Tên khoa học
Adenosma glutinosum (L.) Druce Họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).
Tên khác: Chè nội, chè cát, hoắc hương núi, tuyến hương, Nhân trần khao, miên nhân trần, bạch khao.
Mô tả
Cây thảo, có thân tròn, phủ đầy lông. Lá mọc đối, mép khía răng đều, hai mặt đều có lông.
Cụm hoa mọc thành chùm dạng bông ở kẽ lá và đầu cành; hoa màu lam tím, đài có 5 răng xếp thành hình chuông, tràng chia 2 môi, môi dưới hơi dài hơn môi trên, chia 3 thùy không đều, nhị 4.
Quả nang, hình trứng, hạt nhỏ màu vàng.
Mùa hoa quả: tháng 4 – 7.
Phân bố, nơi mọc
Trên thế giới, nhân trần phân bố ở vùng nhiệt đới trong đất liền và một số đảo lớn ở châu Á.
Ở Việt Nam, cây mọc hoang ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang… và ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế. Thường gặp ở bãi hoang lẫn với những cây bụi ở ven rừng, đồi và nương rẫy.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Cả cây trừ rễ, thu hái vào mùa hè khi cây đang ra hoa, phơi hoặc sấy cho khô, rồi bó thành từng bó, bảo quản chỗ khô mát. Khi dùng, cắt ngắn dùng sống hoặc sao qua.
Phân biệt tính chất, đặc điểm
Nhân trần thường quắt lại thành nắm, màu xanh xám, toàn bộ có 1 lớp lông trắng bao phủ, mềm và mượt như nhung, lá có cuống, lá phân biệt thành từ 1 đến 3 nhánh, nhánh lá hình sợi. Thân cây ngắn và nhỏ, từ 1,5 – 3mm, dễ bẻ gãy. Mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng. Loại nào chất mềm, màu trắng xám, có hương thơm là loại tốt.
Bảo quản
Để nơi dâm mát, khô ráo, chống ẩm.
Thành phần hóa học
Cả cây nhân trần chứa tinh dầu gồm pinen, cineol, limonen, anethol; một số sesquiterpen và Havonoid; coumarin; acid nhân thơm.
Tác dụng dược lý
Kết quả nghiên cứu cho thấy nhân trần có tác dụng làm tăng tiết mật, chống viêm mạnh ở giai đoạn cấp tính, kháng khuẩn đối với các vi khuẩn Shigella dysenteriae, Shigella shigae, Staphylococcus aureus…
Theo các nghiên cứu thời nay, nhân trần có hàm chứa các chất dầu bay hơi, dầu béo, acid gốc clo, tinh dầu thơm v.v… Nó có tác dụng tăng cường sự tiết mật, đồng thời làm cho lượng acid mật và chất hồng tố trong nước mật thải ra được nhiều hơn, thúc đẩy tế bào gan tái sinh, có tác dụng giải nhiệt rất rõ rệt; ức chế đối với bệnh độc viêm gan, đối với những tổn thất thực chất trong gan do bệnh tật sinh ra, có tác dụng cải thiện chất tinh đậu thơm hàm chứa trong đó có tác dụng hạ huyết áp, đồng thời có thể làm tăng lưu lượng máu trong động mạch cơ tim và có tác dụng bình ổn hen suyễn.
Tính vị và công hiệu
Nhân trần tính hơi hàn, vị đẳng, cay, lợi về kinh tỳ, vị, can, đởm. Có công hiệu thanh nhiệt, lợi thấp, lợi đởm thoái hoàng. Phù hợp với người bị bệnh vàng da, đái ít, phát ban, da liễu, viêm gan vàng da virus, viêm túi mật V.V..
Công dụng và liều dùng
Trong y học hiện đại, nhân trần được dùng chữa viêm gan do virus với liều mỗi ngày 100ml sirô nhân trần chia làm hai lần vào buổi sáng và chiều. Dùng nhiều ngày. Bệnh nhân ở giai đoạn cấp tính hoàng đản dùng sirô này thấy chứng trạng bệnh được cải thiện rõ rệt như hết đau ở vùng gan, không còn mệt mỏi, sức khỏe chóng được phục hồi.
Y học cổ truyền lại dùng nhân trần chữa sốt nóng, tiểu tiện khó, kích thích ăn ngon, lấy lại sức khỏe ở phụ nữ sau khi đẻ, các bệnh phụ khoa. Cũng được dùng để chữa vàng da.
Liều dùng hàng ngày: 10 – 20g dưới dạng thuốc sắc, sirô hoặc thuốc viên.
Hiện nay, trên thị trường đông dược vẫn tồn tại dạng “chè nhân trần” đóng gói nhỏ được dùng thường xuyên.
Những cấm kỵ khi dùng thuốc
Nếu bị vàng da không phải do thấp nhiệt sinh ra kiêng uống nhân trần.
Bài thuốc
- Chữa hoàng đản: Nhân trần (30g), chi tử (24g), thạch cao nung (4 – 6g). Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. (Nam dược thần hiệu).
- Chữa đầy bụng, khó tiêu: Nhân trần (12g), cam thảo nam (10g), kim tiền thảo (10g). Các dược liệu rửa sạch, phơi khô, băm nhỏ, sắc uống sau mỗi bữa ăn.
- Chữa sốt, vàng da: Nhân trần (16g), lá vọng cách (16g), lá cối xay (12g). sắc uống ngày một thang. Dùng nhiều ngày.
- Chữa hoàng đản, chân tay lạnh, ra nhiều mồ hôi: Nhân trần (24g), can khương (12g), cam thảo (8g), phụ tử chế (4g). Sắc nước uống.
Các bài thuốc thường dùng
Tiên nhân trần thang (thang nhân trần tuơi)
Nhân trần tuơi 120g, sắc uống, uống liên tiếp nhiều thang.
Dùng cho nguời viêm gan vàng da.
Nhân trần chúc (cháo nhân trần)
Nhân trần 30g – Gạo lức 50g
Đường trắng vừa phải.
Nhân trần rửa sạch, sắc bỏ bã, lấy nước nấu cháo, cháo chín thì đánh đường vào là được. Ăn ngày 2-3 lần, mỗi lần 1 bát.
Dùng cho người viêm gan vàng da cấp tính, hoặc làm món ăn thường ngày cho người sau khi bị viêm gan, đang ở thời kỳ khôi phục, dừng thuốc.
Nhân trần đại hoàng trà (trà nhân trần, đại hoàng)
Nhân trần 30g – Đại hoàng tươi 6g
Chè xanh 3g
Sắc uống thay trà.
Chữa bệnh viêm gan vàng da vàng mắt cấp tính (vàng như vỏ cam)
Nhân trần hương nhu trà (trà nhân trần, hương nhu)
Nhân trần 30g – Hương nhu 30g
Lô căn 45g
Sắc uống thay trà. Dùng cho người viêm gan vàng da.
Nhân trấn nhũ trấp (nhân trần sữa nước)
Nhân trần 3g – Xích tiểu đậu 10g
Sữa nước 100ml
Nhân trần và xích tiểu đậu sắc 3 nước, chắt lấy 50ml, cho sữa nước vào, đánh tan. Ngày uống 3 – 4 lần, mỗi lần 20 – 40ml
Dùng cho người thấp nhiệt, thai vàng, trẻ em mới sinh 2-5 ngày, mặt vàng, toàn thân bị vàng, đi đái nước đái vàng và đỏ ướt đẫm tã, buồn bực bứt rứt không yên, không chịu bú v.v…
Nhân trần đảng sâm nhũ trấp (nhân trần, đảng sâm, sữa nước)
Nhân trần ,3g – Đảng sâm 3g
Sữa nước 100ml
Nhân trần và đảng sâm sắc 3 nước, cô lấy 50ml, cho sữa nước vào trộn đều. Uống ngày 3 – 4 lần, mỗi lần 20 – 30ml.
Dùng cho người tỳ hư thai vàng, trẻ em mới sinh 3 – 5 ngày tuổi, mặt mũi da dẻ vàng như nghệ, sắc nhạt mà u ám, tinh thần mệt mỏi, không thiết bú mớm v.v…
Nhân trần đại táo thang (thang nhân trần, táo tầu)
Nhân trần 15g – Táo tầu vừa phải
Gừng khô 6g – Đường đỏ vừa phải
Sắc chung, uống thang, ăn táo.
Dùng cho người tỳ hư, thấp khốn, bị bệnh vàng da,
Sắc mặt u ám, toàn thân và mắt vàng khè, không thiết ăn uống, bị viêm gan mạn tính sinh ra vàng da v.v…
Nhân trần công anh thang (thang nhân trần, bồ công anh)
Nhân trần 100g – Bồ công anh 50g
Đường trắng 30g
Sắc uống chia 2 lần, 1 ngày 2-4 lần.
Dùng cho người thấp nhiệt bị bệnh vàng da, da vàng như nghệ, phát sốt, miệng khát, đái vàng sẫm, bị viêm nhiễm đường mật cấp tính, viêm gan vàng da cấp tính v.v…
Nhân trần ngọc mễ tu thang (thang nhân trần, râu ngô)
Nhân trần 30g – Bồ công anh 30g
Râu ngô 30g – Đường trắng vừa phải.
3 vị thuốc trên sắc chung lấy nước, đánh đường vào. Uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
Dùng cho người viêm túi mật, sỏi mật đau đớn phát sốt.