Trang chủVị thuốc Đông yTác dụng chữa bệnh của Hành (Hành ta, hành hoa, hành hương,...

Tác dụng chữa bệnh của Hành (Hành ta, hành hoa, hành hương, thông bạch)

Hành

Tên khác:  Hành ta, hành hoa, hành hương, thông bạch, co xông, hom búa (Thái), sông (Dao).

Tên khoa học: Allium fistulosum L. Họ Hành (Alliaceae).

MÔ TẢ

Cây thảo, sống hàng năm, có thân hành nhỏ phân nhánh. Lá hình trụ nhẵn, rỗng ruột mọc thẳng từ thân hành, có bẹ rộng và dài, màu trắng đôi khi pha hồng nhạt, mọc ốp sát vào nhau.

Cụm hoa mọc trên một cán rỗng thành tán giả, hoa nhiều có 6 thùy bằng nhau, màu trắng có sọc xanh, nhị 6 dài hơn bao hoa, mọc thò ra ngoài.

Quả nang, hình cầu, hạt hình ba cạnh, màu đen.

Toàn thân khi vò ra có mùi hăng cay.

Mùa hoa quả: tháng 4-11.

Còn có cây hành nén hay hành củ có thân hành to, cũng được dùng với công dụng tương tự.

Hành tăm
Hành tăm

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, hành phân bí) chủ yếu ở châu Á, lúc đầu có thể được trồng ở Trung Quốc, Nhật Bản sau lan ra vùng Đông và Đông Bắc Á.

Ở Việt Nam, hành là cây trồng từ lâu đòi và phổ biến ở các tỉnh phía Bắc. Cây ưa sáng, ưa ẩm và không chịu được ngập úng.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Thân hành, thu hoạch trong suốt mùa hè – thu, thường dùng tươi.

Lá hành đôi khi cũng được sử dụng.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Hành chứa tinh dầu với thành phần chính là allicin, các hợp chất diallyldisulfid, các đường glucose, saccharose, các vitamin B1, B2, C, các chất vô cơ Ca, Fe, P, các men tiêu hóa như invertin, pepsin, pancreatin, các acid béo, pectin, chất nhầy.

Tinh dầu hành còn có nhiều hợp chất sulfur.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Hành có tác dụng làm tăng sự bài tiết các dịch tiêu hóa góp phần vào quá trình chuyển hóa các chất đạm, mỡ và đường, tránh được đầy chướng và ngộ độc.

Chất allicin trong tinh dầu hành có tác dụng kháng khuẩn mạnh.

Nước chiết từ hành làm ức chế nhiều loài nấm gây bệnh ngoài da.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Y học cổ truyền coi hành có vị cay, tính ôn, có tác dụng thanh nhiệt, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, giúp tiêu hóa, kháng khuẩn.

Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) đã dùng hành sắc uống chữa bí đái và lấy hành giã nát trộn với mật ong, đắp băng làm mau lành vết thương.

Củ hành (15 – 20g) giã nhỏ trộn với cháo nóng ăn cho giải nhiệt, làm ra mồ hôi. Nước sắc củ hành dùng uống chữa bí đái, đại tiện khó khăn; dùng xông trị cảm cúm, viêm mũi, ngạt mũi; súc miệng tránh được những bệnh về răng miệng và thụt hậu môn để tẩy giun kim. Để chữa mụn nhọt, chủ yếu làm mụn chóng mưng và vỡ mủ, lấy một củ hành giã với ít muối, gói vào vải xô sạch, hơ nóng, đắp, băng lại; ngày làm một lần.

Theo tài liệu nước ngoài, hàng ngày, uống nước hãm củ hành vào sáng sớm và trước khi đi ngủ sẽ chống được hiện tượng nhức mỏi. Đắp củ hành giã nhỏ hoặc xoa nước ép hành lên trán và thái dương làm giảm đau đầu.

BÀI THUỐC

  • Chữa cảm cúm, nhức đầu: Hành (3 củ gồm cả lá), lá tía tô (1 nắm), gừng sống (1 – 2 lát), trứng gà (1 quả). Lá hành và lá tía tô rửa sạch, thái nhỏ; củ hành và gừng giã nát. Tất cả đựng trong một bát sạch, đập trứng gà vào, trộn đều, thêm ít nước mắm hoặc muối. Lấy một nắm gạo tẻ, vo sạch, nấu thành một bát cháo to. Khi cháo chín, đang lúc còn nóng sôi, đem đổ vào bát có hành, tía tô, gừng và trứng, khuấy đều, ăn nóng. Sau đó, đắp chăn nằm nghỉ cho ra mồ hôi. Có người lại chỉ dùng hành và gừng.
  • Thuốc kích thích tiêu hóa, chống nôn mửa: Hành (1 củ) phơi khô, gừng già (2 -3 lát) sao cho thơm. Hai vị giã nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
  • Chữa vết thương, vết hỏng: Hành nấu thành cao đặc rồi trộn với mật lợn và nước ép tỏi, là trầu không, lá ớt, dùng bôi hàng ngày.
  • Chữa cảm sốt, đau đầu, ngạt mũi: Hành (30g), đạm đậu xị (15g), sinh khương (10g), chè hương (10g). Đun sôi với 300ml nước, gạn bỏ bã. Uống lúc nóng rồi đắp chăn cho toát mồ hôi.

VÀI NÉT VỀ CỦ HÀNH TÂY

Hành tây có nguồn gốc ở vùng ôn đới, nay đã có mặt ở khắp thế giới. Củ hành tây chứa tinh dầu gồm allyl – disulfur, allyl-propyl disulfur, phytin, inulin, đường, acid hữu cơ, muối khoáng, vitamin B, C, PP. Đặc biệt là chất phytoncid có tác dụng kháng khuẩn rất mạnh; do đó, khi nhai hành tây, răng miệng trở nên sạch sẽ, vô khuẩn. Hành tây có tác dụng trừ đờm, lợi tiểu, kích thích tiêu hóa, chữa ho, phù thũng, chứng xơ gan cổ trướng, đái đường. Dạng dùng là cồn thuốc gồm nước ép của hành tươi và cồn 90° (lượng bằng nhau). Ngày uống 14 – 40g. Hành tây còn có tác dụng an thần, giảm đau, lọc máu.

Các nhà khoa học Hà Lan và Trung Quốc cho biết rằng hàng ngày ăn hành tây đều đặn có thể ngăn ngừa bệnh ung thư dạ dày đến 50% vì trong hành tây có hợp chất sulfur hữu cơ chống ung thư và những chất chống độc khác đối với các chất gây ung thư và sự phát triển của các tế bào ác tính. Các nhà y học Hà Lan còn giới thiệu một “thực đơn” hàng ngày gồm hành tây – táo – trà, rất tốt đối với các bệnh tim mạch. Cụ thể, mỗi ngày nên dùng 1 – 2 củ hành tây trong hai bữa ăn chính, tráng miệng bằng một quả táo tây, sau đó, uống nước trà từ 4 cốc trỏ lên thì tỷ lệ chết do bệnh tim như nhồi máu cơ tim, trụy tim mạch sẽ thấp hơn 45 – 50% so với người không dùng những thứ nêu trên.

Các nhà dinh dưỡng học và y học trên thế giới đã coi hành tây và một số thực phẩm khác là những “siêu thực phẩm” bổ ích cho cơ thể, làm giảm cholesterol, nguy cơ của bệnh cao huyết áp và chống nấm.

Các nhà y học cổ truyền Ba Lan lại dùng rượu hành tây để chống nhiễm khuẩn, tăng khả năng miễn dịch. Cách pha chế rượu hành tây như sau: Lấy 100 – 150g hành tây thái nhỏ, trộn với 100g mật ong và chừng một lít rượu nguyên chất. Tất cả cho vào bình kín ngâm khoảng hai tuần lễ, rồi lọc bỏ bã. Mỗi ngày uống 2 – 3 thìa canh. Các nhà khoa học Liên Xô trước đây đánh giá hành tây là một vị “thần dược” trị được bách bệnh.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây