm. Cỏ mực không gây tăng huyết áp, không làm giãn mạch, không độc. Sau đây là các bài thuốc chữa bệnh từ cỏ mực
Chữa râu tóc bạc sớm, tóc rụng, chóng mặt hoa mắt do can thận âm hư tổn
Bài 1: Cỏ mực 15g, sinh địa 15g sắc nước uống mỗi ngày 1 tễ; chia làm 2 lần uống vào buổi sáng và buổi chiều, uống liên tục 30 ngày (1 liệu trình); nghỉ vài hôm rồi lại tiếp tục.
Bài 2: Cỏ mực 25g, hoa cúc trắng 15g, sinh địa 15g; sắc lấy nước, bỏ bã, uống thay nước trà hàng ngày, uống liên tục 30 ngày.
Bài 3: Cỏ mực 15g, nữ trinh tử 5g, thục địa 10g, hà thủ ô chế 15g, sắc lấy nước, uống liên tục 30 ngày.
Chữa ho ra máu
Cỏ mực 25g, bạch cập 20g, a giao 10g. Đem cỏ mực và bạch cập sắc lấy nước đổ vào bát, sau đó cho a giao vào trộn đều. Mỗi ngày uống 2 lần, liên tục trong 7 ngày.
Chữa sỏi thận, tiểu tiện ra máu
Cỏ mục 15g, cỏ mã đề (xa tiền thảo) 15g, sắc chung cả hai lấy nước, khi uống rót nước thuốc ra bát, sau đó cho thêm đường vào cho đủ ngọt. Mỗi ngày uống thay trà, liên tục trong 20 ngày.
Mũi thường chảy máu
Cỏ mực 25g, ngó sen 20g. sắc lấy nước, chia 2 lần vào sáng và chiều; liên tục trong 20 ngày.
Chữa vết thương chảy máu
Lấy cỏ mực đem giã nát đắp lên chỗ bị thương. Cũng có thể đem cỏ mực phơi khô, tán mịn, rắc lên vết thương.
Hỗ trợ trong điều trị chứng giảm tiểu cầu máu
Cỏ mực 10g, nhân sâm 5g (nếu không có thay bằng đẳng sâm 12g), gạo tẻ 50g, đường trắng vừa đủ. Nhân sâm thái thành lát mỏng, hấp chín. Cỏ mực rửa sạch, sắc lấy nước để nấu cháo. Sau khi cháo chín, cho sâm vào, thêm chút đường cho đủ ngọt. Dùng mỗi ngày 1 lần, ăn thay bữa điểm tâm buổi sáng, liên tục trong 5 ngày.
Phòng và chữa viêm da khi làm ruộng nước
Lấy cỏ mực tươi một nắm – khoảng 50g, rửa sạch, vò nát rồi xát lên chân và tay cho đến khi màu da chuyển sang tím đen nhạt. Chờ một lát cho da khô rồi có thể xuống ruộng nước làm việc. Những người thợ nề hay lấy cỏ mực sát lên tay để chữa chứng bỏng rát do vôi vữa gây nên. Tại Trung Quốc, các thầy thuốc đã chế ra một loại cao mềm từ cỏ mực, chuyên dùng để phòng viêm da khi làm việc dưới ruộng nước.
Phụ nữ ngứa âm đạo
Lấy cỏ mực tươi khoảng 100g, sắc nước để rửa ngoài âm đạo.