Trang chủSổ tay nội khoaCác Rối Loạn Thị Giác Hay Gặp

Các Rối Loạn Thị Giác Hay Gặp

BỆNH NHÂN TIẾP CẬN Các Rối Loạn Thị Giác

Hỏi tiền sử và khám lâm sàng sẽ giúp chẩn đoán chính xác hầu hết các bệnh về mắt mà không cần xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh.

Đánh giá cần thiết trên lâm sàng bao gồm đo thị lực, phản xạ đồng tử, sự vận động của mắt, tổ chức liên kết hốc mắt, thị trường, và đo nhãn áp.

Kiểm tra mi mắt, kết mạc, giác mạc, tiền phòng, mống mắt và thể thủy tinh bằng đèn khe. Quan sát đáy mắt bằng kính soi đáy mắt. Mất thị lực đột ngột hoặc nhìn đôi ở những trường hợp mắt không bị đau và không bị viêm thường là các rối loạn thị giác hoặc thần kinh nghiêm trọng và nên được theo dõi chặt chẽ. Ngược lại, khi mắt bị đỏ, thậm chí là đau, thì ít nghiêm trọng hơn miễn là thị lực bình thường.

CÁC RỐI LOẠN ĐẶC BIỆT

Đỏ Mắt Hoặc Đau Mắt

Các nguyên nhân hay gặp được liệt kê ở Bảng 63-1.

Chấn Thương Nhẹ

Chấn thương có thể gây ra trầy xước giác mạc, xuất huyết dưới kết mạc, hoặc dị vật. Tính toàn vẹn của biểu mô giác mạc được đánh giá bằng cách nhỏ fluorescein vào mắt và kiểm tra bằng đèn khe ( sử dụng ánh sáng xanh coban) hoặc màu xanh penlight. Dị vật ở các cùng đồ kết mạc được tìm cẩn thận bằng cách kéo mi mắt dưới xuống và lật mi mắt trên.

ĐIỀU TRỊ Chấn Thương Nhẹ

  • Bị bắn hóa chất và có dị vật được điều trị bằng cách rửa nước muối liên tục.
  • Dị vật có thể được lấy ra bằng đầu bông ẩm sau khi gây tê tại chỗ.
  • Trầy xước giác mạc có thể cần dùng kháng sinh tại chỗ, thuốc giãn đồng tử (1% cyclopentolate), và băng mắt lại.

BẢNG 63-1 CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY ĐỎ MẮT HOẶC ĐAU MẮT
Chấn thương do vật tù hoặc sắc nhọn
Tiếp xúc hóa chất
Trầy xước giác mạc
Dị vật
Kính áp tròng ( dùng quá lâu hoặc nhiễm trùng)
Phơi nhiễm giác mạc (liệt dây 5, 7, tật lộn mi)
Xuất huyết dưới kết mạc
Viêm mi mắt
Viêm kết mạc ( nhiễm trùng hoặc dị ứng)
Loét giác mạc
Viêm kết mạc Herpes
Zona mắt
Khô kết và giác mạc mắt ( chứng khô mắt)
Viêm túi lệ
Viêm thượng củng mạc
Viêm củng mạc
Viêm màng bồ đào trước (viêm mống mắt hoặc viêm mống mắt – thể mi)
Viêm nội nhãn
Glocom cấp góc đóng
Do thuốc
Mộng mỡ
Mộng thịt
Lồi mắt (khối sau nhãn cầu, viêm tổ chức hốc mắt, bệnh mắt Grave, u giả
viêm hốc mắt, dò ĐM cảnh – xoang hang)


Nhiễm Trùng

Nhiễm trùng mi mắt và kết mạc (viêm kết mạc mi) làm cho mắt đỏ và rát nhưng không làm mất thị lực hoặc đau. Adenovirus là virus phổ biến nhất gây ra “bệnh đau mắt đỏ.” Nó tạo ra một lớp mỏng, tiết nhiều nước, trong khi nhiễm vi khuẩn lại tiết nhiều nhầy mủ hơn. Khi kiểm tra bằng đèn khe thì nên xác định giác mạc không bị ảnh hưởng, bằng cách quan sát thấy giác mạc vẫn trong và bóng. Nhiễm trùng giác mạc (viêm giác mạc) nghiêm trọng hơn viêm kết mạc mi vì nó có thể gây ra sẹo, thủng và mất thị lực vĩnh viễn. Trên thế giới, hai nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa do viêm giác mạc là bệnh đau mắt hột do nhiễm khuẩn chlamydia và thiếu vitamin A do suy dinh dưỡng; ở Hoa Kỳ, kính áp tròng cũng đóng vai trò quan trọng. Tổn thương hình cành cây trong nhuộm fluorescein giác mạc là đặc trưng cho viêm giác mạc do herpes simplex, nhưng chỉ thấy ở một số ít các trường hợp.

ĐIỀU TRỊ Nhiễm Trùng

Viêm kết mạc mi: Rửa tay đúng cách và dùng kháng sinh phổ rộng tại chỗ (sulfacetamide 10%, polymyxin-bacitracin-neomycin, hoặc trimethoprimpolymyxin).

Viêm giác mạc đòi hỏi điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm (thường bôi ngoài và dưới kết mạc) trong khi chờ kết quả cấy vi khuẩn từ mảnh cạo giác mạc.

Viêm giác mạc do Herpes được điều trị bằng thuốc bôi kháng virus, cycloplegics, và uống acyclovir.

Viêm Mắt

Viêm mắt, mà không có nhiễm trùng, có thể gây viêm thượng củng mạc, viêm củng mạc, hoặc viêm màng bồ đào (viêm mống mắt hoặc viêm mống mắt – thể mi). Hầu hết các trường hợp là tự phát, nhưng một số thì xảy ra cùng bệnh tự miễn. Không sinh miễn dịch. Một vòng cương tụ quanh rìa giác mạc xuất hiện do cương tụ các mạch máu kết mạc và thượng củng mạc sâu. Điểm mấu chốt trong chẩn đoán viêm màng bồ đào bằng đèn khe là quan sát các tế bào viêm trong dịch tiền phòng hoặc chất lắng đọng trên nội mô giác mạc ( kết tủa keratic ).

ĐIỀU TRỊ Viêm Mắt

Các thuốc giãn đồng tử (để giảm đau và ngăn ngừa sự hình thành của synechiae), NSAIDs, và glucocorticoid tại chỗ. (Chú ý: điều trị glucocorticoids kéo dài ở mắt có thể gây đục thủy tinh thể và glocom.)

Glocom Cấp Góc Đóng

Đây là một nguyên nhân hiếm gặp nhưng thường bị chẩn đoán sai nguyên nhân gây đỏ, đau mắt. Nguyên nhân do khi tiền phòng nông, dòng thủy dịch chảy qua góc tiền phòng bị chặn lại bởi mống mắt ngoại vi. Nhãn áp tăng đột ngột gây đau mắt, cương tụ, phù giác mạc, màng che trước mắt, đau đầu, buồn nôn và nhìn mờ. Các bước chẩn đoán quan trọng là đánh giá nhãn áp trong suốt cơn xảy ra.

ĐIỀU TRỊ Glocom Cấp Góc Đóng

Điều trị cơn cấp bằng nhỏ thuốc co đồng tử là pilocarpine và thuốc hạ nhãn áp là acetazolamide (uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch), thuốc chẹn beta dùng tại chỗ, tương tự prostaglandin, và các chất chủ vận α2-adrenergic .

Nếu các phương pháp trên thất bại, thì có thể điều trị bằng laser bằng cách tạo lỗ ở mống mắt ngoại vi để giảm khối nhú.

Mất Thị Lực Từ Từ

Các nguyên nhân hay gặp nhất được liệt kê ở Bảng 63-2.

Đục Thủy Tinh Thể

Khi thể thủy tinh đục đến một mức độ sẽ làm giảm thị lực, chủ yếu do tuổi già. Sự hình thành đục thủy tinh thể xảy ra nhanh hơn ở những trường hợp có tiền sử bệnh lý về mắt như chấn thương, viêm màng bồ đào, hoặc đái tháo đường. Bức xạ và điều trị bằng glucocorticoid có thể gây đục thủy tinh thể là một tác dụng phụ.

Nó được điều trị bằng cách phẫu thuật lấy thủy tinh thể ra và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo nội nhãn.

BẢNG 63-2 NGUYÊN NHÂN MẤT THỊ LỰC TỪ TỪ, TĂNG DẦN
Đục thủy tinh thể
Glocom
Thoái hóa điểm vàng
Bệnh võng mạc đái tháo đường
Khối u thần kinh thị giác hoặc giao thoa thị giác
Khối u nội nhãn
Viêm võng mạc sắc tố
Màng tăng sinh trước võng mạc
Bệnh lỗ hoàng điểm


Glocom

Bệnh lý thần kinh thị giác âm ỉ dẫn đến mất thị lực từ từ, thường kết hợp với nhãn áp cao. Glocom góc đóng chỉ ở một số ít các trường hợp; hầu hết các trường hợp đều là glocom góc mở và không xác định được nguyên nhân gây nhãn áp cao. Để chẩn đoán bệnh cần ghi ám điểm hình vòng cung (theo bó sợi thần kinh) khi kiểm tra thị trường, quan sát “ độ lõm ” của đĩa thị giác (Hình. 63-1), và đo nhãn áp.

Glôcôm gây lõm đĩa thị giác

HÌNH 63-1 Glôcôm gây lõm đĩa thị giác cũng như phá hủy viền thần kinh thị bao quanh và lõm trung tâm rộng và lõm xuống. Tỉ lệ lõm/đĩa khoảng 0.7/1.0 ở trường hợp này.

Thoái hóa điểm vàng

HÌNH 63-2 Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi bắt đầu với lắng đọng drusen trong điểm vàng. Chúng như các chất màu vàng rải rác ở dưới võng mạc.

ĐIỀU TRỊ Glôcôm

Thuốc chủ vận adrenergic tại chỗ, thuốc chủ vận cholinergic, thuốc chẹn beta, tương tự prostaglandin, và thuốc ức chế carbonic anhydrase đường uống (để hạ nhãn áp) dùng để điều trị.

Laser vùng bè củng giác mạc ở góc tiền phòng làm tăng lưu thông thủy dịch.

Nếu điều trị thuốc hoặc bằng laser thất bại thì phải thay thế bằng phẫu thuật đặt bộ lọc hoặc đặt van (mở bè).

Thoái Hóa Điểm Vàng

Bao gồm cả hai thể “khô” và “ướt”. Ở thể khô, những khối chất ngoại bào, gọi là drusen, lắng đọng dưới biểu mô sắc tố võng mạc (Hình. 63-2). Khi chúng tích lũy lại, thị lực bị mất đi từ từ. Ở thể ướt, có sự tăng sinh tân mạch dưới biểu mô sắc tố võng mạc. Chảy máu từ những tân mạch này có thể gây ra mất thị lực trung tâm đột ngột ở người già, mặc dù nhìn mờ dần dần thường hay xảy ra hơn. Kiểm tra điểm vàng để phát hiện drusen và xuất huyết dưới võng mạc.

ĐIỀU TRỊ Thoái Hóa Điểm Vàng

Dùng vitamins C và E, beta carotene,và kẽm có thể làm chậm tiến triển thoái hóa điểm vàng thể khô.

Thoái hóa điểm vàng thể ướt có thể điều trị bằng thuốc kháng yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu tiêm trực tiếp vào dịch kính vào hàng tháng.

Bệnh Võng Mạc Đái Tháo Đường

Là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Hoa Kì. Bệnh xuất hiện ở hầu hết các trường hợp sau nhiều năm bị đái tháo đường. Bệnh cảnh lâm sàng của bệnh võng mạc đái tháo đường bao gồm xuất huyết trong võng mạc, xuất tiết, nhồi máu thần kinh lớp sợi (nốt dạng bông), và phù hoàng điểm. Đặc trưng của bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh là các tân mạch phát triển trên bề mặt võng mạc, gây mù lòa do xuất huyết dịch kính, bong võng mạc và glocom (Hình. 63-3).Bệnh võng mạc đái tháo đường

HÌNH 63-3 Bệnh võng mạc đái tháo đường dẫn đến xuất huyết rải rác, chất tiết vàng, và tân mạch võng mạc. Trường hợp này có các tân mạch phát triển từ đĩa thị, cần phải laser quang đông toàn bộ võng mạc cấp cứu.

ĐIỀU TRỊ Bệnh Võng Mạc Đái Tháo Đường

Tất cả các bệnh nhân tiểu đường nên được kiểm tra thường xuyên bởi bác sĩ nhãn khoa để được theo dõi bệnh võng mạc đái tháo đường.

Tân mạch võng mạc được điều trị bằng laser quang đông toàn bộ võng mạc để ngăn ngừa biến chứng.

Khối U

U thần kinh thị hoặc u giao thoa thị giác tương đối hiếm, nhưng thường không phát hiện ra vì chúng gây mất thị lực từ từ và ít khi tìm ra khi khám lâm sàng, ngoại trừ có mờ đĩa thị. U tuyến yên là bệnh hay gặp nhất. Nó làm mất thị lực một mắt hoặc hai bên thái dương. Ung thư tế bào hắc tố melanoma là khối u nguyên phát hay gặp nhất của chính mắt đó.

ĐIỀU TRỊ Khối U

U tuyến yên lớn gây chèn ép giao thoa thị giác được phẫu thuật loại bỏ qua xương bướm.

Ở một số trường hợp, các khối u nhỏ được theo dõi hoặc kiểm soát bằng thuốc (VD., thuốc bromocriptine cho u tiết prolactin).

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây