Tên khác: bệnh nấm torula, bệnh nấm Blastomyces châu Âu, bệnh Busse và Buschke.
Căn nguyên: tác nhân gây bệnh là nấm men cơ hội, có tên khoa học là Cryptococcus neoformans (hoặc Torula histolytica hoặc Filobasidiella neoformans). Nấm cấu tạo bởi những tế bào tròn, nhỏ, có vỏ keo bao bọc. Bệnh xảy ra lẻ tẻ trên toàn thế giới ở các động vật như: mèo, chó, ngựa, khỉ, V..V… Tác nhân gây bệnh nằm trong đất, đặc biệt trong phân của chim bồ câu. Nấm truyền sang người là do hít phải những bào tử. Tình trạng suy giảm miễn dịch (bệnh máu ác tính, điều trị bằng corticoid kéo dài, bệnh AIDS) tạo thuận lợi cho bệnh phát triển (do đó gọi là bệnh nấm cơ hội)
Giải phẫu bệnh: tìm thấy trong não hoặc trong phổi những nang keo (gelatin) chứa nấm. Đôi khi thấy tổn thương viêm màng não mềm mạn tính.
Triệu chứng
THỂ PHỔI: diễn biến nhẹ nhàng bởi một hội chứng giả cúm với triệu chứng ho và trên phim X quang thấy những hình hạt kê và dấu hiệu sưng hạch bạch huyết trung thất.
THỂ THẦN KINH: bệnh cảnh là biểu hiện của viêm màng não bán cấp (tương tự như bệnh cảnh lao màng não), với các triệu chứng nhức đầu, cứng gáy, dễ bị kích thích, buồn nôn, bệnh nhân thường ở trong tình trạng mê sảng với những triệu chứng thần kinh. Soi đáy mắt hay thấy phù gai thị và viêm võng mạc; bệnh nhân chỉ sốt nhẹ. Dịch não tuỷ chứa từ 200-800 tế bào trong một microlit, nhiều nhất là bạch cầu đơn nhân. Nếu không được điều trị thì bệnh sẽ trở thành nguy kịch.
THÊ DA: có đặc điểm là xuất hiện các vết sẩn và nhiều vết loét u hạt. Thể dưới da biểu hiện bởi những cục có vẻ của u nhày và những khối giả u.
THỂ TOÀN THÂN: là nhiễm khuẩn huyết rất nặng, lan tràn tới các nội tạng.
Ở bệnh nhân AIDS, bệnh nấm Cryptococcus rất đa dạng: nấm tấn công vào hệ thần kinh một cách kín đáo (nhức đầu, trầm cảm), gây ra viêm màng não cấp tính, hoặc gây ra thể toàn thân diễn biến cực nhanh. Bệnh hay tái phát sau khi được điều trị bằng amphotericin B.
Xét nghiệm cận lâm sàng
Xét nghiệm trực tiếp: chẩn đoán được xác định nếu phát hiện thấy nấm men có vỏ bọc ở trong những bệnh phẩm: dịch não tuỷ, dịch rửa phế quản phế nang, mủ, dịch xuất tiết và nước tiểu (30%) của bệnh nhân. Nếu cho thêm vào cặn ly tâm một giọt mực tầu thì sẽ nhìn thấy rõ hơn vỏ của hạt nấm.
Cấy bệnh phẩm: trong môi trường Sabouraud ở 37°c.
Phát hiện kháng nguyên của vỏ nấm trong máu và trong dịch não tuỷ bằng test với latex hoặc kỹ thuật điện di miễn dịch khuếch tán (chống-miễn dịch- điện di).
Điều trị
Amphotericin B truyền tĩnh mạch (0,25-1 mg/kg cân nặng cơ thể mỗi ngày) tuỳ tình hình có thể phối hợp với Aucỵtosin (37,5 mg/kg cân nặng cơ thể, uống cách nhau 6 giờ một lần) hoặc fluconazol uống (400-800 mg mỗi ngày) trong 8-12 tuần. Fluconazol được dùng trong điều trị ức chế mạn tính với liều 200 mg uống hàng ngày, đặc biệt cho bệnh nhân bị bệnh AIDS.