Trang chủBệnh mắtGlôcôm góc đóng thứ phát ở mắt

Glôcôm góc đóng thứ phát ở mắt

Do bệnh thể thủy tinh

Thay đổi vị trí hoặc kích thước dẫn đến thay đổi áp lực nhãn cầu.

1. Thể thủy tinh nhỏ hình cầu

Gặp trong hội chứng Marchesani hoặc hội chứng Marfan

– Hội chứng Marchesani: bệnh nhân thấp to ngang hoặc lùn, ngón chân và ngón tay ngắn. Bệnh nhân nhìn kém. Trục nhãn cầu thường ngắn hoặc không dài hơn mắt bình thường. Khám trên sinh hiển vi thấy thể thủy tinh nhỏ, tròn. Kính hội tụ có lực khúc xạ lớn, hình ảnh nằm trước võng mạc. Khi đeo kính cận, thị lực tăng. Ở những bệnh nhân này, dây chằng Zinn treo thể thủy tinh thường mảnh, vì vậy thể thủy tinh dễ dàng di động ra trước và lọt vào lỗ đồng tử, gây nút tắc đồng tử dẫn đến nghẽn đồng tử và tăng nhãn áp. Trong bệnh này khi dùng thuốc liệt thể mi, thể thủy tinh sẽ dẹt xuống và kéo về phía sau, giải phóng tình trạng nghẽn đồng tử, ngược lại dùng thuốc co đồng tử sẽ làm co cơ thể mi và làm dây chằng Zinn chùng lại, do đó thể thủy tinh càng nhô ra trước càng làm cho tình trạng nghẽn đồng tử trở nên trầm trọng hơn.

Điều trị cắt mống mắt ngoại vi bằng laser hoặc phẫu thuật để giải quyết cơ chế nghẽn đồng tử, khi thể thủy tinh đã lệch nhiều cần mổ lấy thể thủy tinh.

– Hội chứng Marfan: thể thủy tinh nhỏ, tròn, thường hay bị lệch. Toàn thân người cao gầy, chân tay nhện, có thể kèm những dị dạng hệ tim mạch.

2. Thể thủy tinh căng phồng hoặc lệch

– Thể thủy tinh căng phồng: thể thủy tinh tăng kích thước (chiểu dài và dày) áp sát vào mặt mống mắt, do đó sẽ gây nên nghẽn đồng tử thứ phát do xích đạo thể thủy tinh áp sát vào thể mi, từ đó sẽ xuất hiện cơn glôcôm cấp.

Trường hợp thể thủy tinh đục căng phồng đã gây tăng nhãn áp: nếu bệnh nhân đến sớm thì chỉ cần mổ lấy thể thủy tinh; nếu bệnh nhân đến muộn, ngoài nghẽn đồng tử còn xuất hiện nghẽn góc tiền phòng gây tăng nhãn áp dữ dội hơn, khi đó lấy thể thủy tinh không đủ mà cần phải kết hợp lấy thể thủy tinh phối hợp cắt bè củng mạc.

– Glôcôm do tiêu thể thủy tinh:

Khi thể thủy tinh đục quá chín, chất protein từ thể thủy tinh rò qua bao ở những vị trí rất nhỏ chỉ quan sát được trên kính hiển vi. Sự xuất hiện protein sẽ gây đáp ứng đại thực bào. Lúc này, vùng bè sẽ bị tắc nghẽn bởi các đại thực bào và protein có phân tử lượng cao, do đó thủy dịch bị cản trồ lưu thông từ trong nhãn cầu ra ngoài, gây tăng nhãn áp.

Ngoài triệu chứng đau nhức như glôcôm câp, do nhãn áp tăng cao, phản ứng viêm biểu hiện rõ như: kết mạc cương tụ mạnh, giác mạc phù, tiền phòng có chất thể thủy tinh như bông, có trường hợp như mủ. Góc tiền phòng nếu soi được có thể vẫn thấy mở nhưng chất thể thủy tinh gây dính góc và đóng góc.

Điều trị: dùng thuốc chống viêm, hạ nhãn áp tại mắt (không dùng thuốc co đồng tử) và toàn thân. Chỉ định mổ cần được đặt ra sóm: lấy thể thủy tinh, rửa sạch chất nhân. Nếu góc dính nhiều, cần mổ phối hợp cắt bè và lấy thể thủy tinh.

– Lệch thể thủy tinh: không hoàn toàn do dây Zinn đứt một phần, nghẽn đồng tử xảy ra không thường xuyên, nhãn áp tăng từng lúc. Có thể có nghẽn dịch kính nếu thể thủy tinh lệch một phần. Điều trị cắt mống mắt bằng laser hoặc phẫu thuật nếu thể thủy tinh còn trong hoặc chưa đục nhiều, nếu thể thủy tinh đục nhiều phải mổ lấy thể thủy tinh. Nếu đã có dính góc tiền phòng thì cần mổ lấy thể thủy tinh phối hợp cắt bè củng mạc.

3. Nghẽn đồng tử trên mắt đã mổ lấy thể thủy tinh có hoặc không đặt thể thủy tinh nhân tạo

– Mổ lấy thể thủy tinh trong bao nút dịch kính ở đồng tử. Chỉ định cắt mống mắt bằng laser hoặc phẫu thuật để giải quyết tình trạng tắc nghẽn đồng tử.

– Thể thủy tinh nhân tạo tiền phòng có thể xảy ra nghẽn đồng tử do diện tiếp xúc giữa mống mắt với phần quang học của thể thủy tinh nhân tạo và mặt trước dịch kính. Chu vi mống mắt vồng ra trước xung quanh thể thủy tinh nhân tạo gây bịt góc tiền phòng. Điều trị: cắt mống mắt ngoại vi bằng laser hoặc phẫu thuật.

– Thể thủy tinh nhân tạo hậu phòng trường hợp lệch ra trước có thể gây tăng nhãn áp do mống mắt vồng lên, tiền phòng nông. Điều trị bằng thuốc ức chế ß không kết quả thì phải cắt mống mắt ngoại vi.

Viêm màng bồ đào tăng nhãn áp

Sau khi viêm mống mắt thể mi đã ổn định nhưng để lại di chứng dính bờ đồng tử với mặt trước thể thủy tinh, gây nên nghẽn đồng tử, do vậy mống mắt vùng ngoại vi sẽ vồng ra trước và gây bít vào vùng bè làm cho nhãn áp tăng.

Điều trị: viêm màng bồ đào đã ổn định, cần chỉ định cắt mống mắt ngoại vi để giải quyết tình trạng nghẽn đồng tử. Nếu bò đồng tử dính nhiều , màng xuất tiết bò đồng tử dày, thể thủy tinh đục thì phải cắt bỏ màng xuất tiết, lấy thể thủy tinh và cắt mống mắt.

Glôcôm do biến chứng sau mổ lỗ rò hoặc thể thủy tinh

Glôcôm ác tính hay Glôcôm do nghẽn thể mi là một biến chứng nguy hiểm thường xảy ra ở mắt Glôcôm góc đóng sau mở lỗ rò. Tuy nhiên, Glôcôm ác tính có thể xảy ra sau khi mô lấy thể thủy tinh ở những mắt góc mở, thậm chí ở những mắt chưa can thiệp phẫu thuật. Triệu chứng chủ quan: đau nhức mắt dữ dội, thực thể tiền phòng không có, nhãn áp tăng.

1. Cơ chế: nghẽn thủy dịch giữa xích đạo thể thủy tinh và thể mi làm cho thủy dịch ứ lại phía sau và đi vào buồng dịch kính sẽ đẩy màn mống mắt và thể thủy tinh ra trước làm cho tiền phòng nông ở trung tâm và ngoại vi, thậm chí mất tiền phòng, góc tiền phòng sẽ đóng và dính, nhãn áp lại càng tăng cao.

2. Xử trí

– Mắt đã mổ lỗ rò: tra atropin 4%, thậm chí 10% để làm hệt thể mi làm cho khoảng cách giũa xích đạo thể thủy tinh và thể mi rộng ra, dây chằng Zinn căng ra, thể thủy tinh dẹt lại và lùi ra sau, tránh áp sát vào mống mắt, giải phóng hiện tượng nghẽn đồng tử và tiền phòng sẽ được tái tạo.

– Đốt thể mi bằng laser qua lỗ cắt mống mắt để làm giảm diện tiếp xúc giữa thể mi với xích đạo của thể thủy tinh.

– Chọc hút dịch kính, tái tạo tiền phòng, tiếp tục tra atropin.

– Lấy thể thủy tinh nếu các phương pháp trên không kết quả, nếu cần có thể phải lấy thể thủy tinh kết hợp cắt bè củng mạc.

– Trên mắt không có thể thủy tinh: cắt dịch kính kết hợp tái tạo tiền phòng.

 

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây